Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Xây hầm qua sông Hàn: Ai được hưởng lợi?; Cựu Chủ tịch Đà Nẵng: 'Không làm cầu được mới nghĩ đến làm hầm'; Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cương quyết chui hầm

Người Quan Sát  - Chúng tôi đã chuẩn bị dự án chui này rất kỹ và sẽ chịu trách nhiệm với quyết định chui này. Chúng tôi rất ư là cầu thị, lắng nghe nhưng không thèm chạy theo ý kiến của dư luận. Phải chui thôi! 

Đó là đại khái nội dung tuyên bố của ông quan lớn Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, quý tử của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, người đã bị các đồng chí trong đảng cho chết nhưng vẫn nhất định rằng "tau có chi mô".

Dự án chui này là một cái hầm vượt sông Hàn nhằm để giải quyết tình trạng 2 chiếc cầu Thuận Phước và Sông Hàn đã bó tay chấm còm với nạn ách tắc giao thông.

Trả lời báo chí, cậu ấm bí thư Nguyễn Xuân Anh trong cái thể chế "dân chủ đến thế là cùng" cũng đã tuyên bố: “...Có rất nhiều ý kiến đóng góp làm hay không làm, cầu hay hầm. Chúng tôi không nghe theo bên nào mà phải tự đưa ra quyết định cuối cùng”.

Và đồng chí quan lớn này phán: “Hãy cho chúng tôi thẩm quyền được quyết định”.

Thật tình chứ quyền quyết định thì toàn bộ dân cư Đà Nẵng có bao giờ được hân hạnh cho hay không cho! Đây là độc quyền của đảng. Đưa "ai" ra cai trị dân là đảng. Sau đó, "ai" xây gì, phá gì, ăn gì cũng là đảng quyết. Nguyễn Xuân Anh xin có thẩm quyền là xin cái đám lãnh đạo Ba Đình chứ có phải xin xỏ gì ở đám dân đen.

Tuy vậy nhưng ông Bí thư này cũng không chịu thua đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng về cái màn dân chủ đến thế là cùng bằng những lời phát biểu mị dân của ông ta như sau:

"Sự quyết định cao nhất là người dân chứ không phải một cá nhân nào cả. Việc làm hầm chính là nhân văn, là vì dân, để khi mưa gió người dân không phải vất vả qua cầu. Tất cả các phương án làm cầu hay hầm đều được ban Thường vụ Thành uỷ bàn rất kỹ, dân chủ. Không có chuyện lãnh đạo thành phố chỉ khăng khăng, nhất quyết làm hầm như một số cơ quan báo chí phản ánh".

Vừa tuyên bố sẽ không nghe ai, sẽ tự đưa quyết định rồi lại nói quyết định cao nhất là người dân. Thế là thế nào!? Hơn nữa, "quy trình" để lấy nào được dùng để lấy quyết định của người dân? Và còn cái giọng điệu "mưa gió người dân không phải vất vả qua cầu"! Phải chăng xây cầu, xây hầm bắt ngang sông là dành cho người đi bộ!? Và những cây cầu hiện tại người dân phải mưa gió vất vả qua cầu là đồ bỏ!?

Được biết dự án chui hầm này đã bị phản đối bởi 2 cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, được thông tin trên Facebook. Khi hỏi là có biết chuyện này không thì Nguyễn Xuân Anh thú nhận rằng ông ta không dùng FB.

Trước những dư luận trái chiều về việc chui hầm vì tốn kém nhiều trong chi phí xây dựng, bảo quản và duy trì hoạt động, ông Nguyễn Xuân Anh đã "bày tỏ tình yêu" đối với Đà Nẵng rằng: "không ai yêu Đà Nẵng hơn tôi đâu. Tôi sinh ra, lớn lên nơi đây; quê cha đất tổ là đây, gắn bó máu thịt thì làm sao mà không yêu quê hương được. Tình yêu quê hương chính là tìm mọi cách để phát triển TP ngày càng vững bước đi lên chứ sao nói là kìm hãm đi xuống được".

Cho nên phải để cho ông Bí thư yêu Đà Nẵng nhất được quyền quyết định và thực hiện bằng được ý chí chui hầm.

23.12.2016

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng: 'Không làm cầu được mới nghĩ đến làm hầm'

Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng thành phố không nên dành hơn 4.000 tỷ đồng xây cầu vượt sông Hàn ở thời điểm hiện tại, vì nguồn kinh phí chưa xác định rõ, các cầu khác chưa phát huy hết công suất. 

- Từng đứng đầu chính quyền Đà Nẵng, ông đánh giá thế nào về chủ trương làm hầm vượt sông Hàn của Thành ủy?
cuu-chu-tich-da-nang-khong-lam-cau-duoc-moi-nghi-den-lam-ham
Ông Trần Văn Minh.
Theo tôi biết đến nay Ban Thường vụ Thành ủy chưa nghe UBND TP Đà Nẵng báo cáo kết quả cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc công trình vượt sông Hàn nên chưa đưa ra quyết định xây hầm hay làm cầu.
Trước đó ngày 2/9, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội đồng chấm cuộc thi phương án thiết kế đầu tư xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn. Theo Hội đồng giám khảo, không có phương án nào hoàn hảo cho hầm chui hay cầu vượt. Phương án hầm chui có miệng hầm quá dốc và cong, không đảm bảo an toàn giao thông nên không được chọn. Thành phố đã thông báo không có phương án nào đoạt giải.  
Sáng 21/12, trong buổi họp báo cuối năm 2016, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho biết sắp đến sẽ họp Ban Thường vụ Thành ủy để bàn thêm. Đến bây giờ phương án hầm chui chữ Z, phương án cầu, Hội đồng giám khảo cuộc thi đã quyết định không chọn rồi. Còn phương án nào nữa thì phải chờ kết quả cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy.
- Từng là giảng viên Đại học Bách khoa TP HCM, xét theo góc độ khoa học, làm hầm có ưu điểm gì so với làm cầu?
- Đến bây giờ đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và bản thân tôi cũng không đồng tình về phương án làm hầm chui chạy dích dắc chữ Z vì quá tốn kém, không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật như đã nêu trên. Còn phương án hầm chui nào nữa thì chưa biết.
Về góc độ khoa học thì khi nào không làm cống được thì mới nghĩ đến cầu, không làm cầu được mới nghĩ đến hầm. Trên thế giới cũng đã có những cây cầu nổi tiếng với kiến trúc rất đẹp và tổ chức tốt cuộc trình diễn pháo hoa ngoạn mục tạo điểm nhấn, thu hút rất nhiều khách du lịch.
cuu-chu-tich-da-nang-khong-lam-cau-duoc-moi-nghi-den-lam-ham-1
Vị trí Thành ủy Đà Nẵng thống nhất chủ trương làm hầm vượt sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông.
- Theo ông, việc đầu tư làm hầm trên 4.000 tỷ đồng sẽ tác động thế nào tới việc giảm tắc nghẽn tại nhiều tuyến đường trung tâm ở thành phố?
- Trong kỹ thuật, khi tính toán thiết kế một công trình nếu nghiêng về an toàn quá thì sẽ tốn kém kinh phí, nếu kinh phí ít sẽ gây nguy hiểm cho công trình, do vậy nhà nước mới đưa ra một hệ số an toàn trong quy phạm xây dựng mà bất kỳ kỹ sư nào cũng phải áp dụng.
Trong quy hoạch, trong xây dựng khi tạo ra nhiều đường thì sẽ giảm ùn tắc giao thông, song quan trọng ở người quản lý là bắt đúng mạch, làm cái nào trước, cái nào sau. Trong kỹ thuật gọi là tính cấp thiết của công trình, trong xã hội gọi là tính bức xúc của người dân.
Theo tôi làm hầm vào lúc này với kinh phí trên 4.000 tỷ đồng là không ổn, nguồn kinh phí chưa xác định rõ, các cầu khác chưa phát huy hết công suất, trong khi đó phạm vi của thành phố Đà Nẵng nhỏ, khoảng cách các đường trục không lớn, các ngã tư chia cắt nhiều, bãi đậu xe chưa có...
Thành phố phải tính bài toán giao thông căn cơ hơn, khoa học hơn để điều phối phương tiện trên các tuyến đường, tạo dần thói quen của người dân đi qua các tuyến đường mới. 
- Ông đánh giá thế nào về ý kiến chuyên gia nên nâng cấp cầu Thuận Phước, mở rộng cầu quay sông Hàn thay vì làm hầm, trong khi lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng mở rộng cầu quay sẽ đưa thêm phương tiện về khu vực trung tâm?
- Tôi cũng chưa nghĩ đến nâng cấp cầu Thuận Phước trong lúc này. Mở rộng cầu quay sông Hàn hoặc làm cầu song hành với cầu sông Hàn là hợp lý. Trên thế giới cũng như trong nước bao giờ người ta cũng muốn đi vào trung tâm cả. Vào ra là nhu cầu của người dân, anh cấm đi con đường này thị họ cũng tìm cách đi vào trung tâm thôi, cho nên mới sinh ra những hồ trung tâm, quảng trường trung tâm kết nối các nút giao thông, công viên cây xanh, không gian kiến trúc, bãi đậu xe, chỗ đậu đỗ, tuyến phố đi bộ.
cuu-chu-tich-da-nang-khong-lam-cau-duoc-moi-nghi-den-lam-ham-2
Ông Minh đồng tình với nhiều chuyên gia về việc mở rộng cầu quay sông Hàn. Ảnh:Nguyễn Đông.
Cầu sông Hàn trước đây chọn phương án quay vì còn cảng Sông Thu, bây giờ không còn nữa rồi, có nhất thiết phải quay nữa không? Đúng là làm mới thì dễ, sửa chữa nâng cấp mệt lắm, ít ai muốn nhưng nếu thành phố cứ tổ chức thi nâng cấp cầu sông Hàn chắc sẽ có nhiều phương án hay.
- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khẳng định với báo giới rằng, không chạy theo dư luận và sẽ chịu trách nhiệm với quyết định làm hầm vượt sông Hàn. Ông bình luận gì về điều này?
- Trong lãnh đạo không chạy theo dư luận là đúng rồi, trong khoa học lại càng không chạy theo dư luận, nhưng trong công nghệ thì yếu tố nhu cầu của con người rất quan trọng. Trong kinh tế mà không xét đến yếu tố con người cũng không được. 
Trong xã hội mỗi người lãnh đạo có cá tính riêng, không thể lấy cá tính của người này áp cho người kia được. Vấn đề dư luận là những ai? Ý kiến nêu có khách quan không? Có khoa học không? Có phù hợp với lúc này không?
Theo tôi việc lớn như thế này thì càng phải cẩn trọng nhiều mặt hơn nữa.
Giữa tháng 6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe UBND thành phố báo cáo phương án do Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất xây dựng hầm chui qua sông Hàn với tổng chiều dài 1.315 m (trong đó đoạn hầm chìm dài 900 m), quy mô 6 làn xe cơ giới. Hầm nối tại điểm giao đường Đống Đa, Trần Phú, bờ Tây sông Hàn chạy theo hình chữ Z qua kết nối với đường Vân Đồn, Sơn Trà.
Nhận thấy đây là công trình lớn, có nhiều ý kiến không đồng tình của các nhà khoa học, chuyên gia, hội nghề nghiệp nên ngày 24/6/2016 Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản số 91 giao cho Ban cán sự Đảng UBND chỉ đạo UBND thành phố tổ chức thi tuyển quốc tế phương án đầu tư công trình vượt sông Hàn, báo cáo Thường vụ trong quý III/2016.
Sau thời gian kêu gọi, có 7 phương án dự thi, trong đó chỉ có một phương án đề nghị xây hầm, 6 phương án đề nghị xây cầu. Phương án xây hầm chui vẫn do Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất, nhưng đợt này có thêm liên danh với Công ty Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản). Liên danh này kiến nghị xây hầm chui qua sông dài 1.300 m, khác với báo cáo phương án lần 1 có thêm nút giao thông khác mức và đường gom vào hầm ở phía bờ Tây. Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm.
Nguyễn Đông thực hiện

Xây hầm qua sông Hàn: Ai được hưởng lợi?


LĐ - 301 THANH HẢ

Dân cư bờ đông sông Hàn (Đà Nẵng) - vị trí dự kiến xây hầm còn thưa thớt, nhưng dự án bất động sản, cao ốc kinh doanh lại dày đặc.Ảnh: THANH HẢI
Lãnh đạo Thành uỷ và UBND TP.Đà Nẵng đều khẳng định quyết tâm xây hầm vượt sông Hàn tại cuộc họp báo sáng 21.12 đã khiến “làn sóng” phản đối dự án này xôn xao trở lại. Ngoài những viện dẫn để chỉ rõ sự bất hợp lý, không khả thi cả phương án kỹ thuật lẫn luận chứng kinh tế, nhiều ý kiến còn phản biện rằng dự án xây dựng công trình vượt sông Hàn là phá vỡ quy hoạch của thành phố và chưa cần thiết trong bối cảnh hiện nay…
Chưa khai thác hết công suất cầu
Tại cuộc họp báo cuối năm 2016 do Bí thư và Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chủ trì hôm 21.12, Bí thư Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết định chọn phương án làm hầm qua sông Hàn. Chúng tôi không đứng trên dư luận, nhưng không chạy theo dư luận. Hãy cho chúng tôi quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình”. Ông Xuân Anh nhấn mạnh, lãnh đạo Đà Nẵng đương nhiệm không có lợi ích riêng khi quyết định xây dựng hầm qua sông Hàn!
Không ai bác bỏ những tuyên bố đó của lãnh đạo Đà Nẵng, nhưng giới chuyên môn và người dân cần biết, vậy ai sẽ là người hưởng lợi khi xây dựng hầm qua sông Hàn ở thời điểm hiện nay? KTS Hồ Duy Diệm - chuyên gia quy hoạch tại Đà Nẵng - phân tích: Với hầm Thủ Thiêm (TPHCM) chui qua sông để kết nối một trung tâm đô thị mới của Sài Gòn. Tương lai, tuyến hầm - đường này nối với hệ thống giao thông đến sân bay Long Thành, Đồng Nai, ra Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết… nối vùng kinh tế rộng lớn hàng chục triệu dân. Trong khi hầm qua sông Hàn chỉ phục vụ không quá bán kính 5km.
Tương tự, trên 20km sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc), chỉ có 15 cây cầu để phục vụ lưu thông 15 triệu dân. Hay chỉ 10 cây cầu và vài hầm qua sông Hoàng Phố để phục vụ 10 triệu dân TP.Thượng Hải. Nghĩa là trung bình mỗi cây cầu đó đã đáp ứng lưu thông 1 triệu dân. Trong khi Đà Nẵng chỉ khoảng 800.000 dân nội đô (ven 15km bờ sông Hàn) đã có 10 cây cầu. Mỗi cầu ở Đà Nẵng hiện mới chỉ gánh 100.000 dân.
Vậy rõ ràng xây hầm không phải cho dân Đà Nẵng”. Khi làm cầu Thuận Phước, cảng sông Hàn, cảng sông Thu chưa di dời, nên phải chừa khoảng thông thuyền 27,5m, dẫn đến không thể lưu thông vận tải, không an toàn cho cả giao thông dân sinh. Nếu chậm 2 năm, khi các cảng trên sông Hàn di dời thì kết cấu cầu Thuận Phước đã khác, và bây giờ không cần tính xây thêm cầu. Ngoài ra các cầu qua sông Hàn như Tuyên Sơn, Trần Thị Lý, cầu Rồng hiện vẫn thông thoáng.
Xây hầm qua sông Hàn: Ai được hưởng lợi? ảnh 1
Dân cư bờ đông sông Hàn (Đà Nẵng) - vị trí dự kiến xây hầm còn thưa thớt, nhưng dự án bất động sản, cao ốc kinh doanh lại dày đặc.Ảnh: THANH HẢI
Hạn chế xây cao ốc sẽ không cần thêm cầu
Theo chuyên gia quy hoạch đô thị Hồ Duy Diệm, năm 1976, Đà Nẵng có 350.000 dân và diện tích chỉ 5.000ha. Phải đến 40 năm sau - 2016, dân số mới xấp xỉ 1 triệu người, nhưng bù lại diện tích đô thị đã tăng lên gấp 5 lần, với 25.000ha. Vậy nếu bảo 20 năm tới, dân số sẽ tăng 2-3 triệu dân như lời Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ là không có cơ sở. Bởi, Đà Nẵng đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chọn du lịch làm ngành mũi nhọn, TP không có các khu công nghiệp, lượng công nhân chưa tới 100.000 người, ít hơn so với ngay Quảng Nam. Dù TP có sự hấp dẫn hơn 20 năm qua cũng không thể tăng dân số cơ học đến đột ngột như vậy.
Ông Diệm phân tích thêm: “Tôi không nói thêm về những điểm bất khả thi về phương án kỹ thuật khi làm hầm chui qua sông Hàn, nhưng cũng cần cảnh báo sớm rằng, làm hầm ở gần cửa biển sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi sự thay đổi của thiên tai. Nhất là khi Đà Nẵng đã có dự án lấn biển ở khu Đa Phước - vốn là vùng tiêu sóng, gió từ biển vào cửa vịnh này. Bão tố sẽ “tìm đường” dội ngược vào cửa sông Hàn thì hầm đường không ổn. Bài học sạt lở ở Cửa Đại, Hội An đang diễn ra. Việc xây dựng trung tâm hành chính, thu hút cả chục ngàn người vào khu vực trung tâm, gây tắc đường hiện đã bộc lộ bất cập. Thế nhưng, lãnh đạo TP vẫn tiếp tục cấp phép xây dựng cao ốc, nhà chung cư, khách sạn dày đặc như hiện nay thì có xây hầm cũng không giải quyết được ách tắc cục bộ.
Hiện 10 cây cầu qua sông Hàn đã chưa khai thác hợp lý, chưa hết công suất thì xây thêm hầm để chỉ phục vụ hơn 200.000 dân ở 2 phường (Thọ Quang và Mân Thái) bên bờ đông là dư thừa. Chưa kể ngư dân 2 phường biển này ít có nhu cầu qua trung tâm TP hằng ngày. Lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định không có lợi ích riêng, dân Đà Nẵng cũng chưa thấy hưởng lợi nhiều khi xây hầm. Vậy, phải chăng có lợi ích của các nhà đầu tư, các dự án bất động sản, cao ốc ở đoạn này, cả hai bờ sông Hàn?
Một số lãnh đạo tiền nhiệm ở TP.Đà Nẵng cũng lo ngại, hiện ngân sách địa phương khó khăn, nhiều vấn đề dân sinh cần thiết hơn. Chưa kể nợ xây dựng cơ bản, trong đó có cầu Rồng, Trần Thị Lý hiện chưa trả hết. Phương án tài chính để xây hầm chưa rõ ràng. Vì vậy, gấp gáp làm hầm qua sông Hàn hiện nay là biểu hiện bất thường.


[QC] Đăng tin tuyển dụng, tìm việc làm nhanh, uy tín tại trang Việc Làm Báo Lao Động.

Không có nhận xét nào: