Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Thủ tướng nêu chín tồn tại năm 2016; Tổng Bí thư yêu cầu đẩy nhanh xét xử vụ Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh; GDP tăng 6,21%, thu nhập bình quân 2.215 USD/người

28/12/2016 09:30 GMT+

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nói ngắn gọn, không cần nêu thành tích mà phân tích sâu các tồn tại, vướng mắc, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh thành.
Thủ tướng nêu chín tồn tại năm 2016
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: L.K
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố đang diễn ra sáng nay (28-12), khi thông báo những kết quả rất đáng mừng của năm 2016 như lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (cao nhất từ trước đến nay), niềm tin thị trường, niềm tin xã hội tăng lên mạnh mẽ, người đứng đầu Chính phủ cũng đồng thời đề cập đến những tồn tại, hạn chế.
Nêu “sơ bộ 9 tồn tại”, Thủ tướng nói: Một là, ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh, trong đó sản lượng dầu thô giảm 13%. Hai là thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng đang diễn ra trên mọi miền Tổ quốc.
Ba là, sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung do Formosa gây ra (thiên tai, hạn hán kéo giảm 0,5% GDP, sự cố môi trường biển miền Trung kéo giảm 0,3% GDP).
Bốn là, các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn (như đã báo cáo trước Quốc hội). Năm là, các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có mấy ngân hàng bị mua lại 0 đồng.
Sáu là, xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bảy là, nhiều vụ tội phạm ghiêm trọng đặc biệt xảy ra, trong đó có những vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng.
Tám là, có sai phạm trong công tác cán bộ, điển hình là vụ Trịnh Xuân Thanh và một số vụ khác. Chín là, xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của VN giảm 4 bậc (xếp thứ 59/158).
Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành đã tập trung xây dựng thể chế, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong phòng chống thiên tai, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn… Trong vấn đề sự cố môi trường, chúng ta đã chỉ đạo quyết liệt, để người dân yên tâm một bước. Tất nhiên chúng ta còn nhiều việc phải làm nữa” - Thủ tướng nói.
Chính phủ đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả điều hành của bộ máy, quyết tâm phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, xây dựng Chính phủ liêm chính.
Bước đầu đạt hiệu quả trong chống lãng phí, từ những vấn đề như sử dụng tài sản công, xe công, lễ hội, đi công tác trong nước và nước ngoài…
Chính phủ đã triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chính đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… 
“Tôi đề nghị các đồng chí dự họp đánh giá kỹ kết quả năm 2016, phân tích giải pháp năm 2017. Để nghe được nhiều ý kiến của địa phương, đề nghị  phát biểu ngắn gọn, không cần đi sâu vào báo cáo thành tích, kết quả đạt được mà cần đề cập đến những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng;
Tăng cường phối hợp làm sao để phát huy được lợi thế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay, tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp đề ra” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị sẽ diễn ra cả ngày hôm nay và sáng ngày mai. Chính phủ sẽ thảo luận và ban hành nghị quyết triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
LÊ KIÊN

Tổng Bí thư yêu cầu đẩy nhanh xét xử vụ Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh

Dân trí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm, trước hết là vụ Hà Văn Thắm, giai đoạn II của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo…



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh: Thu Huyền).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh: Thu Huyền).
Sáng nay 28/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên họp thứ 11 để thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng, gồm: Báo cáo kết quả xử lý các vụ việc, vụ án Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc mà trọng tâm là tiến độ, kết quả xử lý các vụ án, vụ việc theo Thông báo kết luận số 11-TB/BCĐTW và Thông báo kết luận số 30-TB/BCĐTW của Thường trực Ban Chỉ đạo; Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương; Báo cáo kết quả kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; Báo cáo tình hình, kết quả sau một năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Dự thảo Báo cáo kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2016 của Ban Chỉ đạo và Dự thảo Chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo.
Theo thông báo về nội dung phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đạo biểu dương Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và lưu ý một số nội dung.
Cụ thể, trong năm 2016, với quyết tâm cao và sự chỉ đạo tập trung, sâu sát, quyết liệt, cụ thể, kịp thời, đổi mới của Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo, vừa chỉ đạo định hướng chủ trương xử lý, vừa chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền; cùng với sự nỗ lực cố gắng lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng khác, nên tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và xử lý các vụ việc nổi cộm có những chuyển biến rõ rệt.
Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, như: Vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Lê Dũng; vụ án Phạm Ngọc Ngoạn; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần điều tra lại).
Năm 2016, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm 8 vụ/121 bị cáo; xét xử phúc thẩm 6 vụ/55 bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã truy tố, xét xử sơ thẩm 3 vụ/10 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ/3 bị cáo.
Ban Chỉ đạo đã thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 14 tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn công tác đã kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án.
Đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Tài chính kiểm tra chuyên đề phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong các lĩnh vực thuế, hải quan. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra 11 nhóm kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tổ chức cán bộ phục vụ phòng chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, hải quan; yêu cầu chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với 29 cơ quan, đơn vị có liên quan.
Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương tập trung giúp Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát của Đảng có liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW, ngày 10-5-2016 triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đến nay, hầu hết các nội dung đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; 63/63 tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện; đã lựa chọn, đưa vào diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 436 vụ việc, vụ án.
Sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng với các cơ quan Nhà nước nói chung, giữa cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra nói riêng được tăng cường, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn…
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, thông báo nội dung phiên họp nêu rõ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thống nhất 7 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm, với 12 nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tập trung lực lượng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm, trước hết là vụ Hà Văn Thắm, giai đoạn II của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo… và các vụ án liên quan đến Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán, xử lý các dự án đầu tư lớn thua lỗ, kéo dài, không hoạt động được và khẩn trương điều tra khi có dấu hiệu tội phạm.
Thế Kha

GDP tăng 6,21%, thu nhập bình quân 2.215 USD/người

GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 2.215 USD/người, tăng 106 USD so với năm 2015...


GDP tăng 6,21%, thu nhập bình quân 2.215 USD/người
GDP năm 2016 không đạt chỉ tiêu đề ra của Quốc hội
BẠCH DƯƠNG
Đây là số liệu chính thức được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 ngày 28/12.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tăng 6,21% so với năm 2015, trong đó DGP quý 1 tăng 5,48%, quý 2 tăng 5,78%, quý 3 tăng 6,56%, quý 4 tăng 6,68%.

Mức tăng trưởng năm nay thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, góp 2,59 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết và sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng Tư tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gây ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất của khu vực này.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,06% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,90%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng năm nay giảm tới 4%, đã làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây.

Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn.

Ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 10%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như Bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 8,28% so với năm 2015, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,79%; hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn với mức tăng 4%; dịch vụ lưu trú và ăn uống năm nay có mức tăng trưởng khá cao 6,7%.

Quy mô nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015.

Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%; khu vực dịch vụ chiếm 40,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04%.

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm 2015, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,16 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.


  • Năm 2016, Việt Nam xuất siêu gần 2,7 tỷ USD

    Cả năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 349,2 tỷ USD...

    Năm 2016, Việt Nam xuất siêu gần 2,7 tỷ USD
    Tính chung cả năm 2016, Việt Nam dự kiến xuất siêu 2,68 tỷ USD, ngược lại với xu hướng nhập siêu lên tới 3,55 tỷ USD của năm 2015.
    HÀ ĐAN
    Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 12/2016 ước đạt 32,3 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước. 

    Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,3 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2016 ước tính thâm hụt 300 triệu USD, bằng 1,9% kim ngạch xuất khẩu.
     
    Tuy nhiên, với kết quả ước tính trên của tháng 12 thì cả năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 349,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. 

    Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu 12 tháng của năm 2016 ước đạt 175,94 tỷ USD, tăng 8,6%, và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6%.

    Tính chung cả năm 2016, Việt Nam dự kiến xuất siêu 2,68 tỷ USD, ngược lại với xu hướng nhập siêu lên tới 3,55 tỷ USD của năm 2015.

    Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu, duy nhất có mặt hàng dầu thô giảm cả về lượng và kim ngạch so với năm 2015. 

    Cụ thể, lượng xuất khẩu dầu thô trong năm 2016 ước đạt 6,96 triệu tấn, giảm 24,2% và kim ngạch ước đạt 2,35 tỷ USD, giảm 36,7% so với năm 2015.

    Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trong năm 2016 đạt 34,51 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2015. Hàng dệt may xuất khẩu trên 23,56 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2015...

    Về các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2016 ước đạt 11,47 triệu tấn, tăng 14,2% về lượng, nhưng giảm 11,7% về kim ngạch với năm 2015, khi chỉ đạt 4,71 tỷ USD… 

    Còn lại, các mặt hàng khác đều tăng về lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu. 

    Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng nhập khẩu năm 2016 ước đạt 28,09 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2015. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm 2015. 

    Sắt thép các loại nhập khẩu đạt hơn 18,4 triệu tấn, tăng 18,8% và kim ngạch là 8,02 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015...

Không có nhận xét nào: