Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Bộ Công thương dọn đường dư luận để bật đèn xanh cho các dự án luyện thép; Cần 7.000 tỷ đồng “đánh thức” mỏ sắt Thạch Khê 35 tỷ USD

Việt Nam thiếu thép thô trầm trọng

Công nhân lắp ráp các thanh thép cho các công trình xây dựng tại các vùng ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh.
Công nhân lắp ráp các thanh thép cho các công trình xây dựng tại các vùng ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh.
 AFP photo
Tổng Cục Hải quan Việt Nam hôm nay công bố báo cáo tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2016 cũng như cho tháng 12 năm nay.
Theo đó mặt hàng sắt thép nằm trong nhóm 5 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2016. Số lượng chính thức do Tổng Cục Hải quan ghi nhận được là trong cả năm nay Việt Nam nhập hơn 18 triệu tấn thép, tăng gần 19% so với năm ngoái. Kim ngạch của số thép nhập này là hơn 8 tỷ đô la, tăng hơn 7% so với năm 2015. Trong khi đó số thép xuất khẩu của Việt Nam được cho biết là 3 triệu 2 trăm ngàn tấn, trị giá 1,8 tỷ đô la Mỹ.
Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu về khối lượng thép bán sang thị trường Việt Nam, với gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với năm ngoái.
Bộ Công thương Việt Nam đưa ra dự báo đến năm 2020 trong nước vẫn thiếu hụt chừng 15 triệu tấn thép thô và đến năm 2025 số thép thô thiếu hụt lên đến 20 triệu tấn. Do đó nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng đến cán cân thương mại, sự ổn định của kinh tế vĩ mô.


Cần 7.000 tỷ đồng “đánh thức” mỏ sắt Thạch Khê 35 tỷ USD

Ông Trương Thanh Hoài cho biết cần có 7.000 tỷ đồng để tái khởi động lại dự án khai thác quặng sắt đã ngủ yên nhiều năm nay….

mỏ sắt Thạch Khê, Cần 7.000 tỷ đồng, 35 tỷ USD,
Mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là nguồn tài nguyên lớn, tuy nhiên đến nay nguồn quặng vẫn “ngủ yên” trong lòng đất. Trước đây, đã có nhiều công ty nước ngoài định đầu tư khai thác, luyện quặng, cán thép nhưng lần lượt ra đi.Gần một thập kỷ chưa chinh phục được
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng quặng cần sử dụng sau năm 2016 là 20 triệu tấn/năm và nhu cầu quặng sắt sẽ tăng gấp nhiều lần trong 5 năm tới.
Như vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu quặng sắt dù trong nước có nguồn tài nguyên lớn.
Thực tế việc “đánh thức” Thạch Khê đã được chủ trương từ năm 2008 với dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư.
Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Sau hai năm khởi công, TIC mới thực hiện được bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3. Các giải pháp kỹ thuật, công nghệ đã thực hiện được cho là không phù hợp với quá trình khai thác quặng ở Thạch Khê.
Về vốn, TIC được 9 cổ đông sáng lập, trong đó Tập đoàn Than – Kháng sản Việt Nam (TKV) giữ cổ phần chi phối. TIC có vốn điều lệ 2.033 tỷ đồng nhưng đến nay các cổ đông mới góp được 1.809 tỷ đồng vốn, các cổ đông khác không thực hiện.
Công ty lâm vào khó khăn như mất cân đối tài chính nghiêm trọng như: thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật, không hoàn thành giải phóng mặt bằng, thiếu tiền xây dựng khu tái định cư.
Theo lộ trình đề ra từ 2008 – 2013 phải giải phóng xong 3.898 ha mặt bằng, di dời gần 4.000 hộ dân với kinh phí khoảng 3.478 tỷ đồng song đã bị vỡ kế hoạch. Dự án lâm vào chậm tiến độ nghiêm trọng.
Hơn nữa, những năm qua, giá quặng sắt trên thế giới giảm rất thấp, các doanh nghiệp trong nước có thể dễ dàng nhập khẩu quặng với giá rẻ để luyện thép để tối ưu hoá lợi nhuận.
Trước những khó khăn dai dẳng đó, Chính phủ đã yêu cầu TIC phải tái cấu trúc lại các cổ đông và điều chỉnh lại dự án cho phù hợp. Do đó, TIC đã điều chỉnh áp dụng những phương pháp đào sâu đáy mỏ 3 cấp thay cho đáy mong 1 cấp…Việc giải phóng mặt bằng cũng điều chỉnh sang phương pháp cuốn chiếu thay vì chi tiền giải phóng trắng một lần nhằm giảm áp lực tài chính cho TIC. TKV đã lập ban chỉ đạo thực hiện dự án Thạch Khê, tuy nhiên những khó khăn vẫn chưa thể vơi đi.
Vì vậy, TKV vừa tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản (năm 2017, 2018) để TIC tập trung nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình.
Đặc biệt, TIC đề nghị tạm dừng thực hiện dự án Nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn để tiếp tục nghiên cứu lựa chọn công nghệ, suất đầu tư hợp lý và xem xét triển khai sau năm 2020. Lý do dừng là vì dự án có quy mô vốn lớn, công nghệ chưa phù hợp với nguồn quặng sắt.
TIC đang gặp khó khăn song TKV – cổ đông lớn nhất của TIC, cũng có khó khăn khác. TKV có doanh thu và lợi nhuận giảm liên tục trong những năm gần đây, lượng than tồn kho lên tới 11 triệu tấn do không tiêu thụ được vì giá đắt hơn than nhập khẩu. Công ty mẹ tập đoàn trong 9 tháng năm nay lỗ thuần 73,7 tỷ đồng, xuất khẩu giảm tới 63,7%.
Cần 7.000 tỷ đồng để “đánh thức” mỏ sắt
Phản hồi lại kiến nghị của TKV, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu có ý kiến bằng văn bản về đề nghị TKV đối với những lĩnh vực thuộc quản lý của mình để Chính phủ có cơ sở để trình Thủ tướng xem xét, quyết định số phận của dự án.
Trao đổi về vấn đề mỏ sắt Thạch Khê, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho biết, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, giá trị khoảng 35 tỷ USD, tiềm năng rất lớn song đến nay vẫn chưa khai thác được.
Hiện Bộ Công Thương vẫn đang lên phương án xử lý khó khăn để khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Ông Hoài nhận định cần ít nhất là 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt này, đồng thời tái cơ cấu cổ đông và nguồn vốn. Ông Hoài cho biết đã đề xuất ý tưởng với các bộ ngành, các doanh nghiệp về việc dựng một nhà máy thép tận dụng thế mạnh quặng sẳt ở Thạch Khê.
“Nguồn vốn có thể huy động thêm từ các doanh nghiệp tư nhân trong ngành thép như Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen góp vốn vào đó. Đây là những doanh nghiệp có nguồn tiền và cũng là những doanh nghiệp sẽ tiêu thụ nguồn quặng sắt làm thép”, ông Hoài nói.
Ông Hoài cũng cho biết, việc tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê nhằm cung cấp các nguyên liệu cho các nhà máy thép. Theo đó, lợi thế của ngành công nghiệp thép đến từ các nguồn tài nguyên quặng lớn, cần tận dụng vào phát triển kinh tế đất nước.
Theo vneconomy.vn

Không có nhận xét nào: