Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao resort đắt tiền cứ mọc lên dọc bờ biển Việt Nam mà chẳng cần khách ở? Câu trả lời nằm ở đây!
"Một khách sạn 3 sao 50-70 phòng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Doanh số một năm không quá 20 tỷ. Vậy mà khách sạn vẫn mọc lên từng ngày!",
Nếu từng đến Phú Quốc, bạn không lạ với không khí tấp nập nhộn nhịp phía nam đảo trong khi phía bắc đảo lại khá yên tĩnh. Trên con đường xuyên rừng mới được mở vài năm gần đây nối từ trung tâm thị trấn Dương Đông lên mũi Gành Dầu, dọc bờ biển dài công trường xây dựng tung bụi mù từ những dự án biệt thự nghỉ dưỡng. Không chỉ tại Phú Quốc, bất động sản nghỉ dưỡng là cụm từ hot trong 2-3 năm gần đây tại Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Thanh Hóa,…
Bỏ cả trăm tỷ, thậm chí chịu lỗ chục tỷ cũng không sao
Bất động sản nghỉ dưỡng thường gắn liền với những địa phương có du lịch phát triển như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang. "Một khách sạn 3 sao 50-70 phòng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Doanh số một năm không quá 20 tỷ. Vậy mà khách sạn vẫn mọc lên từng ngày!", đó là lời nhận xét của ông Trịnh Bằng Có, một doanh nhân 30 năm kinh nghiệm trên thị trường.
Không chỉ khách sạn tư nhân mọc lên nhanh chóng, bất động sản du lịch thời gian qua còn nổi lên với loại hình mới là các căn hộ khách sạn (condotel- viết tắt của condominium và hotel) có giá bán từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng. Người mua đóng tiền mua căn hộ sau đó gửi lại cho nhà phát triển thuê với cam kết lãi suất hưởng hấp dẫn từ 10-12%, cao hơn lãi suất ngân hàng.
Một loạt các dự án sôi động trong thị trường này có thể kể đến như Queen Pearl (Phan Thiết), Solie Ánh Dương (Đà Nẵng), Coco Riverside (Đà Nẵng), Sentosa City (Đà Nẵng), Grand Word (Phú Quốc). Dù kém sôi động hơn thị trường phía Nam nhưng tại những điểm nóng phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa cũng được rót hàng nghìn tỷ đồng từ những đại gia Vingroup, Sungroup, FLC.
Theo giới chuyên gia trong năm 2016, có 3 yếu tố chính khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch gây sóng gồm: Hạ tầng liên tục đầu tư và và hoàn thiện để tạo đà phát triển ngành du lịch. Thứ 2 là các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, USD có tỷ suất sinh lời khá thấp. Thứ ba, nhiều chủ đầu tư đưa ra mức giá từ 2-3 tỷ, phù hợp với giới đầu tư tầm trung.
Chiến thuật… chờ
Theo công ty nghiên cứu bất động sản Savills Việt Nam, các khảo sát chỉ ra rằng có hơn 80% người mua biệt thự và căn hộ tại Đà Nẵng đến từ Hà Nội. Hiện tượng này cũng khá giống tại Phú Quốc. Một người môi giới bất động sản tại huyện đảo này chia sẻ, đa phần người đầu tư là Hà Nội và một số tỉnh khác miền Bắc.
Giới chuyên gia cho rằng hiện tượng này xuất phát từ việc mặt bằng giá tại Hà Nội cao hơn các vùng khác kèm theo đó tỷ suất sinh lời thấp. Ngoài ra do tập quán, người Hà Nội sẽ tiết kiệm và ưa tích luỹ hơn người dân tại Tp.HCM, vì vậy người Hà Nội thường có khoản tích luỹ phong phú hơn.
Nếu bạn từng đến nghỉ ngơi tại một số resort sẽ thắc mắc tại sao tiện nghi hoặc chất lượng không cao cấp như vẫn tưởng tượng? Tại sao vẫn có người bỏ ra cả đống tiền mua những biệt thự tại những khu resort này rồi bỏ không?
Vị doanh nhân trên từng tiết lộ cách các nhà đầu tư có tiền làm là chịu lỗ vài năm đầu, có thể lên tới tiền chục tỷ sau đó khi đất tăng giá, bán có thể thu lại tiền gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Về phía nguồn cung, cũng có doanh nghiệp đi theo chiến lược đợi giá tăng này. Thay vì chi đậm tiền xây dựng resort thật sự đẳng cấp, sang trọng thì họ chọn cách không quá cao cấp mà tập trung xây biệt thự, quảng cáo rầm rộ. Từ đó du lịch vùng sẽ được cải thiện, giá đất tăng lên và biệt thự tăng giá.
Theo nhận xét của ông Có, xu hướng đầu cơ xây hoặc mua khách sạn sau đó chuyển nhượng, thu lời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch. Cả doanh nghiệp lẫn giới đầu cơ đều kỳ vọng vào tăng giá. Ai cũng mong mình không phải là người cuối cùng ôm quả bóng ngày một phình to, nguy cơ nổ cao trong tương lai. Thế nhưng vì lợi nhuận, cuộc đua này vẫn sẽ chưa dừng lại.
Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét