Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Cái chết của ông Hoàng đế Đỏ (phần 2)



  Báo chí

Cái chết của ông Hoàng đế Đỏ (phần 1)

Hai ngày sau khi qua đời, Mao nằm trong Đại hội đường Nhân dân. Các bác sĩ của ông ấy đã cố gắng xử lý xác chết bằng hóa chất trước đó. Ảnh: GEO Epoche.
Hai ngày sau khi qua đời, Mao nằm trong Đại hội đường Nhân dân. Các bác sĩ của ông ấy đã cố gắng xử lý xác chết bằng hóa chất trước đó. Ảnh: GEO Epoche.
1976: Mao qua đời
Cay Rademacher
Phan Ba dịch
Mao nằm chờ chết trong mùa hè năm 1976, – và các cán bộ chóp bu trong ĐCS chuẩn bị cho trận tranh giành quyền lực sắp tới. Khi cuối cùng rồi thời điểm đó cũng đến, một người đàn ông chớp lấy thời cơ, người mà trước đó vài tháng đã không có ai nghĩ đến.
Trung Nam Hải là một khu phố đầy bí ẩn ở rìa phía Tây của “Cấm Thành” trong Bắc Kinh. Trước đây, đó là khu vườn hoa của các hoàng đế, một công viên với hai hồ nước – hồ Trung, Trung Hải, và hồ Nam, Nam Hải. Cây thông và bách cho bóng mát, nằm cạnh hồ là những ngôi nhà lộng lẫy từ thời của hoàng đế Càn Long với mái ngói xám và những sân trong nhiều bóng mát: ví dụ như “nhà màn hương” hay “đại sảnh của hồ yên tịnh”. Ở giữa đó là những công trình xây dựng hiện đại – nhà ở cho người phục vụ hay văn phòng, trại lính, hai nhà tắm.
Một bức tường màu đỏ son che chắn khu Trung Nam Hải trước những cái nhìn tò mò. Đứng gác ở cổng là lính của đơn vị tinh nhuệ 8341, và ngay cả trong những đường phố xung quanh đấy cũng có lực lượng an ninh trang bị vũ khí đi tuần.
Sống ở đây là người đàn ông có nhiều quyền lực nhất của Trái Đất, thống trị gần một tỉ con người và là thần tượng cho hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới: Mao Trạch Đông.
Nhưng đã từ lâu, Mao không còn để ý tới nét đẹp của Trung Nam Hải nữa. Vào cái ngày thứ tư 8 tháng 9 năm 1976 đấy, ông ấy nằm bất lực trong “Nhà 202”, một khối nhà hiện đại bên cạnh bể tắm, không còn khả năng tự ăn uống và nói cho rõ ràng.
Đó là một ngày hè nóng nực. Mãi cho tới bây giờ, ngay trước nửa đêm, trời mới dịu mát đi một chút. Bác sĩ riêng Lý Chí Tuy được gọi tới chỗ Mao. Các bác sĩ trực đã tiêm cho bệnh nhân một loại thuốc hỗ trợ tuần hoàn máu, nhưng họ không còn có thể làm ổn định nhịp tim và huyết áp của ông ấy được nữa.
Tiếng kêu rì rì của máy hô hấp vang lên trong căn phòng. Hầu như không còn có thể nhận ra được gương mặt của Mao ở phía sau chiếc mặt nạ thở ô xy đã bị trượt ra một chút được nữa. Quan chức cao cấp trong Đảng đứng canh bên cạnh bác sĩ và y tá. Một người kéo riêng bác sĩ Lý ra một bên và thì thầm: “Anh còn có thể làm gì được nữa không?”
Sau khi im lặng một lúc lâu, người bác sĩ riêng trả lời yếu ớt với “chúng tôi đã làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm”. Dù trong bất cứ trường hợp nào, ông ấy cũng không muốn nói ra cái từ “chết”, mặc dù ông ấy biết rõ là Mao chỉ còn sống thêm được vài phút ít ỏi nữa thôi.
Những gì sẽ xảy ra sau đó, với các bác sĩ, với các quan chức cao cấp, với Đảng, với cả vương quốc khổng lồ, là hoàn toàn không thể biết được – mặc dù bóng tối của cái chết đã lơ lững trên ĐCS Trung Quốc từ đầu năm: đúng tám tháng trước đó, một người sắp chết khác của Trung Quốc đã rung chuông báo hiệu cho “năm bước ngoặc” lịch sử của Trung Quốc.
THỨ NĂM, NGÀY 8 THÁNG 1 NĂM 1976: trong một gian phòng tranh sáng tranh tối, được trang bị sơ sài trong Bệnh viện Bắc Kinh 305 có một người đàn ông già, mảnh khảnh nằm từ hai năm nay. Màng xám kéo qua trên mái tóc dầy màu đen, cơ thể chỉ còn xương với da. Cuộc đấu tranh kéo dài chống ung thư bọng đái, ung thư ruột và ung thư phổi đã chấm dứt: Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc từ 26 năm nay, đã qua đời.
Chu tương ứng với hình ảnh lý tưởng của một người Trung Quốc có văn hóa cho tới mức ở Phương Tây, người ta không bắt buộc phải cảm nhận ông ấy là một người Cộng sản giáo điều. Ông ấy ăn nói khéo léo, có sức thu hút, thông thái, được đào tạo ở châu Âu, chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng ở đó. Ngay đến tên của ông ấy dường như cũng phù hợp – “Ân Lai” có nghĩa là “thịnh vượng xuất phát từ ông ấy”.
Mặc dù lâu nay Chu Ân Lai đã không còn có thể gây ảnh hưởng đến diễn tiến của sự việc được nữa, ông ấy vẫn là người được người dân Trung Quốc yêu mến. Ông ấy là người đã cắt xén những ý tưởng quá khích–không tưởng của Mao xuống một mức thực tế và mỗi ngày đều tận tâm làm việc nhiều đến mức đáng ngạc nhiên – con người của sự chừng mực. Sự chấm dứt của ông ấy có khiến cho Chủ nghĩa Cộng sản ở Trung Quốc trở nên cực đoan nữa hay không?
Một tuần sau đó, hàng trăm ngàn người đã đứng xếp hàng chào khi chiếc xe chở quan tài lăn đi trên đại lộ Trường An đến nghĩa trang Bát Bảo Sơn dành cho những người nổi tiếng. Có thể nhận thấy họ đau buồn thật sự, điều lại càng tăng lên sau khi ý muốn cuối cùng của Chu được loan truyền đi: không đưa tro của ông ấy vào trong một cái lăng lộng lẫy mà hãy phân tán ra tất cả các tỉnh.
Trong các chế độ độc tài, tang lễ nhà nước là những cái máy để đo địa chấn của quyền lực. Tất cả vẫn sẽ như cũ, hay sẽ có động đất chính trị? Vì thế, việc ai được phép khiêng quan tài của người quá cố hay nhận tổ chức lễ tang là một việc quan trọng – và trước hết là việc ai đọc bài diễn văn chia buồn. Vào cái ngày đấy, Chu Ân Lai được vinh danh bởi người học trò năng nổ nhất và có tài nhất của mình: Đặng Tiểu Bình.
Người đàn ông nhỏ con, gần 72 tuổi này đã trở thành tổng bí thư của ĐCS năm 1956, một quan chức đầy quyền lực. Quá nhiều quyền lực, như Mao cảm thấy chẳng bao lâu sau đó. Vào đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, Đặng bị đày về nông thôn.
Một người đàn ông mới bước lên trong những lúc lộn xộn của cuộc Cách mạng Văn hóa – cao tới mức chẳng bao lâu sau đó ông ấy được bổ nhiệm làm người kế tục Mao trong Đảng: nguyên soái Lâm Bưu. Con người gầy gò từ giới quân đội này, sinh năm 1907, là một cựu chiến binh của cuộc Vạn Lý Trường Chinh và suốt đời là một người đi theo Mao. Thêm vào đó, ông ấy có uy tín lớn trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, thể chế duy nhất trong đất nước này mà vào thời cao điểm của cuộc Cách mạng Văn hóa vẫn còn tương đối không bị ảnh hưởng đến.
Thế nhưng ngôi sao của Lâm chìm xuống nhanh hơn là ngôi sao của Đặng: năm 1970, viên tướng hy vọng rằng Mao sẽ nhận chức vụ chủ tịch nước đang bị bỏ trống. Nếu thế thì trên bình diện nhà nước, Lâm cũng sẽ được bước lên làm người kế nghiệp Mao. Thế nhưng Lâm đã thất vọng lớn, khi người Đại Chủ tịch để trống chức vụ chủ tịch nước: viên nguyên soái vẫn còn là Phó Thủ tướng thứ nhất. Một cấp bậc hàng đầu – nhưng vẫn ở sau thủ tướng Chu Ân Lai.
Những gì rồi xảy ra trong chín tháng đầu tiên của năm 1971 cho tới ngày nay vẫn còn bí ẩn. Chính Mao cũng gọi cách xử lý của ông ấy sau này là “ném đá, pha cát và đào góc tường”.
Ý muốn nói: lật đổ Lâm.
Rõ ràng là đối với Mao, Lâm cũng đã trở nên có quá nhiều ảnh hưởng. Ông ấy bắt buộc các sĩ quan cao cấp theo Lâm phải tự kiểm điểm công khai và qua đó chấm dứt con đường sự nghiệp của họ – những “hòn đá” mà Mao ném. Ông thay thế những người theo Lâm trong các ủy ban quân đội quan trọng bằng người mới – “pha thêm cát”. “Góc tường” cuối cùng chính là quyền chỉ huy quân khu Bắc Kinh, cái mà bây giờ Mao đưa cho những người trung thành.
Lâm Bưu, ngày càng bị cô lập trong thời gian dài của những tuần đấy, hoảng hốt chống lại sự chấm dứt của ông ấy, cả về mặt chính trị lẫn thể xác. Có lẽ là ông ấy đã tìm những người đồng tình trong số giới quan chức cao cấp để mưu lật đổ Mao. Cuối cùng, có lẽ là con trai của ông ấy đã đưa ra kế hoạch ám sát Mao trong tháng 9 năm 1971. Thế nhưng vụ mưu sát bị phản bội – có thể, theo như viên bác sĩ riêng của Mao tường thuật, là vì con gái của Lâm Bưu vô tình nói lộ ra những chi tiết quyết định.
Vào ngày 13 tháng 9 năm 1971 – ít nhất là theo phiên bản chính thức – Lâm Bưu cùng gia đình và một vài người trung thành bỏ trốn, bị ô tô cảnh sát đuổi theo, từ trung tâm Bắc Kinh ra đến một sân bay, nơi có một chiếc máy bay phản lực Trident chờ sẵn. Chiếc máy bay cất cánh và bay về hướng Liên bang Xô viết, nơi mà Lâm muốn nương náu.
Nhưng chỉ vài giờ sau đó, chiếc máy bay phản lực vỡ tan ra trên thảo nguyên Mông Cổ, không một ai sống sót. Có thể là trong lúc vội vã, chiếc máy bay đã đổ không đủ nguyên liệu; hay máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đuổi theo nó qua cho tới nước láng giềng và đã bắn hạ nó ở đó. Hay cũng có thể là hoàn toàn khác đi.
Thế nào đi nữa thì Mao đã lại thủ tiêu thêm một người có thể kế nghiệp và cũng là đối thủ – và bây giờ nhớ lại công lao của Đặng Tiểu Bình. Năm 1973, Đặng và nhiều người theo ông ấy được phục hồi, do có sự hối thúc của Chu Ân Lai. Năm 1976, hơn phân nửa của tất cả các các bộ Đảng bị xua đuổi đi trong cuộc Cách mạng Văn hóa lại giữ chức vụ cũ của họ, trong khi những người chống họ, “Hồng Vệ Binh”, được gửi về nông thôn: một cuộc đi đày được ngụy trang như lần ban thưởng.
Thế nhưng Mao vẫn chưa xong. Chỉ một tuần sau lễ tang cho Chu Ân Lai, người ta đã biết rõ là Đặng sẽ không thể thắng thế trong Đảng.
THỨ TƯ, 21 THÁNG 1. Bộ Chính trị gặp nhau trong một gian sảnh họp của Đại Hội đường Nhân dân. Bầu không khí mang đầy tính nghi ngờ và gây gỗ. Người ta cần phải ấn định ai là người kế nhiệm Chu Ân Lai bây giờ? Đó là ai đi nữa thì người đấy sẽ có nhiều cơ hội tốt để theo Mao trong chức chủ tịch Đảng và qua đó sẽ kiểm soát được Trung Quốc nhiều năm trời.
Nhưng ai hôm nay thua cuộc thì con đường sự nghiệp chính trị của người đó sẽ chấm dứt – nếu như không có gì còn tệ hại hơn nữa sẽ đe dọa người đó.
Phe cánh tả quanh Giang Thanh vợ của Mao, tất cả đều có được quyền lực trong thời của cuộc Cách mạng Văn hóa, kiên quyết chống lại yêu cầu nắm giữ chức vụ thủ tướng của Đặng. Đặng muốn hiện đại hóa nền nông nghiệp. Thêm vào đó là cho người nông dân có nhiều tự do về kinh tế hơn. Ông ấy muốn hỗ trợ cho khoa học và công nghệ tốt hơn, mở rộng quốc phòng. Phe cánh tả ngược lại chống các cải cách kinh tế. Cách mạng liên tục và đấu tranh giai cấp – đó chính là những nguyên tắc chỉ đạo cho chính sách của họ.
Ứng cử viên của họ là Vương Hồng Văn, người đã theo Giang từ sớm và nhờ bà ấy mà tiến bước nhanh chóng trên con đường sự nghiệp trong Đảng.
Mao đích thân can thiệp. Ông cho chuyển một thông điệp, cũng giống như một mệnh lệnh: ứng cử viên của ông ấy là Hoa Quốc Phong. Một sự ngạc nhiên, vì con người xuất phát từ tỉnh này, người đã leo lên đến chức Phó Thủ tướng, không đứng trên phiếu bầu của ai cả.
Hoa độ 55 tuổi và thuộc “thế hệ 38” – thế hệ chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống người Nhật xâm lược và thời đấy đã tham gia phong trào cách mạng. May mắn của Hoa là ông ấy đã đảm nhiệm tỉnh có Thiều Sơn nơi sinh của Mao cũng nằm ở trong đó khi còn là một bí thư trẻ tuổi.
Trong thời gian của cuộc Cách mạng Văn hóa, ông ấy đã mở rộng ngôi nhà là nơi sinh của Mao ra thành một điểm hành hương cho Hồng Vệ Binh và lập một nhà máy sản xuất hàng năm 30 triệu cái khuy đeo có hình Mao. Năm 1973, Hoa vào Bộ Chính trị, hai năm sau đó, ông ấy trở thành Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ An ninh Công cộng – và qua đó kiểm soát công an.
Phần lớn các nhà quan sát nhìn ông như một ứng viên thỏa hiệp, người đối với các nhà cải cách quanh Đặng Tiểu Bình cũng như đối với phe cánh tả cực đoan là đều có thể chấp nhận được.
Mao phô diễn thêm một lần nữa quyền lực của mình, bằng cách lựa một ứng cử viên không có phe phái mạnh ở sau lưng. Thông điệp: Đại Chủ tịch vẫn còn cầm lái và quyết định nhân sự.
(Còn tiếp)



Thân thể suy tàn của của nhà độc tài không còn có thể giữ kín được nữa: Khi Mao tiếp Thủ tướng Pakistan Bhutto vào ngày 27 tháng 5 năm 1976, ông ấy đã bị liệt. Ảnh: GEO Epoche.
Thân thể suy tàn của của nhà độc tài không còn có thể giữ kín được nữa: Khi Mao tiếp Thủ tướng Pakistan Bhutto vào ngày 27 tháng 5 năm 1976, ông ấy đã bị liệt. Ảnh: GEO Epoche.

Cay Rademacher
Phan Ba dịch
Thứ Bảy, ngày 31 tháng 1, Trung Nam Hải: báo động cho quân đoàn 8341. Lửa cháy và tiếng súng bắn trước nhà của Chủ tịch Mao! Những người lính cầm súng lao vào, căng thẳng, rồi báo động được bãi bỏ: năm mới của Trung Quốc sắp đến, và một vài người phục vụ cho Mao muốn làm cho ông ấy vui bằng cách đốt pháo – nhưng lại quên báo cáo trước cho lính canh nên những người này đã lo sợ một vụ mưu sát. Sau khi mọi việc đã rõ, những người lính và nhân viên phục vụ đã chạy tụ tập đến đấy lại lui về.
Thế nhưng bây giờ có một tin đồn xấu được lan truyền đi, lúc đầu là trong Trung Nam Hải, rồi đến trên đường phố Bắc Kinh: đã từ lâu, Mao không còn đánh giá cao Chu Ân Lai nữa và đã ăn mừng cái chết của ông ấy bằng cách đốt pháo. Năm con rồng bắt đầu trong một bầu không khí nghi kỵ.
Bây giờ, Mao hầu như không còn ở trong ngôi biệt thự của ông ấy nữa, mà ở trong một nhà tắm. Nhà đấy trước đây đã được xây cho tất cả các cán bộ cao cấp trong Trung Nam Hải, thế nhưng ngay từ những năm 1950, không còn ai trong số họ dám quấy rối những đường bơi của nhà yêu chuộng bơi lội Mao nữa. Thời gian sau này, các gian phòng ở, tiếp khách và làm việc được xây thêm vào, thì thế nên ngôi nhà tắm đấy thật ra là ngôi nhà tư nhân của Chủ tịch.
Mao trong cuộc sống cá nhân được che chắn hết sức kỹ lưỡng của ông ấy là một sự pha trộn giữa nhà quê và học giả, nhà chiến thuật lắm mưu mẹo và người lập dị kỳ lạ. Ông ấy có nhiều điểm chung với những nhà cai trị của các triều đại hoàng đế đã suy tàn từ lâu hơn là với những tổng bí thư Đảng tầm thường của phần lớn các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác.
Một người như vậy không cần phải tuân theo một lịch hẹn nào cả. Mao làm việc, ăn và ngủ tùy theo ý mình, nhân viên của ông ấy đã quen với việc nửa đêm bị gọi vào chỗ ông ấy – hay gọi đến điểm tận cùng của Trung Quốc, vì viên Chủ tịch hay thích tự phát đi xuyên qua đất nước trong một đoàn tàu đặc biệt, khiến cho các thư ký, nhân viên phục vụ, người chăm sóc sức khỏe và cảnh sát an ninh của ông ấy rối loạn cả lên.
Ông ấy thích các món ăn được xào nấu với nhiều dầu, trà đậm, thuốc lá “555” của Anh. Xem phim võ hiệp và các phim khác từ Đài Loan và Hongkong trong một gian sảnh được xây riêng cho việc này, những cuốn phim mà bị cơ quan tuyên truyền của Đảng công khai nguyền rủa.
Phòng làm việc với bàn viết, ghế và giá sách chỉ được dùng để đặt hình ảnh lên, vì ông hoàng đế đỏ thích làm việc nhất là trên chiếc giường khổng lồ của ông ấy hay ở cạnh bể bơi, nơi ông ấy đọc không biết bao nhiêu là tài liệu và bình luận bằng những dòng ghi chú ngắn, thỉnh thoảng viết những bài văn dài hay cùng với những người thân cận phác thảo các chiến dịch mới.
Thường trong lúc đó ông ấy không mặc gì nhiều hơn là một chiếc áo choàng tắm. Ông chỉ mặc bộ complê của mình trong những dịp duyệt binh, đón tiếp chính thức khách nhà nước hay ở các sự kiện chính thức khác. Cận vệ phải mang giày trước cho ông.
Có không biết bao nhiêu là “công nhân văn hóa” mà ông ấy đã “thư giãn” với họ trong những năm dài. Thiếp hầu của ông ấy hầu hết đều là những cô gái trẻ ít học từ nông thôn, những người được cơ quan an ninh điều tra về mặt chính trị và rồi dẫn đến cho ông. Họ là những người phục vụ trong chiếc tàu hỏa xa xỉ mà Mao đi xuyên qua Trung Quốc với nó, hay những người đi theo một dàn nhạc, những người mời Đại Chủ tịch khiêu vũ cho tới chừng nào mà ông ấy chọn một người trong số họ tại các buổi hòa nhạc bí mật thường được tổ chức cho các cán bộ cao cấp. Ngay trong Đại hội đường Nhân dân, nơi có sẵn nhiều phòng dành cho Chủ tịch, cũng có một doanh trại dành cho yêu đương.
Thế nhưng bắt đầu từ những năm 1970, sự thèm muốn của Mao dường như đã được thỏa mãn. Không còn có thiếp hầu mới nữa, bù vào đấy là ba người phụ nữ đồng hành, làm việc cho ông ấy như là nhân viên phục vụ, thư ký và y tá, và qua đó ngày càng kiểm soát ông ấy nhiều hơn.
Một người trong bọn họ, Trương Ngọc Phượng, gặp ông lần đầu tiên vào đầu những năm 1960, trở thành người thân cận của ông ấy. Có lần Hoa Quốc Phong muốn gặp viên Chủ tịch, nhưng để làm việc đấy thì phải đến gặp Trương Ngọc Phượng – người đang ngủ. Không ai dám đánh thức bà ấy dậy. Sau hai giờ đồng hồ, người đàn ông nhiều quyền lực thứ nhì của Trung Quốc lại phải quay về, hoài công.
Thế nhưng ngay cả khi các cô vợ bé của Mao cũng đóng những vai âm mưu mà ngày xưa thuộc về các thái giám trong triều đình – viên Chủ tịch không phải là một công cụ nhu nhược. Cả trong áo choàng tắm ở cạnh bể bơi, ông ấy thỉnh thoảng vẫn có tác động mạnh đến nhiều người khách lần đầu gặp ông ấy.
Nhà độc tài Trung Quốc là một bậc thầy về ngôn ngữ, ông ấy viết thơ, nói loại tiếng địa phương Hồ Nam có nhịp điệu và thích hình ảnh dễ hiểu: “cọp giấy” có lẽ là sáng tạo ngôn ngữ được biết đến nhiều nhất trên thế giới của ông ấy.
Ông ấy là một người đọc say mê văn học Phương Tây và Phương Đông, đánh giá cao triết học và trước hết là lịch sử. Trong số các hoàng đế Trung Quốc, ông ấy khâm phục nhất là những người bị người dân kinh sợ vì sự tàn nhẫn của họ, nhưng về chính trị thì lại thành công nhiều nhất – ví dụ như hoàng đế Tần Thủy Hoàng (thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên), người đã cho xử tử hai triệu người và trưng bày xác chết không toàn vẹn của nạn nhân, để cho những người muốn nổi loạn phải khiếp sợ – nhưng cũng là người thống nhất vương quốc và xây Vạn Lý Trường Thành.
Mao quyết định tất cả mọi việc ở xung quanh ông ấy, ngay cả về những lần mổ mà có những cán bộ cao cấp nào đó cần phải có – thường ông ấy không cho phép, vì ông ấy không tin vào y học hiện đại.
Chu Ân Lai, người mà ngay từ 1972 đã được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư, phải chờ tới hai năm, cho tới khi vợ của ông ấy cuối cùng cũng gây ảnh hưởng đến một vợ bé của Mao nhiều cho tới mức bà ấy có thể xin ông Chủ tịch cho phép mổ để kéo dài mạng sống.
Thế nhưng bây giờ chính Mao lại ốm. Tinh thần tỉnh táo, vẫn còn biết mình có quyền lực và đa nghi, nhưng nằm trong một thân thể bây giờ suy nhược. Ngay từ thời trước, viên Đại Chủ tịch đã có vấn đề về sức khỏe, những vấn đề mà người bác sĩ riêng của ông ấy có thể kiểm soát được – hay cam chịu chấp nhận.
Từ nhiều thập niên nay, Mao mắc chứng khó ngủ và nghiện thuốc ngủ. Thỉnh thoảng ông ấy bị nhiễm bệnh giới tính từ một trong những người vợ bé của ông ấy. Cũng như nhiều người nông dân, ông ấy không đánh răng mà súc miệng mỗi sáng với trà xanh và rồi nhai lá trà sau đó. Hậu quả là một lớp cáu dầy màu xanh cũng như bệnh nha chu và sưng mủ.
“Con cọp cũng không bao giờ đánh răng nhưng răng chúng vẫn sắc bén” là lý lẽ của Mao để chống lại kem đánh răng và bàn chải. Những người sửa hình phải chỉnh lại toàn bộ những tấm hình công khai của Mao mà trên đó người ra có thể nhận ra được những cái răng đã bị nhuộm màu của ông ấy. Và một cửa hàng dược phẩm được chọn ra đặc biệt ở Bắc Kinh phải cung cấp những loại thuốc ngày càng kỳ lạ hơn.
Năm 1972, người bạo chúa bỏ hút thuốc – quá muộn cho lá phổi đã bị phá hủy của ông ấy. Có ba bong bóng khí hình thành ở bên lá phổi trái, cho nên ông ấy chỉ còn có thể thở tương đối không khó nhọc lắm khi nằm nghiên sang trái và nén các bong bóng khí lại qua trọng lượng cơ thể của ông ấy. Ông ấy bơi lần cuối cùng là trong năm 1974 – ông ấy yếu, bị tê liệt cuống họng một phần, bị uống nước và phải để cho cận vệ kéo lên khỏi nước chỉ sau vài giây.
Ngay trước đấy, các bác sĩ thần kinh đã chẩn đoán bệnh “xơ cột bên teo cơ” ở ông ấy: một bệnh dẫn đến việc các tế bào thần kinh vận động trong tủy cột sống bị phá hủy và qua đó dần đến tê liệt dần dần.
Các bác sĩ cho Mao được hai năm nữa – nhưng không nói cho ông ấy biết, vì theo các truyền thống chữa bệnh ở Trung Quốc, viễn cảnh tuyệt vọng không được thông báo cho bệnh nhân biết.
(Còn tiếp)


Cái chết của ông Hoàng đế Đỏ (phần 3)


Cay Rademacher
Phan Ba dịch
CHỦ NHẬT, NGÀY 4 THÁNG 4, Bắc Kinh, Thiên An Môn. Đấy là đêm trước của lễ Thanh Minh, ngày tưởng nhớ người chết của Trung Quốc. Từ giữa tháng 3, sinh viên đã tụ tập lại ở đây, trên “Quảng trường Thiên An Môn” trước cột đá ở giữa tưởng niệm những người anh hùng của cuộc Cách mạng Cộng sản. Ở mặt trước của cột có khắc một câu nói của Mao, ở mặt sau là một bài văn của Chu Ân Lai, được phỏng theo nét chữ viết tay của họ, đồ sộ và được mạ vàng.

"Người lãnh tụ và người thầy vĩ đại" sống mãi, tờ "Nhân dân Nhật báo" đăng tin một ngày sau khi Mao qua đời. Từ "chết" được tránh đi trong dòng tít. Ngay sau đó, hàng trăm ngàn người đã đi ngang qua xác chết trong Đại hội đường Nhân dân. Ảnh: Geo Epoche.
“Người lãnh tụ và người thầy vĩ đại” sống mãi, tờ “Nhân dân Nhật báo” đăng tin một ngày sau khi Mao qua đời. Từ “chết” được tránh đi trong dòng tít. Ngay sau đó, hàng trăm ngàn người đã đi ngang qua xác chết trong Đại hội đường Nhân dân. Ảnh: Geo Epoche.

Các sinh viên tưởng nhớ Chu Ân Lai. Thế nhưng cuộc hội họp này khác với những cuộc diễu hành của các bộ đồng phục trong thời Cách mạng Văn hóa. Nó tự phát và không có mục tiêu thật sự. Mỗi ngày càng có nhiều người đến trên quảng trường.
Vào tối của ngày 4 tháng 4, cuối cùng rồi thì không thể không nhìn thấy đám đông đó được nữa. Quanh cái cột đá và từ đó cho tới Cổng Thiên An Môn trong tường của Cấm Thành,  có những vòng hoa phúng điếu nằm cao tới mười mét, được kết lại từ giấy lụa, cũng như hoa cúc. Tranh cổ động, áp phích và cờ vươn cao lên như những chiếc buồm trên biển người biểu tình. Có những người hát, trích dẫn thơ. “Chu Ân Lai hãy tỉnh dậy, hãy báo động quân đội, cảnh sát và nhân dân, để bảo vệ hiến pháp!” được viết trên một tấm áp phích.
Thật sự là quân đội và cảnh sát đã được báo động – nhưng khác với sự tưởng tượng của người dân.
Trong đêm rạng sáng ngày 5 tháng 5, theo lệnh của Bộ Chính trị, cảnh sát dọn sạch toàn bộ những vòng hoa chia buồn với 200 chiếc xe tải; Quảng trường Thiên An Môn vào sáng sớm trống vắng giống như chưa từng có một cuộc biểu tình nào ở đây.
Nhưng không được lâu.
Vì sự khiêu khích vào lúc đêm khuya khiến cho sinh viên tức giận, những người vào sáng sớm ngày 5 tháng 5 lại bước ra quảng trường. Cuộc phản đối nhanh chóng lan rộng, vào khoảng tám giờ đã có hơn 100.000 người biểu tình tụ họp lại – cho tới lúc đó là sự kiện lớn nhất không được tổ chức trước trong lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân.
Công nhân từ một xí nghiệp chế tạo máy đã rèn từ kim loại phế liệu một vòng hoa nặng 500 kí lô có đường kính sáu mét và chở nó trên xe đạp đi 15 kilômét xuyên qua thành phố đến Thiên An Môn.
Bây giờ, bầu không khí mang tính hung dữ. Năm chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy, nhiều phái đoàn tiến đến Đại hội đường Nhân dân và các tòa nhà chính phủ khác, họ bị từ chối. Người biểu tình xô đẩy lính canh rớt mũ, có người ném đá. Nhưng vào khoảng 18 giờ, phần lớn đều rời quảng trường. Chỉ một vài người là muốn ở lại đấy cả đêm.
Trong lúc đó, một quan chức cao cấp của tổ chức ĐCS thành phố đã cảnh báo các sinh viên qua đài phát thanh, đừng để “những phần tử xấu” lôi kéo vào những cuộc “phá hoại phản cách mạng”. Một điềm xấu báo trước.
Sau khi màn đêm buông xuống, đèn pha bất thình lình chiếu sáng rực cả quảng trường. Vào khoảng 21 giờ, 10.000 dân quân, 3.000 cảnh sát và năm tiểu đoàn của lực lượng đặc biệt 8341 bắt đầu hành động với mọi bạo lực.
Những người biểu tình quanh cột đá bị bao vây, đánh đập và dẫn đi.
Vợ Mao đứng trong một căn phòng ở mặt tiền của Đại hội đường Nhân dân và quan sát cuộc biểu tình trên Thiên An Môn qua một cái ống nhòm.
Vào khoảng 23 giờ, bà ấy vội quay về với viên Chủ tịch và đắc thắng tường thuật lại về lần đập tan “nhóm nhỏ của những kẻ phản cách mạng”. Tiếp đó, bà ấy ăn mừng chiến thắng với một vài người trung thành, với rượu, đậu phọng và thịt. “Tôi sẽ cho rơi đầu”, bà ấy hứa hẹn. Có ít nhất là 388 người biểu tình bị bắt giam.
Vào ngày hôm sau đó, 30.000 dân quân chiếm giữ Thiên An Môn để ngăn chận những cuộc tụ tập mới. Trong tờ “Nhân dân Nhật báo” có một bài viết gay gắt chống lại những người biểu tình. Và trong Bộ Chính trị, Giang Thanh đắc thắng, vì cuối cùng bà ấy cũng thành công trong việc thuyết phục Mao tin rằng Đặng Tiểu Bình là người chịu trách nhiệm cho các sự kiện trong thời gian của Lễ Thanh Minh. Trong những ngày trước đó, người này cứ bình thản chịu đựng những đợt công kích một cách giận dữ từ Giang Thanh, trước khi đứng dậy với lời nhận xét chế giễu: “Tôi điếc rồi, tôi không hiểu gì cả.”
Vào ngày 7 tháng 4, Đặng bị tước mọi chức vụ trong Đảng. Ông ấy bay về Quảng Đông, nơi các quan chức địa phương trung thành với ông ấy và bảo vệ ông ấy không bị đánh đập. “Nếu một người bị đánh đến lần thứ nhì thì người đấy đã làm việc tốt đấy chứ”, là lời bình luận mang tính chế giễu của ông ấy.
Bây giờ, Hoa Quốc Phong được cử làm Thủ tướng và Phó Tổng bí thư Đảng – và qua đó là người được chỉ định để kế nghiệp Mao.
Thế nhưng tờ “Nhân dân Nhật báo” và đài truyền hình đưa ra bên cạnh ông ấy thêm một nhân vật thứ hai, trên thực tế là đồng cấp bậc: Giang Thanh. Thời của bà ấy dường như đang đến gần.
Phần lớn người Trung Quốc chỉ biết đến người vợ của Mao từ 1966, mặc dù bà ấy đã kết hôn với ông ấy từ tháng 11 năm 1938. Cả một thời gian dài, dường như bà ấy phải chịu đựng việc là mình không quan trọng. Giang Thanh sinh năm 1914, trong những năm 1930 đã là một nữ diễn viên sân khấu và điện ảnh hoạt động xã hội tích cực ở Sơn Đông và Thượng Hải, trước khi bà ấy đi theo những người Cộng sản và quen Mao.
Bộ Chính trị chống lại mối quan hệ với người Chủ tịch – cũng là vì theo truyền thống, diễn viên không được coi trọng trong Trung Quốc –, nhưng cuối cùng cũng đồng ý khi Mao hứa hẹn không cho bà ấy tham gia chính trị.
Giang Thanh sống trong xa xỉ. Trong những năm 1950, bà ấy còn được phép mua quần áo thanh lịch từ Phương Tây, thế nhưng cảm thấy nình thừa thãi, bị chồng bà cô lập ngày càng nhiều hơn, cảm thấy bị làm nhục bởi các áp phe của ông ấy, bị những người lính cận vệ của Mao chế diễu.
Cuộc Cách mạng Văn hóa đã làm thay đổi tất cả. Cuộc đấu tranh của Mao chống lại Đảng đã kết nối vợ của ông ấy lại với một vài người quá khích, những người từ các lý do ý thức hệ cũng như từ các lý do về tuổi tác mà nổi dậy chống lại tổ chức Đảng: những người trẻ muốn vứt bỏ giới cách mạng già.
Giang Thanh trở thành nữ thủ lĩnh của nhóm này, nhóm mà chẳng bao lâu sau đó đã kiểm soát được các giới truyền thông đại chúng và tổ chức Đảng trong Thượng Hải, nói chung là thành phố duy nhất có được một giới vô sản công nghiệp cách mạng.
Bây giờ, Giang Thanh hy vọng rằng sau cái chết của Mao, con đường đi lên hàng đầu đã mở ra cho mình. Trong lịch sử Trung Quốc có một vài ví dụ về những người cai trị là những người phụ nữ đầy quyền lực – tại sao điều đấy lại không thể dưới những người cộng sản?
Mặt khác, có phải là quyền lực của bà ấy chỉ dựa trên việc bà ấy là người vợ của Mao hay không? Với cái chết của ông ấy, liệu bà ấy cũng mất đi tính chính danh của mình hay không? Giang Thanh dao động giữa hy vọng cuồng loạn và sợ hãi vô cùng. Cái chết của Mao sẽ có ảnh hưởng đến số phận của tất cả các cán bộ cao cấp, nhưng không ai đặt cược cao như vợ của ông ấy.
Mao cũng biết điều đó. Trong những tháng này, ông ấy đọc cho người thân cận của ông ấy là Trương Ngọc Phượng nhiều lá thư ngắn, bởi vì ngoài bà ấy ra thì không ai có thể hiểu được những âm từ lắp bắp của ông ấy. Giang Thanh khéo léo sử dụng tình trạng đấy cho mục đích riêng của mình.
Ví dụ như bà ấy quả quyết rằng Mao đã nhờ Trương Ngọc Phượng đưa cho bà thông tin này: “Trong cuộc đấu tranh của mười năm qua, anh đã cố gắng đi đến đỉnh cao của cuộc cách mạng, nhưng anh không thành công. Nhưng em có thể đến được đỉnh cao.”
(Còn tiếp)
Cay Rademacher
Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Trung Quốc của Mao Trạch Đông

Không có nhận xét nào: