Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Không còn một “ mẩu đất pháp lý” nào để xử lý hành chính ông Vũ Huy Hoàng ; LẬT LẠI THƯ NGỎ CỦA PHẠM VIẾT ĐÀO GỬI BT VŨ HUY HOÀNG NĂM 2009

Phạm Viết Đào.

Mời quý vị vào xem Tổng tập Bút ký Thế sự tại địa chỉ:

Nvphamvietdao1.blogspot.com

Để thực thi Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp thứ 2 vừa qua, 
nhà báo Quốc Phong trên báo Một thế giới có đề xuất hình thức “ tước chức danh” Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng; một dạng xử lý hành chính đối với các hành vi của ông này trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Công thương...
Đề xuất này có đúng pháp luật ?

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết thể hiện rõ: “Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.
Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu…
Để ra được quyết định “ tước chức danh” Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng thì về phương diện, cơ sở pháp lý đòi hỏi trong Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật xử lý các vi phạm hành chính; Luật Phòng chống tham nhũng... phải có một điều khoản trong một nghị định nào đó đã ban hành quy định việc được “ tước danh hiệu” và các chế độ liên quan tới các quan chức, công dân đã nghỉ hưu có khuyết điểm trong thời gian tại nhiệm.
Để thi được theo sáng kiến đề xuất của nhà báo Quốc Phong thì Quốc hội và Chính phủ phải cấp tốc bổ sung một điều khoản nào đó ( vì hiện chưa có) vào trong một nghị định nào đó với đại ý: “Những quan chức, công chức nhà nước đã nghỉ hưu, song trong quá trình công tác đã có những hành vi hành chính vi phạm nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hành chính và sẽ bị tước danh hiệu và các chế độ liên quan tới chức danh được hưởng sau khi nghỉ hưu…”
Khi chưa có một điều khoản nào đó trong một nghị định ban hành kèm theo một bộ luật nào đó thì không ai có thể có quyền hạ bút ký một quyết định hành chính để tước đoạt danh hiệu Bộ trưởng cùng với các chế độ trợ cấp lương hưu, chế độ khám bảo hiểm y tế, là 2 chế độ liên quan tới chức danh Bộ trưởng mà các nhân ông Vũ Huy Hoàng sau khi về hưu còn tiếp tục được hưởng…
Vì làm sao Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng hay Bộ trưởng Bộ Công thương có khả năng ban hành một quyết định đại loại như trên để buộc cơ quan Bảo hiểm xã hội chấp hành ?
Thực ra, nếu để có cơ sở nhằm xử lý một dạng hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng mà cấp tốc ban hành một điều khoản như trên vào một nghị định nào đó thì vẫn là một sự khiên cưỡng về phương diện pháp lý: một dạng đám cưới chạy chửa hoang...
Hiện tại, ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu, do vậy ông Vũ Huy Hoàng không có bất kỳ một quan hệ hành chính nào với các cơ quan như Quốc hội, chính phủ và cả Bộ Công thương. Thỉnh thoảng nếu ông Vũ Huy Hoàng có đến các cơ quan nói trên thì phương diện pháp lý ông cũng sẽ bị ứng xử như bất kỳ một công dân bình thường khác…
Hiện nay các công dân bình thường chỉ có quan hệ hành chính trực tiếp với UBND phường trong một số vấn đề liên quan tới hộ khẩu, hộ tịch, xác nhận nhân thân, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; ngoài ra UBND phường không chịu trách nhiệm pháp lý gì…
Muốn có sự điều chỉnh pháp lý về phương diện hành chính giữa 2 chủ thể thì giữa 2 chủ thể này phải có quan hệ hành chính được luật định; nếu pháp luật chưa quy định “chủ thể A” có quan hệ hành chính với “chủ thể B” thì mọi quyết định tương tác giữ 2 chủ thể này đều vô hiệu và không mang tính chất ràng buộc pháp lý phải tuân thủ…
Hiện chưa có một quy định pháp lý nào quy định về quan hệ hành chính giữa người về hưu, một công dân bình thường với cơ quan Quốc hội, chính phủ và các thành viên chính phủ ngoài hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới một số lĩnh vực đời sống dân sinh, đất đai, hôn nhân…
Xin lấy một ví dụ về vụ kiện của tôi, "cựu tù 258" Phạm Viết Đào về khoản lương hưu bị cơ quan Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cắt trong thời gian phải chịu án phạt tù 15 tháng; Phạm Viết Đào bị bỏ tù sau khi đã có quyết định nghỉ hưu…
Sau khi mãn hạn tù, tôi có tiến hành đòi truy lĩnh lại số lương hưu này nhưng đã bị cơ quan bảo hiểm từ chối chi trả. 
Tôi đã khiếu nại với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cho rằng: Quyết định cắt lương hưu của tôi trong thời gian tôi phải chịu án phạt tù là trái pháp luật, là vi hiến vì: Chỉ có Tòa án theo quy định của Điều 9 của Bộ luật Tố tụng hình sự mới có thẩm quyền ban hành các hình phạt: phạt tù, phạt tiền… đối với công dân khi vi phạm một điều luật hình sự nào đó…
Tôi bị Tòa tối cao khép vào tội vi phạm Điều 258-Xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và các nhân bị xử phạt tù 15 tháng.
Trong quyết định ( bản án) của 2 phiên xét xử chỉ dừng lại xử phạt giam mà không có một điều khoản phạt tiền, hạy bị cắt lương hưu của tôi.
Do đó, Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đơn phương Ban hành quyết định hành chính cắt lương hưu của tôi trong thời gian tôi phải chịu án phạt tù là trái Luật Bảo hiểm, trái Luật Hình sự, trái Luật tố tụng hình sự, trái Hiến pháp; một hành vi lạm quyền trái pháp luật…
Do khiếu nại không được Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội giải quyết trả lại lương hưu, tôi đã làm đơn khởi kiện Giám đốc bảo hiểm Xã hội Hà Nội ra Tòa án Hành chính Hà Nội…Sau khi tôi gửi đơn, Tòa án hành chính Hà Nội thụ lý đơn và đa yêu cầu tôi nộp án phí, gần một năm xem xét; cuối cùng Tòa trả lại đơn vì phát hiện ra vụ kiện này chưa đúng quy trình pháp lý nên đã trả lại đơn.
Lý do: giữa Tòa án Hành chính Hà Nội và cơ quan Bảo hiểm Hà Nội không có quan hệ hành chính; Do không có quan hệ hành chính nên các phán quyết của Tòa sẽ không có hiệu lực pháp lý với Giám đốc bảo hiểm Xã hội Hà Nội…
Tòa án Hành chính Hà Nội đã hướng dẫn cho tôi tiến hành lại các bước khiếu nại để có thể đưa ra Tòa Hành chính xử lý đơn khiếu kiện đòi trả lại lương hưu của tôi. Tòa án Hành chính Hà Nội đã hướng dẫn cho tôi thủ tục như sau:
Bước 1: Gửi đơn khiếu nại tới Giám đốc bảo hiểm Hà Nội yêu cầu trả lời bằng 1 quyết định giải quyết khiếu nại;
Bước 2: Nếu không thỏa mãn với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội thì khiếu nại lên cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đó là Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội…
Bước 3: Nếu không thỏa mãn với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Lao động –thương binh và Xã hội Hà Nội thì lúc đó mới có quyền khởi kiện ra Tòa án Hành chính Hà Nội…
Tòa án Hành chính Hà Nội chỉ điều chỉnh được quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội mà không điều chỉnh được quyết định của Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội…
Vụ khởi kiện của tôi kèo dài gần 2 năm, Tòa án Hành Chính Hà Nội đã thụ lý đơn, đã nhận án phí do tôi nộp từ tháng 4/2016 nhưng cho đến nay vẫn chưa mở phiên tòa xét xử Đơn khởi kiện Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-xã hội Hà Nội của tôi...

Tôi đã gửi đơn thúc dục lần 1 và sắp tới sẽ gửi tiếp lần 2; Nếu không được xét xử theo luật định, tôi lại phải làm đơn khởi kiện Chánh án Tòa án Hành chính Hà Nội vì đã không xét xử đơn khởi kiện của công dân theo luật định mặc dù đã nhận đơn và đã yêu cầu tôi nộp án phí…

Qua vụ án của tôi để thấy rằng: Muốn xử lý hành chính một vụ việc gì đó thì giữa tổ chức, cơ quan ra quyết định xử lý với người chịu trách nhiệm chấp hành quyết định xử lý phải có quan hệ hành chính được pháp luật quy định thì mới được phép và có hiệu lực.

Do ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu và không có bất kỳ quan hệ hành chính nào với cơ quan Quốc hội, Chính phủ  thì chỉ có thể xử lý theo trình tự thủ tục của một vụ án hình sự như tôi đã phân tích trong bài:

>

Không còn một “tấc đất” pháp lý nào dành cho việc xử lý hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng nếu muốn thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật nghị quyết của Quốc hội…

Bản thân cái nghị quyết của Quốc hội dành riêng cho ông Vũ Huy Hoàng: về phương diện và cơ sở pháp lý có sức mạnh hơn bất cứ một cáo trạng của bất cứ một cơ quan kiểm sát nào...


Đến mức đó rồi mà không khởi tố vụ án hình sự, lại tìm cách che đậy bằng hình thức hành chính khơi khơi thì khác chi cái trò mèo dấu cái gì đó không thơm tho ?!

Tóm lại, đề xuất của nhà báo Quốc Phong tước danh hiệu Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng cũng chỉ là sáng kiến viển vông của một nhà báo đã nghỉ hưu, xa lạ với đời sống pháp lý !


P.V.Đ



 

Đôi lời phi lộ:

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc để tìm cơ sở pháp lý cũng như những hành vi liên đới để xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng-Cựu BT Bộ Công thương.
Nhân sự kiện này, blogger Phạm Viết Đào xin đưa lại bức thư ngỏ của mình, bức thư đã đưa lên blog cá nhân ngày 26/5/2009, gửi BT Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng…
Nội dung bức thư có nhiều nội dung trong đó có nội dung chứng minh: Báo cáo số 91/BC-CP ( BC-91) của Chính phủ gửi Quốc hội về việc triển khai các dự án bô-xít gửi tới các ĐBQH do Bộ Công thương khởi thảo là một báo cáo trái Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005.
Căn cứ theo Điều 18 ( Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), Điều 22 (Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường) của bộ luật này, Dự án khai thác khoáng sán lớn như bauxite Tây Nguyên muốn được triển khai phải tuân thủ mục 4, Điều 22:
4. Các dự án quy định tại Điều 18 của Luật này chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt…”
Bộ Công thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ gửi Báo cáo 91 đề nghị và thực tế đã triển khai dự án này là vi phạm Mục 4 Điều 22 của Luật Báo vệ Môi trường năm 2005…vì chưa qua thủ tục pháp lý này !
Sau bức thư ngỏ của P.V.Đ đưa lên mạng, TS Cù Huy Hà Vũ đã viết đơn gửi tới Tòa án kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hành vi vi phạm Luật bảo vệ Môi trường 2005 về hành vi triển khai dự án khái thác bauxite Tây Nguyên…
Hiện blog của Phạm Viết Đào đưa bức thư này đã bị đánh sập nhưng may mắn còn được trang Website của nhà văn Trần Nhương giữ hộ…
Vô cũng cảm ơn nhà văn Trần Nhương và xin đưa lại bức thư ngỏ này để góp thêm  cơ sở luận tội vụ “ĐẠI TRỌNG ÁN VŨ HUY HOÀNG”…
((http://trannhuong.net/tin-tuc-1430/thu-ngo-gui-ong-vu-huy-hoang-bo-truong-bo-cong-thuong.vhtm)


THƯ NGỎ GỬI ÔNG VŨ HUY HOÀNG, BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Phạm Viết Đào
Thứ ba ngày 26 tháng 5 năm 2009 5:11 PM

Phạm Viết Đào.
Thưa ông Bộ trưởng

Trước tiên, cho phép tôi được chúc mừng ông đã được thừa uỷ quyền của Thủ tướng, đã kí Báo cáo số 91/BC-CP ( BC-91) của Chính phủ gửi Quốc hội về việc triển khai các dự án bô-xít gửi tới các ĐBQH; văn bản này hiện đã được công bố toàn văn trên Vietnamnet.
Tôi và cử tri cả nước đã chăm chú đọc bản báo cáo này với tinh thần trách nhiệm, thiện chí muốn tìm được tiếng nói chung ngõ hầu giải toả, làm tan đi những lo lắng băn khoăn mà bấy lâu nay các phương tiện thông tin đại chúng, bằng những thông tin nhiều chiều làm cho không ít người lo toan đến sinh mệnh của dân tộc, sự an toàn của môi trường và túi tiền của dân cảm thấy bất an về cái dự án do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam là chủ đầu tư.
Để không mất thì giờ của ông Bộ trưởng và những ai quan tâm đến dự án này tôi xin đi thẳng vào BC 91, đi thẳng vào những điểm mà theo chúng tôi chính văn bản mà ông đã ký mâu thuẫn bên trong văn bản, mâu thuẫn với quy trình làm việc của bộ máy Chính phủ mà ông là thành viên; mâu thuẫn, trái với các quy định hành chính, luật pháp đã ban hành và đang có hiệu lực...
1/ Trích dẫn mâu thuẫn 1 từ BC 91:
Việc lập, thẩm định và trình duyệt Dự án quy hoạch đã đảm bảo quy trình chặt chẽ, công khai và phù hợp quy định hiện hành. Tuy chưa có một Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) riêng (do tại thời điểm xây dựng quy hoạch năm 2005-2006 chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung và kinh phí lập ĐCM), nhưng trong dự án Quy hoạch đã đề cập nội dung cơ bản của ĐCM và việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là đảm bảo đúng Luật...
Một dự án lớn như Dự án khai thác khai thác bauxite Tây Nguyên đã được phê duyệt quy hoạch khai thác, đã ký vốn đầu tư hàng tỷ USD, đã mời nhà thầu nước ngoài vào thi công khi chưa có đánh giá môi trường chiến lược ĐCM do thiếu kinh phí, ( mua được con trâu thiếu tiền tậu dây thừng) mà ông đảm bảo việc duyệt này là đúng luật và chặt chẽ thì xin chịu ông. Ông chỉ có thể lập luận điều này đối với cán bộ trong Bộ Công thương còn trước Quốc hội bởi lập luận này của báo cáo chứng tỏ việc phê duyệt dự án này là sai quy trình ?
Một dự án khai thác khoáng sản muốn được quy hoạch chặt chẽ trước tiên phải được khảo sát, đánh giá các  tiêu chí: hiệu quả kinh tế, đánh giá hiệu quả an sinh xã hội, môi trường; an ninh quốc phòng; có ảnh hướng đến các công trình văn hoá cấp quốc gia nào không ? Đối với các dự án khai thác khoáng sản thì tất cả các tiêu chí này đều phải minh bạch rõ ràng, có số liệu, luận chứng không được phép bỏ qua bất kỳ công đoạn nào nhất là việc đánh giá về ảnh hưởng của dự án đối với môi trường ? Nhiều quốc gia thậm chỉ người ta còn mời chuyên gia nước ngoài để cho thật khách quan, khoa học !
Phê duyệt một dự án khai thác khoáng sản chỉ đúng quy trình khi các tiêu chí trên đều đạt điểm tối ưu, lợi nhiều hơn hại thì mới triển khai trình phê duyệt dự án khai thác. Phê duyệt dự án rồi mới tiến hành thiết kế, lập dự toán, tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu thi công. Làm như vừa qua liệu Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công thương xưa nay vẫn lập và phê duyệt quy hoạch theo một quy trình ngược như vậy hay sao ?
BC 91 ghi: “Trong quá trình lập, thẩm định và trình duyệt Quy hoạch, Bộ Công nghiệp trước đây và sau này là Bộ Công Thương đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương liên quan và một số nhà sản xuất alumin và nhôm lớn trên thế giới. Quy hoạch đã được gửi lấy ý kiến góp ý chính thức của các bộ, ngành và địa phương liên quan, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, góp ý và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”...
Các Bộ ngành là Bộ nào, Bộ Công thương có gửi cho Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch hay Bộ Lao động xã hội thì họ xem và góp ý sao được? Còn Bộ Kế hoạch Đầu tư thì đương nhiên việc gì phải kể và thông tin này hoàn toàn không có ý nghĩa ?
Hiện nay chưa có ĐCM để đánh giá môi trường, TKV đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào xâu dựng nhà máy. Vậy nếu báo cáo môi trường khẳng định rằng việc khai thác này hại nhiều hơn lợi thì các vị có dừng dừng  dự án như trường hợp ông Võ Nguyên Giáp cho kéo pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ và bồi thường cho các nhà thầu Trung Quốc? Làm sao mà ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng dám ký một báo cáo để rồi ông Nguyễn Tấn Dũng phải huỷ chữ ký của mình ? !
Trong cơ sự hiện nay, việc đánh giá khách quan hậu quả về môi trường chỉ có thể có nếu đó là các nhà tư vấn độc lập nước ngoài không do Chính phủ mời! Ngay cả Quốc hội có vị còn phát biểu bây giờ không bàn làm hay không làm mà chỉ bàn làm thế nào cho tốt, trong khi đó thì ông Chủ tịch lại đang lơ mơ: Dự án đã đâu và đâu đâu mà trình Quốc hội ? Vậy muốn làm tốt thì phải trên căn cứ khoa học nào và điều kiện gì chứ cứ duy ý chí: muốn là được, hơn nữa đây lại là công trình đào bới trên mái nhà mình?!
a/ Về môi trường
Chúng tôi đã nghe ông Phạm Khôi Nguyên, ông Lê Quang Bình căn cứ vào tham mưu của các chuyên gia khẳng định là giữ được an toàn; tôi không tin các ông có chuyên môn sâu về lĩnh vực này, các ông chỉ nói dựa theo ý người khác ?
Về nguyên tắc, về lý thuyết, về công nghệ chúng ta tin có thể tìm được các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác hại của việc khai thác bauxite ảnh hưởng tới môi trường sinh thái kể cả địa bàn đặc thù như Tây Nguyên. Điều này không cần các chuyên gia ai cũng đều tin là có khả năng đó về mặt lý thuyết, về mặt công nghệ.
Cũng như về nguyên tắc, Tập đoàn Than và Khoáng sản nếu được Trung Quốc cho vay nhiều tiền  cũng có thể đầu tư chế tạo tàu con thoi để đưa người lên mặt trăng; thậm chỉ cả các ông Phạm Khôi Nguyên, Vũ Huy Hoàng, Lê Dương Quang, Đoàn Văn Kiển không ai dám gạt các vị ra khỏi danh sách các nhà du hành thám hiểu mặt trăng trong một tương lai gần. Người Mỹ đã lên, người Nga đã lên, người Trung Quốc sắp lên, Việt Nam đánh thắng Mỹ lý gì không lên được ? Vấn đề là lên như thế nào và lên để được cái gì hay chỉ mang đi mang về mấy cái sô bèo hoa dâu như dạo nọ ?
Các vị đảm bảo bùn đỏ không đáng ngại, có thể kiểm soát, có thể sử dụng làm gạch chịu lửa, làm xi măng thậm chí các vị có tưởng tượng ra rằng: bùn đỏ Tây Nguyên có trữ lượng vàng kim cương cao chỉ cần thêm ít hoá chất và nhập ít công nghệ để luyện ra được vàng và kim cương thì về nguyên tắc, về mặt công nghệ, kỹ thuật không ai lại đi bác các vị. Đối với những ai hiểu khoa học kỹ thuật chỉ có thể đặt ra câu hỏi: thời gian hoàn thành và giá thành chứ không ai dám bảo không làm được ?!
Hiện nay thế giới xây cầu, làm đường, đắp đập thuỷ điện, xây nhà chung cư mấy nơi sập, nứt, thấm dột đâu; thế mà ở ta cầu Cần Thơ sập, Cầu Văn Thánh tiền sửa gần bằng xây mới, công trình thế kỷ như đập thuỷ điện Sông Đà, Cầu Thủ Thiêm đều xảy ra sự cố; còn chuyện các chung cư mới xây khi mưa xuống trong nhà như ngoài trời là chuyện thường ngày tại các khu phố. Thành ra khi nghe các vị nói về các quả bom hoá chất chuẩn bị được để trên mái nhà, nghe các vị nói không sao đâu, an toàn tuyệt đối mà tôi lại gai người mà nghĩ đến các sự cố đã xảy ra cách đây không lâu ? Cầu vẫn xây được, nhà vẫn có ở, đập thuỷ điện Sơn La rồi đây sẽ phát điện, cầu Văn Thánh, Thủ Thiêm đã và sẽ thông xe, vấn đề do nguồn vốn nhà nước nên chẳng ai kê tính xem giá phải trả như vậy có tương xứng không hay với tiền đó có thể làm gấp đôi số lượng dự án?
Chúng tôi khẳng định rằng khi các ông trong đoàn Quốc hội nghe các nhà khai thác bauxite Sec và Autralia nói bùn đỏ không đáng sợ đâu, người ta nói trong điều kiện, kỹ thuật, con người, địa bàn của người ta. Chiếc xe đạp Thống Nhất xưa chắc là phải khác với cái xe Favorit về độ bền và độ an toàn; còn chưa kể địa bàn chứa các quả bom hoá chất-bùn đỏ nằm trên độ cao từ 500 m trở lên khác với các hồ chứa nằm ở bình địa hay giữa sa mạc, trên bình nguyên...
Về phương diện kỹ thuật, công nghệ trên lý thuyết giải quyết nó là có thể; Điều mà chúng tôi lưu ý ông Bộ trưởng là ông và chúng tôi đang sống tại cái xứ sở nơi mà nền tảng luật pháp có thể tạo điều kiện cho cả đàn voi có thể chui lọt lỗ kim ? Do vậy nếu không được đặt lên bàn mọi thứ thì Chính phủ do sự tham mưu của Bộ Công thương sẽ tiến hành những quyết sách sai, mang tội với hậu thế ?
b/ Nói đến khai thác bauxite Tây Nguyên trước hết phải nói đến nguồn nước và ảnh hưởng của nước thải ra môi trường
Trong báo cáo của ông Lê Dương Quang tại trang 7 viết: Dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều dùng 100 % nước mặt không khai thác nước ngầm, đối với một nhà máy có công suất 0,6 triệu tấn phải cần lượng nước là 28 triệu m3/năm; trong khi đó hồ chứa Cai Bảng theo tính toán chỉ chứa được 17,2 triệu m3 được non nửa.
Đối với dự án Nhân Cơ thì việc tôn 2 đập tạo được hồ có sức chứa 21,8 triệu m3
Như vậy cả 2 hệ thống hồ này chì chứa lượng nước đáp ứng được già nửa lượng nước của 2 dự án này; ở đây các vị giải thích sẽ chờ lượng nước tuần hoàn.
Xin thưa Tây Nguyên có 2 mùa: mùa mưa và mùa nắng; mùa mưa hồ chỉ chứa được như vậy không thể hơn, trong khi đó thì Tây Nguyên có những năm mà đến nước trồng cafe còn không đủ, hồ sông khô cạn trơ đáy vậy thì 2 nhà máy này lấy nước dự trữ ở đâu dùng hay chỉ hoạt động có nửa năm?
Nếu sông Mê Kông chảy qua Tây Nguyên thì chúng tôi không đưa vấn đề cấp nước cho dự án, nhưng địa bàn đặc thù nơi sông suối có độ dốc cao như Tây Nguyên nên chúng tôi buộc lòng phải lưu ý ông Bộ trưởng điều này.
Ngay cả sông Mê Kông hiện Trung Quôc đã cho xây chặn từ nguồn một cái đập cao 292 m, không biết ông Bộ trưởng đã đọc thông tin này chưa? Do vậy trong tương lai, nguồn nước sông này cũng không dồi dào như chúng ta vẫn tưởng đâu, kể cả sông Mê Kông?
2/ Lập luận chung chung, mơ hồ, lắt léo:
Trên cơ sở trữ lượng, chất lượng tài nguyên bô-xít của nước ta cũng như nhu cầu và thị trường nhôm, alumin trên thế giới, có thể khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô-xít và nếu được phát triển một cách bền vững, sẽ đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong một thời gian dài. Việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác bô-xít, chế biến alumin tại Tây Nguyên là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên trước mắt và lâu dài là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ Đại hội IX cho đến Đại hội X...
Nếu đoạn này được đưa vào một báo cáo chính trị tại hội nghị Ban chấp hành trung ương theo chúng tôi cũng có thể khả dĩ chấp nhận. Theo quy định của Hiến pháp thì Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối trong khuôn khổ luật pháp hiện hành, Đảng không làm thay, không cầm tay chỉ việc Nhà nước, Chính phủ, Tập đoàn kinh tế A, B, C phải đi đào than ở tỉnh này, phải đi khai thác bô-xit ở địa điểm kia. Mặc dù vậy nếu là báo cáo cho Đảng cũng phải đảm bảo trong đó có các dữ liệu cần thiết và khoa học, để Đảng không chỉ nhầm đường hay chỉ cho các Tổng Công ty đi vào những con đường nguy hiểm, phải trả giá đắt, phí tiền dân...
BC 91 là báo cáo ông Bộ trưởng thừa uỷ quyền Thủ tướng giải trình trước Quốc hội về các ý kiến của các chuyên gia tham gia phản biện về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, những ý kiến phản biện này đều có lập luận, có số liệu cụ thể. Trong BC 91 ông Bộ trưởng cho biết:
Các nước có tài nguyên bô-xít đều phát triển trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước. Thế giới đã có 100 năm phát triển ngành công nghiệp nhôm mà theo các nghiên cứu cho đến nay thì chưa có vật liệu nào thay thế được. Trong những năm gần đây, do nhu cầu nhôm tăng mạnh dẫn đến tăng nhu cầu alumin trên thế giới.
Viết một cách chung chung và đại ngôn như trên thì nhằm giải quyết được điều gì, nếu không muốn nói là tung hoả mù? Xin hỏi ông Bộ trưởng: Ông có chắc rằng chưa có vật liệu nào thay thế được nhôm không ? Tôi có một nguồn tư liệu khác và trong nhiều ý kiến phản biện người ta đều khẳng định điều ngược lại với kết luận của ông Bộ trưởng, ông nghĩ sao? Hay ông dùng quyền Bộ trưởng của mình để sử dùng tiền, bộ máy nhà nươc để thực hiện ý chí của ông?
Theo số liệu trong BC 91 thì cả đời dự án các ông tính giá thành 362 USD/tấn; hiện nay giá đương là 1426 USD/ tấn; theo tôi các ông tính như vậy vẫn là tính theo kiểu cua trong lỗ, vịt giời dưới hồ; Chúng tôi có số liệu khác, theo tính toán 10 năm nữa giá nhôm thị trường bão hoà chỉ xuống 250 USD/ tấn thì ông nghĩ sao ? Bởi do tính năng hoá lý của kim loại này không nhiều ưu điểm và quý hiếm hơn các loại khác nên nó sẽ bị giảm giá trị dần ? Thị trường đâu có chiều theo ý chí của ông và của tôi, chưa kể rủi ro...
Xin hỏi ông Bộ trưởng: Nếu nhu cầu tăng tại sao giá nhôm lại giảm 30 % trong vài năm nay, theo số liệu của BC 91, sự giảm sút này có trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, trong khi đó thì các loại vật liệu khác như thép, xi măng và nhiều kim loạ khác giá lại không giảm ? Để tỏ ra mình thông thạo thị trường ông viết tiếp đoạn sau đây:Quy hoạch được lập trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực đang trong giai đoạn tăng trưởng, nhu cầu và giá cả sản phẩm nhôm và alumin cao và tăng liên tục, các đối tác hợp tác đầu tư đều thể hiện mong muốn bao tiêu sản phẩm alumin. Mặc dù Quy hoạch đã phân tích, dự báo diễn biến của thị trường song trước tình hình cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay thì sơ bộ thấy rằng về số lượng và sản lượng các dự án alumin đưa ra có phần thiên cao, cần phải được rà soát, đánh giá lại...
ơ kìa, sao lại nói nước đôi như vậy, một báo cáo của Chính phủ cơ mà ? Sao ông Bộ trưởng lại phát biểu khôn vậy? Phải khẳng ông nói nước đôi, lấp lửng để ông đẩy sang cho Quốc hội quyết, sau này có chuyện gì ông thanh minh đã tham mưu cho Quốc hội rồi. Phải tinh ý mới hiểu hết được những ẩn ý hàm súc sau những câu chữ mềm mại kia. Ông Bộ trưởng đã tìm ngõ ngách chuồn rồi ? Tại sao các ông không công khai minh bạch và dám chịu trách nhiệm như ông Võ Văn Kiệt khi làm đường giây 500 KW; nếu thất bại, ông Võ Văn Kiệt sẵn sàng từ chức ! Còn nếu căn cứ vào đoạn văn trên nếu thất bại ông vẫn còn có chỗ để thanh minh: Do Quốc hội quyết chứ chúng tôi đã đề ra hai phương án, hai khả năng kia mà ? Ông thừa uỷ quyền Thủ tướng viết thế mà nghe được à ? Các ông là những chính khách chịu trách nhiệm trước dân chứ đâu có phải là tầng lớp thị dân ở ngoài chợ ?
Thưa ông Bộ trưởng
Thư viết cho ông đã dài, do thúc ép về thời gian, công việc riêng tư quá bân, tôi mới chỉ đọc BC 91 do ông ký có một lần nên thấy cần thiết phải lên tiếng ngay, chắc chắn còn phải suy nghĩ, cân nhắc tiếp; xin hứa với ông tôi sẽ đọc thêm vài lần nữa, có thời gian nghiền ngẫm để còn có thêm những ý kiến xác đáng hơn giúp cho việc quyết định chủ trương quan trọng này thật chính xác, được xã hội đồng thuận cao.
Thân ái kính chúc ông sức khoẻ !

P.V.Đ

(http://trannhuong.net/tin-tuc-1430/thu-ngo-gui-ong-vu-huy-hoang-bo-truong-bo-cong-thuong.vhtm)

Không có nhận xét nào: