Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Báo chí nhà nước xô vào vinh danh ông Trương Minh Phương, bố ông BT 4 T ?; Con là ‘trùm’ truyền thông CSVN, cha được ‘bơm’ thành ‘thiên tài’

25/12/2016

Hiện tượng lặng lẽ

25-12-2016
Ông Trương Minh Phương, bố của Bộ trưởng Bộ 4T – Trương Minh Tuấn. Ảnh: VTC/ ĐĐK.
Thú thực, tôi rất bất ngờ khi thấy hầu hết các báo, kể từ báo Nhân Dân chúa trùm cho đến đám tép riu lắt nhắt (thôi, chả kể tên ra đây kẻo chạm tự ái) và hầu như không sót báo điện tử, trang tin điện tử nào, viết bài ca ngợi một nhân vật văn nghệ có tên là Trương Minh Phương. Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Văn hóa dân gian… của quốc gia cũng đều tranh giành tên ông để vinh dự cho mình. Rất lạ.
Từ bé đến giờ, là người rất quan tâm đến đời sống văn nghệ, tôi chưa một lần nghe đến tên bác Phương, cả văn, cả nhạc, cả văn hóa dân gian, cả sân khấu, tức là tất cả. Tôi hỏi lão Maddox, lão cũng lắc đầu, tôi hỏi mấy người có tên tuổi nữa, họ cũng lắc đầu, không biết. Một người nổi tiếng mà không ai biết. Thật lạ.
Đọc kỹ những lời ca ngợi mới thấy đây là hiện tượng lạ:
GS Hoàng Chương: “Tôi nói đặc biệt bởi chúng ta hầu hết chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương – một cán bộ văn hóa khiêm nhường – một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ” (chính GS cũng phải thừa nhận hầu hết chưa biết).
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ca ngợi mới khiếp: “Trương Minh Phương không chỉ là một một nhạc sĩ, nhà viết kịch như chúng ta đã biết mà hơn nữa ông còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…”. Thú thực chả biết ông Quân có thuộc bài hát nào của nhạc sĩ xuất sắc này.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Ông khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống” (bác Kha rất khéo mồm).
Trung tướng Hữu Ước: “Khi bài ‘Chiều Trường Sơn’ vang lên, tôi có cảm giác như cả rừng Trường Sơn chuyển động. Tôi đánh giá rằng đây là một trong những cái bài hay nhất về Trường Sơn kể từ sau khi giải phóng đến bây giờ…” (thú thực với trung tướng, lâu nay khi cần hát về Trường Sơn, chả có nhà tổ chức nào chọn bài hay nhất này. Tôi đố bác nào thuộc được một câu trong bài hát mà đồng chí Hữu Ước bảo là dạng hay nhất đấy)
GS Hoàng Chương còn đề nghị Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xem xét đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ông Trương Minh Phương, chưa kể ông vừa được truy tặng Giải thưởng Đào Tấn do đích thân ông Nguyễn Thế Kỷ ủy viên trung ương đảng trao…
Nói chung, đây là nhân vật rất đặc biệt, một tài năng, một sự nghiệp lớn, thậm chí cực lớn bị chìm khuất hầu như không mấy ai biết, đài báo nhà nước suốt bao nhiêu năm không hề phổ biến sáng tác của ông, không dòm ngó tới sự nghiệp của ông, rất vô trách nhiệm trong việc làm cho mọi người biết đến ông.
Không biết trên đất nước này còn có bao nhiêu “nhân vật lặng lẽ” cần được phát lộ, khảo cổ như vậy. Mà nếu được tìm thấy, chả biết có được những Hoàng Chương, Đỗ Hồng Quân, Thế Kỷ, Thụy Kha, Hữu Ước… ca ngợi nức nở vậy không.
Cũng may, tôi đọc báo Đại Đoàn Kết thì được biết ông là thân phụ của đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông.
Tôi viết những thông tin trên chỉ để nói về một hiện tượng đặc biệt chứ không có ý khen ngợi hoặc chê bai, cũng chả ẩn ý gì, nên không chấp nhận những nhận xét quá khích.
____

TRƯƠNG MINH PHƯƠNG LÀ (thằng) NHẠC SĨ NÀO?

25-12-2016
Cù bị, ủa đánh máy lộn, cù mẹ, mấy chục năm (bị ép) dỏng tai nghe nền âm nhạc cắt mạng, ủa lại lộn, cách mạng, những tên tuổi kiểu như Đỗ Nhuận bố ông Đỗ Hồng Quân thì còn biết, nhưng thú thật éo biết Trương Minh Phương là cha căng chú kiết nào? Có bài hát nào của ông này đã thấm sâu vào hồn công chúng? Hay độ thấm chỉ mới dừng ở vần ồn?
Nhiều cái tên và hình ảnh có trong bài báo này – những bút nô đình đám – thì độ nổi (tai) tiếng có khi lại ăn đứt cái lão Trương Minh Phương kia! Nào là Giáo Sư Hoàng Chương, nào là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (con ông Đỗ Nhuận), nào là Thụy Kha – gương mặt thận quen trong chương trình tuyên truyền “Bài ca đi cùng năm tháng” trên đài truyền hình VTV, Nguyễn Thế Kỷ – nguyên Phó trường ban Tuyên Giáo Trung ương và hiện là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, và đặc biệt Trung tướng Hữu Ước – nhà văn, nhà thơ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, trung tướng Công an Nhân dân Việt Nam giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng – một đàn anh nghề báo (cô) của một nguyên tổng biên tập cũng nổi tiếng không kém: đại tá chó Nguyễn Như Phong.
Đi dò hỏi thì hỡi ôi nghe xong ngã ngửa: Trương Minh Phương là bố đẻ của đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (bộ 4T), người nổi tiếng là kẻ thù của dấu sắc, à không, kẻ thù của tự do báo chí: Trương Minh Tuấn!
Không biết bố ông bộ trưởng bộ 4T này là ‘Già làng’ của giới văn học nghệ thuật cắt mạng, hay là “Bố già” mới?
Rõ khổ. Lặng lẽ để thiên hạ kính trọng xưng ông không muốn, giờ lại muốn hot để người ta gọi bằng thằng.

Trương Minh Tuấn ơi: bố ông chết từ đời tám hoánh, sao không để bố yên mà lại đi “khai quật” làm gì cho tử thi bốc mùi thối um lên vậy?

Con là ‘trùm’ truyền thông CSVN, cha được ‘bơm’ thành ‘thiên tài’

26/12/2016

Sinh tiền, ông Phương làm đủ mọi thứ mà thiên hạ vẫn không biết ông là ai. Chỉ đến khi con trai ông là Trương Minh Tuấn trở thành Phó Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN kiêm Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông trong chính phủ Việt Nam, tài năng của ông Phương mới được khai quật và phát lộ.
______
26-12-2016
Hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương. (Hình: VietNamNet)
Hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương. (Hình: VietNamNet)
HÀ NỘI (NV) – ‘Trên vòm trời văn hóa – nghệ thuật Việt Nam vừa có một “ngôi sao” mới tên là Trương Minh Phương. Khác với những ngôi sao khác, “ngôi sao” này không tự phát sáng mà được truyền thông nhà nước ở Việt Nam bơm thổi.
Hôm 24 tháng 12,  Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu – Bảo tồn – Phát huy văn hoá dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học đã cùng phối hợp để tổ chức một… “hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương.
“Hội thảo khoa học” này được tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam tường thuật một cách trang trọng. Nhờ vậy, người ta mới biết ông Phương từng viết nhạc, viết văn, viết kịch, làm thơ, nghiên cứu văn nghệ dân gian,… Nói chung là ông Phương đa tài, chỉ có điều lúc ông còn sinh tiền lại chẳng có ma nào biết đến và ngưỡng mộ.
Trong “hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương, rất nhiều viên chức lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, các hội đoàn trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật đang sống nhờ ngân sách nhà nước, khẳng định ông Phương đích thực là “thiên tài”.
Một ông có học hàm “giáo sư” tên là Hoàng Chương, nhấn mạnh: “Nhạc sĩ, nhà soạn kịch Trương Minh Phương là một ‘hiện tượng đặc biệt’ trong nền văn học nghệ thuật đáng tự hào của Việt Nam”. Vì tin chắc công chúng không hiểu tại sao lại như vậy nên ông “giáo sư” này chú thích thêm: “Tôi nói đặc biệt bởi hầu hết chúng ta chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà soạn kịch Trương Minh Phương – một cán bộ văn hoá khiêm nhường, một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ”.
Một ông vừa có học hàm “giáo sư”, vừa có danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân” tên là Lê Ngọc Canh, thú nhận: “Rất ít người biết tới nghệ sĩ tài ba, cả cuộc đời gắn bó với rừng, sống với rừng, làm nên sự nghiệp lớn cũng từ rừng nhưng người trong giới thì tường tận về ông, họ luôn gọi ông là ‘già làng’ của giới văn hóa nghệ thuật”.
Cần lưu ý là trên facebook, rất nhiều cá nhân hoạt động trong giới văn hóa, nghệ thuật khẳng định, chưa bao giờ họ nghe nói tới ông Trương Minh Phương và cũng chưa bao giờ họ có cơ hội thưởng thức những “tác phẩm”, “công trình” của “thiên tài” này.
Tương tự, ông Đỗ Hồng Quân, một nhạc sĩ lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tuyên bố: “Trương Minh Phương không chỉ là một nhạc sĩ, nhà soạn kịch như chúng ta đã biết mà còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…”.
Rất tiếc là trong hội thảo chẳng có ai hỏi những người tham dự có ai biết nhạc phẩm nào trong “di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng” mà ông Phương để lại hay không?
Cũng có thể do mường tượng được khoảng cách quá lớn giữa thực tế và những lời tụng ca, một ông “nhà thơ’ tên là Thuỵ Kha giải thích, khi sinh tiền, ông Phương “khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống”. Ông Phương là “nhạc sĩ giữa đời thường”, chuyên viết về những “đối tượng cần lao” như “cô gái làm ngân hàng”, “chàng trai là công nhân dầu khí”,…
Phân tích về những “tác phẩm” trong “di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng” mà ông Phương “để lại cho đời, một ông có học hàm “phó giáo sư” và học vị “tiến sĩ” tên là Trần Trí Trắc, ca ngợi: “Kịch của ông Phương là nguồn sống của sân khấu quần chúng”. Ở đây cần giải thích thêm rằng, trước nay, “sân khấu quần chúng” là sân khấu phi chính thống, tất cả các tác phẩm chỉ nhắm vào việc tuyên truyền. Ông Trắc cũng chẳng lạ gì điều này nên chú thích thêm: “Kịch của ông Phương ‘hoàn toàn mang tính chuyên nghiệp’ nhưng diễn ở các sân khấu quần chúng vẫn hiện lên đầy đủ đặc trưng nhận thức, giáo dục thẩm mĩ”. Đó là chưa kể, “kịch” của ông Phương còn đầy tính “triết lý về lẽ sống, lẽ đời”.
Ông Trắc dẫn vài câu “triết lý” của ông Phương mà ông Trắc bảo rằng… “khó quên”. Nó như thế này: “Con voi xích được nhưng con người thì khó xích”! “Không sợ mất gỗ, chỉ sợ mất bản chất tốt đẹp mà mình đã vun đắp bao năm”!?.
h1Trương Minh Tuấn, Phó ban tuyên giáo trung ương đảng CSVN kiêm Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông. (Hình: Getty Images)
Sinh tiền, ông Phương làm đủ mọi thứ mà thiên hạ vẫn không biết ông là ai. Chỉ đến khi con trai ông là Trương Minh Tuấn trở thành Phó Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN kiêm Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông trong chính phủ Việt Nam, tài năng của ông Phương mới được khai quật và phát lộ.
“Hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương được tổ chức nhân sự kiện ông Phương được truy tặng giải “Đào Tấn” vì “những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc, nền kịch nghệ Việt Nam”. Hội thảo kết thúc với đề nghị “Đảng và Nhà nước nên truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho ông Trương Minh Phương”!
Theo hướng này, trong tương lai, nếu ông Trương Minh Tuấn trở thành Tổng Bí thư hay Chủ tịch Nhà nước CSVN, ông Phương sẽ trở thành danh nhân nước Việt! Đây đó tại Việt Nam sẽ có những quảng trường, những con đường mang tên Trương Minh Phương.
Trong thiết chế xã hội chủ nghĩa, Bắc Hàn có Kim Il-sung, Kim Yong-il, Kim Yong-un thì hà cớ gì Việt Nam lại không có những thứ đại loại kiểu như Trương Minh Phương – Trương Minh Tuấn? (G.Đ)

Không có nhận xét nào: