Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Thủy điện không thể vô can trong thiệt hại của đồng bào vùng lũ

Đăng lúc: 19.12.2016 17:27

In bài viết
Thủy điện Hố Hô xả lũ ngày 17.10 - Ảnh: Lê Đình Dũng
   Các trận lũ dọc dài miền Trung từ ngày 14.10 đến nay đã làm 235 người chết, thiệt hại lên đến 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD) theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Không thể lúc nào mưa lũ cũng nói đến do thiên tai mà nhân tai từ thủy điện và một số tác động khác của con người qua nhóm lợi ích đứng ngoài phủi tay.
235 người chết qua các trận mưa lũ năm nay là một con số kỷ lục. Họ chính là trụ cột của các gia đình, là niềm hy vọng sống của những đứa con, hoặc là những tương lai phía trước về lao động, học tập bị nước cuốn cướp mất mạng sống.
Số tiền thiệt hại quá lớn với những gì người dân miền Trung tận tụy làm việc trong môi trường khắc nghiệt của hạn hán, mưa gió nhằm gầy dựng cuộc sống. Số người nghèo gia tăng sau mỗi trận lũ là có thật. Số thiệt hại ấy nhiều hơn tất cả thủy điện nhỏ trên rừng Trường Sơn cộng lại về con số nộp thuế. Gần 38.000 tỉ đồng lớn hơn gấp 8 lần nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang đắp chiếu. Lớn ngang bằng nhiều dự án bị lỗ và dừng vận hành mà Bộ Công Thương vừa công bố. Số tiền thiệt hại đó bằng 24 năm làm việc với một tỉnh nhỏ như Quảng Bình hoặc Quảng Trị. Nếu tính vào ngân sách một địa phương thì 1,7 tỉ USD thiệt hại đó kéo lùi một số tỉnh nghèo xuống 24 năm.
Đành rằng mưa lớn là phải lũ, nhưng nước lên nhanh như thế rất hiếm gặp. Có những vùng đất chưa bao giờ lũ to hoặc không có lũ thì dồn dập 5 trận liên tiếp mà báo chí loan tin, sức dân nào cũng kiệt quệ. Có sống trong vùng lũ mới thấy cơ cực tứ bề, sinh tồn trong quang cảnh tan nát đó, sống sót đã là sự kỳ diệu chứ chưa thể nói hồi phục.
Thủy điện trên đầu người dân không thể chối bỏ trách nhiệm gây ra những trận lũ liên tiếp khủng khiếp vừa qua. Dĩ nhiên, mọi nguyên nhân đều không đổ hết lên đầu thủy điện, nhưng để làm một thủy điện nhỏ phải có hàng trăm thậm chí hàng ngàn héc ta hồ chứa, rừng phải bị phá để lấy diện tích lòng hồ, do đó trách nhiệm của thủy điện trước bao mất mát, thiệt hại của đồng bào miền Trung không phải là nhỏ và không thể bao biện.
Các dự án thủy điện ở miền Trung luôn đưa ra những hứa hẹn cho quan chức địa phương duyệt là giảm lũ, điều tiết lũ, cắt lũ hạ du. Họ cũng hứa trồng rừng trả lại rừng khi đi vào vận hành. Nhưng cho đến nay, chưa có báo cáo nào về chủ thủy điện đầu tư trồng lại rừng sau khi lấy rừng làm thủy điện.
Có những ngày 14-16 tháng 12 năm này, ở Nam Trung Bộ đồng loạt 14 thủy điện xã lũ, nhiều báo cáo mô tả của các tờ báo nước lên nhanh, dân không kịp chạy. Các làng hoa, làng rau củ quả... làm mùa bán Tết đã hoàn toàn mất hết vì lũ xả về cướp sạch mọi thứ.
Khi bị truy vấn, các chủ thủy điện đều nói về quy trình họ vận hành đúng, nhưng khi cho kiểm tra lại sai nhiều vấn đề mà thủy điện Hố Hô là một ví dụ. Lũ về, nước xả lênh láng, sau đó lãnh đạo Hố Hô bao biện xả đúng quy trình, đến khi đoàn kiểm tra vào cuộc, hàng loạt lỗi bị phạt hàng trăm triệu đồng. Các thủy điện xả lũ cuối năm này, chưa thấy đoàn nào vào thanh tra để người dân được biết cái quy trình ấy là gì mà gây thiệt hại thảm khốc.
Trên các vạt rừng xưa ở miền núi của rặng Trường Sơn, ngày nay người ta tự hào đưa vàng trắng cao su làm cây chủ lực với một câu then chốt trong các báo cáo: "Cao su là cây đa mục tiêu, phát triển kinh tế, chống xói lở, phòng chống lũ". Vậy nhưng cây cao su qua nhiều địa phương miền Trung địa hình dốc, nhiều mùa mưa lũ cao su không giữ được nước, các hàng cây cách nhau đến 5m, nước và đất đá cứ thế chảy tuột vào nhà dân, cao su chống lũ còn tệ hơn cả rừng nghèo kiệt. Bởi rừng nghèo kiệt còn dày đặc dây lẹo bụi rậm, nước mưa chảy xuống phải qua tầng tầng, lớp lớp lá và mùn, ẩm thấm mới thoát được đi một cách từ từ chứ không trôi tuột. Những nhóm lợi ích giàu lên từ các dự án cao su khổng lồ đã không chịu thừa nhận việc đó càng làm cho các trận lũ thêm trầm trọng.
Không thể phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội được nếu sống trong bất an lũ lụt triền miên như năm nay với các nguyên nhân từ nhân tai như thế. Một cuộc điều tra toàn diện về các thủy điện nhỏ và vừa dọc khắp miền Trung và Tây Nguyên bây giờ là điều cần thiết để Chính phủ có cái nhìn tổng thể tác hại của thủy điện đã gây ra những gì cho lương dân bản địa. Khi có những điều tra cụ thể từ các nhà khoa học cũng như giới nghiên cứu, lúc đó mới buộc trách nhiệm các chủ thủy điện đặt mưu cầu lợi ích người dân lên trên.
Không thể cứ mưa lũ là bị thiệt hại toàn diện như hiện nay, chính sách trả lại rừng của các thủy điện cần phải giám sát chặt chẽ và thông tin rộng rãi. Miền Trung sẽ mãi nghèo nếu năm nào cũng bị lũ lụt cướp trắng bao nhân lực, của cải. Miền Trung được mạnh lên thì nguồn lực phát triển mới bền vững cho quốc gia. Thủy điện và các dự án phát triển cao su tiếp tục bành trướng thì các năm sau thiệt hại sẽ còn nặng nề hơn. Chính phủ cần có cơ chế thu hút đầu tư lớn vào năng lượng sạch để thay thế năng lượng thủy điện nhỏ và vừa. Điện gió, mặt trời... là những gợi ý khả thi ở miền Trung đầy nắng gió. Rừng núi thuộc về mẹ thiên nhiên để che chở, bảo vệ thực thể con người bản địa nhỏ bé.
Từ bây giờ, Chính phủ cần dành nguồn lực đáng kể để trồng lại các cánh rừng ở Tây Nguyên và miền Trung đã bị biến mất. Trách nhiệm đó các thủy điện phải đứng ra đầu tiên bởi lượng rừng mất đi trong các lòng hồ là quá lớn. Làm những việc đó để tránh đi lũ lụt năm sau nặng hơn năm trước, không thể để miền Trung mãi chịu cảnh người chết, của cải bị cuốn trôi, nhà cửa bị sập theo chu kỳ xả lũ.
Quốc Nam

Không có nhận xét nào: