Phạm Văn Tuấn
Những sự kiện này bắt đầu từ Ba Lan vào năm 1989, và tiếp tục ở Hungary, Đông Đức, Bungary, Tiệp Khắc và România.Romania là nước Đông Âu duy nhất lật đổ chế độ Cộng sản của mình bằng bạo lựcNổi tiếng nhất là sự sụp đổ của Bức tường Berlin, biểu tượng của việc thống nhất nước Đức vào năm 1990.Việc Liên Xô bị giải thể vào cuối năm 1991 dẫn đến kết quả là Nga và 14 quốc gia tuyên bố độc lập của khỏi Liên Xô
1- Ba Lan
Ba Lan là một lãnh thổ bằng phẳng nằm tại miền trung của châu Âu, rộng bằng nước Mễ Tây Cơ và có dân số là 37 triệu người. Từ 1,000 năm về trước và qua thời Trung Cổ, Ba Lan đã là một vương quốc quan trọng cho tới cuối thế kỷ 18, xứ sở này đã bị xóa tên trên bản đồ, bị chia ba giữa ba cường quốc là Nga, Áo và Phổ. Nhưng rồi người dân Ba Lan đã vùng lên, giành độc lập vào năm 1918.
Vào tháng 9-1939, đất nước Ba Lan lại bị dẫm nát bởi quân đội nước ngoài: quân đội Quốc Xã Đức tiến vào từ hướng tây và quân đội Xô Viết từ hướng đông. Ba Lan đã là bãi chiến trường, là địa điểm của rất nhiều trại tập trung mà xấu xa nhất là trại Auschwitz, chuyên việc tận diệt các kẻ chống đối, các tù binh, các người Do Thái.
Sau Thế Chiến Thứ Hai, Ba Lan đã lấy lại được phần đất đã mất trước kia do Quốc Xã Đức chiếm, nhưng từ năm 1948, các người cộng sản đã nắm được chính quyền, tạo nên một thể chế cộng sản theo kiểu mẫu Liên Xô. Tới năm 1956, không lâu sau khi ông Nikita Khrushchev tố cáo các tội ác khủng khiếp của Stalin, do tinh thần quốc gia tiềm ẩn, do lòng bất khuất và do nỗi bất mãn về kinh tế, người dân Ba Lan đã nổi dậy tại tỉnh Poznan. Các bạo loạn trong xứ đã làm cho Bộ Chính Trị phải thay đổi và ông Wladyslaw Gomulka được đưa ra lãnh đạo Đảng. Ông Gomulka liền bỏ chương trình tập thể hóa các nông trại, cho nới lỏng một số luật lệ và cải thiện liên lạc với Nhà Thờ Công Giáo. Nhưng trong cuộc nổi dậy của các công nhân tại Gdansk vào tháng 12-1970, các công nhân này đã bị đàn áp một cách tàn nhẫn, ít nhất có 44 người bị giết. Ông Gomulka sau đó bị thay thế bởi ông Edward Gierek, một người tìm cách hòa hoãn với khối tây phương. Nhưng tình trạng kinh tế tuột dốc đã gây nên nhiều làn sóng phản đối mới vào năm 1976.
Năm 1978, người dân Ba Lan lại vui mừng vì vị Tổng Giám Mục miền Cracow trở nên Đức Giáo Hoàng John Paul II. Sự kiện này đã đóng một vai trò gián tiếp trong việc khai tử chế độ Cộng Sản tại Đông Âu bởi vì trong các năm dài sống dưới chế độ cộng sản, người dân Ba Lan vẫn duy trì niềm tin Công Giáo Catholic, họ lấy lại can đảm để đương đầu với các kẻ cầm quyền độc ác.
Ngày 14 tháng 8 năm 1980, Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarity Trade Union) ra đời và ông Lech Walesa, một người thợ điện, là lãnh tụ của phong trào đòi Dân Chủ cho đất nước Ba Lan. Hoạt động của Công Đoàn kể trên đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Edward Gierek và ông Wojciech Jaruzelski thay thế. 15 tháng phát triển của Công Đoàn Đoàn Kết cũng là “điềm báo tử” cho chế độ Cộng Sản tại Ba Lan. Với số đoàn viên lên tới 10 triệu, Công Đoàn Đoàn Kết đã là một tổ chức có thực lực để đòi hỏi các cuộc bầu cử tự do và một chính quyền hợp pháp không cộng sản. Vào ngày 13-12-1981, dưới áp lực của Liên Xô lúc đó do ông Leonid Brezhnev lãnh đạo, Tướng Jaruzelski phải công bố tình trạng quân luật, giải tán Công Đoàn Đoàn Kết, bắt giam các lãnh tụ và các người hoạt động cho Công Đoàn, ra lệnh hủy bỏ mọi hình thức cởi mở mới được ban hành, tuy nhiên những mệnh lệnh này chưa thực sự tiêu diệt được Công Đoàn Đoàn Kết.
Khi ông Mikhail S. Gorbachev lên nắm quyền tại Liên Xô, khi các áp lực Xô Viết tại Ba Lan giảm đi, Công Đoàn Đoàn Kết đã lấy lại được khí thế cũ. Mùa xuân năm 1989, Công Đoàn đã được chính thức công nhận và đã thắng gần hết các ghế đại biểu trong các cuộc bầu cử.
Tháng 8-1989, Ba Lan là nước đầu tiên có một thủ tướng không cộng sản kể từ năm 1948, đó là ông Tadeusz Mazowiecki, một nhà trí thức Catholic và cũng là một người bạn thân của ông Lech Walesa. Chính phủ mới này tập trung vào việc cải tổ kinh tế nên đã đưa ra nhiều biện pháp khắc khổ để khắc phục nạn lạm phát và đưa đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Tới mùa hè năm 1990, sau khi các người cộng sản bị gạt sang một bên rồi, nội bộ của Công Đoàn Đoàn Kết lại bị tách ra làm hai: phe khuynh hữu với ông Lech Walesa và phe khuynh tả với ông Mazowiecki nhưng cuối cùng ông Lech Walesa đã thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1990.
Vào tháng 10 năm 1991 là cuộc bầu cử Quốc Hội tự do đầu tiên nhưng trong các năm sau, nước Ba Lan đã có rất nhiều đảng phái, có 5 thủ tướng, gặp nạn lạm phát và cảnh thất nghiệp cao, hàng ngàn nông trại trên bờ phá sản.
2- Đông Đức
Nước Đức là quốc gia giàu có và đông dân nhất châu Âu, hiện nay gồm 77.5 triệu người. Nước Đức có lịch sử chính trị từ thời Vua Charlemagne, giống như nước Pháp, nhưng các lãnh địa đã bị chia rẽ và chỉ hợp lại thành một quốc gia thống nhất vào năm 1871. Sau đó Thủ Tướng Otto Bismark và các nhà lãnh đạo khác đã cố công theo đuổi các chính sách bành trướng lãnh thổ, dẫn tới Thế Chiến Thứ Nhất vào năm 1914. Sau khi thất trận, nước Đức lại cố gắng vươn lên rồi dân tộc Đức vì bị thất vọng về kinh tế suy kém, đã trông nhờ vào nhà độc tài Adolf Hitler.
Vào năm 1945, nước Đức Quốc Xã thất trận nên lãnh thổ Đức bị phân chia thành bốn khu vực chiếm đóng bởi Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô. Ba khu vực phia tây được phối hợp lại năm 1949 thành nước Cộng Hòa Liên Bang Đức hay nước Tây Đức rồi không lâu sau đó, Liên Xô cũng tạo nên nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức (the German Democratic Republic) hay còn gọi là nước Đông Đức.
Trong nửa thời gian đầu, Đông Đức ở dưới quyền cai trị cứng dắn của ông Walter Ulbricht, với đường lối thù nghịch Tây Đức và cao điểm của sự đối đầu là việc xây dựng nên Bức Tường Bá Linh. Vào nửa giai đoạn sau dưới quyền của ông Erich Honecker, Đông Đức đã dịu bớt sự căng thẳng vì chính sách hòa hoãn “Ostpolitik” giữa hai miền nước Đức của ông Willy Brandt.
Giống như nước Đức bị chia cắt vào năm 1949, thành phố Bá Linh cũng bị phân chia và một khu vực của thành phố này thuộc về Đông Đức. Tuy nhiên, đường ranh giữa hai khu vực Đông và Tây Bá Linh vẫn là khe hở của Tấm Màn Sắt và các người sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức thường trốn qua Tây Đức bằng khe hở này. Ngày 13 tháng 8 năm 1961, để chặn đứng những người vượt biên, chính quyền Đông Đức đã cho dựng nên Bức Tường ngăn cách Đông và Tây thành phố Bá Linh. Tại bức tường cao xây bằng bê-tông trên có hàng rào kẽm gai này, binh lính Đông Đức được lệnh bắn bỏ những người tìm cách leo qua tường, tìm tự do. Theo ước lượng vào năm 1992, đã có hơn 200 người dân Đông Đức bị bắn chết.
Tại Đông Đức về kinh tế, người dân giàu có hơn tất cả các dân tộc theo xã hội chủ nghĩa khác, nhưng họ vẫn bất mãn khi so sánh với mức sống của người dân anh em Tây Đức, bất mãn khi không được phép đi ra nước ngoài. Vào mùa hè năm 1989, hàng ngàn người Đông Đức đã vượt sang nước Hungari và tràn vào các tòa đại sứ của Tây Đức tại hai thành phố Prague và Warsaw. Hàng triệu người trên thế giới đã chứng kiến cảnh tượng này trên màn ảnh vô tuyến truyền hình: đây là cảnh “bỏ phiếu bằng chân” của những người sống trong chế độ cộng sản! Tới tháng 9-1989, số người biểu tình tại các thành phố của Đông Đức đã gia tăng rất cao, họ hát câu “chúng tôi muốn ở lại” và đòi hỏi chính quyền cộng sản phải thay đổi đường lối cai trị. Ông Erich Honecker vì thế phải từ chức, thay thế bằng ông Egon Krenz và các nhà lãnh đạo Đông Đức phải ra lệnh mở Bức Tường Bá Linh. Trong vài ngày, hàng triệu người dân Đông Đức đã vượt qua khu Tây Bá Linh. Một câu chuyện vui kể lại rằng khi ông Erich Honecker tỉnh dậy, thấy khu Đông Bá Linh không còn bóng người nhưng vẫn còn thắp đèn sáng, ông bèn tới Bức Tường Bá Linh và thấy một mẩu giấy ghi rõ câu : “ai đi sau cùng nhớ tắt đèn”.
Kể từ khi ông Egon Krenz quản trị Đông Đức, xứ sở này trong nhiều tháng vẫn chìm vào trong các rối loạn chính trị. Tháng 3 năm 1990, đã có các cuộc bầu cử tự do đầu tiên và Công Đoàn Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (the Christian Democratic Union), một đảng phái mới được thành lập của những người Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Tây Đức, đã chiếm được 41% số phiếu. Trong khi đó tại Tây Đức, Thủ Tướng Helmut Kohl không ngừng theo đuổi chương trình thống nhất nước Đức vì vậy vào tháng 3-1990, tại thành phố Bonn đã diễn ra các cuộc thảo luận “Hai cộng Bốn”, gồm 2 nước Đông và Tây Đức với 4 nước chiến thắng trong Thế Chiến Thứ Hai là Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô rồi vào ngày 12-9-1990, cả 6 nước kể trên đã ký tên vào “Hiệp Ước ổn định cuối cùng đối với nước Đức” (the Final Settlement with Respect to Germany) và sự kiện này chính thức chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai.
Hiệp ước Ổn Định kể trên đã mở đường cho việc thống nhất nước Đức, và bắt đầu từ nửa đêm ngày 2-10-1990, nước Đông Đức không còn hiện hữu nữa mà trở thành 5 tiểu bang mới của Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Kể từ ngày thành lập 7-10-1949, xứ sở cộng sản Đông Đức với dân số 16 triệu người và diện tích bằng tiểu bang Tennessee, với tên gọi là Cộng Hòa Dân Chủ Đức, đã cáo chung sau khi tồn tại được 40 năm và 360 ngày!
3- Tiệp Khắc
Tiệp Khắc là quốc gia nằm giữa châu Âu, gồm ba xứ hợp lại là Bohemia, Moravia và Slovakia. Từ nhiều thế kỷ, Tiệp Khắc vẫn theo đuổi nền dân chủ cho tới khi bị Đức Quốc Xã tấn công vào năm 1938. Sau khi nước Đức bị thua trận, một chính quyền Cộng sản theo Stalin được thiết lập tại Tiệp Khắc từ tháng 2-1948 tới đầu thập niên 1960. Vào lúc này và do nền kinh tế suy sụp, các người cầm quyền cộng sản đã tìm cách cải tổ kinh tế và nới lỏng các kiểm soát chính trị. Tiến trình cải cách đã đi tới cao điểm gọi là “Mùa Xuân Praha” (the Prague Spring) của năm 1968 do nhân vật cộng sản cải cách lãnh đạo tên là Alexander Dubcek.
Ông Alexander Dubcek (1921-92) chào đời vài tháng sau khi cha mẹ của ông từ thành phố Chicago, Hoa Kỳ, trở về xứ Slovakia. Ông Dubcek đã trải qua tuổi trẻ tại Liên Xô. Đầu năm 1968, ông Dubcek công bố một chương trình cải tiến gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa với bộ mặt con người” (Socialism with a human face). Trong thời gian 8 tháng dễ thở này, từ tháng 1 tới ngày 20-8-1968, ông Dubcek là hình ảnh của hy vọng cho người dân Tiệp Khắc. Liên Xô, dưới quyền lãnh đạo của ông Leonid Brezhnev, coi các cải tiến tại Tiệp Khắc là “quá nguy hiểm” cho thể chế cộng sản, nên đã đàn áp phong trào “Mùa Xuân Praha” bằng 500,000 quân thuộc Minh Ước Warsaw (the Warsaw Pact).
Warsaw là liên minh quân sự được thành lập năm 1955 để đối đầu với khối Nato. Các thành phần ban đầu của Minh Ước Warsaw gồm 8 nước: Tiệp Khắc, Đông Đức, Ba Lan, Hungari, Romania, Bulgaria, Albania và Liên Xô. Hành động quân sự duy nhất của liên minh này là cuộc xâm lăng Tiệp Khắc vào tháng 8-1968 trong đó Romania không tham gia. Vào đầu thập niên 1960, nước Albania không tham dự vào liên minh Warsaw rồi chính thức rút lui vào năm 1968. Minh Ước Warsaw bị giải thể vào tháng 7-1991.
Năm 1987, khi bị hỏi về sự khác biệt giữa “Mùa Xuân Praha” của ông Dubcek và các chương trình “Glasnost” và “Perestroika” của ông Gorbachev, người phát ngôn thuộc Bộ Ngoại Giao Liên Xô đã trả lời rằng: “19 năm”!
Sau khi ông Alexander Dubcek bị bắt về giam tại Liên Xô và phong trào “Mùa Xuân Praha” bị dẹp tan, một nhân vật cộng sản cứng dắn mới lên nắm quyền tại Tiệp Khắc, đó là ông Gustav Husak. Từ nay, tất cả những người có khuynh hướng cải tiến đều bị thanh trừng, hầu như mọi người dân Tiệp Khắc đều thu mình lại để được an toàn, thế nhưng vẫn còn một số ít người rất can đảm, cả nam lẫn nữ, đã tập hợp lại một cách lỏng lẻo để tạo nên một nhóm chống đối các kẻ đàn áp: “Nhóm Hiến Chương 77” (The Charter 77).
Vào khoảng đầu tháng 1 năm 1977, một nhóm 242 người bất đồng chính kiến gốc Tiệp và Slovak, đã họp lại và ký tên vào một bản Tuyên Ngôn (manifesto) qua đó họ liệt kê các đòi hỏi căn bản về Nhân Quyền (basic human rights). Mặc dù đã được viết bằng những từ ngữ thận trọng, bản Hiến Chương 77 đã gây nên các hành động giận dữ của chính quyền Cộng Sản Tiệp Khắc: các người ký tên trong đó có ông Vaclav Havel, đều bị bắt, bị lưu đầy, bị xách nhiễu nhưng những nhân vật anh hùng này đã là hạt nhân cho phong trào phản kháng 12 năm về sau tại Tiệp Khắc.
20 năm sau ngày quân đội của Hiệp Ước Warsaw xâm lăng Tiệp Khắc, đã có vào khoảng 20,000 người biểu tình đòi dân chủ, chống lại chế độ Cộng Sản vào ngày 21-8-1988 trước sự ngỡ ngàng của công an và đảng cộng sản cầm quyền. Đây là cuộc phản đối lớn nhất kể từ năm 1969 và cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán, 400 người bị bắt.
Tại thành phố Prague, cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra từ ngày 15 tới ngày 20-1-1989 và cảnh sát cộng sản đã phải dùng dùi cui, hơi cay, vòi nước và chó dữ để dẹp biểu tình. Trong số người bị bắt lại có ông Vaclav Havel. Ngày 21-2, ông Havel bị tuyên án 8 tháng tù vì có hành vi “chống nhà nước và xã hội chủ nghĩa”. Nhiều người bất đồng chính kiến khác cũng bị tuyên án tương tự. Rồi 2,000 thanh niên đã tham gia biểu tình đòi dân chủ vào ngày 1-5-89, họ cũng bị đàn áp. Tới ngày 17-5-89, ông Havel được thả khỏi nhà tù vì đã “học tập tốt” theo lời của chính quyền cộng sản, nhưng thực ra là do sự chỉ trích của khối Tây Phương. Rồi 35,000 người bất đồng chính kiến, phản đối chế độ Cộng Sản, đòi hỏi Dân Chủ, đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu phải “thay đổi tận gốc không khí xã hội và chính trị”.
Các biểu tình phản kháng vẫn tiếp tục diễn ra tại Prague vào các ngày 28-8, 17-11, 20-11, 27-11-1989 rồi tới ngày 29-11, chính quyền cộng sản phải công nhận hủy bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản. Ngày 10-12-1989, một chính quyền liên bang mới được thành lập và chủ tịch Husak từ chức. Ông Alexander Dubcek được bầu làm chủ tịch của Quốc Hội Liên Bang ngày 28-12 rồi ngày hôm sau, ông Vaclav Havel được bầu làm Tổng Thống của nước cộng hòa.
Ông Havel đã thăm viếng Moscow vào hai ngày 26, 27-2-1990 và ký với ông Gorbachev một thỏa ước theo đó 73,500 quân Xô Viết phải rút khỏi Tiệp Khắc vào tháng 7 năm 1991. Nước Tiệp Khắc vào giai đoạn này đã gặp rất nhiều vấn đề khó giải quyết, chẳng hạn làm sao loại bỏ “giới cầm quyền cũ Nomenclatura” (nhóm cựu đảng viên C.S.) ra khỏi các chức vụ cao, làm sao tháo gỡ được hệ thống kinh tế chỉ huy phức tạp và nặng nề và làm sao giải quyết êm đẹp các căng thẳng quốc gia với xứ Slovakia, rồi cuối cùng, nước Tiệp Khắc bị chia làm hai xứ riêng rẽ vào tháng 1-1993: đó là hai nước cộng hòa Tiệp (Czech) và Slovak
4 . Hungari
Hungari là một quốc gia tại miền trung của châu Âu với diện tích nhỏ hơn tiểu bang Indiana và dân số 10 triệu người. Người Hungari có nguồn gốc từ bộ lạc du mục thiện chiến Magyar, từ châu Á tới châu Âu vào thế kỷ thứ 9 để rồi lập nên một vương quốc quan trọng. Khi đế quốc Áo-Hung bành trướng vào thế kỷ 19, Hungari là một miền đất tự trị, phát triển cho tới cuối Thế Chiến thứ nhất, khi đó hai phần ba diện tích bị cắt xén thành nước Tiệp Khắc, một phần của Nam Tư và một phần của Romania. Ngày nay, những người dân gốc Hungari vẫn còn sinh sống tại các quốc gia kể trên và đông đảo nhất tại vùng Transylvania thuộc nước Romania.
Vào thập niên 1930, nhà độc tài Adolf Hitler đã hứa sẽ trả lại các miền đất mà Hungari bị mất vì Hiệp Ước Trianon, cho nên vào năm 1941, Hungari đã giúp Hitler tấn công Nam Tư và tham gia vào khối Trục. Tới năm 1943, Hitler không coi Hungari là một nước đồng minh, đã chiếm đóng nước này vào tháng 3-1944 rồi sau đó, nửa triệu người Do Thái sinh sống tại Hungari đã bị chở tới các trại tập trung đặt trên nước Đức và bị giết trong các phòng hơi ngạt.
Sau khi Đức Quốc Xã thua trận, các người cộng sản Hungari đã chiếm chính quyền với sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô. Ông Mathias Rakosi là lãnh tụ đảng Cộng Sản và cũng là người đứng đầu chính quyền Hungari, đã cai trị xứ sở này như một nhà độc tài. Chính sách cai trị khắc nghiệt của ông Rakosi đã khiến cho nền kinh tế Hungari đi dần tới chỗ kiệt quệ và dân chúng đều bất mãn.
Năm 1953, ông Imre Nagy làm Thủ Tướng, Rakosi làm chủ tịch đảng Cộng Sản. Ông Nagy đã nới lỏng các kiểm soát, cho dân chúng Hungari đôi phần tự do hơn để cải thiện đời sống nhưng các cải tiến này đã bị ông Rakosi và các đảng viên cộng sản khác chống đối. Ông Nagy bị loại khỏi chính quyền và bị khai trừ khỏi đảng vào năm 1955. Các chính sách khắc nghiệt của ông Rakosi một lần nữa lại được áp đặt lên xứ sở Hungari khiến cho các thanh niên, các nhà văn… đều phản đối, nhất là về phạm vi nhân quyền và tự do tư tưởng, vì thế ông Rakosi bị loại khỏi chức vụ chủ tịch đảng Cộng Sản vào giữa năm 1956 nhưng các chính sách khắc nghiệt vẫn còn được duy trì khiến cho đã xẩy ra một cuộc nổi dậy, chống đối, tại thành phố Budapest.
Cuộc cách mạng này đã lan ra khắp nước Hungari. Nhân dịp này nhiều tù nhân chính trị đã được trả tự do trong đó có cha Joseph Cardinal Mindszenty là người đứng đầu nhà thờ công giáo Catholic tại Hungari, đã bị giam cầm từ năm 1949. Cuộc nổi dậy của người dân Hungari đã khiến cho ông Imre Nagy lại trở nên Thủ Tướng và ông Nagy đã tuyên bố Hungari là một quốc gia trung lập, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại được vài ngày, vì vào tháng 11 năm đó, quân đội Liên Xô đã tràn vào nước Hungari, đàn áp cuộc cách mạng. Số người bị giết trong cuộc tàn sát này từ 6,500 tới 32,000 người. Khoảng 250 người tích cực trong cuộc cách mạng kể trên, kể cả ông Imre Nagy, đã bị Liên Xô hành quyết vào năm 1958. 200,000 người Hungari đã bỏ xứ, chạy trốn.
Sau cuộc Cách Mạng năm 1956, Liên Xô đã kiểm soát chặt chẽ xứ Hungari và ông Janos Kadar là lãnh tụ đảng Cộng Sản mới, lãnh chức Thủ Tướng từ năm 1956 tới 1958 rồi từ năm 1961 tới 1965. Vào thập niên 1960, ông Kadar đã nới lỏng các kiểm soát về kinh tế, văn hóa và xã hội khiến cho chế độ cộng sản Hungari được coi là tiến bộ nhất. Năm 1987, ông Karoly Grosz được chọn làm Thủ Tướng rồi làm lãnh tụ đảng, thay thế ông Kadar. Vào cuối thập niên 1980 này, quyền lực của đảng Cộng Sản Hungari bị suy giảm, các đảng phái khác bắt đầu hoạt động trở lại. Vào tháng 6-1989, đảng Cộng Sản Hungari phải thảo luận với các đảng phái đối lập. Họ đã xét lại cuộc cách mạng năm 1956 và tuyên bố rằng vụ xét xử ông Imre Nagy và các đồng chí vào năm đó bị coi là bất hợp pháp và cuộc nổi dậy năm 1956 không bị coi là “phản cách mạng”. Ông Nagy và các đồng chí cũ được phục hồi danh dự và chôn cất long trọng vào tháng 6-1989.
Mùa hè năm 1989, Hungari đã mở cửa biên giới với nước Áo khiến cho hàng ngàn người Đông Đức đã tràn qua các nước tây phương. Ngày 10-3-1990, Hungari đã ký với Liên Xô một thỏa ước về rút toàn bộ 52,000 quân Xô Viết ra khỏi lãnh thổ Hungari vào tháng 7-1991và xứ sở này chuyển sang chính thể dân chủ đa đảng, có Quốc Hội và Tổng Thống. Đảng Cộng Sản Hungari mặc dù đã cải tổ nội bộ, kể từ tháng 4-1990 chỉ chiếm được 11 % số phiếu bầu. Cũng từ năm 1990, Hungari đã theo đuổi các chính sách cải tổ kinh tế, tư hữu các xí nghiệp và trả lại đất đai cho nông dân.
5. Albania
Albania là quốc gia nghèo nhất của châu Âu, có diện tích vào khoảng tiểu bang Alabama với dân số hơn 3 triệu người. Albania tiếp giáp với các nước Nam Tư, Macedonia, Hy Lạp và biển Adriatic.
Qua nhiều thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, người dân Albania vẫn giữ được bản tính dân tộc nên đã giành được độc lập vào năm 1920 rồi tới Thế Chiến Thứ Hai, quốc gia nhỏ bé này bị Phát Xít Ý xâm lăng vào tháng 4-1939, rồi bị sát nhập vào nước Ý. Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, có ba lực lượng kháng chiến chính trong xứ Albania: a) tổ chức Cộng Sản gọi là Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia NLF (the National Liberation Front) do Enver Hoxha lãnh đạo, b) lực lượng bảo hoàng gọi là Phong Trào Hợp Pháp (Legality) do Abas Kupi điều khiển, c) phong trào quốc gia gọi tên là Balli Kombetar do Midhat Frasheri chủ trương. Cả ba nhóm quân sự này vừa đánh quân đội Đức Quốc Xã chiếm đóng, vừa đánh lẫn nhau.
Năm 1944, lực lượng Đức Quốc Xã bị đánh bật ra khỏi Albania và các người Cộng Sản kiểm soát được đất nước. Ông Hoxha đã thiết lập nên tại Tirana một chính quyền cộng sản và lãnh đạo đất nước với chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản từ năm 1953. Ông Enver Hoxha (1908-1985), đã cai trị xứ Albania cho tới khi chết. Ông ta ủng hộ các chính sách của Joseph Stalin, nhà độc tài của Liên Xô. Từ nay, mọi ruộng đất đều bị tập trung thành các nông trại tập thể, các người chống đối đều bị cầm tù, các tài sản tư nhân bị tịch thu, mọi cơ sở tôn giáo đều bị đóng cửa, các hoạt động văn hóa và trí thức đều phải theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Ông Hoxha đã cô lập xứ Albania, không cho giao tiếp với các quốc gia khác. Chính sách giới hạn mọi tự do cá nhân tại Albania đã khiến cho xứ sở này trở thành quốc gia nghèo đói nhất châu Âu, trong khi đó các đảng viên cộng sản vẫn tự hào rằng Albania là quốc gia duy nhất trên thế giới theo đúng các giáo điều Mác Xít Lê Nin Nít!
Khi Albania giành được độc lập vào năm 1944, đảng Cộng Sản Nam Tư đã giúp đỡ các đảng viên cộng sản Albania tổ chức lại Mặt Trận Giải Phóng NLF nhưng tới năm 1948, sự rạn nứt đã xẩy ra giữa Nam Tư và Liên Xô khiến cho Nam Tư bị trục xuất khỏi Khối Cominform, một tổ chức gồm các đảng cộng sản châu Âu do Liên Xô lãnh đạo. Vào lúc này, Albania theo Liên Xô nên đã tuyệt giao với Nam Tư.
Vào đầu thập niên 1960, đã xẩy ra một dạn nứt khác giữa Liên xô và Trung Cộng do khác biệt về cách giảng giải các giáo điều Cộng sản. Trung Cộng đả phá Liên Xô vì đã tìm cách sống chung với các quốc gia tây phương và Albania ủng hộ lập trường của Trung Cộng. Vào năm 1961, Albania đoạn giao với Liên Xô. Từ đó Trung Cộng cung cấp mọi trợ giúp cho Albania kể cả trợ giúp kỹ thuật. Tới cuối thập niên 1970, các nhà lãnh đạo cộng sản Albania lại chỉ trích Trung Cộng là đã không theo đúng các giáo điều Cộng Sản, đã liên lạc với Nam Tư và Hoa Kỳ. Trung Cộng bèn phản ứng lại bằng cách cắt hết viện trợ cho Albania.
Năm 1985, ông Enver Hoxha chết sau khi đã cai trị Albania hơn 40 năm, đã bắt mọi người dân Albania phải thành kính tôn sùng lãnh tụ. Ông Ramiz Alia, nguyên là chủ tịch nước từ năm 1982, đã kế tiếp ông Hoxha làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản.
Từ năm 1989, vì các quốc gia cộng sản Đông Âu bắt đầu tan rã nên xứ Albania cũng bị ảnh hưởng. Các cuộc biểu tình đã xẩy ra tại thủ đô Tirana, một sự việc không hề có trong 46 năm trường, một phần là do sự giảm bớt bóp nghẹt của cơ quan công an mật vụ Sigurimi. Vào mùa xuân năm 1990, chủ tịch Ramiz Alia công bố một chương trình “dân chủ hóa”, cho phép nông dân được quyền canh tác trên các mảnh đất tư hữu, chấp nhận việc du lịch ra nước ngoài và cho phép dân chúng thực hành tôn giáo tại gia đình. Một cải tiến khác của Albania là trả tiền thưởng cho các công nhân làm việc chăm chỉ, để sản xuất ra nhiều mặt hàng hơn. Thế nhưng, những cải cách này chưa thực sự mang lại các kết quả tốt.
Vào tháng 7-1990, 5,000 người Albania đã xuống đường, phản đối chính quyền Cộng Sản, đập phá các tòa đại sứ để yêu cầu được ra các nước ngoài. Nhiều người liều mạng băng qua biên giới Nam Tư và Hy Lạp mà không có giấy tờ, để tìm tự do và tránh các hiểm nghèo kinh tế. Các xáo trộn vẫn tiếp tục tới cuối năm 1990 khiến cho đảng cộng sản cầm quyền phải đồng ý để các đảng phái chính trị khác tham gia vào các cuộc bầu cử đa đảng, diễn ra vào tháng 3-1991. Sau cuộc bầu cử này, đảng cộng sản thắng nhiều phiếu bởi vì các lực lượng đối lập đã không được tổ chức cẩn thận. Các bạo loạn chống cộng sản vẫn diễn ra tại Albania khiến cho một chính phủ mới được thành lập, bao gồm bên trong 9 nhân vật độc lập.
Cuộc bầu cử kế tiếp diễn ra vào tháng 3-1992 và lần này, Đảng Dân Chủ Albania đối lập (the Albanian Democratic Party) đã thắng lớn trên toàn quốc. Ông Sali Berisha, một y sĩ giải phẫu tim, 47 tuổi, trở nên Tổng Thống không cộng sản đầu tiên vào tháng 4-1992. Sau khi trở thành nhà lãnh đạo của xứ Albania, ông Sali Berisha đã thực hiện nhiều chuyến công du ra các nước ngoài để xin trợ giúp, ngõ hầu ổn định xứ sở Albania quá nghèo đói.
6. Bulgaria
Bulgaria là một quốc gia thuộc vùng Balkan, lãnh thổ nhiều đồi núi này có diện tích vào khoảng tiểu bang Tennessee và dân số 9 triệu người, tiếp giáp với các nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ ở phía nam, Nam Tư và Macedonia ở phía tây, Romania ở phía bắc và Biển Đen (the Black Sea) ở phía đông. Thủ đô của Bulgaria là thành phố Sofia, được người La Mã xây dựng nên vào thế kỷ thứ 2. Người Bulgaria có nguồn gốc pha trộn của các bộ lạc Slavic và Bulgars, và bộ lạc sau này từ Trung Á tới xâm chiếm bán đảo Balkan vào thế kỷ thứ 9. Bulgaria bị cai trị bởi các người nước khác và cuối cùng bị chinh phục bởi đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Năm 1878, nước Bulgaria giành được độc lập nhờ sự trợ giúp của người Nga vì thế người Bulgaria thường có thiện cảm với dân Nga.
Năm 1912, với hy vọng giành lại miền đất đã mất vì Hiệp Ước Berlin, Bulgaria cùng với các nước khác thuộc vùng Balkan tham gia vào trận chiến đánh đuổi quân đội Ottoman ra khỏi châu Âu và đây là Cuộc Chiến Balkan thứ nhất. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thua trận, các nước chiến thắng lại tranh chấp nhau và vào năm 1913, Bulgaria tấn công Serbia và Hy Lạp trong Cuộc Chiến Balkan thứ hai. Vì bị thua trong cuộc chiến này, Bulgaria bị mất phần đất đã giành được trong cuộc chiến trước.
Trong Thế Chiến Thứ Nhất, Bulgaria đứng về phe Đức vì hy vọng chiếm lại các phần đất đã mất nhưng đã thất bại. Tới Thế Chiến Thứ Hai, Bulgaria là đồng minh của Đức và Ý. Ngày 8-9-1944, quân đội Liên Xô xâm chiếm Bulgaria và các người cộng sản đã giành được chính quyền. Từ đây, các người dân bị phe cộng sản coi là chống đối đã bị giết, bị gửi đi các trại tù cải tạo, quyền tư hữu của dân chúng bị hủy bỏ, mọi tự do trong xứ bị giới hạn. Năm 1946, lãnh tụ cộng sản Georgi Dimitrov trở nên nhà cai trị xứ Bulgaria. Năm 1947, Bulgaria phê chuẩn Hiến Pháp giống như Hiến Pháp của Liên Xô rồi tới năm sau, 1948, các người cộng sản kiểm soát được hoàn toàn đất nước này. Ông Dimitrov chết vào năm 1949, năm sau ông Vulko Chervenkov lên nắm quyền. Từ năm 1950, nền kỹ nghệ của Bulgaria đã gia tăng nhưng mực sống của người dân xuống thấp dần.
Năm 1954, ông Todor Zhivkov (1911- ) trở nên lãnh tụ đảng Cộng Sản và đã cầm quyền từ năm này tới tháng 11-1989. Trong số các lãnh tụ cộng sản Đông Âu, ông Zhivkov là kẻ tham quyền cố vị lâu thứ hai, chỉ đứng sau ông Enver Hoxha của xứ Albania. Ông Zhivkov là lãnh tụ cộng sản đầu tiên bị xét xử công khai vào tháng 9-1992 vì lạm quyền và thâm lạm của công rồi bị kết án 7 năm tù quản thúc. Hai lãnh tụ khác là ông Nicolae Ceausescu bị xử bắn ngay sau một phiên tòa quân sự vào năm 1989 và ông Erich Honecker, cựu chủ tịch Đông Đức, bị kết án vào cuối năm 1992.
Vào năm 1962, ông Zhivkov trở nên chủ tịch nước Bulgaria, đã theo đường lối thân Liên Xô. Trong thời gian Bulgaria sống dưới chế độ cộng sản, người dân phải chịu đựng mọi thiếu thốn về các nhu yếu phẩm căn bản và các dịch vụ sơ đẳng, khiến cho một số nhân viên chính quyền cộng sản cũng phải căm hờn đường lối bóp nghẹt của Liên Xô. Năm 1965, ông Zhivkov thoát nạn sau một cuộc đảo chính quân sự không thành.
Tới cuối thập niên 1980, các chính sách cởi mở tại Liên Xô đã ảnh hưởng đến xứ Bulgaria. Vào tháng 10-1989, các nhóm phản đối chính quyền cộng sản đã xuất hiện tại thành phố Sofia nhân một cuộc hội nghị quốc tế về môi trường được tổ chức tại đây, bởi vì sự hiện diện của một số đại biểu ngoại quốc đã khiến cho giới cấm quyền cộng sản phải nhẹ tay trong việc đàn áp. Rồi tới ngày 3-11 năm đó, 4,000 người đã biểu tình trước Quốc Hội, đây là cuộc phản kháng lớn nhất kể từ năm 1947.
Người dân trong nước Bulgaria đã biểu tình phản đối chính quyền cộng sản Zhivkov, đòi hỏi dân chủ và một số tự do căn bản. Cuộc phản kháng đã bắt đầu từ bên trong nội bộ đảng Cộng Sản, do Bộ Trưởng Ngoại Giao là ông Petar Mladenov. Do áp lực từ Liên Xô, ông Zhivkov phải rút lui khỏi chính quyền vào tháng 11-1989 và ông Mladenov trở nên chủ tịch đảng và chủ tịch nước.
Từ tháng 1-1990, do các bất mãn từ dân chúng, đảng Cộng Sản bị bớt dần độc quyền và chịu chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng. Tháng 4 năm đó, đảng Cộng Sản Bulgaria đổi tên thành Đảng Xã Hội rồi cũng vào tháng 4, Quốc Hội bầu lại ông Mladenov làm chủ tịch nước. Tháng 6-1990, các cuộc bầu cử tự do, đa đảng, được tổ chức lần đầu tiên tại Bulgaria sau 44 năm. Đảng Xã Hội đã chiếm được nhiều phiếu nhất, sau đó là đảng Liên Hiệp Các Lực Lượng Dân Chủ UDF (Union of Democratic Forces). Tới tháng 7, các sinh viên lại biểu tình, phản đối ông Mladenov, họ dựng nên các căn lều trong “Vùng Không Cộng Sản” (a Communist free zone) thuộc thành phố Sofia. Tháng 8-1990, ông Zhelyu Zhelev thuộc lực lượng UDF được Quốc Hội bầu làm Tổng Thống xứ Bulgaria và đây là vị nguyên thủ loại “không cộng sản” đầu tiên, kể từ năm 1944. Từ năm 1991, đảng Cộng Sản Bulgaria tự hủy diệt dần dần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét