Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Ra lò mẻ Alumin đầu tiên: Bán cho Trung Quốc, khó lãi

Thứ Năm, 22/12/2016 15:23

"Đầu tư chi phí thấp nhưng công nghệ lạc hậu khi đi vào sản xuất mọi chi phí bị đội lên cao hơn bình thường thì không thể có lãi".
Lỗ nhiều chứ không lãi
Trước thông tin, Công ty Nhôm Đăk Nông - TKV đã chính thức cho ra lò thành công những tấn sản phẩm Alumin đầu tiên, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng đây là thông tin không có gì bất ngờ.
Trao đổi cụ thể với Đất Việt, ngày 21/12, theo ông Sơn, một nhà máy như nhôm Đăk Nông sản xuất được khoảng 38.000 tấn Hydrat, sản lượng đạt bình quân 1000 - 1500 tấn/ngày cũng không phải quá lớn, chỉ là bình thường, nhất là Hydrat, vì từ Hydrat ra Alumin còn nhiều công đoạn, cộng thêm các chi phí khác.
Hydrat cũng chỉ là một trong những sản phẩm của Alumin, sản xuất ra được Alumin chi phí thấp mới được đánh giá cao.
Sản phẩm của TKV làm ra là Alumin (ô xít nhôm, thành phần 96-98% ô xít nhôm, nghĩa là quặng tinh chế) còn nhôm kim loại thì phải là dự án của ông Trần Hồng Quân (100% nhôm nguyên chất).
Ra lo me Alumin dau tien: Ban cho Trung Quoc, kho lai
Khu vực chứa sản phẩm Hydrate của Nhà máy Alumin Nhân Cơ
"Chính vì thế, sản phẩm Alumin này cũng không phải dòng sản phẩm đắt hàng trên thị trường và vấn đề quan trọng hơn hết đó là giá thành chi phí sản xuất của chúng ta là bao nhiêu, giá bán là bao nhiêu, lãi hay lỗ. Cho nên tôi chỉ quan tâm, họ đưa vào những hạch toán chi phí giá thành, chi phí sản xuất ra sao, tổng mức đầu tư sơ bộ, rồi tính ra chi phí sản xuất như thế nào.
Liệu đưa vào sản xuất thì đã bàn giao được chưa, vấn đề ở đây là nếu bàn giao được thì mới khấu hao được, khi đó mới có tiền trả nợ ngân hàng. Chứ còn sản xuất được khoảng 38.000 tấn Hydrat chưa có ý nghĩa gì.
Theo vị chuyên gia trên, có 2 vấn đề cần làm rõ: Một là, tổng mức đầu tư cho đến lúc ra sản phẩm hết bao nhiêu tiền; Hai là, khi nào bàn giao chính thức, khi đó chủ đầu tư tính toán chi phí đúng, còn chạy đủ, chạy nghiệm thu thì chi phí đó do bên nhà thầu phải thực hiện theo hợp đồng.
Thường thì giai đoạn chạy thử, chạy nghiệm thu phía chúng ta thu được sản phẩm mà không mất chi phí nào, vì do nhà thầu phải làm.
Mặt khác, trước đây, bản thân ông Sơn đã từng nói về việc, ở các nhà máy sản xuất Alumin ở Tây Nguyên, chủ yếu sử dụng công nghệ Trung Quốc.
Đặc biệt, với thực thu alumin theo công nghệ Trung Quốc thiết kế chỉ đạt 85% trên quặng tinh, trong khi công nghệ tiên tiến 87%, với công suất 650.000 tấn/năm, thì tổn thất sẽ lên tới 30-40 triệu USD/năm. Cho nên, ngay trước khi làm đã nhiều đánh giá chỉ thẳng là dự án không hiệu quả vì công nghệ lạc hậu, khó có thể cạnh tranh.
"Công nghệ lạc hậu khiến lượng tiêu hao điện, bauxite, nước, than… lớn nên 1 tấn alumin làm ra có giá cao trong khi các nước có thể đầu tư đắt nhưng tiêu hao ít đầu vào nên giá thành rẻ, cạnh tranh được.
Đầu tư chi phí thấp nhưng công nghệ lạc hậu khi đi vào sản xuất mọi chi phí bị đội lên cao hơn bình thường thì không thể có lãi, không thể cạnh tranh được. Nhất là khi thời gian hoàn thiện dự án cũng bị kéo dài ra hơn so với bình thường", ông Sơn chỉ rõ.
Bán chủ yếu cho Trung Quốc
Về thị trường xuất khẩu, ông Sơn cho hay: "Từ trước đến nay nhà máy bauxite Tân Rai xuất khẩu là chủ yếu qua công ty của Thụy Sỹ và công ty này thu gom lại bán khắp nơi trên thế giới, nhưng tôi biết chủ yếu là bán cho thị trường Trung Quốc, đi qua con đường cảng Gò Dầu B.
Có nghĩa người đứng ra mua là công ty thương mại chứ không phải người tiêu dùng cuối cùng, như vậy, khi đã qua cầu chúng ta phải chịu ép giá, phải chịu chi phối bởi thị trường họ xuất khẩu. Mà Trung Quốc hiện họ đang nhập bauxite của Indonesia về làm thành Alumin như VN rất nhiều.
Nhưng khi Trung Quốc tự sản xuất, thị trường Alumin lại phụ thuộc thị trường nhôm kim loại, mà trên thế giới từ thời kỳ chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang, thì nhôm mới đắt khách. Còn hiện nay chủ yếu chỉ dùng để làm rãnh khung cửa, chứ không nóng như ngày xưa. Từ năm 2000 đến nay thị trường đã thay đổi vô cùng, giá cả còn thay đổi tùy theo từng ngày.
Chính vì thế, tính đủ khấu hao và chi phí vận chuyển của alumin Nhân Cơ chưa thể có lãi, chắc chắn là lỗ. Để thấy có khi Trung Quốc họ cung cấp cho chúng ta công nghệ, nhưng chưa chắc họ trả giá cao cho Alumin VN làm ra hoặc nhập nhiều vì chất lượng không đạt".
Theo nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn TKV, thì việc sản xuất ra Hydrat chưa có gì đáng mừng, nó chỉ hơn bauxite quặng một chút, ra được Alumin, còn giá thành vô cùng rẻ, thị trường không cần nhiều.
Còn các công trình sản xuất nhôm thành phẩm, hiện nay đang có kế hoạch, thì cũng không nên chủ quan, bởi nếu công suất nhôm kim loại càng cao, bù lỗ càng lớn, dự án nhôm kim loại càng triển khai nhanh, càng sớm phải bù lỗ. Dù dự án nhôm kim loại sẽ làm giảm lỗ cho các dự án alumin tối đa là 17,55 triệu USD/năm, nhưng vẫn phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại.
Châu An

Không có nhận xét nào: