Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Trung Cộng và những chiến thuật thâm độc

Song Chi

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong một cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 4 năm 2017.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong một cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 4 năm 2017.
 AFP photo

Tàu xưa nay là bậc thầy trong việc xử dụng những chiến thuật kiểu như “tằm ăn dâu”, đặt người ta trước sự đã rồi. Cứ nhìn lại trước năm 1974 Trung Cộng rõ ràng một thước đất cắm dùi trên biển Đông cũng không có, nhờ bắt được thời cơ vàng tiến đánh rồi cướp được Hoàng Sa của VN rồi từ đó có thế tiến dần, vừa xây vừa chiếm, đến bây giờ biển Đông đã gần như trở thành “ao nhà” của họ.
Một chiến thuật khác cũng rất hay được Trung Cộng sử dụng đó là “luộc ếch”, ai cũng biết chuyện luộc ếch, nếu luộc nước sôi ngay từ đầu thì con ếch đã nhảy ngay ra ngoài, nhưng nếu nước nóng dần dần, con ếch không cảm thấy cho đến khi nước sôi muốn nhảy ra thì không còn kịp nữa…Mọi việc đối với VN hay các nước láng giếng nhỏ yếu hơn, Bắc Kinh đều chơi cái trò như vậy.
Còn nhớ tháng 11 năm 2007, khi Trung Cộng tuyên bố thành lập một đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo tranh chấp với Việt Nam: Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa), Sài Gòn, Hà Nội rần rần biểu tình, lần đầu tiên là vào ngày 9.12.2007. Đây là cuộc biểu tình tự phát có sự tham gia của đông đảo giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ trí thức đầu tiên sau bao nhiêu năm hầu như không có những hoạt động như vậy kể từ biến cố tháng 4.1975, chỉ trừ những cuộc biểu tình do chính nhà nước tổ chức có mục đích tuyên truyền chính trị. Sau đó cứ Chủ Nhật hàng tuần lại diễn ra biểu tình cho tới khi bị đàn áp. Người Việt nước ngoài cũng lên tiếng, khí thế, ở nơi này nơi khác, để ủng hộ người trong nước.
Và tất nhiên nhà cầm quyền phải ngăn chặn ngay, đặc biệt là tại Sài Gòn, nơi vốn có truyền thống đấu tranh của sinh viên, học sinh, trí thức trước năm 1975 mà nhà nước này quá biết rõ bởi chính họ đã lợi dụng lòng yêu nước, phản đối chiến tranh và sự ngây thơ chính trị của một số người dân Sài Gòn lúc đó.
Khi tàu Trung Quốc lần thứ 3 ngang nhiên cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN vào ngày 30.11.2012, những lời kêu gọi biểu tình đã nổ ra trên mạng trong tháng 12.2012, nhưng những đợt biểu tình lần này chỉ có thể diễn ra tại Hà Nội còn Sài Gòn hoàn toàn bị khống chế. Còn nhớ lời kêu gọi từ trang web Nhật ký yêu nước.
Một lần khác khi TQ kéo giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, nhà nước cộng sản VN lên tiếng phản đối, đồng thời tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm. Lần đó người Việt cũng xuống đường biểu tình mạnh mẽ.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra trong tháng 5 năm 2014 tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam: Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hoá…Tại đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia. Người Việt ở nước ngoài cũng sôi nổi tiếp sức.
Nhưng rồi tinh thần của mọi người cứ nguội dần, những cuộc biểu tình thưa vắng dần, một phần do sự đàn áp càng ngày càng mạnh của nhà nước cộng sản. Một phần do nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây.
Ngày 20.6 vừa qua, báo Thanh Niên vừa đưa tin Trung Quốc lại kéo giàn khoan Hải Dương-981 xuống Biển Đông chưa kịp bao lâu thì lẳng lặng rút bài xuống. Người dân chỉ còn có thể đọc thấy tin tức này trên những báo, đài bên ngoài như RFA, VOA…để biết rằng Trung Quốc lại điều dàn khoan Hải Dương HD-981 đi xuống khu vực thuộc vùng biển ngoài khơi cửa vịnh Bắc Bộ, nơi chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Còn chúng nó làm gì, tình hình diễn biến ra sao, người dân hoàn toàn không rõ. Giả dụ bây giờ Trung Quốc có bất thình lình đánh úp lấy nốt những đảo còn lại ở Trường Sa cũng chẳng ai hay, nếu báo đài nước ngoài không nói không viết!
Trên facebook sáng nay, Chủ Nhật 25.6.2017 có đưa tin, hình ảnh một số bạn trẻ ở Sài Gòn phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 vào thềm lục địa Việt Nam và lập tức bị công an đàn áp, có người bị bắt về đồn, có người bị đám công an đội lốt côn đồ đánh đập man rợ, tóe máu…Tất nhiên, cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt. Nỗ lực lên tiếng của những con người yêu nước thật đáng quý.
Nhưng nỗi buồn đọng lại trong lòng tất cả chúng ta là gì?
Đó là từ năm 2007 khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng lần đầu tiên tại Sài Gòn, Hà Nội cho đến nay, phong trào dân sự, phong trào dân chủ ở VN vẫn chưa thật sự lớn mạnh hơn. Các hoạt động biểu tình, phản đối Trung Cộng hay phản đối những chính sách cụ thể của nhà nước VN vẫn chỉ dừng ở mức tự phát, từ những nhóm lẻ khác nhau, chưa thể tập họp thành một phong trào mạnh mẽ, có sự chuẩn bị đối phó lâu dài.
Chỉ cần nhìn qua phong trào biểu tình của học sinh sinh viên Hongkong năm 2014, còn gọi là “cách mạng dù” bao gồm những cuộc biểu tình, phản biểu tình và những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, và có những gương mặt thủ lĩnh thực sự, là chúng ta thấy. Vậy mà “cách mạng dù” ở Hongkong còn không thành công nổi! Nhưng chí ít nó cũng đã gây tiếng vang trên thế giới, khiến thế giới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của tuổi trẻ Hongkong.
VN chưa có được những phong trào như vậy, ngược lại, theo thời gian những cuộc xuống đường phản đối Trung Cộng (khoan nói đến phản đối nhà nước cộng sản VN, đòi tự do, dân chủ, đòi thay đổi thể chế) cứ ngày càng thưa thớt, chỉ dăm chục, một trăm con người quan tâm đến chuyện bọn Tàu đang làm gì ngoài kia trên biển của ta, còn lại hơn 90 triệu con người vẫn sống bình thường “mọi chuyện đã có nhà nước lo”.
Chiến thuật “luộc ếch” đã bắt đầu phát huy hiệu quả, cũng như mọi chiến thuật “tằm ăn dâu”, “bất chiến tự nhiên thành” khác mà Trung Cộng đã áp dụng từ trước tới nay đối với VN.
Đó là chưa nói đến những nguyên nhân khác. Thời thế đã khác. Thế và lực của Hà Nội, ngày càng yếu, uy tín của chính quyền này trong mắt dân và trên trường quốc tế, ngày càng giảm sút.
Hà Nội từ lâu đã ở trong thế cô đơn tuyệt vọng khi đối đầu với Bắc Kinh, nay càng tuyệt vọng. Nhìn quanh không có một mống đồng minh, bạn bè nào. Mỹ thì đang thời của Donald Trump chỉ lo “American first”, Trump cũng chả quan tâm gì mấy đến chuyện nhân quyền thành ra Việt Cộng khỏi chơi trò du dây được nữa, khỏi hy vọng nếu có chuyện gì Hoa Kỳ còn lên tiếng cho.
Còn nếu đánh nhau? Thua là cái chắc. Không chỉ thua về tài chính, tiềm lực vũ khí, tài trí của những người lãnh đạo (nhìn mấy cái mặt của các vị Trọng, Quang, Phúc, Ngân thì bản lãnh đâu mà đọ lại với Tập Cận Bình, với Lý Khắc Cường?), mà thua vì tinh thần chiến đấu không còn. Xưa đánh Mỹ ít nhất những người cộng sản cũng còn có tinh thần, có cái lý tưởng (mà họ tin là đúng), có sự hậu thuẫn hùng hậu của Liên Xô, Trung Cộng và cả khối XHCN phía sau, nay có ai, lý tưởng cũng không còn. Nay từ quan chức cho tới quân đội cả một đám chỉ lo vơ vét, làm giàu, tài sản “khủng” nên sợ mất, sợ chết hơn bao giờ hết, tinh thần đâu mà đánh nhau?
Dân VN bao giờ cũng yêu nước, nhưng liệu bây giờ người dân có sẵn sàng lên đường hy sinh xương máu cho một đảng cầm quyền bán nước buôn dân, một chế độ hẻn với giặc ác với dân?
Trong bao nhiêu năm qua một mặt Bắc Kinh tung tiền của mua chuộc đám quan chức Việt làm cho họ hèn yếu đi, đổ đủ thức chất độc lẫn thực phẩm, hàng hóa độc hại vào VN vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa đầu độc sức khỏe người VN, làm cho người Việt bịnh hoạn, yếu sức; mặt khác, Trung Quốc ráo riết, quyết liệt “rào lưới”, bao vây VN, từ ngoài biển khơi cho tới trên bờ, từ Nam ra Bắc chỗ nào cũng nhung nhúc người Hoa, vị trí đắc địa, quan trọng nào các công ty của Trung Quốc cũng cài cắm hết rồi, đánh nhau một cái, từ trên biển đánh vào, từ trong bờ tản ra, trên cao nguyên úp xuống…Việt Cộng trụ được bao lâu?
Chẳng lẽ số phận VN lại nghiệt ngã đến thế. Chẳng lẽ giang sơn này ông cha ta nghìn năm nay đổ máu xây dựng và giữ gìn để cuối cùng đảng cộng sản phá nát, hai tay dâng cho Tàu mà người dân chịu được?
Chẳng lẽ hơn 90 triệu con người chấp nhận làm những con ếch bị luộc chín?
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

RFI: Mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ; Chính sách Biển Đông: Cây gậy của Trump to hơn củ cà rốt


Minh Anh


mediaTổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Nhà Trắng, Washington, 26/06/2017.Reuters
Kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vừa khó hiểu, vừa khó lường. Vì cái sự mù mờ, không biết đường nào lần ấy, nhà báo Renaud Girard, trong mục Ý kiến của báo Le Figaro (27/06/2017) điểm ra "Những mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ ".
Mù mờ vì không ai có thể xác định được là Hoa Kỳ sẽ có chính sách ra sao trong quan hệ quốc tế trong số những dòng Tweet của Donald Trump được tung lên mạng vào ban đêm, những thông cáo của ba "người thành niên" (mà một số báo chí Pháp còn gọi hài hước là ba "bảo mẫu" của Trump là ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc Phòng và cố vấn an ninh quốc gia) vào ban ngày, hay những nghị quyết của Quốc Hội Mỹ.
Trong quan hệ với Nga, khi mới vào Nhà Trắng, Donald Trump cho rằng cần hợp tác với Matxcơva để tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, kẻ thù duy nhất của Mỹ. Do đó cần tập trung chính sách đối ngoại vào mục tiêu khử trừ tổ chức này. Vậy mà giờ đây, quan hệ Mỹ-Nga xuống đến mức thấp nhất.
Do bị điều tra về khả năng quan hệ giữa Matxcơva và nhóm cộng sự thân cận của ông, để "chạy tội", tổng thống Mỹ buộc phải gia tăng trừng phạt Nga. Bộ Tài Chính Mỹ còn tuyên bố là các trừng phạt này gắn với việc Nga chấm dứt chiếm đóng Crimée.
Le Figaro mỉa mai, nếu nghĩ rằng một ngày nào đó Nga trả lại Crimée cho Ukraina thì thật là thiếu thực tế, giống như nghĩ rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đồng ý trả Kosovo cho Serbia.
Hoa Kỳ đã tự hạn chế khả năng hành động của mình qua những tuyên bố như vậy. Bởi vì về lâu dài, với lập trường của Mỹ như thế, thì quốc tế chỉ còn một giải pháp duy nhất về Ukraina : Nga rút quân và không can thiệp vào miền Đông Ukraina, thừa nhận nền độc lập của Kosovo. Đổi lại, phương Tây công nhận Crimée là của Nga.
Hiện nay, khả năng hòa giải giữa Mỹ và Nga trở nên khó khăn và Washington đã để lỡ một cơ hội bằng vàng để đạt đồng thuận với Matxcơva trong việc giảm đáng kể hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược.
Tại Trung Đông, Hoa Kỳ đã vụng về và không kiểm soát được các chư hầu của mình. Khi khuyến khích tính hoang tưởng tự đại của Ả Rập Xê Út, Hoa Kỳ đang đùa với lửa. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Ả Rập Xê Út và các đồng minh với Qatar, Mỹ có lợi ích gì khi để Qatar buộc phải ngả vào vòng tay Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Mối bất hòa giữa các cường quốc Ả Rập chỉ tạo thuận lợi cho thánh chiến Hồi Giáo phát triển.
Với Trung Quốc, Donald Trump đã cam kết có thái độ cứng rắn, đặc biệt là chống lại chính sách thương mại hung hăng của Bắc Kinh. Thế nhưng, khi rút ra khỏi hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP, Mỹ đã tự tước bỏ một vũ khí chủ chốt để đối mặt với Trung Quốc.
Le Figaro kết luận, Hoa Kỳ là đồng minh lâu đời, Pháp chẳng vui mừng gì trước việc Mỹ mâu thuẫn và không rõ ràng trong chính sách đối ngoại. Thế nhưng, Pháp chẳng có sự lựa chọn nào khác là đành chuẩn bị tinh thần trước hoàn cảnh này.
"Nước Pháp 2017 có hương vị của cuộc cách mạng 1789"
Đây chính là nhận định của nhà sử học Ran Halévi (giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị Raymond Aron), trong mục tranh luận trên báo Le Figaro. Theo sử gia này, làn sóng tư tưởng Macron có hơi hướng như thời "phá sạch tan tành" của cuộc cách mạng dân chủ tư sản dân quyền 1789 và khép lại một chu kỳ chính trị được mở ra từ hai thế kỷ qua.
Ngay sau vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội, báo giới Pháp thường nói đến một "big bang chính trị", một cuộc "Cách mạng Pháp không có máy chém".
Mùa bầu cử vừa qua đã vẽ lại cảnh quan chính trị Pháp : Đảng Xã Hội Pháp chết rụi. Cánh hữu thì mất đi những gương mặt tiêu biểu, suy yếu, chao đảo, nhưng lại lao vào một cuộc đấu đá nội bộ. Một chính đảng chỉ được thành lập trước đó vài tháng, với rất nhiều khuôn mặt mới đã giúp cho tổng thống Emmanuel Macron có được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội.
Trong vai trò như một "quân vương cộng hòa", Macron tìm cách lãnh đạo đất nước với đại diện các ngành nghề trong xã hội. Điều này có nguy cơ thúc đẩy việc hình thành một sự đối lập ở bên ngoài Quốc Hội, được nhân rộng ra bởi các mạng xã hội và dội ngược trở lại nghị trường.
Bằng chứng là ông Mélenchon và một số thành viên phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất trở thành dân biểu và họ đang chuẩn bị cho công việc này. Tức là dùng đường phố gây áp lực với nghị trường.
Sử gia Halevi nhận định, cuộc "cạnh tranh tính chính đáng" giữa chính quyền hợp pháp và những phát ngôn viên tự chỉ định của "chủ quyền nhân dân" làm người ta nhớ lại những gì xẩy ra trong thời kỳ cách mạng 1789.
Cuộc cạnh tranh đã kết thúc không tốt đẹp gì. Emmanuel Macron, sớm muộn gì cũng sẽ phải đối mặt với thực tế này. Đây là một loại thử thách đáng gờm, nhưng cũng là một trắc nghiệm lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của Macron.
Brexit: May vất vả trấn an Liên Âu
Hồ sơ Brexit là tâm điểm thời sự châu Âu trên một số báo Pháp. Luân Đôn và Bruxelles đối chọi nhau về quy chế sắp tới dành cho những kiều dân của các nước thành viên khối Liên Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh. Đây sẽ là hồ sơ lớn đầu tiên trong vòng thương lượng Brexit giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua trước Nghị viện nêu chi tiết các đề xuất liên quan đến quy chế dành cho các công dân của Liên Âu tại Anh và các công dân Anh sống tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Le Figaro giải thích "Những quyền nào dành cho các kiều dân châu Âu".
Dù vậy, phía Liên Hiệp Châu Âu vẫn đánh giá các đề xuất của thủ tướng Anh là chưa rõ ràng. Nói tóm lại, như nhận xét của Libération "Brexit: Theresa May đang cố trấn an các kiều dân châu Âu". Còn Les Echos thì cho rằng "Luân Đôn đang vất vả bảo đảm về quy chế sắp tới cho các công dân châu Âu".
Nhật Bản: Nạn bạo hành trẻ em tăng mạnh
Trong lĩnh vực xã hội, Libération trong bài viết đề tựa "Nhật Bản, đất nước của trẻ em bất hạnh"cho biết tình trạng đối xử tệ với trẻ em và trẻ vị thành niên tại đây đã đạt đến một tỷ lệ kỷ lục. Nguyên nhân sâu xa chính là do tình trạng nghèo gia tăng và phương pháp giáo dục đôi khi cổ hủ.
Chỉ riêng trong năm 2015, số ca bị bạo hành bằng lời lẽ, bị đánh đập hay xâm hại tình dục đã vượt ngưỡng 100.000 người, cụ thể là 103.260 vụ, tăng lên gấp ba lần so với cách đây 10 năm.
Giải thích vì sao có sự gia tăng đáng kể này, ông Shinya Sugiura, phụ trách về tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ Trẻ em Kyoto cho rằng có hai nguyên do: Thứ nhất, là người dân bắt đầu quan tâm nhiều đến vấn nạn này. Thứ hai, định nghĩa thế nào là "đối xử tệ" đã được xem xét lại.
Năm 2012, các hình thức bạo lực hôn nhân trước mặt trẻ con đã được đưa vào trong khái niệm bạo hành hay như tính gộp cả những ai tham gia vào việc ngược đãi anh hay chị em của mình.
Bắc Triều Tiên: Sinh viên Pháp vẫn « máu phiêu lưu »
Le Figaro quan tâm đến hiện tượng "Nhiều sinh viên Pháp thích mạo hiểm đến Bắc Triều Tiên". Từ năm 2015, nhiều thanh niên Pháp vẫn đến Bình Nhưỡng tham gia các kỳ thực tập ngắn ngày, bất chấp các khuyến cáo của bộ Ngoại Giao.
Dư âm vẫn còn âm ỉ trong vụ sinh viên Mỹ Otto Warmbier, 22 tuổi qua đời hôm 19/06 tại nhà ở Cincinnati, được trả về Mỹ trong trạng thái hôn mê sau 18 tháng bị giam ở Bắc Triều Tiên, chỉ vì muốn đánh cắp một bích chương tuyên truyền.
Nhưng điều đó không làm nhụt chí nhiều sinh viên Pháp muốn tiếp tục đến học tại Bắc Triều Tiên, quốc gia mà Le Figaro gọi là độc tài, khép kín nhất hành tinh. Từ năm 2015, hơn một chục sinh viên mỗi năm vẫn quyết tâm khăn gói đến ngồi học tại giảng đường đại học Kim Il-Sung, trường đại học danh tiếng nhất của Bắc Triều Tiên trong vòng một hay hai tháng.
Tất cả những sinh viên này đến chủ yếu để học tiếng Triều Tiên, mỗi ngày chừng 3-5 giờ học, và thường xuyên được một “đồng môn” Bắc Triều Tiên giám sát chặt chẽ.
Những người đã tham gia vào chương trình du học này nghĩ gì? Le Figaro có dịp trao đổi với hai cựu sinh viên. Đối với Louis de Gouyon Matignon, 25 tuổi, cuộc trải nghiệm này là một cơn ác mộng. Tinh thần gần như bị trầm cảm. Sau hai tháng tạm trú trong một khách sạn lạnh lẽo mà anh không được phép rời, anh đã được đưa về nước khẩn cấp vào tháng 04/2012.
Nhưng Bryan Sauvadet, nghiên cứu về Phật học Triều Tiên và Việt Nam lại tỏ ra rất hứng thú với chuyến đi. Theo anh, “phải có một cách tiếp cận của người làm nghiên cứu : ngày đầu tiên, quan sát và tuân thủ, rồi mới bắt đầu bắt chuyện và khám phá”. Nhờ vậy mà anh đã nhanh chóng thân thiện với “đồng môn”. Anh nói: “Những cánh cổng sẽ tự mở khi có sự tôn trọng lẫn nhau”.
Người tổ chức chương trình du học “mạo hiểm” này là ông Patrick Maurus, một cựu giáo sư thuộc Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông Quốc Gia (Inalco). Ông là người duy nhất có thể kết nối được mối quan hệ hàn lâm giữa Paris và chế độ Bình Nhưỡng.
Còn theo giải thích của ông Charif Alami-Chawfi, lãnh đạo Inalco, “việc phát triển tầm nhìn về tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước được cho là không có cùng tiêu chuẩn về tự do dân chủ như Pháp, chính là nhiệm vụ của viện chúng tôi”.
Nguy cơ xuất huyết khi dùng Aspirine lâu ngày
Trong lĩnh vực sức khỏe, Le Figaro chú ý đến "Những rủi ro nào cho người trên 75 tuổi khi dùng Aspirine dài hạn".
Nguy cơ xuất huyết nội (hay chảy máu trong) ở những người cao tuổi, nhất là những cụ trên 75 tuổi, thường dùng aspirine, dù ở liều thấp để tránh các chứng nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não, đã bị đánh giá thấp. Đây là báo động của một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, trường đại học Oxford, được đăng trên tờ The Lancet.
Theo các nhà khoa học, tại nhóm bệnh nhân này, rủi ro xuất huyết nội nghiêm trọng cao hơn như là những kết quả thử nghiệm cho thấy ở những bệnh nhân trẻ hơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Oxford chỉ ra : “Mức độ nghiêm trọng của hiện tượng xuất huyết và khả năng tử vong tăng theo độ tuổi”.
Tuy nhiên, giáo sư Gerard Helf, chuyên gia về tim mạch tại bệnh viện Pitié-Salpetrière, tại Paris cũng trấn an rằng “nghiên cứu này không nhằm đặt lại vấn đề lợi ích của aspirine trong việc phòng ngừa thứ cấp ở những bệnh nhân có cơ may tái phát cao”.
Quả thật, việc dùng aspirine mỗi ngày giúp giảm từ 20-25% xác suất tái phát bệnh sau một đợt nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Loại thuốc này hạn chế nguy cơ hình thành những cục máu đông trong các mạch máu. Lợi ích này thấy rõ ở những bệnh nhân cao tuổi.
Trang nhất các báo Pháp
Quốc Hội mới của Pháp hôm nay họp phiên đầu tiên. Đây là đề tài chính trên trang nhất nhiều nhật báo lớn hôm nay. Le Figaro chơi chữ: "Quốc Hội: trận ra quân đầu tiên của những người 'tiến bước' ". La Croix thì chú ý đến "Những quý bà dân biểu".
Báo kinh tế Les Echos nhận định: “Những bước khởi đầu của một Quốc Hội với một cấu hình chưa từng thấy”. Còn với Le Monde, “Nghị viện: Dân biểu mới và Ngôi thứ mới”.
Duy chỉ có trang nhất tờ báo thiên tả Libération là đề cập đến giáo dục qua hàng tít: “Rút thăm ở đại học: Tiếng đồn xấu”. Theo nhật báo, việc chọn giải pháp rút thăm các ứng viên ở những ngành học rất hút sinh viên, đang làm dấy lên các tranh cãi.

Chính sách Biển Đông: Cây gậy của Trump to hơn củ cà rốt

mediaOanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ luyện tập trên Biển Đông ngày 06/06/2017.Reuters
Ngay phiên họp đầu tiên của cuộc đối thoại cấp bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ-Trung mở ra hôm 21/06/2017, hai bộ trưởng Mỹ đã khẳng định trở lại quan điểm phản đối « mọi thay đổi nguyên trạng » tại Biển Đông và « các đòi hỏi chủ quyền quá đáng không phù hợp với luật pháp quốc tế ». Trước đó, ngày 06/06, Mỹ đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược hiện đại B-1B bay đến vùng Biển Đông, hai tuần sau khi một tàu khu trục của Hạm Đội 3 tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Trường Sa.
Trong bài phân tích « Chính sách Biển Đông của Trump đang định hình » (Trump’s South China Sea policy taking shape), đăng trên báo Nhật Japan Times ngày 23/06, giáo sư Mark J. Valencia, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc, đã cho rằng các sự kiện trên đây cho thấy là những đường nét trong chính sách Biển Đông và Trung Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump « đang nổi lên từ sương mù của những tuyên bố và hành động lộn xộn và mâu thuẫn ».
Từ cứng đến mềm, rồi kiên quyết trở lại !
Theo giáo sư Valencia, tân chính quyền Hoa Kỳ đã khởi đầu bằng một thái độ tương đối thù địch đối với Trung Quốc nói chung, và các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông nói riêng. Nhưng Washington dường như đã xét lại lập trường, và chính sách mới đang bắt đầu hình thành trông khá quen thuộc. Về cơ bản, đó là sự tiếp tục đường lối của chính quyền Obama, cho dù dường như có một sự nhấn mạnh hơn trên vế quân sự.
Đối với chuyên gia Valencia, dù đúng hay sai, các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải của Mỹ (FONOP) nhằm chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được coi là dấu hiệu thể hiện quyết tâm của Mỹ - ít ra là một số nhà lãnh đạo trong vùng đã suy nghĩ như vậy.
Thời chính quyền Obama, cho dù mang tính chất không mấy rõ ràng và dứt khoát, đã có sáu chiến dịch FONOP được thực hiện ở Biển Đông nhằm chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng từ chiến dịch sau cùng ngày 16/10/2016, khoảng tám tháng đã trôi qua mà không thấy tân chính quyền Mỹ có động tĩnh mới.
Giáo sư Valencia ghi nhận là chính quyền của tổng thống Trump đã ba lần bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACOM) để thực hiện các chiến dịch tuần tra FONOP mới. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đô đốc Scott Swift, giải thích rằng phía quân đội chỉ đề xuất ý kiến, còn quyết định cho tiến hành hay không thì tùy thuộc vào chính quyền.
Thế rồi bắt đầu có dấu hiệu cho thấy rằng ông Trump, trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại theo kiểu « có đi có lại » của ông, đã tránh những lời chỉ trích và hành động đối với Trung Quốc nói chung và ở Biển Đông nói riêng để đổi lấy sự trợ giúp của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân và các chương trình phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Chủ trương mới : Nói nhẹ, nhưng không loại trừ hành động mạnh
Đối với giáo sư Valencia, đó chính là nền tảng cho các tuyên bố và hành động gần đây của Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn tại Đối Thoại Shangri-La vào đầu tháng 6, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã tìm cách cân bằng giữa việc ca ngợi Trung Quốc, vì sự giúp đỡ của họ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên và việc chỉ trích các hoạt động « quân sự hóa không thể tranh cãi các hòn đảo nhân tạo » cũng như « các yêu sách biển đảo quá mức không được luật pháp quốc tế công nhận ».
Thế nhưng ông cũng lên giọng nói thêm rằng Hoa Kỳ « không thể và sẽ không chấp nhận các hành vi cưỡng bức đơn phương để thay đổi hiện trạng ». Ông cũng nêu bật chính sách kết hợp giữa thái độ hậu thuẫn và khi cần thiết, có hành động cụ thể để chứng tỏ « các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế » ; khuyến khích một khu vực liên kết với nhau trên vấn đề an ninh ; tăng cường khả năng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng ; và củng cố quan hệ quốc phòng Mỹ với các đồng minh và các đối tác sẵn sàng hợp tác với Mỹ, trong cả lãnh vực huấn luyện lẫn buôn bán vũ khí.
Theo giáo sư Valencia, điều đó về cơ bản tương tự như cách tiếp cận từng được tuyên bố của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đối với khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây đã phát biểu mạnh mẽ hơn, nói với Quốc Hội vào ngày 14 tháng 6 rằng ông đã cảnh báo các đối tác Trung Quốc rằng chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh sẽ « kéo cả hai bên vào một cuộc xung đột ». Ông cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đã đến mức mà một cuộc chiến tranh có thể nổ ra, nếu không được quản lý đúng đắn.
Vào ngày 21 tháng 6, sau cuộc hội đàm tại Washington với ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và tham mưu trưởng Quân Đội Trung Quốc Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) nhân cuộc đối thoại an ninh ngoại giao Mỹ-Trung, ông Tillerson nói rằng ông và ông Mattis đã nói rõ với các đồng nhiệm Trung Quốc rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên : « Chúng tôi phản đối những thay đổi nguyên trạng thông qua việc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông và các yêu sách biển quá mức mà luật pháp quốc tế không ủng hộ, và chúng tôi duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis nói thêm : « Tôi quyết tâm cải thiện quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Trung Quốc sao cho quan hệ đó vẫn là một yếu tố ổn định trong mối bang giao toàn diện giữa hai bên ».
Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương thành mũi nhọn tiến công
Tóm lại, trên đây là chính sách Biển Đông của chính quyền Trump. Và người đã nổi lên thành « mũi tên » của cách tiếp cận chiến lược của Washington đối với Trung Quốc là viên chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris.
Thật vậy, theo chuyên gia phân tích an ninh Carl Thayer, đô đốc Harris là « chính là chất keo duy trì đường lối truyền thống của Mỹ trên toàn châu Á ». Chí ít, ông cũng là người chịu trách nhiệm thực hiện chính sách. Một số nhà quan sát cho rằng bài phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis, chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, phản ánh quan điểm của ông Harris cho rằng Hoa Kỳ cần có một thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc ở đó.
Theo chính lời của đô đốc Harris, Mỹ « sẽ tiếp tục hợp tác ở những nơi có thể hợp tác, nhưng phải sẵn sàng đối đầu nếu cần. Vì vậy, tôi chỉ đơn giản là tiếp tục tập trung xây dựng các mối quan hệ quan trọng trong khi vẫn đảm bảo rằng Mỹ có sức chiến đấu đáng tin cậy để bảo vệ các cam kết an ninh của Mỹ và giúp nền ngoại giao Mỹ hoạt động trên thế mạnh. »
Chiến thuật tiếp cận cứng rắn hơn này có thể là đã được chứng minh bằng các hành động gần đây của Hoa Kỳ trong khu vực. Vào tháng 5, hai hải đội tàu sân bay tấn công đã được triển khai tới phía tây Thái Bình Dương, và một trong hai hải đội này đã thực hiện các cuộc tập trận đầu tiên ở Biển Đông với tàu Izumo, trực thăng mẫu hạm lớn nhất của Nhật Bản. Chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông đầu tiên dưới thời chính quyền Trump cũng đã được tiến hành vào cuối tháng 5 khi chiếc USS Dewey thực hiện một chuyến hải hành, không theo « thủ tục qua lại vô hại », bên trong vùng 12 hải lý (22km) của Đá Vành Khăn (Mischief Reef), gián tiếp thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể nửa chìm, nửa nổi.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis, người được cho là đã yêu cầu Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đề ra một chiến lược cho Biển Đông, đã cho biết rằng chiến dịch do chiếc Dewey thực hiện là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ.
Chuyến tuần tra của khu trục hạm Dewey đã được tiếp nối ngay sau đó bằng một bài tập huấn đầy tính thách thức trên Biển Đông, với hai oanh tạc cơ chiến lược hạng nặng B-1B Lancer, kết hợp với tàu khu trục USS Sterett lớp Arleigh Burke có trang bị tên lửa dẫn đường.
Vẫn duy trì củ cà rốt « hợp tác »
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Giáo sư Valencia, vế « củ cà rốt » của phương trình cũng được triển khai với việc chiếc Sterett thực hiện một chuyến ghé thăm đã được dự trù đến cảng Trạm Giang, một cơ sở chính của Hạm Đội Nam Hải của Hải Quân Trung Quốc.
Trưởng phái đoàn Mỹ không ai khác hơn là người có thể thay đô đốc Harris lãnh đạo Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương vào năm tới : đô đốc Swift, hiện là chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương.
Theo đúng chủ trương mới của ông Harris là « nói nhẹ, nhưng mang theo một cái gậy lớn », đô đốc Swift đã giảm nhẹ tầm mức quan trọng của các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải để nêu bật việc Mỹ thể hiện sức mạnh bằng sự « hiện diện nhất quán và bền vững » trong khu vực.
Tuyên bố mềm mỏng này phù hợp với quyết định gần đây về việc không thông báo hoặc nêu bật các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Đô đốc Swift xác nhận rằng cách tiếp cận kín đáo hơn tương ứng với một lập trường nhẹ nhàng hơn của Mỹ trong khu vực. Cũng trong tháng 5, Mỹ loan báo rằng Trung Quốc đã được mời tham gia cuộc tập trận quốc tế RIMPAC 2018, cuộc diễn tập hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Hải Quân Mỹ tổ chức tại Hawaii.
Có thể kết luận rằng chính sách Biển Đông của Trump là một sự tiếp nối của chính sách Obama, nhưng lại nhấn mạnh hơn đến khía cạnh quân sự. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không sẵn sàng hoặc không giúp đầy đủ trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, hoặc trong các hồ sơ « đổi chác » khác mà Trump đề xuất, thì vế quân sự của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ có thể trở thành cách tiếp cận chính, thậm chí là cách duy nhất.

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Tàu sân bay Izumo Nhật Bản có thể “đánh chìm tàu Liêu Ninh trong nửa giờ"

Phong Vân | 

Tàu sân bay Izumo Nhật Bản có thể “đánh chìm tàu Liêu Ninh trong nửa giờ"
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Chuyên gia Nhật Bản khẳng định với các ưu thế lớn của tàu sân bay lớp Izumo Nhật Bản, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc chỉ có thể chống trả được nửa giờ. Nhưng chuyên gia Trung Quốc phản bác.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc rời cảng từ ngày 25/6. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tàu Liêu Ninh và các tàu hộ tống cùng ngày đã rời cảng chính Thanh Đảo, ra khơi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên các vùng biển. 
Trước đó có nguồn tin từ Hong Kong cho biết tàu sân bay Liêu Ninh sẽ đến thăm Hong Kong để chào mừng tròn 20 năm Hong Kong về với Trung Quốc. Trong khi đó, tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản hiện cũng đang hiện diện ở Biển Đông. Việc "không hẹn mà gặp" của hai tàu sân bay này đã đụng chạm đến dây thần kinh nhạy cảm của Nhật Bản.
Động thái mới của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh
Trong đợt triển khai lần này, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Hải quân Trung Quốc gồm có tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu khu trục tên lửa Tế Nam và Ngân Xuyên, tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài cùng nhiều máy bay chiến đấu J-15 và máy bay trực thăng.
Biên đội này sẽ áp dụng phương thức liên tục thay đổi vùng biển, đến các vùng biển liên quan để triển khai đội hình biên đội, huấn luyện máy bay chiến đấu và các chiến thuật, tăng cường hiệp đồng giữa các tàu trong biên đội, huấn luyện phi công máy bay chiến đấu và thủy thủ.
Nhìn vào đội hình hạm đội, tàu khu trục Ngân Xuyên đến từ Hạm đội Nam Hải là tàu khu trục phòng không Type 052D tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc hiện nay, tàu Tế Nam của Hạm đội Đông Hải là tàu khu trục tên lửa Type 052C, tàu Yên Đài là tàu hộ vệ Type 054A của Hạm đội Bắc Hải.
Tàu sân bay Izumo Nhật Bản có thể “đánh chìm tàu Liêu Ninh trong nửa giờ - Ảnh 1.
Tàu khu trục tên lửa Ngân Xuyên Type 052D Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc. Ảnh: Sohu/81.cn
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng thông qua điều động các tàu chiến từ các hạm đội khác nhau để hình thành biên đội hộ tống tàu sân bay có thể sẽ kiểm nghiệm tốt hơn tình hình sẵn sàng chiến đấu của các tàu và khả năng thích ứng với các vùng biển và nhiệm vụ khác nhau.
Huấn luyện cơ động liên tục trên các vùng biển khác nhau là một con đường quan trọng để nâng cao trình độ sức chiến đấu của biên đội tàu sân bay. Trước đó, biên đội tàu sân bay hải quân Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức huấn luyện tương tự, kiểm nghiệm được phương pháp huấn luyện và phương pháp tác chiến.
Đối với hoạt động huấn luyện lần này của tàu sân bay Liêu Ninh, phía Đài Loan đặc biệt chú ý, cảnh giác. Theo hãng tin CNA Đài Loan ngày 25/6, có tờ báo Đài Loan phỏng đoán biên đội tàu sân bay Liêu Ninhh sẽ đi qua eo biển Đài Loan hoặc vùng biển phía đông Đài Loan để xuống phía nam.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan Trần Trung Cát cho biết Bộ Quốc phòng Đài Loan tiếp tục nắm chắc mọi động thái của quân đội Trung Quốc ở khu vực xung quanh, đồng thời làm tốt các hành động ứng phó theo quy định.
Tờ Chinatimes Đài Loan cho hay các hình ảnh công bố cách đây không lâu cho thấy có 13 máy bay chiến đấu J-15 đồng thời xuất hiện trên đường băng tàu sân bay Liêu Ninh. Điều này cho thấy quân đội Trung Quốc đã biết được quy trình làm việc đồng bộ về kiểm tra và tiếp tế trên đường băng tàu sân bay.
Chuyên gia cho rằng đây là chỉ tiêu quan trọng cho thấy máy bay trên tàu sân bay Liêu Ninh có khả năng tác chiến tổng hợp.
Sẽ bị tàu Izumo Nhật Bản tiêu diệt nhanh gọn?
Trước đó, báo chí Hong Kong từng phỏng đoán, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ thăm Hong Kong vào ngày 1/7/2017 để chúc mừng tròn 20 năm Hồng Kông về với Trung Quốc. Trong khi đó, hiện nay, tàu chiến lớn nhất Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng Izumo cũng đang tuần tra Biển Đông.
Tàu sân bay Izumo Nhật Bản có thể “đánh chìm tàu Liêu Ninh trong nửa giờ - Ảnh 2.
Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina
Tờ Chinatimes Đài Loan dẫn lời chuyên gia Nhật Bản cho rằng tàu sân bay trực thăng Izumo có thể bắn chìm tàu sân bay Liêu Ninh chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ.
Chuyên gia Nhật Bản cho rằng 2 tàu sân bay trực thăng Izumo và Kaga sau khi cải tạo có thể chở được khoảng 16 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, loại máy bay có thể cất hạ cánh thẳng đứng, do Mỹ chế tạo.
Loại máy bay này có thể sử dụng công nghệ tàng hình ưu việt, có thể tránh được hoạt động dò tìm của radar Hải quân Trung Quốc, cộng với khả năng tấn công đối hải, đối hạm mạnh của nó, chỉ trong vòng nửa giờ là có thể bắn chìm tàu sân bay Liêu Ninh.
Theo cách nói của phía Nhật Bản, bán kính tác chiến lý thuyết của F-35B là trên 800 km, hoàn toàn không thua kém máy bay chiến đấu thông thường. Ngoài ra, F-35B có tính năng tiên tiến hơn máy bay chiến đấu J-15 trang bị trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Như vậy tàu sân bay lớp Izumo Nhật Bản sẽ trở thành tàu sân bay hạng nhẹ có trọng tải nhỏ, nhưng có thể cất hạ cánh máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ tư, khả năng tác chiến có thể vượt tàu sân bay hạng trung trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba.
Nhật Bản chỉ tuyên truyền?
Đối với vấn đề nêu trên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng chuyên gia Nhật Bản hay thổi phồng khả năng tác chiến và ưu thế về sức mạnh quân sự của Nhật Bản, tìm cách răn đe Trung Quốc.
Trước hết, Nhật Bản hiện căn bản không có kế hoạch nhập khẩu máy bay chiến đấu F-35B, chỉ bỏ ra 22 tỷ USD mua sắm 42 máy bay chiến đấu kiểu hạ cánh thông thường F-35A. Chỉ hợp đồng này đã làm cho Nhật Bản gặp khó khăn về tài chính.
Tàu sân bay Izumo Nhật Bản có thể “đánh chìm tàu Liêu Ninh trong nửa giờ - Ảnh 3.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Mỹ cất cánh từ tàu tấn công đổ bộ.
Nếu muốn trang bị đầy đủ máy bay chiến đấu F-35B cho 2 tàu sân bay lớp Izumo thì số tiền phải chi ra của Nhật Bản sẽ phải tăng lên gấp đôi.
Khi hạ cánh thẳng đứng, máy bay chiến đấu F-35B sẽ phun ra luồng khí nóng cao, 2 tàu sân bay lớp Izumo phải lắp lại đường băng chịu nhiệt cao, cộng với đường trượt ở mũi tàu, lượng công việc cải tạo hoàn toàn không nhỏ.
Thứ hai, mặc dù F-35 là máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng điều này chỉ xảy ra khi toàn bộ tên lửa mang theo của nó được đặt ở trong khoang đạn. Trong khi đó, thể tích của tên lửa chống hạm tương đối lớn, khoang đạn bên trong không thể lắp đặt, chỉ có thể áp dụng phương thức treo bên ngoài - như vậy sẽ phá hoại hiệu quả tàng hình tổng thể của máy bay chiến đấu.
Quân đội Mỹ cân nhắc trang bị tên lửa chống hạm NSM do Na Uy nghiên cứu chế tạo cho máy bay chiến đấu F-35A, nhưng bi kịch là khoang đạn bên trong của F-35B tương đối ngắn, không thể nhét vào loại tên lửa này.
Điều này có nghĩa là trong tương lai khi máy bay chiến đấu F-35B Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ chống hạm, chỉ có thể treo tên lửa ở bên ngoài máy bay, như vậy nó lại trở thành mục tiêu rõ ràng của radar.
Vấn đề quan trọng hơn là tác chiến trên biển hiện đại là tác chiến hệ thống, chứ không phải trên phương diện nói trên. Khoảng cách giữa Nhật Bản và Trung Quốc rất rõ ràng.
Tuy nhiên, Lý Kiệt cho rằng hiện nay so với J-15, F-35B thực sự có ưu thế nhất định. Lý Kiệt nhấn mạnh Trung Quốc phải cảnh giác với kế hoạch cải tạo tàu sân bay tiềm tàng của Nhật Bản, đồng thời đẩy nhanh các bước triển khai máy bay thế hệ thứ tư Trung Quốc cho tàu sân bay.
theo Viettimes

Trung Quốc đã hậu thuẫn chế độ Pol Pot ở Campuchia như thế nào?

Nhắc đến Khmer Đỏ, nhiều người vẫn cảm thấy ớn lạnh bởi cuộc diệt chủng mà họ đã gây ra đối với người Campuchia nhiều năm trước. Tuy nhiên, còn có một điều không mấy người biết đến, chính là “ông lớn” hậu thuẫn phía sau cuộc tàn sát này.

Trung Quốc, khmer đỏ, diệt chủng,
Từ trái sang: Mao Trạch Đông tiếp Pol Pot và Ieng Sary tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Cayxon Pompihan và Pol Pot
Huynh đệ sát cánh
Trong một phát biểu trên truyền hình vào tháng 3/2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Là lãnh đạo của một quốc gia, khi thừa kế thành quả từ những người tiền nhiệm, họ cũng cần phải gánh vác trách nhiệm về những tội ác của thế hệ trước”.
Đối chiếu với phát biểu đó, một số nhà sử học độc lập từ Trung Quốc đã nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tội ác diệt chủng tại Campuchia thời Khmer Đỏ. Nhà sử học Zhang Lifan phát biểu: “Chính quyền Trung Quốc luôn tuyên truyền những việc mà họ thấy có lợi và tránh né những vấn đề mà họ có thể bị chỉ trích, bằng cách kiểm duyệt truyền thông và cấm xuất bản sách”.
Theo bài viết của tác giả Dan Levin trên Thời báo New York, trong thập niên 70, ông Mao Trạch Đông muốn tạo dựng một nước chư hầu trong thế giới các nước đang phát triển để đối chọi với sự ảnh hưởng của Mỹ và Liên Xô. Ông ta đã tìm ra nước láng giềng Campuchia.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Andrew Mertha, tác giả cuốn sách “Brothers in Arms: China’s Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979” (tạm dịch: “Huynh đệ sát cánh: Viện trợ của Trung Quốc cho Khmer Đỏ, 1975-1979”) cho biết: “Để chứng tỏ là một thế lực đang trỗi dậy, chính quyền Trung Quốc cần thiết lập vây cánh, và họ chọn Campuchia”.
Từ tháng 4/1975 đến tháng 1/1979, Trung Quốc là đối tác bên ngoài chính yếu của chính phủ Khmer Đỏ. Sau chiến thắng vào tháng 4/1975, các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đã gần như tự động tìm đến Trung Quốc và hắt hủi phương Tây. Ngay sau khi tiến vào Phnom Penh, quân Khmer Đỏ đã đổ về đại sứ quán Liên Xô, bắt trói các nhà ngoại giao Xô Viết và dồn tống họ vào đại sứ quán Pháp để trục xuất về nước cùng các vị khách phương Tây không còn được chào đón khác.
Vào ngày 19/4, Ieng Sary đã công du đến Bắc Kinh và đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận cung cấp 13.300 tấn vũ khí và sẽ vận chuyển chúng qua cảng Kampong Saom. Bốn ngày sau, ông ta trở lại Phnom Penh cùng một nhóm quan chức và chuyên viên kỹ thuật người Trung Quốc, đem theo các thiết bị liên lạc và những trang bị tối cần thiết cho việc thiết lập một chính phủ mới. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng luôn giành sự ủng hộ hầu như toàn bộ, nhân nhượng về các vấn đề đối ngoại cho chính quyền Khmer Đỏ.
Vào tháng 2/1976, Wang Shanrong quay lại Phnom Penh và ký kết một thoả thuận viện trợ quân sự sâu rộng hơn mà Khmer Đỏ đã khởi động đàm phán với Đặng Tiểu Bình từ tháng 6/1975.
Theo như một tài liệu được đưa ra tại phiên tòa năm 1979, Wang đã thông báo với Bộ trưởng Quốc phòng của Campuchia là Son Sen rằng Trung Quốc có kế hoạch cung cấp 320 cố vấn quân sự; thiết bị radar, pháo phòng không, và một sân bay quân sự; bốn tàu hộ tống và tàu phóng ngư lôi; thiết bị cho một trung đoàn tăng thiết giáp, trung đoàn thông tin, ba trung đoàn pháo binh dã chiến, và một tiểu đoàn cầu phao cho quân đội… Với những hậu thuẫn lớn về mặt vũ khí, lương thực và cả ngoại giao, Trung Quốc đã biến Khmer Đỏ trở thành một lực lượng chính trị có thế lực lớn tại Campuchia lúc bấy giờ.
Theo ông Mertha, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Cornell (Mỹ), thì Trung Quốc đã cung cấp ít nhất 90% viện trợ nước ngoài cho Khmer Đỏ, từ lương thực và thiết bị xây dựng đến xe tăng, máy bay và trọng pháo. Thậm chí khi Khmer Đỏ đang tàn sát người dân Campuchia thì các kỹ sư Trung Quốc và các cố vấn quân sự tiếp tục đào tạo đồng minh cộng sản này ở Campuchia. Ông nói: “Nếu không có trợ giúp của chính quyền Trung Quốc thì chính quyền Khmer Đỏ đã không thể tồn tại được 1 tuần”.
Năm 2010, đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Zhang Jinfeng, đã đưa ra lời thừa nhận chính thức hiếm hoi về sự hỗ trợ của Trung Quốc đến Khmer Đỏ, nhưng nói rằng Bắc Kinh chỉ viện trợ “thực phẩm và dụng cụ nông nghiệp như: cuốc, hái”.
Theo lời khai của cựu viên chức Khmer Đỏ, Youk Chhang, một người còn sống sót thời diệt chủng và từng là giám đốc Trung tâm Tài liệu Campuchia, thì khác hẳn: “Các cố vấn Trung Quốc đã ở đây, sát cánh cùng Khmer Đỏ, từ cai ngục đến các lãnh đạo cao nhất. Nhưng chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận và xin lỗi về điều này”.
Theo tờ Diplomat, các học giả cho rằng có khoảng 5.000 cố vấn và kỹ thuật viên của Trung Quốc có mặt tại Campuchia thời điểm đó để hỗ trợ chính quyền Khmer Đỏ.
Lao Mong Hay, cựu Giám đốc của Viện Dân chủ Khmer tại Phrom Penh nói: “Trung Quốc nợ người dân Campuchia một lời xin lỗi. Họ đã ủng hộ Khmer Đỏ trước và trong khi nắm chính quyền bất kể điều gì xảy ra với người dân Campuchia”. Theo ông Mong Hay, Trung Quốc đã viện trợ 1 tỷ USD cho Khmer Đỏ trước năm 1979 và thêm 1 tỷ USD nữa sau năm 1979 để họ đánh lại quân Việt Nam ở Campuchia.
Chính quyền Trung Quốc nỗ lực định hình câu chuyện quá khứ của họ ngay từ trong trường học. Bốn cuốn sách giáo khoa lịch sử cấp 3 được dùng rộng rãi nhất tại Trung Quốc đã tránh không đề cập đến chế độ Khmer Đỏ. Họ cũng bỏ qua cuộc chiến xâm lược Việt Nam vào năm 1979, cuộc chiến kéo dài 1 tháng do Đặng Tiểu Bình khai chiến để trừng phạt Việt Nam vì lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Vì vậy đa phần sinh viên đại học Trung Quốc giờ đây không biết gì về cuộc chiến này.
Trung Quốc, khmer đỏ, diệt chủng,
Pol Pot gặp gỡ Đặng Tiểu Bình, tháng 9/1977, tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images)
Nguồn gốc tội ác của Khmer Đỏ?
Nguyên nhân của diệt chủng đã được thế giới phân tích kỹ, phần lớn chuyên gia cho rằng chính quyền Pol Pot đã nóng vội thực thi Chủ nghĩa Cộng sản một cách cực đoan và bạo lực. Mong muốn của chính quyền Khmer Đỏ là hoàn thành Chủ nghĩa Cộng sản “trong sạch” trong vài ba năm, tiêu diệt hết những gì khác biệt. Dù vậy nguồn gốc phải xuất phát từ những học thuyết và tư tưởng ảnh hưởng đến Pol Pot từ ban đầu.
Thực tế, Pol Pot là người tôn thờ Mao Trạch Đông. Đầu năm 1965, Pol Pot đến thăm Trung Quốc 4 lần để đích thân nghe Mao Trạch Đông thuyết giảng. Ngay từ tháng 11/1965, Pol Pot đã ở Trung Quốc 3 tháng để đàm luận với các lãnh đạo Trung Quốc về các lý thuyết như “quyền lực chính trị lớn lên từ nòng súng”, “đấu tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản” v.v… Sau đó, những điều này đã trở thành cơ sở cho cách thức Pol Pot cai trị Campuchia.
Sau khi quay trở về Campuchia, Pol Pot đổi tên đảng của mình thành Đảng Cộng sản Campuchia và dựng lên các cơ sở cách mạng theo mô hình quây tròn các thành phố khỏi các vùng nông thôn của ĐCSTQ. Có thể coi Trung Quốc đã ‘xuất khẩu’ những ‘Cách mạng văn hóa’, ‘Đại nhảy vọt’ sang đất nước Campuchia dưới thời Khmer Đỏ.
Sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Campuchia năm 1975, Pol Pot đã vội vã bắt đầu thiết lập Chủ nghĩa xã hội — một thiên đường trong xã hội loài người — không có khác biệt giai cấp, không có cách biệt giữa thành thị và nông thôn, không có tiền tệ và thương mại. Cuối cùng thì, các gia đình đã bị xé nát và thay thế bằng các đội lao động nam và các đội lao động nữ.
Tất cả đều phải làm việc và ăn chung, và mặc các bộ quần áo đồng phục cách mạng màu đen hoặc quần áo bộ đội. Các cặp vợ chồng chỉ được gặp nhau một tuần một lần khi được duyệt. Tuyên bố rằng đất nước bắt đầu lại từ đầu và gọi là “Năm số 0”, Pol Pot đã cách ly người dân khỏi thế giới và biến các thành phố trở lên hoang vắng, loại bỏ tiền tệ và sở hữu cá nhân, loại bỏ tôn giáo và thiết lập các hợp tác xã nông thôn. Bất cứ ai bị coi là trí thức đều bị giết, ngay cả những người đeo kính hoặc biết ngoại ngữ. Các bệnh viện và các bác sỹ cũng bị xóa sổ.
ĐCSTQ không chỉ ảnh hưởng đến Khmer Đỏ về tư tưởng mà còn các biện pháp thực thi bạo lực. Các nhà tù thời Khmer Đỏ nổi tiếng các hình thức tra tấn và giết người vô tội vạ. Nhưng ít người biết rằng chính các “các chuyên gia và các kỹ thuật viên chuyên nghiệp” của chính quyền Trung Quốc đã truyền dạy cho Khmer Đỏ tất cả các cách tra tấn này. Trung Quốc thậm chí còn đào tạo những người chụp ảnh để chuyên chụp ảnh các tù nhân trước lúc họ bị giết chết để lưu lại làm hồ sơ hoặc để giải trí. Các hình thức tra tấn khủng khiếp còn được ĐCSTQ tiếp tục khai thác trong nhà tù ở chính đất nước họ trong nhiều năm về sau.
Tội ác lớn hơn “diệt chủng” ngay tại Trung Quốc
Rõ ràng là, nếu tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ mà không dựa vào các lý thuyết và hỗ trợ vật chất của ĐCSTQ, thì nó đã không thể thực hiện được. Như vậy Trung Quốc đã đóng vai trò lớn trong việc 1,7 triệu người dân Campuchia bị giết hại dã man, một trong nhưng vụ tàn sát lớn nhất của thế kỷ 20.
Nhưng, thực ra sau đó ĐCSTQ còn trực tiếp gây ra một tội ác còn lớn hơn vậy, tại chính đất nước của họ, từ năm 1999. Một quyết định đàn áp vô lý của Giang Trạch Dân (Tổng Bí thư ĐCSTQ lúc bấy giờ), khiến tất cả bộ máy tuyên truyền, an ninh, công an, quân đội được huy động để đàn áp những người tập luyện Pháp Luân Công (theo thống kê có khoảng 70-100 triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc vào năm 1999).
Sự kiện này đã khiến một phần mười dân số Trung Quốc bị đàn áp dã man dưới nhiều hình thức và một phần tư ngân sách cả nước được dùng cho cuộc đàn áp trong hơn chục năm qua. Tội ác còn lớn hơn nữa khi có khoảng 2 triệu học viên Pháp Luân Công bị giết hại dã man, bị mổ sống để lấy nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp Ghép tạng người, mang lại hàng tỷ USD cho ngân sách Trung Quốc.
Khi tội ác bị phơi bày, người Trung Quốc chắc hẳn cũng nhìn rõ một “Khmer Đỏ” trong lịch sử của họ, nhiều “cánh đồng chết” trên đất nước của họ, và nhiều kẻ “Pol Pot” trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước họ.
TinhHoa tổng hợp