Minh Anh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Nhà Trắng, Washington, 26/06/2017.Reuters
Kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vừa khó hiểu, vừa khó lường. Vì cái sự mù mờ, không biết đường nào lần ấy, nhà báo Renaud Girard, trong mục Ý kiến của báo Le Figaro (27/06/2017) điểm ra "Những mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ ".
Mù mờ vì không ai có thể xác định được là Hoa Kỳ sẽ có chính sách ra sao trong quan hệ quốc tế trong số những dòng Tweet của Donald Trump được tung lên mạng vào ban đêm, những thông cáo của ba "người thành niên" (mà một số báo chí Pháp còn gọi hài hước là ba "bảo mẫu" của Trump là ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc Phòng và cố vấn an ninh quốc gia) vào ban ngày, hay những nghị quyết của Quốc Hội Mỹ.
Trong quan hệ với Nga, khi mới vào Nhà Trắng, Donald Trump cho rằng cần hợp tác với Matxcơva để tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, kẻ thù duy nhất của Mỹ. Do đó cần tập trung chính sách đối ngoại vào mục tiêu khử trừ tổ chức này. Vậy mà giờ đây, quan hệ Mỹ-Nga xuống đến mức thấp nhất.
Do bị điều tra về khả năng quan hệ giữa Matxcơva và nhóm cộng sự thân cận của ông, để "chạy tội", tổng thống Mỹ buộc phải gia tăng trừng phạt Nga. Bộ Tài Chính Mỹ còn tuyên bố là các trừng phạt này gắn với việc Nga chấm dứt chiếm đóng Crimée.
Le Figaro mỉa mai, nếu nghĩ rằng một ngày nào đó Nga trả lại Crimée cho Ukraina thì thật là thiếu thực tế, giống như nghĩ rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đồng ý trả Kosovo cho Serbia.
Hoa Kỳ đã tự hạn chế khả năng hành động của mình qua những tuyên bố như vậy. Bởi vì về lâu dài, với lập trường của Mỹ như thế, thì quốc tế chỉ còn một giải pháp duy nhất về Ukraina : Nga rút quân và không can thiệp vào miền Đông Ukraina, thừa nhận nền độc lập của Kosovo. Đổi lại, phương Tây công nhận Crimée là của Nga.
Hiện nay, khả năng hòa giải giữa Mỹ và Nga trở nên khó khăn và Washington đã để lỡ một cơ hội bằng vàng để đạt đồng thuận với Matxcơva trong việc giảm đáng kể hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược.
Tại Trung Đông, Hoa Kỳ đã vụng về và không kiểm soát được các chư hầu của mình. Khi khuyến khích tính hoang tưởng tự đại của Ả Rập Xê Út, Hoa Kỳ đang đùa với lửa. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Ả Rập Xê Út và các đồng minh với Qatar, Mỹ có lợi ích gì khi để Qatar buộc phải ngả vào vòng tay Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Mối bất hòa giữa các cường quốc Ả Rập chỉ tạo thuận lợi cho thánh chiến Hồi Giáo phát triển.
Với Trung Quốc, Donald Trump đã cam kết có thái độ cứng rắn, đặc biệt là chống lại chính sách thương mại hung hăng của Bắc Kinh. Thế nhưng, khi rút ra khỏi hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP, Mỹ đã tự tước bỏ một vũ khí chủ chốt để đối mặt với Trung Quốc.
Le Figaro kết luận, Hoa Kỳ là đồng minh lâu đời, Pháp chẳng vui mừng gì trước việc Mỹ mâu thuẫn và không rõ ràng trong chính sách đối ngoại. Thế nhưng, Pháp chẳng có sự lựa chọn nào khác là đành chuẩn bị tinh thần trước hoàn cảnh này.
"Nước Pháp 2017 có hương vị của cuộc cách mạng 1789"
Đây chính là nhận định của nhà sử học Ran Halévi (giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị Raymond Aron), trong mục tranh luận trên báo Le Figaro. Theo sử gia này, làn sóng tư tưởng Macron có hơi hướng như thời "phá sạch tan tành" của cuộc cách mạng dân chủ tư sản dân quyền 1789 và khép lại một chu kỳ chính trị được mở ra từ hai thế kỷ qua.
Ngay sau vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội, báo giới Pháp thường nói đến một "big bang chính trị", một cuộc "Cách mạng Pháp không có máy chém".
Mùa bầu cử vừa qua đã vẽ lại cảnh quan chính trị Pháp : Đảng Xã Hội Pháp chết rụi. Cánh hữu thì mất đi những gương mặt tiêu biểu, suy yếu, chao đảo, nhưng lại lao vào một cuộc đấu đá nội bộ. Một chính đảng chỉ được thành lập trước đó vài tháng, với rất nhiều khuôn mặt mới đã giúp cho tổng thống Emmanuel Macron có được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội.
Trong vai trò như một "quân vương cộng hòa", Macron tìm cách lãnh đạo đất nước với đại diện các ngành nghề trong xã hội. Điều này có nguy cơ thúc đẩy việc hình thành một sự đối lập ở bên ngoài Quốc Hội, được nhân rộng ra bởi các mạng xã hội và dội ngược trở lại nghị trường.
Bằng chứng là ông Mélenchon và một số thành viên phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất trở thành dân biểu và họ đang chuẩn bị cho công việc này. Tức là dùng đường phố gây áp lực với nghị trường.
Sử gia Halevi nhận định, cuộc "cạnh tranh tính chính đáng" giữa chính quyền hợp pháp và những phát ngôn viên tự chỉ định của "chủ quyền nhân dân" làm người ta nhớ lại những gì xẩy ra trong thời kỳ cách mạng 1789.
Cuộc cạnh tranh đã kết thúc không tốt đẹp gì. Emmanuel Macron, sớm muộn gì cũng sẽ phải đối mặt với thực tế này. Đây là một loại thử thách đáng gờm, nhưng cũng là một trắc nghiệm lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của Macron.
Brexit: May vất vả trấn an Liên Âu
Hồ sơ Brexit là tâm điểm thời sự châu Âu trên một số báo Pháp. Luân Đôn và Bruxelles đối chọi nhau về quy chế sắp tới dành cho những kiều dân của các nước thành viên khối Liên Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh. Đây sẽ là hồ sơ lớn đầu tiên trong vòng thương lượng Brexit giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua trước Nghị viện nêu chi tiết các đề xuất liên quan đến quy chế dành cho các công dân của Liên Âu tại Anh và các công dân Anh sống tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Le Figaro giải thích "Những quyền nào dành cho các kiều dân châu Âu".
Dù vậy, phía Liên Hiệp Châu Âu vẫn đánh giá các đề xuất của thủ tướng Anh là chưa rõ ràng. Nói tóm lại, như nhận xét của Libération "Brexit: Theresa May đang cố trấn an các kiều dân châu Âu". Còn Les Echos thì cho rằng "Luân Đôn đang vất vả bảo đảm về quy chế sắp tới cho các công dân châu Âu".
Nhật Bản: Nạn bạo hành trẻ em tăng mạnh
Trong lĩnh vực xã hội, Libération trong bài viết đề tựa "Nhật Bản, đất nước của trẻ em bất hạnh"cho biết tình trạng đối xử tệ với trẻ em và trẻ vị thành niên tại đây đã đạt đến một tỷ lệ kỷ lục. Nguyên nhân sâu xa chính là do tình trạng nghèo gia tăng và phương pháp giáo dục đôi khi cổ hủ.
Chỉ riêng trong năm 2015, số ca bị bạo hành bằng lời lẽ, bị đánh đập hay xâm hại tình dục đã vượt ngưỡng 100.000 người, cụ thể là 103.260 vụ, tăng lên gấp ba lần so với cách đây 10 năm.
Giải thích vì sao có sự gia tăng đáng kể này, ông Shinya Sugiura, phụ trách về tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ Trẻ em Kyoto cho rằng có hai nguyên do: Thứ nhất, là người dân bắt đầu quan tâm nhiều đến vấn nạn này. Thứ hai, định nghĩa thế nào là "đối xử tệ" đã được xem xét lại.
Năm 2012, các hình thức bạo lực hôn nhân trước mặt trẻ con đã được đưa vào trong khái niệm bạo hành hay như tính gộp cả những ai tham gia vào việc ngược đãi anh hay chị em của mình.
Bắc Triều Tiên: Sinh viên Pháp vẫn « máu phiêu lưu »
Le Figaro quan tâm đến hiện tượng "Nhiều sinh viên Pháp thích mạo hiểm đến Bắc Triều Tiên". Từ năm 2015, nhiều thanh niên Pháp vẫn đến Bình Nhưỡng tham gia các kỳ thực tập ngắn ngày, bất chấp các khuyến cáo của bộ Ngoại Giao.
Dư âm vẫn còn âm ỉ trong vụ sinh viên Mỹ Otto Warmbier, 22 tuổi qua đời hôm 19/06 tại nhà ở Cincinnati, được trả về Mỹ trong trạng thái hôn mê sau 18 tháng bị giam ở Bắc Triều Tiên, chỉ vì muốn đánh cắp một bích chương tuyên truyền.
Nhưng điều đó không làm nhụt chí nhiều sinh viên Pháp muốn tiếp tục đến học tại Bắc Triều Tiên, quốc gia mà Le Figaro gọi là độc tài, khép kín nhất hành tinh. Từ năm 2015, hơn một chục sinh viên mỗi năm vẫn quyết tâm khăn gói đến ngồi học tại giảng đường đại học Kim Il-Sung, trường đại học danh tiếng nhất của Bắc Triều Tiên trong vòng một hay hai tháng.
Tất cả những sinh viên này đến chủ yếu để học tiếng Triều Tiên, mỗi ngày chừng 3-5 giờ học, và thường xuyên được một “đồng môn” Bắc Triều Tiên giám sát chặt chẽ.
Những người đã tham gia vào chương trình du học này nghĩ gì? Le Figaro có dịp trao đổi với hai cựu sinh viên. Đối với Louis de Gouyon Matignon, 25 tuổi, cuộc trải nghiệm này là một cơn ác mộng. Tinh thần gần như bị trầm cảm. Sau hai tháng tạm trú trong một khách sạn lạnh lẽo mà anh không được phép rời, anh đã được đưa về nước khẩn cấp vào tháng 04/2012.
Nhưng Bryan Sauvadet, nghiên cứu về Phật học Triều Tiên và Việt Nam lại tỏ ra rất hứng thú với chuyến đi. Theo anh, “phải có một cách tiếp cận của người làm nghiên cứu : ngày đầu tiên, quan sát và tuân thủ, rồi mới bắt đầu bắt chuyện và khám phá”. Nhờ vậy mà anh đã nhanh chóng thân thiện với “đồng môn”. Anh nói: “Những cánh cổng sẽ tự mở khi có sự tôn trọng lẫn nhau”.
Người tổ chức chương trình du học “mạo hiểm” này là ông Patrick Maurus, một cựu giáo sư thuộc Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông Quốc Gia (Inalco). Ông là người duy nhất có thể kết nối được mối quan hệ hàn lâm giữa Paris và chế độ Bình Nhưỡng.
Còn theo giải thích của ông Charif Alami-Chawfi, lãnh đạo Inalco, “việc phát triển tầm nhìn về tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước được cho là không có cùng tiêu chuẩn về tự do dân chủ như Pháp, chính là nhiệm vụ của viện chúng tôi”.
Nguy cơ xuất huyết khi dùng Aspirine lâu ngày
Trong lĩnh vực sức khỏe, Le Figaro chú ý đến "Những rủi ro nào cho người trên 75 tuổi khi dùng Aspirine dài hạn".
Nguy cơ xuất huyết nội (hay chảy máu trong) ở những người cao tuổi, nhất là những cụ trên 75 tuổi, thường dùng aspirine, dù ở liều thấp để tránh các chứng nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não, đã bị đánh giá thấp. Đây là báo động của một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, trường đại học Oxford, được đăng trên tờ The Lancet.
Theo các nhà khoa học, tại nhóm bệnh nhân này, rủi ro xuất huyết nội nghiêm trọng cao hơn như là những kết quả thử nghiệm cho thấy ở những bệnh nhân trẻ hơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Oxford chỉ ra : “Mức độ nghiêm trọng của hiện tượng xuất huyết và khả năng tử vong tăng theo độ tuổi”.
Tuy nhiên, giáo sư Gerard Helf, chuyên gia về tim mạch tại bệnh viện Pitié-Salpetrière, tại Paris cũng trấn an rằng “nghiên cứu này không nhằm đặt lại vấn đề lợi ích của aspirine trong việc phòng ngừa thứ cấp ở những bệnh nhân có cơ may tái phát cao”.
Quả thật, việc dùng aspirine mỗi ngày giúp giảm từ 20-25% xác suất tái phát bệnh sau một đợt nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Loại thuốc này hạn chế nguy cơ hình thành những cục máu đông trong các mạch máu. Lợi ích này thấy rõ ở những bệnh nhân cao tuổi.
Trang nhất các báo Pháp
Quốc Hội mới của Pháp hôm nay họp phiên đầu tiên. Đây là đề tài chính trên trang nhất nhiều nhật báo lớn hôm nay. Le Figaro chơi chữ: "Quốc Hội: trận ra quân đầu tiên của những người 'tiến bước' ". La Croix thì chú ý đến "Những quý bà dân biểu".
Báo kinh tế Les Echos nhận định: “Những bước khởi đầu của một Quốc Hội với một cấu hình chưa từng thấy”. Còn với Le Monde, “Nghị viện: Dân biểu mới và Ngôi thứ mới”.
Duy chỉ có trang nhất tờ báo thiên tả Libération là đề cập đến giáo dục qua hàng tít: “Rút thăm ở đại học: Tiếng đồn xấu”. Theo nhật báo, việc chọn giải pháp rút thăm các ứng viên ở những ngành học rất hút sinh viên, đang làm dấy lên các tranh cãi.
Chính sách Biển Đông: Cây gậy của Trump to hơn củ cà rốt
Oanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ luyện tập trên Biển Đông ngày 06/06/2017.Reuters
Ngay phiên họp đầu tiên của cuộc đối thoại cấp bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ-Trung mở ra hôm 21/06/2017, hai bộ trưởng Mỹ đã khẳng định trở lại quan điểm phản đối « mọi thay đổi nguyên trạng » tại Biển Đông và « các đòi hỏi chủ quyền quá đáng không phù hợp với luật pháp quốc tế ». Trước đó, ngày 06/06, Mỹ đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược hiện đại B-1B bay đến vùng Biển Đông, hai tuần sau khi một tàu khu trục của Hạm Đội 3 tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Trường Sa.
Trong bài phân tích « Chính sách Biển Đông của Trump đang định hình » (Trump’s South China Sea policy taking shape), đăng trên báo Nhật Japan Times ngày 23/06, giáo sư Mark J. Valencia, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc, đã cho rằng các sự kiện trên đây cho thấy là những đường nét trong chính sách Biển Đông và Trung Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump « đang nổi lên từ sương mù của những tuyên bố và hành động lộn xộn và mâu thuẫn ».
Từ cứng đến mềm, rồi kiên quyết trở lại !
Theo giáo sư Valencia, tân chính quyền Hoa Kỳ đã khởi đầu bằng một thái độ tương đối thù địch đối với Trung Quốc nói chung, và các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông nói riêng. Nhưng Washington dường như đã xét lại lập trường, và chính sách mới đang bắt đầu hình thành trông khá quen thuộc. Về cơ bản, đó là sự tiếp tục đường lối của chính quyền Obama, cho dù dường như có một sự nhấn mạnh hơn trên vế quân sự.
Đối với chuyên gia Valencia, dù đúng hay sai, các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải của Mỹ (FONOP) nhằm chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được coi là dấu hiệu thể hiện quyết tâm của Mỹ - ít ra là một số nhà lãnh đạo trong vùng đã suy nghĩ như vậy.
Thời chính quyền Obama, cho dù mang tính chất không mấy rõ ràng và dứt khoát, đã có sáu chiến dịch FONOP được thực hiện ở Biển Đông nhằm chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng từ chiến dịch sau cùng ngày 16/10/2016, khoảng tám tháng đã trôi qua mà không thấy tân chính quyền Mỹ có động tĩnh mới.
Giáo sư Valencia ghi nhận là chính quyền của tổng thống Trump đã ba lần bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACOM) để thực hiện các chiến dịch tuần tra FONOP mới. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đô đốc Scott Swift, giải thích rằng phía quân đội chỉ đề xuất ý kiến, còn quyết định cho tiến hành hay không thì tùy thuộc vào chính quyền.
Thế rồi bắt đầu có dấu hiệu cho thấy rằng ông Trump, trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại theo kiểu « có đi có lại » của ông, đã tránh những lời chỉ trích và hành động đối với Trung Quốc nói chung và ở Biển Đông nói riêng để đổi lấy sự trợ giúp của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân và các chương trình phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Chủ trương mới : Nói nhẹ, nhưng không loại trừ hành động mạnh
Đối với giáo sư Valencia, đó chính là nền tảng cho các tuyên bố và hành động gần đây của Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn tại Đối Thoại Shangri-La vào đầu tháng 6, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã tìm cách cân bằng giữa việc ca ngợi Trung Quốc, vì sự giúp đỡ của họ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên và việc chỉ trích các hoạt động « quân sự hóa không thể tranh cãi các hòn đảo nhân tạo » cũng như « các yêu sách biển đảo quá mức không được luật pháp quốc tế công nhận ».
Thế nhưng ông cũng lên giọng nói thêm rằng Hoa Kỳ « không thể và sẽ không chấp nhận các hành vi cưỡng bức đơn phương để thay đổi hiện trạng ». Ông cũng nêu bật chính sách kết hợp giữa thái độ hậu thuẫn và khi cần thiết, có hành động cụ thể để chứng tỏ « các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế » ; khuyến khích một khu vực liên kết với nhau trên vấn đề an ninh ; tăng cường khả năng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng ; và củng cố quan hệ quốc phòng Mỹ với các đồng minh và các đối tác sẵn sàng hợp tác với Mỹ, trong cả lãnh vực huấn luyện lẫn buôn bán vũ khí.
Theo giáo sư Valencia, điều đó về cơ bản tương tự như cách tiếp cận từng được tuyên bố của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đối với khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây đã phát biểu mạnh mẽ hơn, nói với Quốc Hội vào ngày 14 tháng 6 rằng ông đã cảnh báo các đối tác Trung Quốc rằng chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh sẽ « kéo cả hai bên vào một cuộc xung đột ». Ông cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đã đến mức mà một cuộc chiến tranh có thể nổ ra, nếu không được quản lý đúng đắn.
Vào ngày 21 tháng 6, sau cuộc hội đàm tại Washington với ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và tham mưu trưởng Quân Đội Trung Quốc Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) nhân cuộc đối thoại an ninh ngoại giao Mỹ-Trung, ông Tillerson nói rằng ông và ông Mattis đã nói rõ với các đồng nhiệm Trung Quốc rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên : « Chúng tôi phản đối những thay đổi nguyên trạng thông qua việc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông và các yêu sách biển quá mức mà luật pháp quốc tế không ủng hộ, và chúng tôi duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis nói thêm : « Tôi quyết tâm cải thiện quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Trung Quốc sao cho quan hệ đó vẫn là một yếu tố ổn định trong mối bang giao toàn diện giữa hai bên ».
Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương thành mũi nhọn tiến công
Tóm lại, trên đây là chính sách Biển Đông của chính quyền Trump. Và người đã nổi lên thành « mũi tên » của cách tiếp cận chiến lược của Washington đối với Trung Quốc là viên chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris.
Thật vậy, theo chuyên gia phân tích an ninh Carl Thayer, đô đốc Harris là « chính là chất keo duy trì đường lối truyền thống của Mỹ trên toàn châu Á ». Chí ít, ông cũng là người chịu trách nhiệm thực hiện chính sách. Một số nhà quan sát cho rằng bài phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis, chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, phản ánh quan điểm của ông Harris cho rằng Hoa Kỳ cần có một thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc ở đó.
Theo chính lời của đô đốc Harris, Mỹ « sẽ tiếp tục hợp tác ở những nơi có thể hợp tác, nhưng phải sẵn sàng đối đầu nếu cần. Vì vậy, tôi chỉ đơn giản là tiếp tục tập trung xây dựng các mối quan hệ quan trọng trong khi vẫn đảm bảo rằng Mỹ có sức chiến đấu đáng tin cậy để bảo vệ các cam kết an ninh của Mỹ và giúp nền ngoại giao Mỹ hoạt động trên thế mạnh. »
Chiến thuật tiếp cận cứng rắn hơn này có thể là đã được chứng minh bằng các hành động gần đây của Hoa Kỳ trong khu vực. Vào tháng 5, hai hải đội tàu sân bay tấn công đã được triển khai tới phía tây Thái Bình Dương, và một trong hai hải đội này đã thực hiện các cuộc tập trận đầu tiên ở Biển Đông với tàu Izumo, trực thăng mẫu hạm lớn nhất của Nhật Bản. Chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông đầu tiên dưới thời chính quyền Trump cũng đã được tiến hành vào cuối tháng 5 khi chiếc USS Dewey thực hiện một chuyến hải hành, không theo « thủ tục qua lại vô hại », bên trong vùng 12 hải lý (22km) của Đá Vành Khăn (Mischief Reef), gián tiếp thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể nửa chìm, nửa nổi.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis, người được cho là đã yêu cầu Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đề ra một chiến lược cho Biển Đông, đã cho biết rằng chiến dịch do chiếc Dewey thực hiện là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ.
Chuyến tuần tra của khu trục hạm Dewey đã được tiếp nối ngay sau đó bằng một bài tập huấn đầy tính thách thức trên Biển Đông, với hai oanh tạc cơ chiến lược hạng nặng B-1B Lancer, kết hợp với tàu khu trục USS Sterett lớp Arleigh Burke có trang bị tên lửa dẫn đường.
Vẫn duy trì củ cà rốt « hợp tác »
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Giáo sư Valencia, vế « củ cà rốt » của phương trình cũng được triển khai với việc chiếc Sterett thực hiện một chuyến ghé thăm đã được dự trù đến cảng Trạm Giang, một cơ sở chính của Hạm Đội Nam Hải của Hải Quân Trung Quốc.
Trưởng phái đoàn Mỹ không ai khác hơn là người có thể thay đô đốc Harris lãnh đạo Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương vào năm tới : đô đốc Swift, hiện là chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương.
Theo đúng chủ trương mới của ông Harris là « nói nhẹ, nhưng mang theo một cái gậy lớn », đô đốc Swift đã giảm nhẹ tầm mức quan trọng của các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải để nêu bật việc Mỹ thể hiện sức mạnh bằng sự « hiện diện nhất quán và bền vững » trong khu vực.
Tuyên bố mềm mỏng này phù hợp với quyết định gần đây về việc không thông báo hoặc nêu bật các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Đô đốc Swift xác nhận rằng cách tiếp cận kín đáo hơn tương ứng với một lập trường nhẹ nhàng hơn của Mỹ trong khu vực. Cũng trong tháng 5, Mỹ loan báo rằng Trung Quốc đã được mời tham gia cuộc tập trận quốc tế RIMPAC 2018, cuộc diễn tập hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Hải Quân Mỹ tổ chức tại Hawaii.
Có thể kết luận rằng chính sách Biển Đông của Trump là một sự tiếp nối của chính sách Obama, nhưng lại nhấn mạnh hơn đến khía cạnh quân sự. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không sẵn sàng hoặc không giúp đầy đủ trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, hoặc trong các hồ sơ « đổi chác » khác mà Trump đề xuất, thì vế quân sự của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ có thể trở thành cách tiếp cận chính, thậm chí là cách duy nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét