Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Vận mệnh, an nguy của VN qua một số thông tin xác thực; Trung Quốc vẫn chưa thắng trên Biển Đông

Việc Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y-8 đến khu vực khai thác dầu của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, sau khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc - Thượng tướng Phạm Trường Long - đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 19/6/2017 và bất ngờ rời Hà Nội vào chiều tối ngày 18/6 mà không công bố nguyên nhân được rộ lên. Trên một số trang mạng, facebooker trong đó có cả facebooker rất nổi tiếng có cho rằng sự kiện này có liên quan đến mỏ khí Cá Voi Xanh mà Việt Nam chuẩn bị khai thác là không chuẩn xác. Xin gửi đến những bạn đọc quan tâm đến vận mệnh, an nguy của đất nước một số thông tin xác thực để hiểu rõ hơn. 

Bản đồ phân lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông.
1. Từ mỏ khí Cá Voi Xanh

Mỏ khí Cá Voi Xanh (Blue Whale) thuộc lô 118 nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía Ðông, thuộc vùng biển Ðà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam nhưng lại sát cái vạch “lưỡi bò” tức đường 9 đoạn mà Trung Quốc ngang ngược lập ra để tuyên bố chủ quyền Biển Ðông. Tháng 5/2011, Exxon Mobil (Hoa Kỳ) đã khoan ba giếng tại lô 118, hai giếng tìm thấy khí. Ðây là mỏ khí được coi là lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện tại ước có trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỉ mét khối. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa Việt Nam cũng như các công ty dầu khí quốc tế tham gia dò tìm, khai thác dầu khí tại vùng biển Việt Nam vì dính “lưỡi bò” nên các hoạt động của Exxon Mobil đã khựng lại.

Ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague (Hà Lan) tuyên bố bác bỏ yêu sách đường “lưỡi bò” ngang ngược phi lý của Bắc Kinh do bị Philippines kiện. Tranh thủ “thiên thời, địa lợi” đó nên Việt Nam đã kiên quyết tiến hành: Ngày 26/3/2017 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) và tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh. Đây là một dự án điện khí lớn nhất Việt Nam có vốn đầu tư xấp xỉ 10 tỉ USD. Theo kế hoạch thỏa thuận giữa các đối tác, tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi; 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88 km nối vào bờ biển Chu Lai.Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600-700 MW. Cả hai nhà máy xử lý khí và điện trên sẽ đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai (thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Các nhà máy trên dự kiến vận hành vào năm 2023. 

Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm gần với bán đảo Sơn Trà, nơi mà Trung đoàn Radar 351 (Vùng 3 Hải quân) đặt radar giám sát bờ biển - Coast Watcher 100 - tối tân nhất thế giới hiện nay. Nó có thể phát hiện các tàu thuyền di chuyển ngoài giới hạn đường chân trời với khả năng giám sát bờ biển liên tục 24 giờ/ngày liên tục trong 365 ngày mà không cần bảo trì. Mọi biến động của một khu vực rộng lớn từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) đến quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa đều hoàn toàn xác định chính xác được vị trí từng con tàu một với độ tin cậy cao hơn cả vệ tinh. Mặt khác Cá Voi Xanh là vị trí rất gần đất liền và chì cách đảo Lý Sơn gần 20 hải lý, tất cả đều nằm trong tầm hỏa lực của pháo bờ biển và tên lửa của Việt Nam nên Trung Quốc chỉ dám đánh võ mồm mà chưa dám “ho he” hành động gì trên thực địa cả.

2. Đến Lô 136/03 khu vực Bãi Tư Chính

Sau khi xâm chiếm được các thực thể ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc cho rằng họ có “chủ quyền lịch sử” ở đây vì nó nằm gần rìa tây nam của đường chín đoạn mà Trung Quốc tự thể hiện trên Biển Đông. Đến năm 1992, Trung Quốc đã ra giấy phép cho phép thăm dò dầu khí ở lô mà chúng gọi là Vạn An nằm trong một khu vực được quốc tế gọi là Vanguard Bank (tức là Bãi Tư Chính) thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tranh giành tài nguyên ở một vùng biển cách bờ biển của họ xa như vậy. Dù nó nằm cách bờ biển Trung Quốc hơn 650 hải lý (khoảng 1200 km) và chỉ cách Việt Nam 200 hải lý. Khi tàu Trung Quốc tìm cách khảo sát khu vực hồi năm 1994, Việt Nam đã đưa tàu hải quân ra ngăn chặn. Rồi khi Việt Nam đưa giàn khoan ra nơi này, đến lượt Trung Quốc tìm cách ngăn trở. Cả hai bên đều chưa khai thác gì được ở đây.

Hồi năm 1996, công ty Benton Oil and Gas, tiền thân của Harvest Natural Resources của Mỹ, đã mua lại quyền thăm dò lô “Vạn An” với giá 15 triệu USD. Harvest không bao giờ có thể triển khai khai thác lô này. Do thuộc chủ quyền của mình nên Việt Nam cũng đặt mục tiêu thăm dò khai thác của lô này và trao quyền cho công ty Talisman của Canada và ExxonMobil của Hoa Kỳ. Trung Quốc xem đây là hành động “xâm phạm chủ quyền của chúng”. Vì vậy 5/2011 Trung Quốc đã cho một đội tàu cá ra ngăn trở và cắt cáp một tàu thăm dò địa chất của Talisman đang hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, Talisman - ExxonMobi vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp bị quấy nhiễu và hiện đang khoan ở một lô mà Việt Nam gọi là 136/03.

Tháng 7/2014 Brightoil, một công ty niêm yết tại Hồng Kông có nhiều quan hệ với giới lãnh dạo chính trị cao cấp ở lục địa, mua quyền khai thác đối 2,5 triệu hecta đáy biển từ công ty Harvest Natural Resources với giá chỉ 3 triệu USD. Tuy nhiên, kể từ khi Brightoil được trao quyền thăm dò ở đây, Bắc Kinh đã gây hấn trở lại. Hồi cuối tháng 10/2014, tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc được bốn tàu khác hộ tống đã thám sát địa chất ở lô này trong vòng hai tuần lễ. Lãnh đạo Việt Nam dường như đã quyết định không đối đầu với Trung Quốc để hàn gắn những đổ vỡ trong quan hệ song phương do sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 gây ra.

Sau nhiều năm trời được phía Việt Nam cùng chung sức và bảo vệ, Talisman – Exxon Mobil vẫn kiên trì khảo sát địa hình, khoan thăm dò dầu khí và cuối cùng đã phát hiện có dầu ở phía nam Lô 136/03 thuộc khu vực Tư Chính – Vũng Mây. Trữ lượng dầu hoàn toàn có đủ để khai thác thương mại. Chính vì vậy mà Trung Quốc tức tối yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động khai thác dầu tại lô 136/03. Đó cũng chính là một trong những nhiệm vụ nặng nề mà Phạm phải gánh vác trong chuyến công du sang thăm Việt Nam. 

Lô 136/03 hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là chuyện đương nhiên, rồi mất bao nhiêu năm đầu tư tiền của công sức hơn nữa lại có lợi ích Mỹ đứng sau mà nay đã tìm thấy dầu trong lúc nền kinh tế khó khăn, ngân sách ngày càng thâm thủng thì không bao giờ Việt Nam chấp nhận ngừng các hoạt động khai thác cả. Cho dù kể cả đó là tối hậu thư của Trung Quốc đi chăng nữa. Đây cũnh chính là nguồn cơn khiến Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y -8 đến khu vực khai thác của Việt Nam để quấy phá và cản trở gây nên xung đột hiện nay. 

Vùng đặc quyền kinh tế của người khác mà Trung Quốc tự sang đi bán lại nhiều lần nay lại đòi đuổi chủ của nó đi nơi khác thì kể cũng lạ trên đời. Nếu ai mà chấp nhận điều đó thì có lẽ là kẻ điên.


 Tên lửa đất đối hải Shaddock, đây là loại tên lửa mà Liên Xô (trước đây) chỉ bán riêng cho Việt Nam, nó là một loại tên lửa chống hạm khá mạnh và có sức công phá lớn và có khả năng chống tàu chiến hạng nặng kể cả tàu sân bay. Hiện nay Việt Nam đã tự mình sản xuất được loại tên lửa này chiều dài tên lửa 11,7 m; nặng 4,8 tấn; đường kính 880 mm; sải cánh dài 2,6 m; tốc độ gấp 2,5 tốc độ âm thanh; tầm bắn xa nhất là 550 km. Shaddock là tổ hợp tên lửa chống hạm có tầm bắn xa nhất Đông Nam Á hiện nay và cũng là loại duy nhất của Hải quân Việt Nam có thể vươn tới Trương Sa.

Bản đồ hoạt động và thăm dò khai thác dầu khí của các Công ty dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông.

Hoàng Tuấn Minh 

(Blog Tễu) 

Nhiều ngưởi tin rằng, Trung Quốc đang nắm lợi thế ở Biển Đông. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn thì thấy Trung Quốc còn rất xa mới có thể hoàn thành được những mục tiêu của mình – thậm chí Trung Quốc còn có một số thất bại nghiêm trọng.

dao-phu-lam-1486641089165
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nguồn ảnh: STR/AFP/GettyImages
 Trung Quốc đã thực hiện được nhiều hoạt động trên Biển Đông – xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo, trang bị vững chắc về kinh tế và yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Những diễn biến đó đã khiến nhiều người tin rằng quốc gia này đang nắm được lợi thế trong cuộc chiến địa chính trị cam go. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn thì thấy Trung Quốc còn rất xa mới có thể hoàn thành được những mục tiêu của mình – thậm chí Trung Quốc còn có một số thất bại nghiêm trọng.

Để biết liệu Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu của mình hay chưa, trước hết ta phải hiểu những mục tiêu đó là gì. Có ba điều Bắc Kinh muốn đảm bảo ở Biển Đông. Đó là: chủ quyền, ưu thế chiến lược và lợi ích kinh tế.

Chủ quyền

Trung Quốc từ lâu đã diễn tả những yêu sách của họ trên vùng biển tranh chấp này bằng những cách thức nhằm nhấn mạnh chủ quyền. Bức thư họ gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc năm 2009 là điểm khởi đầu cho những căng thẳng hiện nay.

Trong thư, Bắc Kinh đã giới thiệu “đường chín đoạn” (một đường trên bản đồ mô tả yêu sách của Bắc Kinh) và dùng cách diễn giải mà họ đã sử dụng từ giữa những năm 1970: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông cùng các vùng nước lân cận.”

Ngay cả trong chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Đặng Tiểu Bình đưa ra từ những năm 1980 thì cũng bắt đầu với cụm từ “chủ quyền là của chúng ta”. Dù vậy, Trung Quốc vẫn chưa bao giờ minh bạch về phạm vi yêu sách chủ quyền của mình là chỉ gồm các đảo hay là bao gồm cả đảo và biển.

Nếu mối quan tâm chủ yếu của Trung Quốc chỉ là chủ quyền các đảo nằm trong đường chín đoạn thì quốc gia này cũng chưa hề gần tới mục tiêu của mình hơn so với năm 2009. Bởi lẽ năm bên liên quan khác trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông (Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam) vẫn kiên định với các yêu sách của họ. Trên thực tế, mối nghi ngờ rằng Trung Quốc muốn thâu tóm tất cả các thực thể địa lý trên biển đã là một lý do tốt để những quốc gia này tiến hành chiếm hữu, cải tạo và triển khai quân sự trên các đảo.

Điều này rất đúng ở quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam kiểm soát hầu hết các thực thể đã có chiếm hữu thực tế, và Đài Loan chiếm vùng đất tự nhiên rộng lớn nhất của quần đảo này. Philipinnes cũng đã tăng cường bảo vệ các thực thể địa lý mà họ chiếm đóng trong suốt 10 năm qua, bất chấp hoạt động tiếp cận Trung Quốc gần đây của tổng thống Duterte[1].

Tại quần đảo Hoàng Sa, sự chiếm đóng và kiểm soát lâu dài của Trung Quốc đã hạn chế các quốc gia khác tiến hành các biện pháp thực địa để khẳng định yêu sách của mình. Nhưng điều này cũng chẳng ngăn cản được các đối thủ của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam, lớn tiếng hơn bao giờ hết.

Các vùng biển lân cận

Mỗi khi vấn đề yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể địa lý trên Biển Đông được đề cập, Bắc Kinh luôn khẳng định rằng vấn đề này chỉ nên được quyết định giữa các các bên trực tiếp liên quan. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa từng làm rõ ý nghĩa của “các vùng biển lân cận”. Có phải họ chỉ đang đòi những quyền đã được quốc tế công nhận trên những vùng nước xung quanh các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền? Hay là họ đang yêu sách toàn bộ vùng nước bên trong đường chín đoạn – [được coi là] “lãnh thổ xanh” của họ như cách gọi chính thức của chính phủ Trung Quốc? Sự mập mờ giữa hai khả năng đã thúc đẩy các bên tranh chấp còn lại đoàn kết với nhau để chống lại khả năng thứ nhì. Và yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ vùng biển trong đường chín đoạn cũng có thể đưa Jakarta vào cuộc tranh chấp, vì đường chín đoạn đó chèn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ) gần quần đảo Natuna.

Nếu các tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc bao gồm cả biển, họ đang làm mất đi ưu thế của mình. Một vài bên trong cuộc tranh chấp này – bao gồm cả Indonesia – đã chính thức phản đối những tham vọng như vậy. Năm ngoái, Toà Trọng tài Thường trực PCA đã công bố một phán quyết[2] [của Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông] bác bỏ hoàn toàn yêu sách biển của Trung Quốc[3]. Đồng thời, phán quyết này cũng khẳng định một số thực thể, như Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Rong và Bãi Cỏ Mây, không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền vì chúng không phải là đảo hay đá thật sự. Và vì các thực thể này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, toà án cho rằng Philippines có toàn quyền với chúng cùng các vùng biển xung quanh. Phán quyết cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã xâm phạm quyền của Philippines được đánh bắt cá chung ở gần bãi cạn Scarborough, một điểm nóng tiềm năng khác.

Quan trọng hơn, yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ vùng biển đã mở rộng tranh chấp vượt ra ngoài khu vực và can dự tới cả những quốc gia đang có hoạt động hải quân trong vùng này, ví dụ như Hoa Kỳ. Những cường quốc hải quân ngoài khu vực này đặc biệt quan ngại bởi những tham vọng của Bắc Kinh có thể hạn chế các quyền hàng hải đã được quốc tế công nhận. Với những tình huống như thế, những hứa hẹn của Trung Quốc về việc đảm bảo quyền tự do lưu thông thương mại không thực sự thuyết phục. Nhiều nước, như các nước Châu Âu, vẫn lo ngại về tiền lệ mà những yêu sách thế này sẽ đặt ra. Còn với Washington, các mối quan tâm chính tập trung vào các quốc gia đang được Mỹ bảo hộ an ninh là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong trường hợp xảy ra xung đột mà can dự tới bất kỳ nước nào trong ba nước này, các lực lượng của Mỹ sẽ cần đi qua khu vực Biển Đông mà không bị cản trở.

Chừng nào mà những yêu sách của Trung Quốc với Biển Đông còn bao gồm các đường biển quốc tế thì nước này vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với phản kháng mạnh mẽ từ các cường quốc ngoài khu vực và làm phức tạp thêm tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Nếu Trung Quốc làm rõ đường chín đoạn chỉ là yêu sách các đảo và những quyền bắt nguồn từ các đảo đó thì họ đã có thể chia tách các nước có yêu sách khác khỏi những quốc gia không phải là một bên tranh chấp nhưng có liên quan. Vẫn sẽ còn tồn tại những bất đồng về một số quyền trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển nhưng những bất đồng đó sẽ được giải quyết dựa trên luật pháp chứ không phải dựa trên sự cho phép của Trung Quốc.

Lợi thế địa chính trị

Mục tiêu thứ hai của Trung Quốc là đạt được lợi thế địa chính trị. Trên phương diện này thì Trung Quốc đang làm tốt hơn. Họ đã củng cố được rất tốt kiểm soát trên các thực thể địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tại Trường Sa, bảy hòn đảo nhân tạo Bắc Kinh tạo dựng đã mang đến cho họ một vị thế chiến lược mới. Điều này quan trọng bởi bốn lý do.

Thứ nhất là lợi thế triển khai vũ lực trên Biển Đông. Trong một bức thư gửi Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ vào năm ngoái, Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia James Clapper đã liên hệ tới đánh giá của ông rằng “Trung Quốc đã thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai năng lực quân sự trên Biển Đông vượt xa hơn mức phòng vệ tiền đồn.”

Tại thời điểm đó, lực lượng Hải quân Giải phóng Nhân dân đã sử dụng các tiện nghi cảng biển tại một số đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc đã triển khai máy bay quân sự ít nhất một lần trên một đảo nhân tạo ở Trường Sa[4]. Các nhà kho chứa máy bay bắt đầu được xây dựng trên các đảo, mà theo Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ Đặc trách Thái Bình Dương, có thể chứa được 72 máy bay chiến đấu phản lực và 10 phi cơ lớn hơn, như máy bay ném bom hay các máy bay chở dầu. Đáp lại những cáo buộc này, Trung Quốc phủ nhận đang “quân sự hoá” Biển Đông và nói rằng các hoạt động triển khai quân sự này là nhằm để bảo vệ quyền chủ quyền [của họ].

Thứ hai, theo một nhà phân tích kỳ cựu, thuyền trưởng nghỉ hưu Bernard Cole của Trường Cao đẳng Chiến tranh Quốc gia [Hoa Kỳ], những công trình Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa đã “thiết lập được vị thế vượt trội cho Trung Quốc trong cuộc chiến tranh điện tử và khả năng bao phủ của radar” trên toàn khu vực. Nếu xây dựng trên cả bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ có khả năng dựng lên một “bức tranh toàn cảnh Biển Đông”. Điều này rất cần thiết cho việc giám sát cái mà Trung Quốc coi là xâm phạm vào quyền chủ quyền của họ. Đây cũng là điểm then chốt để Trung Quốc có thể bảo vệ những quyền đó trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển với Hoa Kỳ.

Chuỗi đảo

Thứ ba, đường chín đoạn bao gồm nửa phía Nam của cái được gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” bao quanh vùng Đông Á như một sợi dây chuyền. Trung Quốc có mối quan tâm đến việc củng cố sức mạnh quân sự trong khu vực này bao gồm cả Biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo quan điểm của Trung Quốc, các nước đồng minh của Mỹ và các căn cứ quân sự dọc theo hàng rào ngoài khơi này (gồm có Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan và Philippines) đã ngăn cản họ tiếp cận đại dương xa hơn[5]. Nếu có sức mạnh quân sự thống trị ở vùng phía Nam của chuỗi này thì sẽ phá vỡ được sự bao vây đó. Nó cũng sẽ cho phép Trung Quốc đặt “chuỗi đảo thứ hai”, gồm có các địa hạt của Mỹ ở quần đảo Bắc Mariana và Guam, vào thế mạo hiểm. Tình huống này có thể làm rắc rối các kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ khi muốn can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào liên quan đến Trung Quốc.

unnamed
Trung Quốc cảm thấy bị bao vây bởi các căn cứ quân sự và đồng minh của Mỹ dọc theo cái được gọi là chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ nhì viền phía Đông châu Á. Chiến lược của Bắc Kinh là xuyên thủng hàng rào đó
Cuối cùng, Trung Quốc có thể nhìn Biển Đông như một thành luỹ cho các tàu ngầm nguyên tử hạt nhân của họ. Trung Quốc có 4 tàu ngầm hạt nhân hiện đại mang tên lửa đạn đạo, chiếc thứ năm hiện đang được xây dựng và tiếp theo đó Trung Quốc có kế hoạch xây dựng lớp tàu thuyền thế hệ mới. Mục tiêu của những vũ khí này là trang bị cho Trung Quốc một năng lực bảo đảm có thể đáp trả những cuộc tấn công hạt nhân trong bất cứ cuộc xung đột lớn nào với Hoa Kỳ.

Một thành luỹ như vậy, được bảo vệ bởi các lực lượng hải quân khác, sẽ là một địa điểm hấp dẫn để Trung Quốc triển khai các tàu ngầm hạt nhân nếu không thể thống trị chuỗi đảo thứ nhất hoặc phát triển công nghệ cần thiết để vượt qua nó mà không bị phát hiện. Việc tăng thêm loạt tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo nằm trong dự kiến đã nêu bật sự hấp dẫn của phương án này. Trở ngại lớn nhất là sự hiện diện hiện tại của Hải quân Hoa Kỳ luôn ở trong tư thế sẵn sàng và tích cực, và có liên hệ mật thiết với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Lợi ích kinh tế

Mục tiêu thứ ba của Bắc Kinh tập trung xung quanh lợi ích kinh tế. Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào thương mại trên biển. Thương mại chiếm khoảng 40% GDP của Trung Quốc, với phần lớn đến từ biển. Con số này đã bao gồm cả các nguồn năng lượng. Đến năm 2030, Trung quốc sẽ sử dụng gấp 3 lần số lượng dầu và 60% lượng than trên toàn thế giới. Dù có sản lượng nội địa, nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch. Bởi xu hướng này, Bắc Kinh đã phát triển một chiến lược toàn diện lâu dài bao gồm duy trì kiểm soát lãnh hải.

Bắc Kinh cũng muốn chiếm được những nguồn tài nguyên năng lượng[6]. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính Biển Đông có thể chứa nhiều nhất tới 11 tỉ thùng dầu – ngang với Mexico. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đưa ra con số ước tính khác là 125 tỉ thùng – nhiều hơn cả Kuwait. Dù là con số nào thì hầu hết trữ lượng dầu tại vùng biển này đều nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc. Bắc Kinh đã và đang tích cực thách thức lợi ích của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Đây là vùng đặc biệt có trữ lượng dầu lớn nằm trong thềm lục địa của Philippines. Tình hình cũng tương tự đối với các nguồn khí tự nhiên.

Mặc dù không có nguồn dầu khí nào được tìm thấy tại những chuỗi quần đảo chính ở Biển Đông là Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo này vẫn có giá trị chiến lược lớn bởi chúng giúp Trung Quốc có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên ở lân cận đó.

Các ngư trường cũng rất quan trọng.[7] Biển Đông chiếm 10% sản lượng đánh bắt cá trên toàn cầu và cung cấp nguồn protein thiết yếu cho người dân Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều căng thẳng trên Biển Đông liên quan đến tàu đánh bắt cá.

Chỉ thành công một phần

Trung Quốc đã chỉ thành công được một phần trong việc đạt được mục tiêu kinh tế tại Biển Đông. Những đường biển của Trung Quốc hiện không bị đe doạ nhưng sẽ còn lâu nữa Trung Quốc mới có thể tự bảo vệ chúng. Dĩ nhiên là sự bành trướng và hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Hoàng Sa – và bây giờ là Trường Sa – sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu này. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải thay thế được hải quân Hoa Kỳ, và điều này không có vẻ gì là sớm đạt được. Nhiều nhất chỉ có thể nói Trung Quốc đã đặt một khoản đặt cọc đáng kể cho việc đạt được mục đích này về sau.

Để có nguồn năng lượng, Trung Quốc hiện đã đang tiến hành sản xuất tại các vùng thuộc chủ quyền của họ ở Biển Đông. Còn việc sản xuất năng lượng tại các vùng tranh chấp có khả năng làm Trung Quốc hao tốn nhiều chi phí ngoại giao vì Việt Nam[8], Philippines, hay các nước khác sẽ không từ bỏ yêu sách của mình hay ngừng lại quá trình khai thác và sản xuất đang được triển khai. Nếu dự định của Trung Quốc là lấy tài nguyên của các nước khác thì Trung Quốc chưa đạt được tiến bộ nào trong mục tiêu này. Trên thực tế, bởi vì hợp tác cùng khai thác các nguồn năng lượng ở biển là cách thức hợp lý nhất cho Trung Quốc có thể tiếp cận các khu vực xa bờ, Bắc Kinh đã thực sự thất bại [về phương diện này]. Sự hung hăng của Trung Quốc đang làm hại chính viễn cảnh hợp tác với các nước tranh chấp khác.

Còn khi nói đến đánh bắt thuỷ hải sản thì Bắc Kinh đang đạt được mục tiêu của mình. Bất chấp những căng thẳng ngoại giao, sự xuất hiện của các tàu cá lớn của Trung Quốc trên vùng biển là minh chứng cho thành công của họ.

Những mục tiêu chưa đạt được

Trung Quốc đã thắng trên Biển Đông hay chưa? Điều này tuỳ vào cách nhìn của mỗi bên. Bắc Kinh chưa đến gần được hơn mục tiêu thiết lập chủ quyền trong toàn bộ đường chín đoạn, dù là với thực thể địa lý hay các hải lộ. Phán quyết của Toà trọng tài là một thất bại lớn đối với Trung Quốc. Tuy quân đội Trung Quốc đang thiết lập sự hiện diện trên biển với năng lực có thể đe doạ những nước đang tranh chấp khác, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu chiến lược trừ khi Mỹ rút lui.

Còn về những mục tiêu kinh tế, Trung Quốc đã thất bại trong việc có được những nguồn năng lượng mới, thành công trong việc tạo ra con đường đến các ngư trường và có thể đang đạt được những bước tiến nhằm đạt được mục tiêu lâu dài là tự chủ bảo vệ những đường biển quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia này.

Walter Lohman

Walter Lohman là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage. Bên cạnh đó, ông là một chuyên gia phân tích chính sách tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á, và rộng hơn là chính sách châu Á bao gồm mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Ông là tiếng nói hàng đầu ở Quỹ Heritage về mối quan hệ Mỹ – Đài Loan và là một nhà quan sát chặt chẽ các chính sách của Trung Quốc. Bài viết được đăng trên Geopolitical Intelligence Services.

Biên dịch: Bùi Ngọc Hà

Hiệu đính: Huệ Việt

(Đại sử ký Biển Đông)

Không có nhận xét nào: