Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Ở Quốc hội, đôi khi nói đúng cũng chả được tiếp thu, nói gì cái anh luật sư

NGỌC QUANG

(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: "Các vụ án oan sai đều có luật sư cả đấy chứ, người ta nói rất nhiều nhưng không nghe".
Chiều 5/6, thảo luận về báo cáo giám sát oan sai, Đại biểu Quốc hội đã đề cập trực tiếp tới vụ án Lê Bá Mai, Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng.
Muốn chống oan sai phải có bàn tay sạch
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đồng tình cơ bản với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời chỉ rõ, so với trước đây thì kinh phí cho ngành kiểm sát, tòa án đã khá hơn rất nhiều. Thí dụ, cơ sở vật chất được đầu tư, cho hưởng thâm niên, chế độ phụ cấp đặc thù, tiền dưỡng liêm…
Trước đây ngành kiểm sát, tòa án có nhiều người trình độ Cao đẳng, Trung cấp. Nhưng có một lộ trình cải cách 10 năm, nếu ai không đạt được yêu cầu thì cho nghỉ. Tôi nghĩ rằng lộ trình ấy chúng ta đã bước qua rồi và tất cả những người không đạt được yêu cầu thì cho nghỉ cả rồi.
Có thể nói là chưa khi nào Đảng và Nhà nước lại quan tâm tới ngành kiểm sát, tòa án như bây giờ. Lương của ông Chánh án huyện cao hơn Bí thư, Chủ tịch huyện; tương tự thế ở cấp tỉnh.
"Tôi nói như vậy để đặt ra vấn đề trách nhiệm của các đồng chí như thế nào trước dân? Cũng chưa bao giờ người dân đòi hỏi quyền con người mạnh mẽ như bây giờ. Trong số hơn 20 nghìn vụ thì chỉ xảy ra hơn 70 vụ oan sai, nhưng nó để xảy ra hậu quả hết sức nặng nề.
Nhiều vụ oan sai có thể nói do yếu tố chủ quan. Bây giờ không thể đổ cho trình độ được nữa. Trình độ ngày xưa còn có Trung cấp, Cao đẳng, bây giờ là đại học hết rồi, được huấn luyện về nghề nghiệp”, ông Thuyền nêu vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền chỉ rõ, chống oan sai cần phải có bàn tay sạch. ảnh: Ngọc Quang.
Đồng thời, ông Thuyền chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn tới oan sai:
Thứ nhất, công tác khám nghiệm hiện trường rất yếu. Nhiều vụ án kéo dài là do công tác khám nghiệm hiện trường ban đầu không kỹ. Thu thập chứng cứ không đầy đủ. Có những chứng cứ liên quan trực tiếp tới vụ án thì không thu được, nhưng lại thu những chứng cứ không liên quan.
Thứ hai là đánh giá chứng cứ rất khác nhau giữa các ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát. Thí dụ như vụ án Lê Bá Mai (tỉnh Bình Phước) lần xử thứ nhất cả sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình. Lần thứ 2 thì xử không phạm tội. Lần thứ 3 xử chung thân.
“Rõ ràng là chứng cứ trong vụ án này còn có vấn đề, chứ nếu đúng là hành vi giết người và hiếp dâm thì không thể xử chung thân được.
Nhưng mà lương tâm nghề nghiệp của các đồng chí thấy còn vấn đề gì đó chưa yên cho nên mới xử chung thân. Và chính bây giờ người ta vẫn đang kêu oan.
Việc này rất cần phải nghiên cứu. Tất nhiên các đồng chí nói rằng không oan, thế nhưng tôi thấy nhiều chứng cứ trong vụ án này rất phức tạp, nên nhiều người hoài nghi”, ông Thuyền chỉ rõ.
Từ đó, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị phải nâng cao ý thức chủ quan của những người thực thi công vụ.
Ông Thuyền nói: “Các đồng chí nói rằng thiếu luật sư, nhưng tất cả các vụ án oan sai đều có luật sư hết đấy chứ. Cái chính là người ta nói mình có nghe không? Người ta nói rất nhiều nhưng không nghe, vấn đề chính là ở đấy. Cũng như ở Quốc hội này người ta nói thì mình có tiếp thu không? Nói đúng chưa chắc đã tiếp thu, huống chi là cái anh luật sư.
Ngành kiểm sát và tòa án đều có trường, tôi đề nghị phải đào tạo ra đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt về chính trị, phải tinh thông về nghiệp vụ, phải trong sáng về đạo đức lối sống… tức là phải có một trái tim nóng bỏng, nhưng cái đầu phải lạnh, và có bàn tay sạch. Nếu không đạt được những tiêu chuẩn đó thì trong quá trình làm vẫn có thể xảy ra oan sai”.
Bồi thường bao nhiêu cũng không bù đắp được đau đớn
Đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương) cho rằng: “Trên thế giới thì vấn đề oan sai trong hình sự, tố tụng hình sự nước nào cũng có, kể cả những nước có bề dày hàng trăm năm xây dựng nhà nước pháp quyền. Chỉ có điều ta nhiều họ ít mà thôi”.
Đại biểu Khanh chỉ ra một loạt nguyên nhân dẫn đến oan sai: Hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng; Cơ chế giám sát chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ; Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho điều tra còn thiếu thốn, lạc hậu; Đặc biệt đội ngũ cán bộ tham gia điều tra, truy tố xét xử chưa có tâm, chưa có tầm, thiếu trách nhiệm và háo thành tích hoặc vì lý do khác dẫn đến khổ đau cho những người bị kết án oan sai và gia đình họ.
“Hậu quả xa hơn nữa là làm giảm niềm tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Khanh nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Đình Khanh: Đền bù oan sai bao nhiêu đi chăng nữa cũng không bù đắp được đau đớn của người bị oan sai và gia đình họ. ảnh: TTBC.
Ông Khanh nêu một thí dụ điển hình tự vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng): “Tôi đề nghị Quốc hội và chức năng là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao sớm xem xét lại vụ án Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng bị kết án tử hình về tội giết người.
Báo cáo của ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu trong vụ án này kháng nghị, giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSDND tối cao yêu cầu xác định lại vai trò của Chưởng trong tội giết người là có căn cứ. Nhưng hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận và giữ nguyên bản án phúc thẩm là không đúng tính chất hành vi của các bị cáo trong tội giết người.
Nhiều năm nay Chưởng và gia đình liên tục làm đơn kêu oan, không chịu xin tha tội chết. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương cũng đã tiếp bố nạn nhân đến kêu oan cho con. Qua xem xét chúng tôi thấy việc kết án tử hình Chưởng chưa có căn cứ thỏa đáng".
Về việc bồi thường thiệt hại oan sai đã có quy định trong luật bồi thường trách nhiệm, nhưng theo Đại biểu Khanh thì có nhiều điểm chưa hợp lý nên dẫn đến tình trạng đùn đẩy, dây dưa.
“Vẫn biết dù có đền bù oan sai bao nhiêu đi chăng nữa thì những mất mát đau đớn của những người bị oan và gia đình họ cũng không thể bù đắp được.
Tôi đề nghị luật hoặc văn bản dưới luật cần quy định chi tiết để người được bồi thường và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm bồi thường hoặc tòa án đối chiều, giống như bảng giá khám chữa bệnh là tính ra kết quả ngay, tránh tình trạng đòi quá cao, trả thì quá thấp, thậm chí có trường hợp phát sinh một vụ kiện tụng oan sai kéo dài”.
Những vụ oan sai chỉ là phần nổi của tảng băng?
Dưới góc nhìn của Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu đoàn TP.HCM), chống oan sai đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, cần có chiến lược lâu dài.
Giảm oan sai phải nằm trong nỗ lực giảm tội phạm nói chung, nghĩa là làm đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, nâng cao mức sống của người dân, giảm giàu nghèo.
Đồng thời nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục công dân. Hoàn thiện luật pháp, thực chất nâng cao cơ chế đảm bảo quyền của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam.
“Tình hình oan sai hiện nay nghiêm trọng. Vấn đề nổi lên là hệ thống tố tụng không phát hiện oan sai giống như lỗi hệ thống báo cháy không tự báo cháy.
Phải chăng những vụ việc oan sai đã phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng? Chưa kể việc người bị bức cung, nhục hình khi được tha rất e sợ tiết lộ, thậm chí phải cam kết là không khiếu nại. Nhiều luật sư phản ánh tình trạng bị bức cung, nhục hình diễn ra không cá biệt ở nhiều mức độ.
Hệ thống kiểm tra chéo giữa cơ quan điều tra, kiểm sát có hiệu lực không cao. Có tình trạng nể nang, người không động đến ta, ta không động đến người. Có tình trạng 3 bộ cùng đồng tình với việc thống nhất án trước khi truy tố, xét xử khiến cho việc kiểm tra, tranh tụng đôi lúc vô hiệu.
Tồn tại quan điểm và thói quen suy đoán có tội, trong cung hơn trọng chứng khi. Lấy cung thay chứng. Bị cáo đã nhận tội rồi thì không cần thu thập chứng cứ”, ông Nghĩa đánh giá.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, có những vụ án lạm dụng nhục hình. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Trương Trọng Nghĩa nêu thí dụ vụ án Hồ Duy Hải là điển hình. Cán bộ tư pháp có biểu hiện suy thoái đạo đức công vụ, vô cảm với dân, định kiến, ác cảm với tội phạm đến mức bất chấp các quyền hợp pháp của họ. Lạm dụng và thích sử dụng nhục hình và cho rằng nhục hình là cần thiết, từ đó làm ngơ, thậm chí là bao che khi xảy ra vi phạm.
Tình trạng hạn chế người bào chữa diễn ra khá thường xuyên trên các tỉnh thành. Nghề luật sư chỉ được chính thức sau pháp lệnh về luật sư năm 1987 nên hiện nay luật sư Việt Nam tính theo đầu người rất thấp.
Luật sư sống bằng phí luật sư, phí bào chữa vụ án hình sự được nhà nước khống chế theo mức trần cho tất cả các vụ án hình sự.
Nhiều vụ việc, bị can bị cáo nghèo nên luật sư chỉ thu phí tượng trưng, đã vậy còn bị cản trở, bị nhũng nhiễu làm nhiều luật sư mất tinh thần. Vì vậy, luật sư tham gia bào chữa đã thấp nay còn thấp hơn.
“Tôi cho rằng, đây không phải là phổ biến nhưng cũng không phải là quá cá biệt để xem nhẹ. Tác động oan sai là lớn nên phải có giải pháp nghiêm túc”, ông Nghĩa nói.
Cuối cùng, ông Nghĩa đề ra một số giải pháp để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm như: Sửa bộ luật tố tụng hình sự, không chỉ để giải quyết các oan sai vừa qua và gia tăng niềm tin của người dân vào các cơ quan tư pháp. Luật pháp càng cụ thể, chặt chẽ, sát thực tiễn thì càng hạn chế sai phạm của con người.
Sửa đổi ban hành luật tạm giam, tạm giữ theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Thiết kế hệ thống kiểm tra chéo để nghiêm trị khi vi phạm.
Có sự đãi ngộ xứng đáng với điều tra viên để họ tự hào là những khắc tinh của tội phạm, là thần tượng trong ngành công an.
Ngọc Quang

Không có nhận xét nào: