Ông Nguyễn Văn Bảo, trưởng ban đại diện dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi lại có cách lí giải khác về câu chuyện này. Ông cho biết: “Đứt long mạch vốn là một câu chuyện rất khó xác định bằng khoa học. Nếu xét trên thực tế, khu đất đó là đất son đỏ nên khi nước chảy qua sẽ tạo màu như thế. Hơn nữa, việc này lại xảy ra quá lâu, thế hệ chúng tôi cũng chỉ nghe các cụ truyền lại nên thực hư không rõ thế nào”.
Khi mà nhiều năm không có người đỗ đạt, người dân Kim Đôi bàn nhau lấp con mương để mong có thể “hàn” được long mạch. Nhưng có vẻ chuyện này cũng không đem lại hiệu quả.
Ông Bảo cho biết thêm: “Việc hàn long mạch là chuyện rất khó vì chúng tôi bây giờ cũng không biết hàn kiểu gì vì nó chỉ là dải đất bị cắt ngang mà thôi”.
Thậm chí theo lời kể của ông Bảo thì khu vực được cho là bị triệt long mạch đó bây giờ đã bị san lấp khó có thể nhận ra được. Trước đây nó vốn là một cái cống thoát nước, nhưng nay người ta cho xây dựng một trạm bơm khác và chỗ đó đã được lấp đi. Chuyện hàn long mạch lại càng trở nên khó khăn và thiếu tính khả thi.
Thực hư về một lời “sấm truyền”
Dân gian kể lại rằng, đường khoa cử của người làng Kim Đôi rộng mở, trải mấy trăm năm rồi cũng dần khép lại như lời sấm: “Bạch nhạn sinh mao anh hào tận”, ý rằng nếu bãi cát vùng Bạch nhạn còn sinh sôi thì đường hoạn lộ còn hanh thông. Tuy nhiên bãi cát đã mất, vật đổi sao dời, nên ứng vào lời “sấm truyền” xem ra có ý đáng chiêm nghiệm. Thời gian dâu bể, bãi Bạch nhạn xưa không còn xác định được chính xác địa điểm. Nhưng có điều chắc rằng, bãi cát đó đã dần thành làng mạc và khu dân cư đông đúc.
Chuyện làng Kim Đôi bị phá phong thủy, hầu như ai cũng biết và hậu quả của nó thế nào thì suốt hơn 300 năm qua người dân làng Kim Đôi tự kiểm chứng. Dòng họ Nguyễn kể từ đó không còn người đỗ đạt và làm quan to nữa. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhất là trong thời hiện đại cần phải có cái nhìn khác.
Theo tâm sự của ông Bảo, ngoài chuyện long mạch làng bị cắt đứt, ngôi “huyệt kết” của dòng họ cũng không còn được nguyên vẹn như xưa. Ngôi mộ này vốn do cụ Nguyễn Lung lừa thầy địa lý Tàu mà lấy được, sau đem táng hài cốt cha mẹ, ông bà tại đó và con cháu về sau nối nhau làm quan. Sau khi cụ mất thì cũng được táng tại đó.
Ngôi huyệt này trước đây vốn nằm sát một con ngòi mà sau này người ta cho đào thành con mương dẫn thoát nước ra sông Cầu. Như vậy theo tâm linh thì ngôi mộ đã bị đào bới và động chạm tới khí mạch. Trong quá trình đào con mương, người ta đã đào được hai tấm bia cổ đặt úp vào nhau dưới đáy ngòi. Tuy nhiên, họ không hề đào được bộ hài cốt nào cả.
Lý giải điều này ông Bảo cho hay: “Trong gia phả có ghi rất rõ là huyệt mộ đều được chôn rất sâu, nằm dưới hẳn con ngòi nên dù đào mương cũng khó có thể tìm thấy được. Từ trước tới nay người ta thường tránh việc động chạm tới mồ mả nhưng do là công trình quốc gia nên chúng tôi đành phải chấp nhận”.
Hiện nay con cháu họ Nguyễn đã có nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ … Hàng năm, dòng họ đều tiến hành tuyên dương, khen thưởng, vinh danh những người đỗ đạt cao để khuyến khích con cháu học hành. Tuy nhiên kì tích của tổ tiên có lẽ khó lòng lặp lại. Và, câu chuyện phá phong thủy như một sự ám ảnh đối với mỗi người.
TinhHoa tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét