Công an TP Yên Bái đã tống đạt quyết định khởi tố ông Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam về hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ngày 26/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng với ông Lê Duy Phong (32 tuổi, quê Thanh Hóa) – Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam – để điều tra hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Ông Lê Duy Phong tại thời điểm bị cảnh sát bắt quả tang. Ảnh: CTV. |
Ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập Báo Giáo dục Việt Nam cũng xác nhận với Zing.vnthông tin trên vào sáng cùng ngày.
Theo ông Bình, chuyến đi của Phong lên Yên Bái là hoạt động cá nhân, báo không cử cán bộ này đi công tác Tây Bắc. Lê Duy Phong cũng không hoạt động tác nghiệp ngày hôm đó.
Theo Công An Nhân Dân, trưa 22/6, tại một nhà hàng ở TP Yên Bái, công an địa phương bắt quả tang ông Phong có hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản của một doanh nghiệp. Trước khi bắt giữ ông Phong, cảnh sát đã nhận tin báo của một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về việc họ bị một số người xưng là nhà báo tống tiền, đe dọa viết bài.
Qua điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định ông Lê Duy Phong đã chiếm đoạt 250 triệu đồng của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Nhóm PV (Zing.vn)
THÂN HOÀNG
Vì sao phóng viên Lê Duy Phong bị khởi tố?
TTO - Nhà báo Lê Duy Phong, trưởng ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị Công an TP Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Công an tỉnh Yên Bái cung cấp thông tin cho báo chí về vụ nhà báo Duy Phong bị bắt - Ảnh: Thân Hoàng |
Ngày 26-6, Công an tỉnh Yên Bái đã có buổi trao đổi với báo chí để thông tin thêm về vụ việc nhà báo Duy Phong bị Công an TP Yên Bái bắt quả tang khi đang nhận tiền của doanh nghiệp.
Thượng tá Chu Văn Hải - phó trưởng phòng phụ trách phòng tham mưu Công an tỉnh Yên Bái, cho biết một ngày sau khi tạm giữ nhà báo Duy Phong, ngày 23-6 Công an TP Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo này để điều tra hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 280 Bộ luật hình sự.
Các quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân TP Yên Bái phê chuẩn vào ngày 25-6.
Tại buổi làm việc, báo chí đặt ra rất nhiều câu hỏi về căn cứ để cơ quan công an ra quyết định khởi tố bị can nhà báo Duy Phong.
Tuy nhiên hầu hết các câu hỏi đều được ông Hải trả lời với nội dung giống nhau: Vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể trả lời ngay, tài liệu đang trong quá trình điều tra chưa thể cung cấp.
Cùng ngày, lãnh đạo báo Giáo dục Việt Nam cho biết một nhân chứng đi cùng và chứng kiến việc nhà báo Duy Phong bị bắt đã tường trình lại vụ việc khẳng định giữa ông Phong và doanh nghiệp không có trao đổi gì về công việc.
Ngày 22-6, ông Phong có cuộc gặp một người bạn học và một giám đốc doanh nghiệp tại nhà hàng ở TP Yên Bái.
Sau khi nhậu say, ông giám đốc doanh nghiệp rút 50 triệu đưa nhưng nhà báo Duy Phong không nhận. Cũng theo tường trình của nhân chứng, vị giám đốc doanh nghiệp đã cố nhét tiền vào túi ông Phong và sau đó ít phút công an ập vào bắt.
Trả lời về độ xác thực của những thông tin trên, ông Hải nói: “Mục đích đưa và nhận tiền, sau này kết quả điều tra của cơ quan công an sẽ làm rõ. Với tài liệu điều tra ban đầu, cơ quan công an khởi tố nhà báo Duy Phong về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trong quá trình điều tra sẽ làm rõ mục đích nhận tiền”.
Thượng tá Chu Văn Hải trả lời báo chí về vụ việc - Ảnh: Thân Hoàng |
Hàng loạt thắc mắc được phóng viên đặt ra với Công an tỉnh Yên Bái: nhà báo Duy Phong có đang tìm hiểu viết bài gì về hoạt động của doanh nghiệp này không? Nhà báo có quan hệ từ trước hay đây mới là lần đầu gặp mặt?
Cơ quan công an có thu thập được tài liệu gì liên quan đến việc nhà báo gợi ý doanh nghiệp đưa tiền hay không? Vai trò của một nhà báo đang công tác tại đài truyền hình tỉnh là bạn của ông Duy Phong trong vụ án này như nào…
Tuy nhiên, ông Hải đều trả lời rằng vụ án đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin gì.
Trước dư luận thắc mắc có hay không việc công an “gài bẫy” để bắt nhà báo, ông Hải khẳng định: CQĐT làm việc theo quy định của pháp luật, bắt quả tangnhà báo nhận tiền và ra các quyết định khởi tố điều tra. Các quyết định khởi tố phải có cơ sở thì mới được Viện kiểm sát phê chuẩn.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có ý kiến sẽ đề nghị chuyển hồ sơ vụ án lên CQĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra để đảm bảo tính khách quan vì nhà báo Duy Phong đã và đang tìm hiểu viết bài liên quan đến biệt phủ nghi của giám đốc công an tỉnh.
Về ý kiến trên, ông Hải cho rằng thẩm quyền điều tra vụ án theo quy định của luật thì công an cấp thành phố, cấp huyện được điều tra những vụ án có tính chất từ rất nghiêm trọng trở xuống.
“Việc chuyển vụ án lên hay không phải do cơ quan cấp trên quyết định. Tôi khẳng định việc điều tra phải căn cứ vào quy định của pháp luật, cơ quan điều tra có trách nhiệm điều tra khách quan”, ông Hải nói.
Thông tin thêm về vụ án, ông Hải cho biết khi bắt quả tang cơ quan điều tra xác định số tiền thu được trên bàn ăn và số tiền trong người ông Phong là 50 triệu đồng.
Tại cơ quan công an, ông Phong khai nhận trước đó có nhận tiền của một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng trăm triệu đồng.
“Tuy nhiên đây mới là lời khai của ông Phong và cơ quan công an sẽ tiếp tục điều tra làm rõ”.
Báo chí đặt câu hỏi có thông tin cho rằng ngay sau khi bắt quả tang, giám đốc doanh nghiệp đưa tiền cho ông Phong đã cung cấp số xêri tiền cho cơ quan công an có đúng hay không?
Ông Hải trả lời rằng thông tin đang trong quá trình điều tra, vụ án mới bắt đầu nên có nhiều tài liệu, thông tin chưa thể công bố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét