Đăng lúc: 21.06.2017 10:30
Bút tích cố nhà báo Hữu Thọ tặng sách cho người viết bài này khi đến thông báo để ông biết chỉ một hai ngày nữa tôi (Quốc Phong) sẽ bị cách chức - Ảnh do tác giả cung cấp
Chúng ta không nên và thậm chí, cần phải hết sức thận trọng trước những thông tin ở đâu đó cung cấp cho người làm báo dù có thể là rất chính xác vào mỗi kỳ "quy hoạch nhân sự" khi đằng sau đó là ý đồ của ai đó. Vô tình, chúng ta trở thành công cụ giúp cho một ai đó, một nhóm nào đó đang mưu cầu lợi ích riêng mà báo chí thì vô tư, không hay biết, trở thành cánh tay nối dài giúp họ.
Chuyện đau đớn nhất trong nghề báo
Trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam, vụ án cá độ bóng đã quốc tế mà nguyên Tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng tham gia năm 2006, rồi đây cũng có thể sẽ được đưa vào giáo trình giảng dạy sinh viên báo chí ở thể loại viết điều tra. Nó như một ví dụ xương máu cần lưu ý sinh viên ở khía cạnh tác nghiệp. Nhà báo cần lấy gì làm căn cứ để viết bài mà khi đăng vẫn đảm bảo an toàn cho tờ báo, không sợ bị quy vào tội "lộ mật"?
Năm 2006, hẳn nhiều người còn nhớ vụ án Bùi Tiến Dũng ở PMU 18 đánh bạc đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an bóc gỡ. Và nó không chỉ dừng lại ở chuyện đánh bạc với số tiền khủng lên đến cả triệu USD và tiền ở đâu để họ đánh? Việc đó bất ngờ đã rẽ sang một ngả khác, ly kỳ hơn và báo chí đã nhanh chóng vào cuộc để tìm tới tận cùng sự việc, đó là có hay không chuyện có ai đó chạy án cho Bùi Tiến Dũng?
Với tôi, không phải vì tôi bị cách chức Phó tổng biên tập báo Thanh Niên ngày nào trong vụ để "lộ thông tin mật" hoặc do phản ứng của chúng tôi sau đó (khi nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt giam) do viết bài mà cho rằng đó là điều đau đớn nhất trong nghề làm báo của tôi. Cái khiến tôi đau đớn nhất, đó là vụ án đã không được xét xử công minh. Nói như cố nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương) nói với tôi khi tôi đến thăm để báo tin rằng tôi sắp bị cách chức: "Tại sao vụ án tham nhũng PMU 18 chưa được xét xử mà cơ quan pháp luật đã bắt các nhà báo và cán bộ điều tra vụ án đó thì thật là chuyện tôi không hiểu nổi".
Tôi đã nghiêm túc chấp nhận yêu cầu của cơ quan điều tra là sẽ im lặng, không nói gì thêm khi cơ quan pháp luật đưa vụ việc của 2 nhà báo ngày đó ra tòa. Thậm chí, tôi còn có trách nhiệm đi thuyết phục luật sư bảo vệ cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến trả lại tài liệu giúp cơ quan điều tra những chứng cứ hiện có mà báo nắm giữ, đã cung cấp cho luật sư thì nay lại đề nghị luật sư bảo vệ nhà báo Việt Chiến sẽ không đưa tài liệu đó ra tranh tụng trước phiên toà khi xử...
Tôi đau là bởi không biết trong cái nghề tưởng là cao quý ấy, khi nào tài liệu mà các điều tra viên cung cấp cho báo chí viết bài là "Mật", lúc nào lại không "Mật", được bật đèn xanh cho viết?
Chuyện vụ án Năm Cam trên hai chục năm trước mà chúng tôi tham gia, có sự tiếp sức của lực lượng CSĐT về tư liệu viết bài và bây giờ, trong vụ PMU 18 này, tại sao lại khác nhau như thế? Hồi đó, chính ông Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trương Hữu Quốc đã mời tôi đến phòng làm việc của ông rồi cho tôi xem tài liệu mật điều tra về Năm Cam cùng đồng bọn và nhờ tôi xác minh một số thông tin liên quan.
Chính tôi cũng đã nhìn thấy tài liệu mà tướng Quốc đưa có đóng dấu "Mật". Không lẽ tài liệu điều tra quan chức đánh bạc và tham nhũng lại có độ "mật" cao hơn tài liệu điều tra triệt phá băng nhóm xã hội đen khét tiếng Năm Cam?
Ngay cả khi chúng tôi cung cấp tài liệu vụ PMU 18 cho các cơ quan điều tra rồi nhưng tại sao không thấy cho nhà báo Việt Chiến lúc đó đang bị tạm giam được đối chất sòng phẳng, đến tận cùng sự việc với những người cung cấp nguồn tin. Đặc biệt như nguồn tin mà tướng Phạm Quý Ngọ, lúc đó là Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, đã cho anh Việt Chiến biết trong cuộc phỏng vấn, được ghi âm lại toàn bộ về những thông tin động trời trong vụ án PMU 18 mà mục đích là để thanh minh cho chính ông.
Và đó chính là nỗi đau của người làm báo chúng tôi khi quá tự tin vào các nguồn tài liệu chính thống từ những người có trách nhiệm điều tra vụ án.
Tất cả những băng ghi âm và tài liệu được xem là chứng cứ xác thực về vụ án trên đã được Ban biên tập báo Thanh Niên gửi tới các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra mà tại sao anh Việt Chiến vẫn bị bắt tạm giam? Phải chăng, cơ quan chức năng đã lo ngại chuyện anh Chiến sẽ để lọt những tài liệu nhạy cảm này ra ngoài?
Nói cho cùng, đây là câu chuyện dài đầy phức tạp và cả sự nhạy cảm trong đó. Với trách nhiệm công dân, chúng tôi biết mình cũng có những khuyết điểm do phản ứng chưa được bình tĩnh mà sâu xa, cũng chỉ do đã tự tin quá vào những tài liệu mình nắm giữ. Điều này đã khiến sự việc nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt trở thành điểm nóng trong dư luận.
Tôi nhớ, khi gặp tướng Phạm Xuân Quắc, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Cục trưởng Cục C14 Tổng cục Cảnh sát, ông đã trách chúng tôi chuyện này và cả lời cảm ơn giới báo chí nói chung vào khoảng tháng 4.2006. Ông bảo: "Các cậu đăng dở quá, ai lại đưa "Có gần 40 nhân vật tham gia chạy án cho Bùi Tiến Dũng" là đủ mệt cho chúng tôi rồi. Giá như báo Thanh Niên đưa là có hàng chục nhân vật tham gia thì không đến nỗi căng như thế này. Cấp trên đang truy việc tại sao lại có chuyện rò rỉ thông tin này ra ngoài. Lần sau các cậu nên cân nhắc chữ nghĩa cẩn thận hơn. Nhưng cũng phải thú thực với các cậu. Chính nhờ có báo chí các cậu tích cực tham gia, tạo dư luận xã hội khiến chúng tôi đủ mạnh mẽ để làm tới cùng. Báo chí các cậu chính là điểm tựa của công an chúng tôi khi tham gia đánh án...".
Vậy nên hiểu tại sao ông tướng lừng danh một thời Phạm Xuân Quắc lại nói như thế?
Đó là chưa kể cũng thời điểm ấy, tại một cuộc họp giao ban báo chí tại Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, tướng Quắc cũng nói đại ý rằng đây là vụ án đặc biệt phức tạp, rất khó khăn khi điều tra. Do tôi sắp nghỉ hưu cho nên tôi mới có thể đánh quyết liệt trận này như vậy. Nếu còn trẻ, chưa chắc tôi đã làm được thế!
Tại sao? Đó chính là cái khó của những cơ quan pháp luật muốn làm tròn bổn phận và chức trách được giao vì luôn phải lựa trước, lựa sau, lựa trên, lựa dưới...
Tôi cũng biết, mình vốn cũng là người điềm đạm và nhiều lãnh đạo có biết đến. Vụ việc phản ứng của tôi và của báo tôi khiến nhiều người nổi giận và bất bình. Song tôi cũng hiểu, sau sự cố nghề nghiệp xảy ra, đối với tôi, cái được nhiều hơn mất. Đó là tình nghĩa của đồng nghiệp, bè bạn, anh em đối với chúng tôi thắm thiết hơn xưa, trân quý hơn xưa.
Sau khi được trả lại tự do, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã cùng Ban biên tập được lãnh đạo Bộ Công an mời lên gặp gỡ giao lưu thân mật vào tháng 5.2011 và vị thứ trưởng Bộ Công an chủ trì bữa đó đã nói trước mặt 5 vị tướng đang là lãnh đạo các tổng cục và cục rằng: "Chuyện của anh Nguyễn Việt Chiến sẽ khép lại, tôi đề nghị các đồng chí sang làm việc với các ngành chức năng về chuyện của anh Chiến. Chúng ta sẽ thống nhất với họ sẽ không ghi vào lý lịch tư pháp".
Đây là điều thật khó có thể xảy ra, nói về nguyên tắc. Nhưng đó là câu chuyện có thật từ lãnh đạo cơ quan Bộ Công an. Chỉ có điều, người viết bài này hôm nay cũng không biết kết cục thế nào vì theo anh Việt Chiến nói thì anh ấy cũng không nắm được "quy trình" để xoá nó sẽ như thế nào vì anh cũng có biết nó nằm ở đâu, hình hài thế nào?
Thôi thì dù sao đó cũng là điều tốt cho một con người mà vợ anh vốn lại là một nhà giáo. Chị ấy cần cái đó. Chị ấy luôn đau đớn tột cùng mỗi khi đứng trên bục giảng nhìn thấy học trò đang thì thầm bàn tán về mình trong những ngày anh Chiến bị bắt giam. Tôi cũng thấy đau đớn thay cho chị mỗi khi hình dung chuyện mà chị từng kể cho tôi nghe ngày ấy...
Với tôi, "chuyện gì đã qua thì cũng cho qua". Đó cũng là câu nói nguyên văn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi ông vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ Công an năm 2011. Ông đã nói như thế với tôi khi có người giới thiệu tôi với ông. Ông nở nụ cười và nói: "Tôi còn lạ gì cậu ấy..." và tiếp theo là câu nói tôi vừa thuật lại ở trên.
Còn chuyện nữa. Một hôm, tôi đang ngồi với ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ bây giờ, lúc đó vừa được BCH Trung ương khoá 11 (6 năm trước) bầu vào Bộ Chính trị thì có khách đến. Ông giới thiệu về tôi với vị khách nọ làm tôi ngượng chín người. Ông nói tôi là Phó tổng biên tập báo Thanh Niên khiến tôi phải cải chính ngay: "Dạ, thưa anh, em bị cách chức này từ 3 năm nay rồi!". Ông cười, bảo: "Không, trong mắt tôi, Quốc Phong trước sau vẫn không có gì thay đổi...". Tôi hiểu, đó là sự sẻ chia và thấu hiểu của một nhà lãnh đạo đối vói một nhà báo như tôi...
Và bài học thấm thía nhất trong nghề làm báo
Có lẽ, bài học kinh nghiệm xương máu mà chúng tôi rút ra được qua vụ án PMU 18 và đã phải trả bằng một cái giá đắt, đó là khi viết, nhà báo không chỉ nghĩ rằng mình làm việc này là để phụng sự đất nước, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, dân chủ hơn là đủ. Chúng ta vẫn cần phải hết sức thận trọng trước các nguồn tin dù cho là chính thống từ cơ quan điều tra cung cấp vì một lẽ, lúc họ cung cấp thì vẫn nói đó là những thông tin không mật, có thể cung cấp cho báo chí. Song, khi xảy ra chuyện gì thì ở cấp cao hơn, họ có thể nói rằng đấy là thông tin đang bí mật điều tra, không được công bố...
Theo tôi, chúng ta không nên và thậm chí, cần phải hết sức thận trọng trước những thông tin ở đâu đó cung cấp cho người làm báo dù có thể là rất chính xác vào mỗi kỳ "quy hoạch nhân sự" khi đằng sau đó là ý đồ của ai đó. Vô tình, chúng ta trở thành công cụ giúp cho một ai đó, một nhóm nào đó đang mưu cầu lợi ích riêng mà báo chí thì vô tư, không hay biết, trở thành cánh tay nối dài giúp họ. Đó là điều tối kỵ và cũng hay xảy ra trong nhiều kỳ đại hội các cấp gần đây...
Để thành công và khách quan trong mỗi bài viết, chẳng hạn như cả trong những vụ đại án là vụ Năm Cam và đồng bọn; trong vụ Bùi Tiến Dũng ở PMU 18 đã cá độ bóng đá cả triệu USD rồi chạy án ra sao như tôi vừa nêu, giá như các cấp có thẩm quyền đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, biết vì cái chung và luôn biết hy sinh vì lợi ích chung thì các nhà lãnh đạo cần nhất quán về tư tưởng chỉ đạo, cần khách quan và công tâm khi xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng để lấy lại niềm tin của nhân dân. Đảng và Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí làm tốt chuyên môn của họ. Tránh hết sức việc cùng một chuyện đó nhưng ở mỗi thời điểm khác nhau, mỗi khi đổi thay về nhân sự thì lại chỉ đạo một khác, khiến cho các nhà báo khó xử lý thông tin.
Tới đây, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12, tôi nghĩ báo chí sẽ có rất nhiều công việc phải làm. Đảng cần tin rằng các nhà báo hôm nay vẫn còn nhiều người đầy nhiệt huyết để thực hiện tốt sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút, chân chính và trung thực nếu tất cả có một mẫu số chung: Vì một đất nước thịnh vượng, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Quốc Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét