Vạn Lý Trường Thành thường khiến người ta liên tưởng đến Tần Thủy Hoàng hay câu chuyện đẫm nước mắt của nàng Mạnh Khương xinh đẹp goá bụa. Tuy nhiên đó mới chỉ là những đoạn ngắn trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của bức tường thành vĩ đại này.
Trước hết, hãy điểm lại bức Vạn Lý Trường Thành đã kiên cố suốt chặng đường lịch sử qua.
Với lịch sử hơn 2.500 năm, Vạn Lý Trường Thành đã chứng kiến sự thịnh suy, thăng trầm của biết bao triều đại Trung Hoa. Những vương triều hùng mạnh rồi suy tàn, những anh hùng xuất sinh rồi ra đi, thế gian luân hồi bao nhiêu đời, sương sa gió táp bấy nhiêu năm, bức trường thành vẫn uy nghi, sừng sững ở đó như một người cận vệ trung thành, chứng kiến thế cuộc, lịch sử xoay vần.
Vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc (770 – 221 TCN), Vạn Lý Trường Thành ban đầu được xây dựng với mục đích phòng vệ, chống lại những cuộc tấn công của các bộ tộc du mục phía Bắc. Sau hàng nghìn năm, giờ đây nó trở thành điểm du lịch nổi tiếng nhất Trung Quốc, tràn ngập du khách từ khắp nơi trên thế giới. Người ta vẫn thường nói: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (chưa đến Trường Thành không phải là hảo hán).
Bức tường phòng vệ
Trong lịch sử, các bộ lạc du mục phía Bắc luôn là một mối đe dọa nghiêm trọng, thường trực đối với người Hán ở Trung Nguyên. Vì vậy, các đế vương Trung Hoa đã quyết định xây dựng nhiều công sự nối tiếp nhau, lập thành một bức tường phòng thủ biên giới phía Bắc.
Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, lập ra vương triều Tần. Để ngăn chặn mối đe dọa từ các bộ tộc miền Bắc và đảm bảo sự ổn định cho người Hán, ông bắt tay vào một trong những dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử loài người.
Hàng trăm ngàn nhân công đã được huy động để kết nối các bức tường cũ dọc theo biên giới phía Bắc, dựng nên một dải trường thành chạy từ Lâm Thao đến bán đảo Liêu Đông, kéo dài hàng ngàn dặm. Người ta gọi nó là “Bức tường mười ngàn dặm”, cái tên quen thuộc hơn chính là Vạn Lý Trường Thành.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho công trình vĩ đại này cũng không hề nhỏ. Ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trong thời gian xây dựng trường thành này.
Rất nhiều câu chuyện dân gian liên quan đến bức tường thành này đã được lưu truyền suốt hàng nghìn năm qua. Trong đó câu chuyện về nàng Mạnh Khương là ví dụ nổi bật nhất.
Tương truyền, Mạnh Khương đã đi hàng ngàn dặm để mang áo ấm cho người chồng đang xây Vạn Lý Trường Thành. Khi đến nơi, nàng mới biết tin chồng đã chết. Nước mắt đau thương của nàng đã làm sụp một phần của tường thành và lộ ra thân thể của người chồng bị chôn vùi dưới đó.
Suốt 21 thế kỷ, Vạn Lý Trường Thành liên tục được bồi đắp, xây dựng. Quá trình xây dựng chỉ được kết thúc vào cuối thời nhà Minh (thế kỷ 17). Trước đó, từ những năm 500 TCN, nhà Tần đã cho xây dựng những bức tường bằng đất để phòng thủ.
Người ta nói rằng, sở dĩ sau khi thống nhất giang sơn vào thế kỷ 3 TCN, Tần Thuỷ Hoàng vội vã, gấp rút mở rộng quy mô Vạn Lý Trường Thành là bởi một câu sấm: “Vong tần giả, Hồ dã” (Người làm Tần diệt vong là Hồ). Tần Thuỷ Hoàng tưởng chữ “Hồ” là chỉ người Hung Nô phương Bắc nên ra lệnh xây thành phòng thủ, ngăn ngừa hậu hoạ. Dù vậy, nước Tần vẫn mất và người làm Tần diệt vong chính là con trai Hồ Hợi của Tần Thuỷ Hoàng.
Vạn Lý Trường Thành đã hoàn thành xuất sắc mục đích phòng thủ của mình cho đến lúc triều đại nhà Minh sụp đổ. Khi ấy tướng Ngô Tam Quế đã mở cửa Sơn Hải quan để cho quân Thanh tràn vào Trung Nguyên, đánh dấu sự khởi đầu của 276 năm triều Thanh. Trong suốt thời nhà Thanh, biên giới của Trung Hoa đã vượt ra ngoài bức tường thành này, do vậy Vạn Lý Trường Thành không còn nhiều ý nghĩa phòng thủ.
Một người chặn, vạn người khó qua
Vạn Lý Trường Thành bao gồm ba thành phần chính: cổng vào, tường, và tháp báo hiệu. Các cổng chính đi qua bức tường, chúng nằm ở vị trí chính yếu, chẳng hạn như giao lộ với các tuyến thương mại.
Người ta cũng thành lập các ụ phòng thủ, pháo đài, phong hoả đài dọc theo bức tường. Cấu trúc phòng thủ này chính là “một người chặn, vạn người khó qua”, rất hiểm yếu. Cổng ra vào thành có các kích thước khác nhau tùy thuộc vào mức độ phòng thủ. Tuy nhiên ngày nay chỉ còn lại 13 cổng thành. Nổi bật nhất là các cổng: Sơn Hải quan, Cư Dung quan.
Sơn Hải quan nằm ở thành Tần Hoàng Đảo ở tỉnh Hà Bắc, được xây dựng vào năm 1381, phía nam núi Yên Sơn và phía bắc biển Bột Hải. Nghĩa đen của nó là “Cửa ải của Biển và Núi”. Sơn Hải quan là điểm tận cùng phía đông và là cửa ải quan trọng nhất của Vạn Lý Trường Thành vào thời nhà Minh. Trong lịch sử nó được biết đến với cái tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Cư Dung quan được xây vào năm 1368 và được biết đến như là cửa ải lớn nhất của Vạn Lý Trường Thành. Cửa ải này nằm ở quận Hưng Bình thuộc Bắc Kinh ngày nay. Cư Dung quan lần đầu tiên được đặt nền móng bởi nhà Yên trong thời Chiến Quốc.
Nó được nối liền với Vạn Lý Trường Thành vào thời Nam Bắc triều. Cửa ải này nằm trong thung lũng được bao quanh bởi các ngọn núi, là một căn cứ quân sự phòng vệ vô cùng kiên cố trước các mối đe dọa từ phương Bắc.
Kiên cố là vậy, vững chắc là vậy, tuy nhiên Vạn Lý Trường Thành vẫn không phải là bức tường phòng thủ lớn nhất ở Trung Quốc. Bởi còn có một bức tường “Vạn Lý Trường Thành” khác…
Trong khi Vạn Lý Trường Thành đã trở thành biểu tượng của Trung Quốc và thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, thì một bức tường khác cũng đã được dựng lên với mục đích hoàn toàn ngược lại: “Phòng hoả Trường Thành”, thuật ngữ tiếng Anh là “Great Firewall”.
Đây chính là hệ thống kiểm duyệt mạng internet được ĐCS Trung Quốc sử dụng từ năm 1997. Mục đính chính của nó là kiểm duyệt tất cả các thông tin, hình ảnh, thậm chí từng từ khoá tìm kiếm trên mạng internet của Trung Quốc đại lục. Hệ thống này sẽ tiến hành đánh chặn các trang web, từ khoá mà nhà cầm quyền không muốn để người dân được tiếp xúc.
Một bức tường như vậy đã được xây dựng để “bảo vệ” người dân Trung Quốc, theo như luận điệu của nhà cầm quyền. Nhưng xem ra nó là một thanh gươm của chính quyền ngăn cấm sự tự do tiếp cận thông tin, tự do tư tưởng của dân chúng. Những vấn đề được chính quyền Trung Quốc dán mác “nhạy cảm” như: Tây Tạng, sự kiện Thiên An Môn, đặc biệt làcuộc đàn áp Pháp Luân Công… luôn bị phong toả thông tin.
Nhiều người cho rằng, Vạn Lý Trường Thành không phải là bức tường phòng thủ kiên cố và lớn nhất Trung Quốc. Trên thực tế, sự phong toả, phong bế mà bức tường “Great Firewall” kia tạo ra còn lớn hơn rất nhiều, được cho là bức tường kiên cố nhất.
Vạn Lý Trường Thành dài hơn 8.000 cây số nhưng chỉ cần một cái lắc tay mở cửa của Ngô Tam Quế là giang sơn đổi chủ, triều đại xoay vần. Còn Great Firewall kia, đến chừng nào mới bị phá bỏ? Với công nghệ thông tin ngày càng phát triển như vũ bão hôm nay; với sự thật và chính nghĩa ngày càng được truyền rộng vang xa, bởi vậy nhiều người khẳng định rằng, ngày đó sẽ không còn xa!
Theo Vision Times
Tiểu Mai
Tiểu Mai
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét