Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Hoa Kỳ hợp tác dầu khí với Việt Nam trong khu vực ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng chục tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, nhưng không đề cập tới hợp tác về dầu khí. Thực tế là, Tập đoàn đầu khí Mỹ Exxon Mobil và PetroVietnam đã ký kết thỏa thuận liên doanh để phát triển dự án phát điện chạy bằng khí đốt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, trị giá tới 10 tỷ USD từ đầu tháng 1/2017, trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức tại Washington.

Dự án liên doanh nêu trên được biết đến với tên gọi “Blue Whale” (Cá Voi Xanh) được phía Exxon Mobil và PetroVietnam ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng John Kerry, nhưng công đầu trong việc xúc tiến dự án này thuộc về Ngoại trưởng  Hoa Kỳ đương nhiệm Rex Tillerson. Ông Tillerson là Giám đốc điều hành của Exxon Mobil trước khi được ông Trump bổ nhiệm giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.

Exxon Mobil đang hợp tác chặt chẽ với PetroVietnam để khai thác tài nguyên trên biển Đông
Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023 và được xây dựng trên mỏ khí tự nhiên mà Việt Nam gọi là Cá Voi Xanh nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông, cách trung tâm tỉnh Quảng Nam 88 km. Mỏ khí tự nhiên này ước tính có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, gấp ba lần so với dự án khí đốt lớn nhất hiện nay của Việt Nam, liên doanh với Gazprom của Nga ở mỏ Côn Sơn.

Exxon Mobil sẽ chịu trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn khí dài 88 km từ mỏ Cá Voi Xanh vào đất liền, trong khi Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEC) Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy xử lý khí đốt và bốn nhà máy điện với tổng công suất là 3 gigawatts. Giai đoạn mở rộng theo kế hoạch sẽ tạo ra đủ khí cho 5.750 megawatts điện và sản xuất hóa dầu. PetroVietnam ước tính dự án sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước Việt Nam khoảng 20 tỷ USD trong thời gian chưa được xác định.

Dự án của ExxonMobil tại Việt Nam được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của ông Rex Tillerson, khi đó vẫn đang là CEO của Tập đoàn dầu khí hàng đầu nước Mỹ và đang chuẩn bị được Thượng viện Mỹ phê duyệt giữ chức Ngoại trưởng theo đề nghị của Tổng thống Trump. Hai ngày trước khi ông John Kerry gặp lãnh đạo Việt Nam, ông Tillerson đã phát biểu trong một cuộc điều trần tại Thượng viện rằng chính quyền Trump sẽ gửi tới Bắc Kinh một “tín hiệu rõ ràng” và “chặn” việc Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trong vùng biển tranh chấp.

Mặc dù  khu vực Exxon Mobil cùng PetroVietnam khai thác khí đốt nằm  trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), nhưng mỏ Cá Voi Xanh này cũng nằm trong khu vực mà phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên bản đồ 9 đoạn với việc kiểm soát tới 90% biển Đông. Trong năm 2011, Trung Quốc đã cảnh báo Exxon Mobil một cách gián tiếp ngay sau khi công ty này công bố thăm dò được một trữ lượng lớn khí đốt ở Lô 118, nằm trong khu dự án Cá Voi Xanh. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng các công ty nước ngoài không được thăm dò ở khu vực tranh chấp. Exxon Mobil vẫn kiên trì cùng đối tác Việt Nam bám trụ tại đây,  trong khi các công ty năng lượng đa quốc gia khác dường như bị áp lực của Trung Quốc nên phần nhiều đã từ bỏ hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí cùng Việt Nam trên biển Đông.

Trung Quốc cũng đã thăm dò trong cùng một khu vực như Việt Nam. Vào giữa năm 2014, Công ty dầu mỏ ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã đặt giàn khoan thăm dò HD-981  ở khu vực tranh chấp, gây ra  các cuộc đụng độ trên biển và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam và nhiều sự vụ liên quan khác.

Theo Reuters, Chủ tịch CNOOC Wang Yilin và CEO Exxon Mobil Rex Tillerson đã có cuộc gặp tại Bắc Kinh vào 14/5/2014. Hai nhà điều hành thảo luận về “hợp tác hơn nữa” giữa hai công ty mà không đưa ra các chi tiết cụ thể.  Sau những cuộc đàm phán kín đó, cả hai bên đều tuyên bố không triển khai bất kỳ kế hoạch sản xuất nào trong khu vực cho đến khi thỏa thuận giữa Exxon Mobil-PetroVietnam được công bố vào tháng 1/2017 vừa qua. Theo thỏa thuận ký với PetroVietnam, Exxon Mobil cũng có quyền thăm dò đối với các Lô khác ở các khu vực lân cận, cũng đang bị tranh chấp.

Chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Carlyle Thayer hôm 16/1 đã cho rằng ông Tillerson “đã có kinh nghiệm đối phó với sự đe dọa của phía Trung Quốc đối với việc Exxon Mobil đầu tư vào Việt Nam từ hồi 2007-2008” và vị doanh nhân này “sẽ không chấp nhận sự phản đối của Trung Quốc về thương vụ giữa Exxon Mobil và PetroVietnam”.  Ông Thayer nói rằng giới chức Trung Quốc trước đây đã từng cảnh báo các công ty dầu mỏ phương Tây rằng lợi ích của họ tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu họ hỗ trợ tham vọng thăm dò dầu khí trên biển Đông của Việt Nam.

Reuters cho biết Trung Quốc đã không đưa ra bình luận cụ thể về thỏa thuận Cá Voi Xanh trị giá nhiều tỷ USD giữa Exxon Mobil và PetroVietnam. Tuy vậy, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đó cũng đã có phản hồi về tuyên bố của ông Tillerson về biển Đông. Tờ China Daily trong một bài báo hôm 13/1 nói rằng những lời nhận xét của ông Tillerson là “một sự hèn nhát, ngây ngô, thành kiến và ảo tưởng, không thực tế về chính trị”.  Tờ báo này cũng thêm rằng: “Nếu ông có hành động với họ [Trung Quốc] trong thế giới thực, điều đó sẽ là thảm khốc”.

Thời điểm Exxon Mobil-PetroVietnam công bố liên doanh hợp tác dự án Cá Voi Xanh cũng khá đặc biệt. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Hà Nội để phát đi thông tin về sự hợp tác Mỹ – Việt quan trọng này, Tổng bí thư ĐCS Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng lại đang ở Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nơi hai nhà lãnh đạo ký một thông cáo chung về hợp tác và hòa bình.

Theo đánh giá của Reuters, việc Trung Quốc đe dọa các hoạt động thăm dò, khai tác tài nguyên tại biển Đông ngoài mục tiêu địa chính trị, thì cũng do khu vực này có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên rất lớn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) ước tính vào năm 2013 rằng biển Đông có 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, bao gồm cả trữ lượng đã được chứng minh và trữ lượng tiềm năng. Ước tính của Trung Quốc đối với vùng biển này còn cao hơn. CNOOC dự kiến tại biển Đông có 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ feet khối khí đốt.

Theo Giáo sư Thayer nhận định, giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng đang rất cần năng lượng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Hợp tác của Exxon Mobil được cho là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn của giới chức Việt Nam nhằm lồng ghép nền kinh tế ven biển với các nguồn tài nguyên tự nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế.

Tân Bình



(Trí Thức)

Không có nhận xét nào: