Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

"LÒ BÁT QUÁI" PVC CỦA "THÁI THƯỢNG LÃO" THĂNG; Hàng loạt cán bộ các ngân hàng ở Việt Nam bị bắt

Đến thời điểm này, tổng cộng có 18 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã bị khởi tố, điều tra trong vụ đại án kinh tế được xem là lớn nhất từ trước nay

Bao nhiêu lãnh đạo ở PVN đã xộ khám? - Ảnh 1.
18 lanhdao pvn (2)

Infographic: Vương Fương Anh; dữ liệu: Nguyễn Hưởng - Hà Minh

(Người Lao Động)



Các cơ quan công quyền của Việt Nam vừa quyết định khởi tố 14 bị can là cán bộ Ngân Hàng Đại Tín vì các tội liên quan đến việc tham ô, rửa tiền… tại hệ thống các ngân hàng của Việt Nam.

Bà Hứa Thị Phấn và nhà riêng thời điểm công an khám xét hồi Tháng Ba, 2017. (Hình: Báo Người Lao Động)

Đáng lưu ý là trong số 14 người có bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái” xảy ra tại Ngân Hàng Đại Tín (TrustBank), tiền thân của Ngân Hàng Xây Dựng.

Theo báo Tiền Phong, 14 bị can bị khởi tố vì có vai trò giúp sức cho bà Phấn, quận Thủ Đức, Sài Gòn, người có cổ đông lớn, giữ chức cố vấn cấp cao của TrustBank; ký các biên bản họp Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) chấp thuận cho TrustBank mua nhiều bất động sản bất hợp lý, trái quy định, gây thiệt hại cho ngân hàng này khoảng 9,000 tỉ đồng.

Trong số này, 4 bị can bị bắt giam gồm: bà Ngô Kim Huệ và Ngô Nguyễn Đoan Trang, đều là phó tổng giám đốc TrustBank; bà Bùi Thị Kim Loan, kế toán công ty Phú Mỹ; bà Lâm Hứa Quỳnh Trinh, thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam, chi nhánh Lam Giang. Các bị can này bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”

Khám xét nơi ở của các bị can, cơ quan điều tra thu giữ một số hồ sơ, tài liệu liên quan đến các sai phạm của bà Phấn và các bị can.

Công an cũng tống đạt các quyết định khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ của TrustBank gồm: ông Bùi Thế Nghiệp, trưởng phòng Định Giá Tài Sản công ty xử lý nợ TrustBank; ông Nguyễn Vĩnh Mậu, nguyên phó chủ tịch HĐQT TrustBank và các thành viên HĐQT, nhân viên TrustBank với vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Phấn.

Riêng đối với bà Phấn, hiện đang điều trị tại một bệnh viện ở quận 7, Sài Gòn, cơ quan điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” hồi Tháng Ba, 2017, sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”

Hồi Tháng Chín, 2016, tòa án Sài Gòn tuyên án ông Phạm Công Danh và đồng phạm, đồng thời ra quyết định khởi tố tại tòa vụ án liên quan đến những sai phạm xảy ra tại TrustBank. Trong đó, bà Phấn và một số nguyên lãnh đạo, cán bộ TrustBank có hành vi sai phạm dẫn đến thiệt hại hơn 6,000 tỉ đồng trước khi chuyển nhượng cho Phạm Công Danh.

Đây được coi là bước tiếp theo của vụ “đại án” Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT của ngân hàng Xây Dựng, và hàng chục đồng phạm khác.

Cùng lúc, tối ngày 26 Tháng Chín, truyền thông Việt Nam dẫn tin từ cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An cũng loan báo, đã bắt giam 3 nghi can bị truy nã trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Ngân Hàng Đại Dương, chi nhánh Hải Phòng (OceanBank Hải Phòng) tại Sài Gòn sau hơn nửa tháng bỏ trốn gồm bà Trần Thị Kim Chi (43 tuổi), giám đốc chi nhánh; ông Lê Vương Hoàng (36 tuổi), kiểm soát viên và bà Nguyễn Thị Minh Huệ (35 tuổi), trưởng phòng kế toán kho quỹ của OceanBank Hải Phòng.

Liên quan đến vụ việc, ngày 15 Tháng Chín, tại Hải Phòng, Ban Giám Đốc Ngân Hàng OceanBank có buổi làm việc với các khách hàng tố cáo việc họ có sổ tiết kiệm gửi tiền vào ngân hàng này nhưng khi kiểm tra lại được thông báo “không có trong hệ thống.”

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, từ năm 2012, có 17 người gửi tiết kiệm tổng cộng hơn 400 tỉ đồng tại OceanBank Hải Phòng. Cuối Tháng Tám đầu Tháng Chín, 2017, những người này đi rút ra thì được ngân hàng thông báo “sổ không hợp lệ.” Qua thống kê, số tiền “thất lạc” lên đến hơn 400 tỉ đồng. Hiện vụ án đang được công an mở rộng điều tra.


(Người Viêt)

Bốn người ở cùng khách sạn với ông Cục phó là ai?

Ngày 28.9, Công an TP Tân An, Long An cho biết, vẫn đang củng cố hồ sơ, làm rõ vụ mất trộm tài sản của ông Nguyễn Xuân Quang, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án.
Theo nguồn tin riêng của Làng Mới, trong đoàn công tác do ông Quang dẫn đầu đăng ký lưu trú tại khách sạn TV2, cả 4 người còn lại đều không phải là cán bộ của Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, cũng không phải là cán bộ của Bộ TNMT cũng như bất kỳ một cơ quan nào thuộc Bộ TNMT. Những người lưu trú tại khách sạn và cùng đi công tác với ông Quang gồm ông Đ.B.T (24 tuổi, ngụ Nghệ An), N.N.N (27 tuổi, ngụ Thái Bình); ông Đ.T.T (33 tuổi) và ông N.T.Đ (42 tuổi) cùng ngụ TPHCM và cùng nguyên quán Long An.
Theo trang điện tử của Cục, 4 người này không có tên trong danh sách cán bộ. Phóng viên đã liên hệ nhiều lần với ông Hoàng Văn Vy (Phó Cục trưởng điều hành – do Cục trưởng Lương Duy Hanh đã bị cách chức vì có sai phạm trong vụ Formosa gây ô nhiễm) nhưng ông Vy tắt máy. Số điện thoại của ông Quang cũng tắt máy. Phóng viên gọi về Cục này để hỏi thì một cán bộ nữ cho biết không thể trả lời và đề nghị gọi sang Vụ Tổ chức cán bộ để hỏi. Tuy nhiên, số điện thoại của Vụ này đổ chuông nhiều lần nhưng không có người bắt máy.
Theo Quyết định 999/QĐ-TCMT “Thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường” do Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường ký, ông Quang là trưởng đoàn cho cả 2 địa phương Khánh Hòa (miền Trung) và Long An (miền Nam). Dưới ông Quang có 4 người khác nhưng không phải là 4 người ở cùng khách sạn với ông. Theo quyết định này, ông Quang sẽ làm việc với 2 tỉnh trong 45 ngày làm việc. Tuy nhiên, vừa làm được vài ngày ở Long An thì ông Quang mất 385 triệu đồng.
Trước đó, ngày 27.9, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Quang nói: “Ai cung cấp cho anh? Vấn đề là tại sao công an cung cấp? Đúng hay sai thì bấy giờ tôi mất laptop và giấy tờ liên quan. Tôi thông báo cho cảnh sát để họ điều tra. Về số tiền bị mất, tôi đã cung cấp cho công an hình sự. Bằng biện pháp nghiệp vụ công an sẽ điều tra, đây là trách nhiệm của tôi. Về con số bị mất, tôi không có trách nhiệm phải cung cấp cho anh cả. Tôi đã trao đổi rõ với công an, nếu các anh nói không đúng các anh sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu có vấn đề gì tôi sẽ mời các anh đến làm việc . Hiện tôi đang đi làm việc, tôi đang ở hiện trường, anh thông cảm nhé”.
Liên quan đến việc có phát hiện hoá đơn gửi tiền trong khách sạn nơi ông Quang lưu trú, ông Quang cho rằng đó là hoá đơn của cán bộ đi cùng, người này viết phần mềm website thuê cho người khác và người ta trả tiền anh đó số tiền 850 USD.
Đại diện khách sạn T.V cho biết: “Khi kiểm tra phòng, phát hiện có giấy tờ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng, công an có hỏi ngay đây là tiền gì mà gửi. Nhân viên của anh Quang nói là tiền viết cái gì đó trên gu gô, gu gô gì đó tôi không rành. Anh công an có kêu người này mở máy tính ra để xem viết gu gô là như thế nào. Hôm qua, sau khi công an kiểm tra xong thì tất cả họ đều trả phòng, thanh toán tiền và đi đâu tôi không biết. Chỗ tôi làm ăn uy tín nên khách ở nhiều. Tôi chỉ lạ là, những đoàn khách khác đi công tác thì có đóng công lệnh, giấy đi đường, rồi xe số xanh đưa rước. Còn nhóm này đi xe biển trắng 16 chỗ, không yêu cầu đóng dấu gì cả”.
Trong đoàn công tác của ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ TNMT) có “cán bộ” đăng ký lưu trú cùng ông. Tuy nhiên, trong danh sách cán bộ gửi về Long An, 4 người này là ai địa phương không biết…

Trần Kha

Vẫn chưa khôn dù đã dại nhiều lần

Tướng Nguyễn Chí Vịnh và tướng Phạm Trường Long chụp hình chung tại cuộc “giao lưu quốc phòng biên giới”. (Hình: Bộ Quốc phòng VN)

Trân Văn - Theo báo chí Việt Nam, “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ tư đã thành công tốt đẹp”.

Trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Quốc gia (VOV – Tiếng nói Việt Nam), tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, bảo rằng, “tác dụng trực tiếp” của cuộc giao lưu diễn ra trong hai ngày 23 và 24 tháng 9 là “làm cho biên giới bình yên, làm cho lực lượng của hai bên biên giới có một mối quan hệ tốt đẹp để cùng giải quyết những vấn đề cơ bản của lực lượng bảo vệ biên giới là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mỗi bên”.

Theo tướng Vịnh “những hoạt động như thế làm tăng sự tin cậy giữa hai đảng, hai quân đội” giúp “giải quyết được những điểm khác biệt giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế và chia sẻ lợi ích để đảm bảo hài hòa, đem lại lợi ích cho cả hai nước”. Sau giao lưu cấp Bộ Quốc phòng, trong tương lai, tướng Vịnh cho biết “sẽ có giao lưu cấp quân khu, cấp tỉnh, rồi tăng cường giao lưu thôn bản, lấy lực lượng bảo vệ biên giới làm nòng cốt”.

***

Chỉ bốn tuần trước khi tướng Vịnh đưa ra những tuyên bố vừa kể, từ 29 tháng 8 đến 4 tháng 9, Trung Quốc tổ chức thực tập tác xạ ở vùng biển vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, phạm vi cuộc tập trận mở rộng đến mức chỉ cách bờ biển thành phố Đà Nẵng chừng 75 hải lý. Khi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại rằng, các quốc gia có liên quan cần nhìn cuộc tập trận này “một cách bình tĩnh và hợp lý” vì nó diễn ra trong “vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. “Chủ quyền” mà từ ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở xuống liên tục lập đi, lập lại, chắc nịch như “đinh đóng cột” là “bất khả tranh biện”...

Xa hơn một chút, cách nay khoảng hai tháng, Việt Nam yêu cầu Repsol – một tập đoàn dầu khí của Tây Ban Nha – dừng thăm dò tại lô 136/3, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 200 cây số. Vào thời điểm đó, một số chuyên gia về khu vực châu Á – Thái Bình Dương bảo rằng, Việt Nam buộc phải làm như thế vì Trung Quốc dọa sẽ tấn công các tiền đồn của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam không chấm dứt hoạt động thăm dò – khai thác dầu khí tại lô 136/3. Một số nguồn thạo tin cho biết, trong thực tế, Trung Quốc đã điều động khoảng 200 tàu đủ loại đến vùng biển thuộc lô 136/3, bởi “lực bất tòng tâm”, Việt Nam buộc phải thoái bộ dù rõ ràng lô 136/3 nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam...

Nếu đem những sự kiện vẫn còn nóng hổi ấy so với tuyên bố của tướng Vịnh, người ta ắt sẽ hoang mang, không rõ tướng Vịnh thuộc loại nào, lạc quan tới mức đáng ngại hay dễ quên đến độ khó ngờ? Từ lúc nào, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam chỉ được khoanh lại trên đất liền, chủ quyền trên biển không còn làm một thứ trưởng quốc phòng như ông Vịnh phải bận tâm nên ông tỏ ra rất thản nhiên, chắp thêm cánh cho “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ tư”?

***

Đây không phải lần đầu tiên tướng Vịnh tỏ ra lạc quan tới mức đáng ngại và dễ quên đến độ khó ngờ.

Sau khi dân chúng Việt Nam liên tục đổ ra đường biểu tình phản đối việc Quốc hội Trung Quốc yêu cầu Quốc hội Việt Nam rút lại Luật Biển với lý do đạo luật này “bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông”, rồi Trung Quốc tuyên bố “thành lập thành phố Tam Sa” (bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam), Tập đoàn Dầu khí của Trung Quốc (CNOOC) tổ chức gọi thầu, mời thăm dò - khai thác dầu khí tại chín lô vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam,… suốt nửa cuối năm 2012, đầu năm 2013, trả lời tờ Tuổi Trẻ, tướng Vịnh nhắc dân chúng Việt Nam rằng, Việt Nam và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”. “Đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo”.

Ông tướng này nhấn mạnh rằng, “điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”, “chi phối cách ứng xử của hai nước” và “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Nhân vật được báo chí Việt Nam ca ngợi như một “chuyên gia chiến lược” cho rằng “khi đã là người cộng sản với nhau, để giải quyết bất cứ vấn đề nào đó mà gọi nhau là đồng chí thì còn hơn là quay lưng không nhìn nhau hoặc đập bàn, đập ghế ngài và ‘tôi”.

Tướng Vịnh không phải là nhân vật cá biệt và cũng chẳng lẻ loi. Hai năm sau, Phùng Quang Thanh, một ông tướng khác, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Quốc phòng, nhắc nhở lãnh đạo chính quyền các địa phương tại một hội nghị diễn ra vào cuối năm 2014 rằng ông thấy “lo lắng” vì “không biết tuyên truyền thế nào mà từ trẻ con đến người già đều có khuynh hướng ghét Trung Quốc, ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại”. Tướng Thanh nhấn mạnh “điều đó nguy hiểm cho dân tộc” vì “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng vẫn phải bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị, thành quả cách mạng và giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, tăng cường phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đất nước”.

Nghe phát biểu của các ông tướng, nhiều người kêu Trời vì ý thức hệ của những người cộng sản.

***

Chưa biết đến bao giờ mới có thống kê về giá của việc phát triển - bảo vệ ý thức hệ cộng sản tại Việt Nam. Khởi đầu từ ông Hồ Chí Minh – người khẳng định “tinh thần quốc tế vô sản” là một trong những tiêu chuẩn của “đạo đức cách mạng”. Đó là lý do năm 1953, khi hai miền Nam – Bắc Triều Tiên ký Thỏa thuận đình chiến, Đảng Lao động Triều Tiên chính thức trở thành đảng cầm quyền ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên), ông Hồ Chí Minh hào hứng tuyên bố: “Đó là thắng lợi lớn của phe ta. Thắng lợi của anh em ta tức là thắng lợi của ta”.

Đó cũng là lý do ngày 14 tháng 9 năm 1958, ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Công hòa, gửi công hàm cho Trung Quốc khẳng định, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “tán thành” và “tôn trọng” Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa), bất kể trước đó đúng một tuần, dựa trên phản đối của Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Quốc gia Việt Nam (sau này là Việt Nam Cộng hòa), ngày 7 tháng 9 năm 1958, Hội nghị San Francisco giải quyết các vấn đề về lãnh thổ sau Thế chiến thứ hai, đã ghi phản đối đề nghị giao quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc vào biên bản (khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam).

Đó cũng là lý do để tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 2 ra Nghị quyết 15, xác định Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á”, vì “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới” nên sẽ sử dụng “bạo lực cách mạng”, thực hiện “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”, đánh bại đế quốc, giai cấp địa chủ, phong kiến, tư sản mại bản ở miền Nam.

Đó cũng là lý do từ cuối thập niên 1980, việc nhắc đến dã tâm và tội ác của Trung Quốc khi toan dạy cho Việt Nam một bài học năm 1979 bị lờ đi, các bia tưởng niệm bị đục bỏ, các nghĩa trang chôn cất những người lính Việt tử trận khi bảo vệ biên giới bị bỏ hoang bởi giới lãnh đạo Việt Nam chủ trương phải “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc bằng mọi giá” bởi “Mỹ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh, đồng minh đó là Trung Quốc.

Đó cũng là lý do “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), “tinh thần bốn tốt” (Láng giềng tốt. Bạn bè tốt. Đồng chí tốt.

Đối tác tốt) mà ông Giang Trạch Dân đề ra, được giới lãnh đạo CSVN đón lấy rồi phổ biến trên khắp Việt Nam, bất kể thực tế biển Đông. Phải tới tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào thăm dò – khai thác dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa trong hai tháng rưỡi, bất chấp phản đối của Việt Nam, một số viên chức cao cấp đã nghỉ hưu như ông Vũ Mão, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, mới thừa nhận, các đồng chí của ông đang thắc mắc rằng, phải nói với nhân dân như thế nào về “16 chữ vàng và tinh thần bốn tốt (?)

Tinh thần quốc tế vô sản mà sau này, khi Liên Xô tan rã, chính thể cộng sản tại các quốc gia Đông Âu sụp đổ, các giáo trình về chính trị tại Việt Nam sửa lại thành “tinh thần quốc tế trong sáng” còn là lý do để Việt Nam liên tục đề nghị ASEAN kết nạp Bắc Triều Tiên nhưng không thành công vì bị chính Lào và Campuchia phản đối. Tinh thần đó từng khiến ông Nguyễn Minh Triết, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khiến công chúng cười nghiêng ngả khi ông cho rằng, Việt Nam và Cuba đang chia nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Khi Cuba thức thì Việt Nam ngủ và khi Việt Nam thức thì Cuba ngủ!

***

Trong cuộc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ hồi năm 2013, tướng Vịnh từng khoe: “Lần đầu tiên mục tiêu đối ngoại ‘vì lợi ích quốc gia, dân tộc’ được nêu rõ trong cương lĩnh và báo cáo chính trị tại Đại hội Ðảng 11. Cùng với ‘lợi ích quốc gia dân tộc’, Ðại hội 11 cũng đặt mục tiêu đối ngoại là ‘vì một nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Hai mục tiêu này thống nhất với nhau”.

Tinh thần quốc tế vô sản không còn là yếu tố chủ đạo nữa?

Có thể.

Mới đây, theo tường thuật của Tân Hoa Xã, khi sang thăm Việt Nam, ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, bảo với giới lãnh đạo Việt Nam rằng, cả hai đảng cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam “có chung số phận”. Rằng: “Sự phát triển tốt đẹp và ổn định các mối quan hệ song phương sẽ giúp củng cố vị trí lãnh đạo của hai đảng, vì lợi ích của hai Đảng và nhân dân hai nước”. Điều ông Sơn lưu ý không mới. Giới lãnh đạo Đảng CSVN chẳng đã nhiều lần bảo rằng, bất kể thế nào thì cũng phải giữ gìn “thành quả cách mạng” và duy trì “sự ổn định chính trị” đó sao? Hình như đó mới là “lõi”.


Trân Văn
Blog VOA

Tướng Giáp, tài năng và số phận

Tướng Giáp trong một lần tiếp cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara.
VOA – Bộ phim tài liệu The Vietnam War của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick vừa được trình chiếu rộng rãi từ trung tuần tháng Chín. Có nhiều tin tức nói rằng Hà Nội không hài lòng với nội dung phim. Một trong các lý do là vì nhắc đến vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn, lấn át ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp mất ngày 4 tháng 10, 2013, ở tuổi 103. Sau đây là bài viết của nhà báo Bùi Tín, người từng có nhiều dịp gần gũi với tướng Giáp, nhân dịp công chiếu The Vietnam War.

***
Tướng Giáp đã đi vào huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, trong lịch sử chiến tranh của thế giới. Đã có những bản tiểu sử chính thức của ông.
Cũng có những tin tức thêu dệt về ông, ví dụ có những bài báo, cuốn sách trong nước viết rằng ông từng được Hội đồng Hoàng gia Anh Quốc tuyên dương là một trong 10 thiên tài quân sự thế giới, được đúc tượng đặt trong bảo tàng quân sự Anh quốc. Tôi đã sang London, tìm hiểu, đây chỉ là tin vịt không có thật, nhưng bộ máy tuyên truyền của CHXHCN Việt Nam không hề cải chính.
Vậy tướng Giáp là con người ra sao trong cái cơ chế chính trị Việt Nam do đảng Cộng sản lãnh đạo theo chế độ toàn trị ?
Tôi có nhiều dịp tiếp cận ông, đôi lúc còn cùng ông tâm sự, do tin cậy quý mến nhau, vì cùng trưởng thành qua nền văn hóa học đường Pháp, tôn trọng quyền tư duy độc lập, theo luận lý. Hơn nữa ông sống kín đáo, ít tâm sự cùng ai, sống nội tâm rất mạnh, giàu suy nghĩ, không rượu chè, không thuốc lá, không bia bọt, giải trí hầu như duy nhất là đọc sách, suy ngẫm và chơi nhạc nhẹ piano, mà ông ưa nhất là bài «Sông Đa-núyp xanh» - Le Danube bleu.
Tôi nhiều lần được đi các chuyến xuất ngoại của ông, làm thư ký báo chí, giúp ông trả lời phỏng vấn của các nhà báo Pháp, Anh, Nga, Trung quốc, Ba lan, Đức, Hung… Chuyến đi lý thú nhất là vào năm 1977 ông cầm đầu phái đoàn quân sự đi cám ơn các nước sau khi chiến tranh kết thúc, trao huân chương cho nhiều chuyên gia quân sự từng giúp Việt Nam. Đoàn được mời nghỉ ở Sochi bên bờ Hắc hải, trong dinh thự nghỉ hè sang trọng của Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô. Tại đây, bên bờ biển, tôi có dịp hỏi chuyện ông, gợi ý dò hỏi nhiều chuyện ít ai biết, do bản tính tò mò của nhà báo. Sau đó có vài ngày thăm Berlin, tôi nhớ nhất là cuộc hội ngộ mật của 3 ông tướng 3 châu: Fidel Castro của Cuba, đại tướng Hoffman của CHDC Đức và tướng Giáp, sau khi Fidel rất cao hứng vừa đi thanh tra 20 ngàn quân tình nguyện Cuba ở các nước châu Phi như Angola, Congo, Mozambique… Ngày 1/5/1977, đoàn trở về Moscow, tướng Giáp là khách danh dự duy nhất đứng bên ông Brezhnev trên lễ đài cuộc duyệt binh hoành tráng.
Một kỷ niệm khó quên là hồi năm 1978 tôi có dịp nghe ông nói chuyện về những kinh nghiệm quân sự tại Học viện quân sự cao cấp do tướng Hoàng Minh Thảo làm hiệu trưởng. Nghe nói chuyện có các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An rất gần ông Giáp. Ông từng nghiên cứu về Napoleon, Kutuzov, Zhukov, Frounzé, đọc Binh Gia Yếu lược, Vạn Kiếp Tông bí. Ông say sưa nói về «ngụ binh ư nông,» dân binh, dân quân, về chủ trương «đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung» thời đầu đến Đại Đoàn Công – pháo trước chiến dịch Điện Biên, thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 trước 30/4/1975. Ông giảng về nguyên lý «đánh chắc thắng,» về yếu tố nghi binh, bất ngờ - Pháp không bao giờ nghĩ đối phương có thể mang đủ lương thực từ đồng bằng lên vùng núi xa Điện Biên, cũng không bao giờ nghĩ đối phương có thể kéo pháo nặng lên sườn núi cao hiểm trở quanh Điện Biên; đánh Buôn Ma Thuật mở đầu chiến dịch cũng bất ngờ… Binh thư của ông là tổng hợp nhiều kinh nghiệm thực tế được đúc kết. Ông có năng khiếu của giáo sư sử học, lại có tư duy luận lý của một cử nhân Luật. Đúng là một trí thức toàn diện cầm quân, hiểu quy luật.
Ông Giáp có nhiều nỗi buồn dai dẳng. Tôi cố tìm hiểu vấn đề này.
Trước hết ông không được ông Trường Chinh đánh giá cao. Mà ông Đặng Xuân Khu – Trường Chinh - lại là Tổng bí thư. Ông Trường Chinh có xu thế thân Trung Quốc, sùng bái Trung Quốc. Cái bí danh ông chọn đã cho thấy điều đó, chỉ có Trung Cộng có cuộc vạn lý Trường chinh. Hai cuốn sách kinh điển của ông là «Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi» và «Nền dân chủ mới» đều là bản dịch 2 cuốn «Trì cửu chiến» và «Tân dân chủ chủ nghĩa» của ông Mao.
Ông Trường Chinh hồ hởi đón các đoàn chuyên gia Tàu của bác Mao gửi sang, một mực nghe theo họ trong Cải cách ruộng đất – tàn sát gần 170.000 trung nông yêu nước có học bị chụp mũ là địa chủ ác bá chui vào đảng. Trong lúc đó ông Giáp một mực chống lại ý kiến của La Quý Ba, Trần Canh và cả của Mao Trạch Đông là dùng chiến thuật biển người để tấn công ở Điện Biên Phủ, theo phương châm tác chiến «tốc chiến - tốc quyết» - đánh nhanh - giải quyết nhanh.
Ông Giáp đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định thay hẳn phương châm trên thành «đánh chắc, tiến chắc», rút pháo ra, chuẩn bị kỹ, kéo pháo lên các sườn núi cao chĩa thẳng xuống vị trí địch (không bắn cầu vồng), đánh dũi, đánh lấn dần từng bước, từng trận nhỏ đến lớn, đánh chắc tiến chắc, mà ít tổn thất. Không thay đổi phương châm tác chiến thì có nguy cơ thất bại nặng nề cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự thay đổi phương châm có ý nghĩa quyết định.
Số phận tướng Giáp thật sự lâm nguy khi ngay sau đó vấp phải cặp Lê Duẩn - Lê Đức Thọ có ý định hạ bệ ông để giành quyền lãnh đạo trên cao nhất khi ông Hồ sức bắt đầu suy yếu. Sau khi phát hiện sai lầm kinh khủng trong Cải cảch ruộng đất, ông Trường Chinh chịu trách nhiệm chính mất chức tổng bí thư, ai sẽ là người thay? Thoạt đầu ông Hồ nghĩ đến ông Giáp, uy tín đang lên sau đại thắng Điện Biên. Ông Hồ chọn ông Giáp để thay mặt đảng nói chuyện với nhân dân đông đảo ở sân vận động Hàng Đẫy nhận sai lầm và hứa hẹn sửa sai, ổn định tình hình. Nhưng Lê Đức Thọ lại có ý đồ khác. Thọ rất thân thiết với Duẩn cùng ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneva 1954, do có chung ý định phải ưu tiên đấu tranh bằng bạo lực để thống nhất đất nước, nên quyết gạt ông Giáp ra khỏi quyền lực tối cao. Lê Đức Thọ cùng Lê Duẩn tranh thủ Phạm Hùng, Lê Đức Anh, Võ Chí Công thực hiện âm mưu này, bằng cách phịa ra «vụ án xét lại chống đảng, làm tay sai cho nước ngoài», vu cáo tướng Giáp có mưu đồ đảo chính, lần lượt bắt giam hơn 30 cán bộ cao cấp, từ tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, đại tá Đỗ Đức Kiên, đại tá Lê Trọng Nghĩa, đại tá Lê Minh Nghĩa, viện trưởng triết học Hoàng Minh Chính, vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, bộ trưởng Lê Liêm… Cậy thế là Trưởng ban Tổ chức TƯ đảng, Lê Đức Thọ dự định khai trừ tướng Giáp ra khỏi bộ Chính trị nhưng ông Phạm Văn Đồng không đồng tình, đặc biệt là ông Hồ lên tiếng bảo vệ ông Giáp khi ông Hồ nói rõ trong cuộc họp của Bộ Chính Trị khi ông Thọ tố cáo ông Giáp nhiều lần tiếp riêng đại sứ Liên Xô Serbatov, rằng «đó là các cuộc gặp xã giao, chú Văn (Giáp) đều báo cáo với bác.»
Sau chiến thắng Điện biên Phủ trong cuộc chỉnh huấn chính trị, chấn chỉnh tổ chức do các chuyên gia Trung Quốc điều khiển, phía Trung Quốc đã đưa ra danh sách cho 2 ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ yêu cầu loại bỏ các cấp chỉ huy không có nguồn gốc công nông, nhất là bần cố nông, loại bỏ hết các sỹ quan gốc gác tiểu tư sản, cầu an hưởng lạc, bảo mạng, không thuần, trong đó có ông Giáp, nhưng ông Hồ đã kiên quyết tự mình xé bỏ, một thái độ rất sáng suốt.
Thế rồi nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh… ngày càng thắng thế, hạ thấp vai trò của ông Hồ - vin cớ rằng Bác cao tuổi, bát đầu lầm lẫn rồi, ốm đau cần nghỉ ngơi, hạ thấp vai trò chỉ huy quân sự của tướng Giáp, vin cớ là ông Giáp chưa hề vào miền Nam, nâng cao vai trò bao biện của Lê Đức Thọ, vừa cầm đầu cuộc đàm phán ở Paris, vừa trực tiếp vào chiến trường miền Nam để giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong một số lần tâm sự với tôi, tướng Giáp không bao giờ tỏ ra cay cú bực tức vì cá nhân mình bị đối xử bất công, nhưng ông luôn tỏ ra đau buồn khi nói đến sinh mạng binh sỹ bị hy sinh quá nhiều trong và sau cuộc tiến công Mậu Thân.
Theo báo cáo mật do Cục tác chiến báo cáo riêng cho tướng Giáp, trong năm 1968 sau các đợt tiến công tháng 1, tháng 5 rồi tháng 9, quân miền Bắc hy sinh ở miền Nam lên đến 170.000, cộng với 32.000 quân địa phương miền Nam và 30.000 cán bộ đảng viên của đảng bộ miền Nam. Những con số này tướng Giáp dặn tôi giữ kín vì chắc là chưa đầy đủ, nay tôi xin hé ra, vì là con số đã quá nửa thế kỷ để độc giả tham khảo. Theo ông Giáp, sau đợt 1 thất bại, chỉ có bề nổi là một nhóm vào được trong tòa Sứ quán Mỹ, không nên đánh thêm đợt 2, tháng 5 và đợt 3 tháng 8-1968, càng đánh càng thua to, lộ hết cơ sở.
Tôi cảm thấy rất rõ là tướng Giáp tỏ ra không mặn mà mà còn phản đối cuộc tấn công Mậu Thân, ông cho là mạo hiểm, không chắc thắng, khi ở miền Nam chưa có những quả đấm mạnh cỡ Sư đòan, cỡ Quân đoàn như về sau này. Qua cuộc mạo hiểm liều lĩnh vô trách nhiệm này, bao nhiêu vốn liếng quân sự ky cóp từ năm 1963 đến năm 1968 bị thủ tiêu gần hết, 17.000 quân nhân trai tráng miền Bắc bị chết oan «sinh Bắc tử Nam», phải 3, 4 năm sau mới tạm hồi phục, mà không hề có nổi dậy, không có tổng khởi nghĩa như mong muốn và kêu gọi.
Ông kể khi Mậu Thân nổ ra ông đang ở Hungary để mổ sỏi mật và ông Hồ thì sang Bắc Kinh dưỡng bệnh. Họ đã cố tình cách ly 2 vị để không có một trở ngại nào cho kế hoạch ngông cuồng vô trách nhiệm của họ.
Sau 30/4/1975, vị trí ông Giáp ngày càng lu mờ. Kể từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990), 5 đời Tổng bí thư đều ngả hẳn về phía Trung Cộng, từ Nguyễn Văn Linh, qua Đỗ Mười rồi Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho đến Nguyễn Phú Trọng, cái thế của ông Giáp bị mất dần cho đến bị triệt tiêu hẳn.
Đầu năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Giáp cố làm một cuộc phản công cuối đời khi ông đã hơn 90 tuổi. Đó là một loạt kiến nghị tâm huyết gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ Đảng về «Vụ án siêu nghiêm trọng ở Tổng Cục 2,» về «Không nên khai thác mỏ bauxit ở Tây Nguyên,» nhưng không có một hồi âm nào, dù cho các lá thư tâm huyết của ông được hơn 30 tướng lĩnh đồng tình. Họ coi ông không còn tồn tại. Vì ông nói lên khá rõ là Vụ Tổng cục 2, vụ Bauxit đều có bàn tay lông lá của bành trướng Trung Cộng.
Điều những người quý mến đúng giá trị của tướng Giáp được an ủi nhiều là khi ông mất ở tuổi đại thọ cực hiếm 103, đông đảo người dân tiễn đưa, lưu luyến xót thương, vào tận gần Đèo Ngang để tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, vượt qua tất cả các cuộc tiễn đưa ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh… Một sự công bằng đáng quý.
Bài báo này cũng là bó hương tôi thắp để tưởng nhớ một vị tướng tài ba, có tâm, có tầm nhưng không gặp thời thế, để vừa là anh hùng, vừa là nạn nhân bi thảm của một chế độ thiếu tình yêu thương, thiếu tôn trọng trí thức, lại thiếu vắng luật pháp và sự công bằng.

RFI: Biển Đông : «Tứ Sa» còn tệ hơn cả «đường lưỡi bò»

Thụy My

mediaLính hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa ngày 09/02/2016.REUTERS/Stringer/File Photo
Tuần trước, báo mạng Washington Free Beacon có trụ sở tại Washington đã tiết lộ một chiến thuật mới của Trung Quốc trong mục tiêu độc chiếm Biển Đông : thay vì yêu sách đường 9 đoạn, thường gọi là « đường lưỡi bò », Bắc Kinh lại nêu ra khái niệm « Tứ Sa ».
Trong một cuộc họp kín với các viên chức bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 28 và 29/08/2017 tại Boston, ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), cục phó Cục Hiệp định và Pháp luật thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã khẳng định « quyền lịch sử của Trung Quốc tại Tứ Sa ». Tờ báo cho biết các viên chức Mỹ tỏ ra rất ngạc nhiên về cách diễn dịch mới này.
Theo ông Mã Tân Dân, Trung Quốc có « chủ quyền và quyền hàng hải » kéo dài xung quanh bốn nhóm đảo ở Biển Đông là Đông Sa (Dongsha, tức Pratas Islands của Đài Loan), Tây Sa (Xisha, tức Hoàng Sa), Nam Sa (Nansha, tức Trường Sa), Trung Sa (Zhongsha, tức bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa 75 hải lý). Bắc Kinh gọi chung là « Tứ Sa », đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nhóm đảo này.
Ông Michael Pillsbury, thuộc Hudson Institute và là giám đốc Center for Chinese Strategy, nhận định, yêu sách về pháp lý trên đây là một trong « Tam chủng chiến pháp » do Quân ủy Trung ương đưa ra từ năm 2003, gồm tâm lý chiến, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý. Còn đại tá Hải quân về hưu Jim Fanell cho rằng thuyết « Tứ Sa »  « một bước lôgic của Bắc Kinh trong chiến thuật tằm ăn dâu » trên Biển Đông.
Hai chuyên gia về công pháp quốc tế Julian Ku và Christopher Mirasola trên trang Lawfare - một trang chuyên về an ninh do Lawfare Institute và Brooking Institution thực hiện, với sự hợp tác của nhiều luật gia - trong một bài viết mới đây đã khẳng định « Biển Đông và yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc : Lý thuyết mới về pháp luật, nhưng lập luận tệ hại như cũ ». Theo hai tác giả trên, về mặt luật pháp, lý lẽ về « Tứ Sa » cũng chẳng hơn gì so với đường lưỡi bò lâu nay.
Thật ra đây không phải là một khái niệm mới mẻ. Luật về lãnh hải và đường tiếp giáp của Trung Quốc năm 1992 đã tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả « Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa ». Sách Trắng công bố năm 2016 khi tranh chấp với Philippines cũng khẳng định chủ quyền « Nam Hải chư đảo » (tức các đảo trên Biển Đông) gồm bốn nhóm đảo trên, kể cả « các đảo, rạn san hô, bãi cạn, thực thể có số lượng và kích thước khác nhau ».
Như Bắc Kinh đã nhìn nhận, mỗi nhóm đảo gồm nhiều thực thể đa dạng, đa số không mang lại quyền lợi hàng hải. Chẳng hạn phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 nhận định, không một thực thể nào ở Trường Sa đủ lớn để có được lãnh hải 12 hải lý xung quanh. Năm 1996, Trung Quốc ấn định các đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa, coi đây là một đơn vị địa lý duy nhất (có lẽ nhằm mở rộng tối đa yêu sách).
Vì Trung Quốc không phải là một quốc gia gồm nhiều đảo hợp lại như Indonesia hay Philippines, Hoa Kỳ và hầu hết các nước coi việc vẽ ra những đường cơ sở xung quanh một nhóm đảo là đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều 47 của Công ước quy định đường cơ sở xung quanh một quần đảo như Hoàng Sa chẳng hạn, chỉ có thể được ấn định nếu bao quanh « các đảo chính và một khu vực mà tỉ lệ khoảng cách từ vùng biển so với vùng đất, kể cả rạn san hô » của một Nhà nước « là từ 1-1 đến 9-1 ». Hai chuyên gia Julian Ku và Christopher Mirasola khẳng định, Trung Quốc không hội đủ điều kiện này, vì đất liền Hoa lục xa tít tắp vùng biển yêu sách.
Do vậy, cơ sở luật pháp của « Tứ Sa » thậm chí còn yếu hơn cả đường lưỡi bò, vì rõ ràng là vi phạm UNCLOS (điều 46 và 47). Tuy vậy có vẻ như Trung Quốc có lợi hơn khi thay đường 9 đoạn bằng « Tứ Sa ». Vì sao ?
Trước hết, các lãnh đạo Bắc Kinh có thể đã nhận ra rằng đường lưỡi bò đã trở nên một gánh nặng về ngoại giao. Đây là một « sui generis » (tình trạng pháp lý chưa có tiền lệ) : chưa hề có một Nhà nước nào đòi hỏi « quyền lịch sử trên biển » như vậy. Thế nên đường lưỡi bò đã khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu bị quốc tế phê phán.
Thứ hai, khi sử dụng một thuật ngữ có vẻ giống như trong UNCLOS, Trung Quốc có thể tránh né được những chỉ trích.
Thứ ba - và theo hai chuyên gia trên, là đáng phẫn nộ nhất - Bắc Kinh có thể kết luận là tốt nhất nên bóp méo Luật Biển theo kiểu của mình, qua việc sử dụng những thuật ngữ của UNCLOS. Cường quốc đang lên này diễn dịch những quy định hiện hành theo cách nào có lợi nhất. Tìm được sự ủng hộ về đường cơ sở có lẽ dễ dàng hơn so với đường lưỡi bò. Tiến hành « chiến tranh pháp lý », Bắc Kinh có thể trông cậy vào đội ngũ đông đảo các luật sư và nhà nghiên cứu Trung Quốc để quảng bá chiến lược mới này với cộng đồng quốc tế.
Hai nhà nghiên cứu Julian Ku và Christopher Mirasola kết luận, trong khi chờ đợi đường lưỡi bò bị quẳng vào thùng rác (hợp pháp) của lịch sử, khó thể tin rằng với « Tứ Sa », Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò khiêm tốn hơn tại Biển Đông. Lý lẽ về « Tứ Sa » không mấy vững, thậm chí yếu hơn cả đường 9 đoạn. Tuy nhiên để giải thích khái niệm « Tứ Sa » thiếu vững chắc và bất hợp pháp như thế nào, cần có những phân tích phức tạp về luật pháp, cộng với những thông điệp công khai, hiệu quả. Chính quyền Mỹ liệu có đẩy mạnh những công cụ này để khẳng định chính sách về Biển Đông hay không ?

Mối chúa bị “tuýt còi”, nhà văn Tạ Duy Anh nói gì?

26/09/2017 - 09:19 (GMT+7)

"Tôi quen với những sự cố kiểu này rồi. Con trai tôi hỏi: “Bố có buồn không?”. Tôi trả lời, nói thật là bố chỉ thấy buồn cười thôi", nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ sau khi Mối chúa bị “tuýt còi”.

25

Thưa nhà văn Tạ Duy Anh, ông có thấy bất ngờ khi cuốn “Mối chúa” bị tuýt còi vừa qua?
Tiểu thuyết Mối chúa của nhà văn Tạ Duy Anh vừa bị Cục Xuất bản, In và Phát hành đình chỉ phát hành với lý do “Phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều được xây dựng với hình ảnh đen tối, vô vọng, đau đớn. Tạ Duy Anh chia sẻ, ông chỉ cảm thấy… buồn cười trước sự kiện này.
Trước Mối chúa, Đi tìm nhân vật đã bị cấm phát hành, cấm tái bản ròng rã 15 năm. Bằng đúng thời gian lênh đênh của nàng Kiều! Hồi đó chỉ một chút nữa thôi là tôi gặp nguy hiểm. Lãng du, tập truyện ngắn, cũng suýt bị đình bản. Ba truyện ngắn của tôi là Người khác, Mr. Ban, Bạn cũ... cũng đều rơi vào tình cảnh tương tự suốt mấy năm. Là người cầm bút, bạn phải chuẩn bị đối mặt với mọi thứ xấu nhất có thể xảy ra. Mối chúa đang bị đình chỉ phát hành chờ thẩm định lại, với tôi là một sự cố bình thường và không hề bất ngờ.
Không bất ngờ, nhưng khi đứa con tinh thần chết yểu liệu có khiến ông thấy muộn phiền?
Tôi quen với những sự cố kiểu này rồi. Con trai tôi hỏi: “Bố có buồn không?”. Tôi trả lời, nói thật là bố chỉ thấy buồn cười thôi.
Có lẽ sự việc không đến nỗi nghiêm trọng thế, nếu ai đó thẩm định tác phẩm (để cho ra cái nội dung công văn ấy) có trách nhiệm hơn với bạn đọc, với tác giả và với đất nước. Giờ đã ở cuối thập niên thứ hai của thế kỉ 21, trong khi hiện tại chúng ta lại đang rất cần hâm nóng nhiệt huyết bài trừ các loại tệ nạn, tưởng phải cổ vũ Mối chúa mới phải chứ.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh có viết: “Tạ Duy Anh cứ viết 3 tiểu thuyết thì phải thu hồi 2 quyển và 1 quyển còn lại cũng bị nhắc nhở, hoặc đình bản chờ hội đồng thẩm định rồi mới cho phát hành tiếp hay không”. Ông có biết vì sao mình lại ra nông nỗi ấy?
Ông Sương Nguyệt Minh nói thế chưa hẳn đúng nhưng cơ bản cũng không sai! Tôi không biết vì sao việc xuất bản sách của mình lại thê thảm thế. Nó là nỗi không may dành cho nghiệp viết lách của tôi, hay là số phận mình cứ phải như vậy, tôi cũng không biết nữa.
Có phải vì cái tên Tạ Duy Anh đã gắn liền với ngòi bút gai góc, dễ bị “soi” nên lần này ông trình làng bút danh mới 100% là Đãng Khấu, thưa ông?
Tôi thừa nhận là có một số người rất ghét cái tên Tạ Duy Anh, ghét đến mức muốn xóa hẳn nó đi chứ không chỉ săm soi mỗi khi cái tên ấy xuất hiện. Đây là lần đầu tiên tôi dùng bút danh Đãng Khấu. Vì sao như vậy thì tôi đã nói trong lời đầu sách. Tôi biết có nhiều người không tin đó là lý do đáng thuyết phục với họ. Vậy thì cứ để họ nghĩ theo chiều hướng mà họ thấy hợp lý, trong đó có cả điều bạn vừa đặt giả thiết.
26
Với những người luôn toan tính gì đó liên quan đến giải thưởng này nọ, thì họ sẽ coi đây như một thứ nguy hiểm cần phải tránh. Mà số đó luôn chiếm tỉ lệ cực cao trong đội ngũ người cầm bút. Vì thế, không khí viết lách, in ấn nhất định sẽ có tác động theo hướng thận trọng hơn. Bản thân nội dung công văn ấy đã mang tính cảnh báo rất cao, rất khắc nghiệt đối với đại đa số người viết mà tôi vừa nêu.Ông có dự đoán gì về không khí xuất bản sau sự kiện đình bản tiểu thuyết “Mối chúa”?
Tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật” của ông cũng từng bị cấm phát hành hồi 2002 với lý do “bôi đen xã hội”, để rồi mất 15 năm sau mới được nhìn nhận lại và tái bản dưới bút danh Tạ Duy Anh. Ông có nghĩ rằng “Mối chúa” cũng chịu chung số phận?
Mỗi cuốn sách từ khi còn là phôi thai, cho đến khi hiện hình trước mắt bạn đọc, có một số phận và đời sống riêng. Cách đây 15 năm, Đi tìm nhân vật bị coi là “bôi đen” xã hội như bạn vừa nêu. Sau 15 năm, nó không còn bị coi là bôi đen nữa, dù vẫn là xã hội ấy (vì thế mới được tái bản). Điều đó cho thấy cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Khi cấm Đi tìm nhân vật, người ta chỉ cần thông báo miệng cho tôi và tất cả rơi vào im ắng. Còn ngày nay, mọi thứ phải rõ ràng hơn, chấp nhận đối mặt với dư luận. Mạng xã hội dày đặc hình ảnh bìa Mối chúa, là điều không ai có thể ngăn cản được. Với ý nghĩ ấy, tôi lạc quan hơn bạn nghĩ. Tôi hy vọng ngay tháng sau (hoặc cùng lắm là năm sau) sách của tôi sẽ được tái bản với cái tên đã làm nên danh hiệu nhà văn của tôi, dù cái danh hiệu đó cũng thuộc loại làng nhàng.
Những lần tuýt còi cay đắng liên tục như vậy liệu có khiến ông cảm thấy mệt mỏi với nghề viết?
Chưa bao giờ điều kiện ngoại cảnh tác động được vào đam mê sáng tác của tôi và thứ tư tưởng nghệ thuật mà tôi theo đuổi. Cách đây gần 40 năm, chúng tôi đói vàng mắt, ghế không có phải viết đứng, bàn là tấm gỗ đặt trên một cái giá dành cho thợ hàn, nhưng tôi vẫn viết ngày này sang ngày khác. Không gì ngăn cản được tôi làm điều mình thích, khi tôi tin đó là thứ công việc lương thiện. Tôi đã có kinh nghiệm để thoát ra khỏi mọi sự ồn ào khiến tâm trí mình xáo trộn, thậm chí không cẩn thận sẽ hoảng loạn, phát điên… như tôi từng thấy ở một số người. Tôi sắp bỏ lại Mối chúa cho bạn đọc để chuẩn bị ngồi xuống bàn và sẽ lại như mọi khi, bạn sẽ không thấy tôi xuất hiện ở bất cứ nơi nào đông người. Bởi vì tôi thích suy ngẫm hơn là cao đàm khoát luận và cảm thấy chỉ sống thực sự khi ngồi xuống bàn đọc hoặc viết.
Tôi có quan niệm riêng về giá trị đời sống đủ vững chắc để không bị lạc hướng. Với tôi, thứ đáng mơ ước nhất là tự do.
Cảm ơn ông!
Tiểu thuyết Mối chúa nói về nhân vật chính là một doanh nhân trẻ thành đạt, vừa đảm nhiệm vị trí giám đốc một công ty lớn. Ở cương vị này, anh ta bị cuốn vào vòng xoáy của cơ chế thị trường, tận mắt chứng kiến những góc tối hắc ám. Đó là những màn đi đêm mua quan bán tước, những pha thu hồi cưỡng chế đất đai đầy bất công vô lý, các phi vụ làm ăn mờ ám sặc mùi tội lỗi, thân phận khổ sở nhục nhã của người dân lao động… Mối chúa chính là ẩn dụ bí ẩn cho thế lực trùm sò có tiền, có quyền đứng đằng sau các dự án bê bối động trời.
Cục Xuất bản, In và Phát hành trong công văn yêu cầu đình chỉ phát hành Mối chúa đã có những đánh giá như sau: “Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám. Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật”.
http://www.baogiaothong.vn/moi-chua-bi-tuyt-coi-nha-van-ta-duy-anh-noi-gi-d226364.html

TRẦM BÊ...TAY HÒM CHÌA KHÓA CỦA "ĐỒNG CHÍ X..." BỊ TRUY CỨU VÌ GÂY THIỆT HẠI KHOẢNG 10.000 TỶ VNĐ

Đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê

29/09/2017 00:11 GMT+7

TTO - Ông Trầm Bê bị đề nghị truy tố bổ sung cùng 21 bị can trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê - Ảnh 1.
Ông Trầm Bê khi còn ở Sacombank - Ảnh: Thuận Thắng
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Sacombank; Ngân hàng Tiên Phong; Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam đồng thời chuyển hồ sơ qua VKSND Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê và 21 bị can. Đây là những bị can bị khởi tố và điều tra bổ sung sau khi VKSND Tối cao trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 1 (24 bị can).
Ông Trầm Bê gây thiệt hại 1835 tỷ đồng cho VNCB
Theo kết quả điều tra bổ sung, Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng (VNCB) được Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng của bà Hứa Thị Phấn để tái cơ cấu lại ngân hàng.
Sau khi chính thức tiếp nhận ngân hàng Xây dựng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn để đứng hồ sơ vay vốn của ngân hàng: Sacombank; BIDV; dùng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ gây thiệt hại cho VNCB 6.123 tỷ đồng. Trong hàng loạt vi phạm của Phạm Công Danh gây thất thoát số tiền như trên thì còn có các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân khác, đó là bị can Trầm Bê.
Theo kết quả điều tra, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 2600 tỷ đồng tại BIDV, khoảng tháng 4-2013 Phạm Công Danh đã đến ngân hàng Sacombank gặp ông Trầm Bê để đặt vấn đề vay 2000 tỷ đồng và được ông Trầm Bê đồng ý. Sau đó ông Bê dắt Danh xuống gặp Phan Huy Khang và thống nhất cho Danh vay từ 1300 đến 1800 tỷ đồng nhưng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tiền gửi.
Sau khi được Trầm Bê và Phan Huy Khang đồng ý, ngày 19-4-2013 Phạm Công Danh cùng cấp dưới của mình sang Sacombank thực hiện các thủ tục vay tiền với tài sản thế chấp là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Về sai phạm của Trầm Bê và Phan Huy Khang, cơ quan điều tra kết luận rằng Trầm Bê biết rõ Danh là Chủ tịch HĐQT của VNCB nên không thể vay được tiền của VNCB nên đã đồng ý cho Danh vay tiền tại Sacombank bằng tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank. Trầm Bê trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 6 công ty của Phạm Công Danh chỉ định vay 1800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm tiền gửi trị giá 1854 tỷ đồng. Quá hạn vay, cả 6 công ty này đều không trả nợ được, do đó Sacombank  đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1835 tỷ đồng. Đồng thời, Phan Huy Khang cũng biết rõ Danh không được vay tiền của chính VNCB nên đã nhận tài sản thế chấp là chính tiền gửi của VNCB cho Danh vay gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng.
Đã khởi tố vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước
Trong giai đoạn 1 vụ án Phạm Công Danh, HĐXX đã kiến nghị 10 nội dung, trong đó có kiến nghị xem xét trách nhiệm của các cá nhân thuộc tổ thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước khi để xảy ra sai phạm tại ngân hàng VNCB.
Theo kết luận điều tra thì việc xử lý các cá nhân này đã được xem xét trong vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tổ giám sát của ngân hàng nhà nước đặt tại VNCB đã được khởi tố.
Như vậy, trong kết luận điều tra bổ sung còn cho thấy, ngoài vi phạm của ông Trầm Bê và Phan Huy Khang gây thiệt hại cho VNCB thì Phạm Công Danh còn lập có hồ sơ vay vốn khống tại Tiên Phong Bank gây thiệt hại cho VNCB số tiền là 1.736 tỷ đồng; ủy thác đầu tư từ VNCB sang quỹ Lộc Việt gây thiệt hại cho VNCB số tiền 903 tỷ đồng; Vay tiền của BIDV trả nợ các khoản vay của các công ty của Danh gây thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng cho VNCB.
Quá trình điều tra bổ sung, ngoài 2 bị can trên, thì cơ quan điều tra cũng đề nghị VKSND Tối cao truy tố đối với 20 bị can khác trong đó có Nguyễn Việt Hà giám đốc quỹ Lộc Việt, các bị can thuộc ngân hàng Tiên Phong Bank; các cá nhân tại ngân hàng BIDV.
Ông Trầm Bê nhận sai khi cho Phạm Công Danh vay 1800 tỉ
TTO - Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang thừa nhận có sai sót, thẩm định sơ sài về năng lực tài chính khi cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng.
HOÀNG ĐIỆP