Thụy My
Lính hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa ngày 09/02/2016.REUTERS/Stringer/File Photo
Tuần trước, báo mạng Washington Free Beacon có trụ sở tại Washington đã tiết lộ một chiến thuật mới của Trung Quốc trong mục tiêu độc chiếm Biển Đông : thay vì yêu sách đường 9 đoạn, thường gọi là « đường lưỡi bò », Bắc Kinh lại nêu ra khái niệm « Tứ Sa ».
Trong một cuộc họp kín với các viên chức bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 28 và 29/08/2017 tại Boston, ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), cục phó Cục Hiệp định và Pháp luật thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã khẳng định « quyền lịch sử của Trung Quốc tại Tứ Sa ». Tờ báo cho biết các viên chức Mỹ tỏ ra rất ngạc nhiên về cách diễn dịch mới này.
Theo ông Mã Tân Dân, Trung Quốc có « chủ quyền và quyền hàng hải » kéo dài xung quanh bốn nhóm đảo ở Biển Đông là Đông Sa (Dongsha, tức Pratas Islands của Đài Loan), Tây Sa (Xisha, tức Hoàng Sa), Nam Sa (Nansha, tức Trường Sa), Trung Sa (Zhongsha, tức bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa 75 hải lý). Bắc Kinh gọi chung là « Tứ Sa », đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nhóm đảo này.
Ông Michael Pillsbury, thuộc Hudson Institute và là giám đốc Center for Chinese Strategy, nhận định, yêu sách về pháp lý trên đây là một trong « Tam chủng chiến pháp » do Quân ủy Trung ương đưa ra từ năm 2003, gồm tâm lý chiến, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý. Còn đại tá Hải quân về hưu Jim Fanell cho rằng thuyết « Tứ Sa » là « một bước lôgic của Bắc Kinh trong chiến thuật tằm ăn dâu » trên Biển Đông.
Hai chuyên gia về công pháp quốc tế Julian Ku và Christopher Mirasola trên trang Lawfare - một trang chuyên về an ninh do Lawfare Institute và Brooking Institution thực hiện, với sự hợp tác của nhiều luật gia - trong một bài viết mới đây đã khẳng định « Biển Đông và yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc : Lý thuyết mới về pháp luật, nhưng lập luận tệ hại như cũ ». Theo hai tác giả trên, về mặt luật pháp, lý lẽ về « Tứ Sa » cũng chẳng hơn gì so với đường lưỡi bò lâu nay.
Thật ra đây không phải là một khái niệm mới mẻ. Luật về lãnh hải và đường tiếp giáp của Trung Quốc năm 1992 đã tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả « Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa ». Sách Trắng công bố năm 2016 khi tranh chấp với Philippines cũng khẳng định chủ quyền « Nam Hải chư đảo » (tức các đảo trên Biển Đông) gồm bốn nhóm đảo trên, kể cả « các đảo, rạn san hô, bãi cạn, thực thể có số lượng và kích thước khác nhau ».
Như Bắc Kinh đã nhìn nhận, mỗi nhóm đảo gồm nhiều thực thể đa dạng, đa số không mang lại quyền lợi hàng hải. Chẳng hạn phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 nhận định, không một thực thể nào ở Trường Sa đủ lớn để có được lãnh hải 12 hải lý xung quanh. Năm 1996, Trung Quốc ấn định các đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa, coi đây là một đơn vị địa lý duy nhất (có lẽ nhằm mở rộng tối đa yêu sách).
Vì Trung Quốc không phải là một quốc gia gồm nhiều đảo hợp lại như Indonesia hay Philippines, Hoa Kỳ và hầu hết các nước coi việc vẽ ra những đường cơ sở xung quanh một nhóm đảo là đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều 47 của Công ước quy định đường cơ sở xung quanh một quần đảo như Hoàng Sa chẳng hạn, chỉ có thể được ấn định nếu bao quanh « các đảo chính và một khu vực mà tỉ lệ khoảng cách từ vùng biển so với vùng đất, kể cả rạn san hô » của một Nhà nước « là từ 1-1 đến 9-1 ». Hai chuyên gia Julian Ku và Christopher Mirasola khẳng định, Trung Quốc không hội đủ điều kiện này, vì đất liền Hoa lục xa tít tắp vùng biển yêu sách.
Do vậy, cơ sở luật pháp của « Tứ Sa » thậm chí còn yếu hơn cả đường lưỡi bò, vì rõ ràng là vi phạm UNCLOS (điều 46 và 47). Tuy vậy có vẻ như Trung Quốc có lợi hơn khi thay đường 9 đoạn bằng « Tứ Sa ». Vì sao ?
Trước hết, các lãnh đạo Bắc Kinh có thể đã nhận ra rằng đường lưỡi bò đã trở nên một gánh nặng về ngoại giao. Đây là một « sui generis » (tình trạng pháp lý chưa có tiền lệ) : chưa hề có một Nhà nước nào đòi hỏi « quyền lịch sử trên biển » như vậy. Thế nên đường lưỡi bò đã khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu bị quốc tế phê phán.
Thứ hai, khi sử dụng một thuật ngữ có vẻ giống như trong UNCLOS, Trung Quốc có thể tránh né được những chỉ trích.
Thứ ba - và theo hai chuyên gia trên, là đáng phẫn nộ nhất - Bắc Kinh có thể kết luận là tốt nhất nên bóp méo Luật Biển theo kiểu của mình, qua việc sử dụng những thuật ngữ của UNCLOS. Cường quốc đang lên này diễn dịch những quy định hiện hành theo cách nào có lợi nhất. Tìm được sự ủng hộ về đường cơ sở có lẽ dễ dàng hơn so với đường lưỡi bò. Tiến hành « chiến tranh pháp lý », Bắc Kinh có thể trông cậy vào đội ngũ đông đảo các luật sư và nhà nghiên cứu Trung Quốc để quảng bá chiến lược mới này với cộng đồng quốc tế.
Hai nhà nghiên cứu Julian Ku và Christopher Mirasola kết luận, trong khi chờ đợi đường lưỡi bò bị quẳng vào thùng rác (hợp pháp) của lịch sử, khó thể tin rằng với « Tứ Sa », Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò khiêm tốn hơn tại Biển Đông. Lý lẽ về « Tứ Sa » không mấy vững, thậm chí yếu hơn cả đường 9 đoạn. Tuy nhiên để giải thích khái niệm « Tứ Sa » thiếu vững chắc và bất hợp pháp như thế nào, cần có những phân tích phức tạp về luật pháp, cộng với những thông điệp công khai, hiệu quả. Chính quyền Mỹ liệu có đẩy mạnh những công cụ này để khẳng định chính sách về Biển Đông hay không ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét