Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

LỜ MỜ VỀ CÁI CHẾT ĐỘT NGỘT CỦA ÔNG VÕ VĂN KIỆT- DÙNG BÁO THANH NIÊN VÀ TUỔI TRẺ "CHƠI" NGUYỄN TẤN DŨNG ?

Đôi điều viết thêm về thông tin của FB Hoàng Hải Vân về vụ PMU 18:
Bài viết dưới đây của Fb Hoàng Hải Vân hé ra các thông tin cho thấy Cựu TT Võ Văn Kiệt đã ủng hộ báo Tuổi trẻ và Thanh Niên trong vụ PMU 18:

"Anh Nguyễn Công Khế cũng đã gặp ông Sáu Dân, ông bảo với anh Khế rằng báo Thanh Niên không thể im lặng trong vụ bắt người này. Sau đó ông có tỏ thái độ với ai nữa hay không thì chúng tôi không được biết, vì lúc này ông Sáu Dân không còn khỏe nữa, ông đã qua đời đúng 1 tháng sau khi các nhà báo bị bắt và trước khi người ta đập tan bộ máy lãnh đạo của 2 tờ báo...
-Sau khi 2 nhà báo bị bắt, anh Nguyễn Công Khế đã giao nhiệm vụ cho anh Nguyễn Quốc Phong mang một tập tài liệu chứng minh 2 nhà báo vô tội gửi cho một vị lãnh đạo Bộ Công an. Vị này nói với anh Quốc Phong rằng “tổng chỉ huy” vụ này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đề nghị anh Phong gặp Thủ tướng. Anh Quốc Phong đã mang tập tài liệu này đến gặp Thủ tướng Dũng, ông tiếp anh Phong khoảng 10 phút, bảo ông sẽ xem tài liệu.
Nhưng trước đó, ngay sau khi 2 nhà báo bị bắt, để bảo vệ phóng viên của mình trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, anh Nguyễn Quốc Phong vẫn tìm cách gửi tập tài liệu nói trên đến cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó đang ở Hà Nội. Đọc tập tài liệu xong, ông Sáu Dân bảo việc bắt người là không thể chấp nhận được. 
Một nguồn tin thân cận cho chúng tôi hay, ông Sáu Dân đã cho người mời một Ủy viên Bộ Chính trị đến, ông giận dữ vứt tập tài liệu trên bàn và kịch liệt phản đối việc bắt người. 

Riêng Phạm Viết Đào sau khi đổ bể vụ PMU 18, lúc đó đang là Trưởng phòng Thanh tra Báo chí xuất bản đã nhảy tham chiến vào năm 2006 với loạt bài 4 kỳ viết cho báo Lao Động:

Vụ PMU 18: Cả một "đàn voi" đã chui qua lỗ kim - Tiền Phong

Sau khi loạt bài này ra, Cựu TT Võ Văn Kiệt đã gọi điện cho TBT Vương Văn Việt ( báo Lao Động ) nhờ chuyển lời cảm ơn của ông tới tác giả loạt bài này là P.V.Đ.
Vào năm 2008, khi sự cố rung động: nhà báo Nguyễn Việt Chiến ( Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải ( Tuổi trẻ ) bị khởi tố bắt giam. Là người thường xuyên theo dõi báo chí và thường xuyên “săm soi” 2 tờ báo này; tôi thấy những bài viết của báo Thanh Niên và báo Tuổi trẻ về vụ PMU 18 không có bài nào vi phạm Luật Báo chí trong giai đoạn 2006-2008…
Nếu vi phạm Luật Báo chí thì tôi là người đứng ra lập biên bản xử phạt vi phạm hành 
chính…Quy trình xứ lý hình sự một phóng viên của một tờ báo bao giờ cũng phải qua bước hành chính ( Thanh tra Bộ Văn hóa) trước, rồi mới xử lý hình sự (nếu buộc phải xứ lý) vì viết báo không phải là loại tội danh đặc biệt nguy hiểm…
Sau khi 2 nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị khởi tố bắt giam, là Trưởng phòng thanh tra báo chí của Bộ Văn hóa, tôi đã nhận được thông tin ngay ( không nhớ ngày): Yêu cầu báo chí dừng đưa tin, bình luận về việc bắt giam Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến; Khi có lệnh này rồi mà báo nào đăng thì chuẩn bị “thừng chão” để bắt về xử phạt hành chính…
Khi nhận được lệnh này, tôi lao đến trụ sở văn phòng báo Tuổi trẻ ở Thụy Khuê, Hà Nội; Tôi gặp được TBT Lê Hoàng vừa đến, tôi đề nghị cung cấp cho tôi Lệnh khởi tố vụ án và Lệnh khởi tố bị can 2 nhà báo…TBT Lê Hoàng đã cung cấp cho tôi 2 bản sao…
Về Bộ Văn hóa, tôi nghiên cứu 2 lệnh này thì phát hiện: Vụ án hình sự liên quan tới 2 bào Thanh Niên và Tuổi trẻ khi khởi tố vụ án là một tội danh khác nhưng lệnh khởi tố bị can lại một tội danh khác...
Tôi lập tức viết một bài đâu 800, chữ gửi cho Quốc Phong-PTBT báo Thanh Niên đề nghị đăng ý kiến này của tôi về sự tréo ngoe giữa tội danh trong lệnh khởi tố vụ án và tội danh trong lệnh khởi tố bị can. ( Lâu ngày tôi không nhớ cụ thể chi tiết về sự tréo ngoe này…)
Tôi đã phân tích chứng minh bằng Luật Báo chí: với tội danh được quy kết trong lệnh khởi tố bị can đối với 2 nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến thì sai phạm đó nếu xử lý thì dưới mức xử phạt hành chính; nếu rắn lắm không phạt quá 3 triệu…Thanh tra Bộ Văn hóa đã bỏ qua sai sót này có nghĩa là chưa nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự. Do đó việc xử lý hình sự 2 nhà báo này là quá mức pháp luật cho phép…
Quốc Phong cảm ơn tôi và “gãi tai” nói Thanh Niên không dám đăng ý kiến này; đề nghị tôi nhờ báo khác đăng; Trong khi các báo đã nhận được lệnh cấm chỉ bàn luận vệ vụ bắt 2 nhà báo này…
Tôi lập tức gửi cho báo Tuổi trẻ và sau nửa tiếng báo Tuổi trẻ đăng ngay trong mục “Ý kiến bạn đọc” ở tranh nhất; Ghi tên độc giả Phạm Viết Đào không đề chức danh; Bài ra ngay trong ngày có lệnh cấm báo chí đưa tin về vụ bắt 2 nhà báo…Đưa như thế để còn thanh minh là thông tin này ngay có thể nhập nhèm về thời gian, cõ thể cãi là đưa từ trước khi nhận được lệnh…
Sau khi “mẩu ý kiến bạn đọc” của tôi khoảng 800 chữ này được Tuổi trẻ đăng để tìm cách cứu Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến; Phải 3-4 tháng sau không thấy Tuổi trẻ gọi tới lấy nhuận bút, tôi đến tòa soạn đòi nhuận bút. Phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ, Đà Trang ( Trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi trẻ ở Hà Nội), hình như có gọi điện vào Sài Gòn xin ý kiến, sau đó thanh toán cho tôi 400.000 đ.
Còn với Nguyễn Việt Chiến, khi Tòa chuẩn bị ra xử, tôi có gặp Quốc Phong đề nghị báo mời tôi tham gia bào chữa cho Nguyễn Việt Chiến vì tôi nắm vững Luật Báo chí chắc chắn hơn luật sư…
Tôi và Quốc Phong bàn nhau: Muốn để tôi bao chữa thì phải sinh hoạt trong một đơn vị luật sư; không thể lấy danh nghĩa Trưởng Phòng Thanh tra Báo chí để ra tòa biện hộ cho Chiến được…Tốt nhất nên lấy tư cách hội viên Hội Nhà văn của tôi và Nguyễn Việt Chiến để tôi vào biện hộ…
Quốc Phong liền đến Hội nhà văn VN gặp Hữu Thỉnh đề nghị Chủ tịch Hội Nhà văn Vn có công văn với Tòa, cử nhà văn Phạm Viết Đào thay mặt Hội Nhà văn VN vào tham gia tố tụng và biện hộ cho Nguyễn Việt Chiến. Nhưng Hữu Thỉnh đã né; Quốc Phong thông tin lại với tôi điều đó…
Sau này, Hữu Thỉnh có cử tôi với tư cách hội viên Hội nhà văn VN vào tham gia một vụ tố tụng ở Vĩnh Phúc để biện hộ cho 1 truyện ngắn của nhà văn Xuân Mai bị khởi kiện. Tôi đã bảo vệ thành công để nhà văn Xuân Mai không bị Tòa xử phạt vì can tội viết ra cái truyện ngắn đó…
Nhân FB Hoàng Hải Vân kể về cái chết của ông Võ Văn Kiệt dưới đây, Phạm Viết Đào ghi lại chuyện này độc giả thử liên hệ xem nó có quan hệ “nhân quả” gì không với cú bị “ nhập kho 15 tháng” trong năm 2013 ?


Fb Hoàng Hải Vân
VỤ PMU18, AI MUỐN XÉ BỎ PHÁP QUYỀN ?

Nếu ai để ý sẽ thấy trong số báo ra ngày 13-5-2008, kèm theo bản tin 2 nhà báo bị bắt, báo Thanh Niên có đặt câu hỏi ngay trên trang nhất : Có hơn 1000 bài báo viết về vụ PMU18 đăng trên gần 100 tờ báo, sao lại bắt 2 nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ ? Câu hỏi đó chẳng bao giờ được ai trả lời.
Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài “Hãy trả tự do…” cùng với phản ứng trên báo Tuổi Trẻ trong đó có bài “Vì sao ?” của anh Bùi Thanh, hậu quả là 4 nhà báo bị thu thẻ và thôi chức là anh Nguyễn Quốc Phong và tôi ở báo Thanh Niên, anh Bùi Thanh và anh Đà Trang ở báo Tuổi Trẻ. Quyết định thu thẻ nhà báo ký ngày 1-8-2008, đến ngày 22-8, Bộ TT&TT ra thông báo giải thích lý do, nói rằng đây là những người “đã trực tiếp viết, biên tập, duyệt đăng các tin bài về vụ PMU 18, trong đó có những thông tin sai sự thật nghiêm trọng. Đặc biệt là những thông tin kích động phản đối hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong loạt tin bài sau khi 2 nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt giam”.
“Những thông tin sai sự thật nghiêm trọng” đó là những thông tin gì ? Chẳng có bất cứ văn bản nào kết luận, trước đó cũng không hề có ai chỉ ra, không ai yêu cầu giải thích hay đổi chất. Tôi biết chắc Bộ TT&TT cũng không hề có một chứng cứ nào để đưa ra lời giải thích đó. Do đó chỉ có thể hiểu rằng Bộ này được lệnh miệng từ cấp trên phải thu thẻ của 4 nhà báo và bị buộc phải lấy nội dung áp đặt từ cơ quan an ninh điều tra để ra bản thông báo nói trên.
Trước khi nói tiếp quá trình xử lý 4 nhà báo và 2 Tổng Biên tập, xin trở lại việc bắt 2 nhà báo, 1 thượng tá và khởi tố 1 vị tướng cảnh sát mà không hề có chứng cứ phạm tội. Bắt giam, khởi tố người mà không có chứng cứ phạm tội, lại liên quan đến một vụ án đang xôn xao cả nước thì dù có mười cơ quan an ninh điều tra cũng không dám, Bộ trưởng Công an tôi chắc cũng không dám, nên phải có cấp cao hơn chỉ đạo. Cấp cao hơn đó là ai ? Đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tôi khẳng định điều này vì ngay sau khi 2 nhà báo bị bắt, anh Nguyễn Công Khế đã giao nhiệm vụ cho anh Nguyễn Quốc Phong mang một tập tài liệu chứng minh 2 nhà báo vô tội gửi cho một vị lãnh đạo Bộ Công an. Vị này nói với anh Quốc Phong rằng “tổng chỉ huy” vụ này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đề nghị anh Phong gặp Thủ tướng. Anh Quốc Phong đã mang tập tài liệu này đến gặp Thủ tướng Dũng, ông tiếp anh Phong khoảng 10 phút, bảo ông sẽ xem tài liệu. Anh cũng đã gặp và giao tập tài liệu cho một vị Ủy viên Bộ Chính trị khác, vị này hứa sẽ tìm cách giao cho những người có thẩm quyền, nhưng dặn anh Quốc Phong không giao tài liệu đó cho ai nữa.
Nhưng trước đó, ngay sau khi 2 nhà báo bị bắt, để bảo vệ phóng viên của mình trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, anh Nguyễn Quốc Phong vẫn tìm cách gửi tập tài liệu nói trên đến cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó đang ở Hà Nội. Đọc tập tài liệu xong, ông Sáu Dân bảo việc bắt người là không thể chấp nhận được. Một nguồn tin thân cận cho chúng tôi hay, ông Sáu Dân đã cho người mời một Ủy viên Bộ Chính trị đến, ông giận dữ vứt tập tài liệu trên bàn và kịch liệt phản đối việc bắt người. Anh Nguyễn Công Khế cũng đã gặp ông Sáu Dân, ông bảo với anh Khế rằng báo Thanh Niên không thể im lặng trong vụ bắt người này. Sau đó ông có tỏ thái độ với ai nữa hay không thì chúng tôi không được biết, vì lúc này ông Sáu Dân không còn khỏe nữa, ông đã qua đời đúng 1 tháng sau khi các nhà báo bị bắt và trước khi người ta đập tan bộ máy lãnh đạo của 2 tờ báo.
Tôi kể lại chuyện này để chứng minh rằng chúng tôi hoàn toàn có đủ căn cứ để công khai trên mặt báo yêu cầu “Phải trả tự cho cho các nhà báo chân chính”. Nhưng cũng chính vì sự phản ứng đó cùng với việc tìm cách cung cấp tài liệu về sự thật đến những người có trách nhiệm đã làm tăng thêm mối nguy hiểm cho chúng tôi. 4 nhà báo bị thu thẻ và 2 vị Tổng biên tập là anh Nguyễn Công Khế và anh Lê Hoàng đã bị cơ quan an ninh điều tra hành hạ cho lên bờ xuống ruộng, riêng anh Nguyễn Quốc Phong còn bị hành hạ nặng hơn do tìm cách lưu hành tập tài liệu này.
Vấn đề là các Ủy viên Bộ Chính trị khác đương nhiên là biết việc bắt người nhưng vì họ không biết có việc chỉ đạo sai pháp luật nên không ai phản đối việc bắt người. Vì sao như vậy ? Có 2 lý do. Thứ nhất, do không biết có chỉ đạo bắt người nên họ nghĩ đây là nghiệp vụ bình thường của cơ quan công an làm theo pháp luật, họ không can thiệp. Thứ hai, họ được cơ quan an ninh cung cấp các chứng cứ ngụy tạo. Có phải tất cả họ đều được cung cấp chứng cứ ngụy tạo hay không thì tôi không thể biết, nhưng anh Nguyễn Công Khế nói lại với tôi là có một Ủy viên Bộ Chính trị khuyên anh không nên bảo vệ anh Chiến vì bên an ninh có chứng cứ anh Chiến “nhận tiền của phản động nước ngoài”. Tất nhiên anh Khế và chúng tôi hoàn toàn không tin điều đó, nên Thanh Niên vẫn tìm mọi cách bảo vệ anh Chiến tới cùng. Và sự thật diễn ra tại phiên tòa đã chứng minh việc “nhận tiền của phản động nước ngoài” là hoàn toàn bịa đặt.
Theo dõi bài viết của tôi có thể có các đồng bào làm an ninh, làm “dư luận viên” và “hoạt động dân chủ”, nên trước khi kể tiếp câu chuyện PMU18 tôi xin lưu ý chung với các đồng bào này rằng : Công cuộc Đổi Mới mà các vị lãnh đạo tiền nhiệm của đất nước đã phải mướt mồ hôi sôi nước mắt để khởi xướng, duy trì và thúc đẩy nhằm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu không phải là sự nghiệp riêng của Đảng Cộng sản mà là sự nghiệp của toàn dân. Cơ chế thị trường chỉ có thể vận hành trong khuôn khổ luật pháp của một nhà nước pháp quyền. Nhưng cơ chế thị trường nửa vời thì thúc đẩy tham nhũng, nhà nước pháp quyền nửa vời thì dung túng cho lợi ích nhóm và sự lộng hành của tội phạm.
Trên lĩnh vực truyền thông, mấy chục năm nay Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ là hai tờ báo nổi bật trong những cơ quan truyền thông đi đầu hậu thuẫn cho công cuộc Đổi Mới và bảo vệ nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy mà từ cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều yêu mến, trọng thị Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Và cũng chính vì vậy mà Thanh Niên và Tuổi Trẻ trở thành kẻ thù của các thế lực muốn xé bỏ pháp quyền trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết này.
(Còn tiếp – Kỳ tới : Vụ PMU18, đập tan 2 tờ báo hậu thuẫn công cuộc đổi mới)

HOÀNG HẢI VÂN

Không có nhận xét nào: