Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

“Cán bộ hư hỏng bây giờ như thứ bệnh dịch lây lan!”; Nghịch lý: Việt Nam nghèo vì người Việt quá 'thông minh'; Nhiều 'con ông cháu cha' đang làm xấu hình ảnh ông, cha mình

Kiến Thức 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ một số câu chuyện về kinh tế Việt Nam trước và sau thời kì đổi mới.
Tại Hội nghị Kinh tế học mở rộng 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 22.9, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ một số câu chuyện về kinh tế Việt Nam trước và sau thời kì đổi mới.
Nghich ly: Viet Nam ngheo vi nguoi Viet qua 'thong minh' - Anh 1
Sau hơn 30 năm đổi mới, đời sống người dân đã được cải thiện nhưng vẫn còn một bộ phận người nghèo.
Một chiếc xe đạp chỉ đổi được 10 quả trứng
Cuộc khủng hoảng kinh tế thứ nhất tiềm ẩn từ cuối thập kỷ 70, bùng phát trong thập kỷ 80, kéo dài đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tăng trưởng kinh tế thấp, có những năm tăng trưởng âm. Bình quân giai đoạn 1977 - 1980, GDP chỉ tăng 0,4%/năm.
Lạm phát phi mã và kéo dài từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 khi chênh lệch giữa giá trong và ngoài ngày một lớn khiến siêu lạm phát xuất hiện, lên tới 784% vào năm 1986. Con số lạm phát giữ ở mức 3, rồi 2 chữ số cho đến đầu thập kỷ 90.
Nghich ly: Viet Nam ngheo vi nguoi Viet qua 'thong minh' - Anh 2
Trong thời kì bao cấp, có thời điểm tỉ lệ lạm phát lên gần 800%.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể lại: “Giai đoạn còn bao cấp, kinh tế đất nước rất khó khăn. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng lạm phát. Năm 1986, chỉ số lạm phát là 784%/năm. Trong thời gian học tập, hai vợ chồng tôi tích lũy được một số tiền học phí, mua được một chiếc xe đạp của Tiệp Khắc. Lúc kết thúc công tác tại đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô trở về nước, hai vợ chồng tôi đã bán chiếc xe đạp đó đi lấy một số tiền gửi tiết kiệm.
Nhưng không ngờ tới khi Nhà nước tiến hành đổi tiền – một trong những biện pháp nhằm chữa lạm phát, số tiền tiết kiệm do bán xe đạp đó chỉ mua được 10 quả trứng do đồng tiền mất giá, lúc đó tôi thực sự hiểu thế nào là lạm phát”.
Ông Vũ Khoan chia sẻ, thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là Tổ trưởng Tổ Tài chính – Tiền tệ thuộc Ban Chống lạm phát của Bộ chính trị đã cử ông sang một số nước như Liên Xô, Hungary, Áo để học tập kinh nghiệm chống lạm phát rồi mang những kiến thức đó về, góp phần xử lí
nạn lạm phát ở Việt Nam.
“Mình học được những kiến thức, kinh nghiệm của Thế giới rồi, nhưng phải biết cách vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Về Việt Nam, chúng tôi được yêu cầu phải xuống các hợp tác xã, nhà máy, phiên chợ để tìm hiểu xem lạm phát nó biểu hiện như thế nào ở mỗi vùng, miền, địa phương? Ứng dụng kinh nghiệm của Thế giới ra sao?” – ông Khoan nói.
Việt Nam nghèo vì người Việt quá thông minh
Thời kỳ Việt Nam mới mở cửa, có một vị nghị sĩ của Nhật Bản tên Michio Watanabe – một người rất có cảm tình với Việt Nam, đã sang nước ta để đưa Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó còn là Chủ tịch UBND TP.HCM đi rất thăm rất nhiều quốc gia nhằm tìm hiểu kinh tế thị trường.
Nghich ly: Viet Nam ngheo vi nguoi Viet qua 'thong minh' - Anh 3
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: "Việt Nam nghèo vì người Việt quá thông minh" (Ảnh: Vietnamnet).
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại: “Trong một lần ông Watanabe ra Hà Nội, ông ấy đã hỏi tôi: Ông có biết vì sao Việt Nam nghèo không?
Tôi đưa ra những lý do như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh… Rồi ông ấy bảo tôi nói đúng nhưng chưa đủ. Ông Watanabe lý giải, Việt Nam nghèo vì người Việt Nam quá thông minh, không ai chịu ai cả. Mỗi khi có vấn đề đều nảy sinh tranh cãi, trong khi người Nhật lại tuân thủ theo chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, người chỉ huy.
Liên hệ với thực tế, ngành ngoại giao chúng tôi làm điều phối rất không dễ dàng, nhiều khi nói không ai nghe. Cái yếu của người Việt Nam là sự thiếu phối hợp, điểm này cần sớm khắc phục. Nhưng trong khi chờ khắc phục, hãy phục vụ nhau. Chính vì phục vụ nhau, hai bên sẽ đều nhìn thấy lợi ích, từ đó phối hợp tốt hơn”.
Làm ngoại giao đôi khi phải lobby
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ngành ngoại giao có khá nhiều đặc quyền so với các ngành khác trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đầu tiên, là khả năng tiếp cận, thu thập, tổng hợp thông tin về chính sách vĩ mô của các quốc gia trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Thứ hai, lợi thế giao tiếp ở tầm quyết định chính sách, có thể tiếp xúc với các chính khách cấp cao, mở đường cho những mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Thứ ba, tạo môi trường chính trị để hỗ trợ các hoạt động kinh tế.
Thứ tư, quan trọng hơn cả, là khả năng bảo vệ lợi ích kinh tế của các thể nhân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Vũ Khoan chia sẻ: “Sự hiện kiện của người Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới rất nhiều. Nhiệm vụ bảo vệ công dân, bảo vệ lợi ích kinh tế của các thể nhân, pháp nhân Việt Nam là cực kì quan trọng. Vấn đề này hiện đang trở nên rất nóng bỏng.
Ban đầu, là cuộc chiến về tên gọi catfish đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tiếp đó, Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ(CFA) từng khởi kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, cá basa.
Càng hội nhập, những vụ kiện cáo sẽ càng nhiều. Ngoại giao sẽ hỗ trợ cho các pháp nhân, thể nhân Việt Nam như thế nào khi quy định rất ngặt nghèo. Thậm chí trong phiên tòa, đại diện ngoại giao Việt Nam chỉ được ngồi ghế phụ, không được phát biểu.
Nhưng ngoại giao Việt Nam hoàn toàn có thể lobby với Quốc hội Mỹ để hỗ trợ vụ kiện đó, việc này cũng chỉ có ngoại giao mới làm được. Ở đây, ngoại giao tiếp tục đóng vai trò lớn về kinh tế, nhưng theo hình thức mới, mức độ mới lớn hơn nhiều so với thời chúng tôi”.
Theo Hoàng Thắng/Dân Việt


“Cán bộ hư hỏng bây giờ như thứ bệnh dịch lây lan!”

TRINH PHÚC

(GDVN) - “Việc đã có một số cán bộ trung cao cấp bị kỷ luật nhưng nếu soi xét cho kỹ thì thực chất còn nhiều cán bộ hư hỏng nữa. Điều này rất nguy hiểm, đáng báo động”.

Quy hoạch cán bộ bị hành chính hoá và bị chi phối bởi lợi ích nhóm
Thời gian qua, nhiều lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật được dư luận cả nước quan tâm và đồng tình. Điều đó cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ trong Đảng đang được khởi động và đi theo chiều hướng quyết liệt.
Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Mão nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Theo ông Vũ Mão: “Trường hợp nhiều lãnh đạo bị kỷ luật nặng thời gian qua vì một thời gian dài Đảng đã buông lỏng công tác cán bộ.
Thực ra, về mặt hình thức, Đảng đã có nhiều Nghị quyết đề cập tới vấn đề này.
Tôi cho rằng công tác cán bộ từ đổi mới đến nay, đặc biệt trong vòng 10 – 15 năm có quá nhiều vấn đề".
Ông Vũ Mão cho rằng một thời gian dài Đảng đã buông lỏng công tác cán bộ  (ảnh Ngọc Quang).
Ông Vũ Mão đã chỉ ra: “Trước hết, xét về sự rèn luyện tu dưỡng trong cán bộ đảng viên.
Công tác rèn luyện, tu dưỡng, phê bình và tự phê bình lâu nay bị xem nhẹ. Mặc dù công tác phê bình và tự phê bình được tiến hành thường xuyên nhưng lâu nay đã trở nên hình thức hóa, hành chính hóa đến mức làm cho lấy lệ, làm đủ thủ tục để đối phó.
Hiện tượng phổ biến là phê bình kiểm điểm trở thành việc làm mang tính tình cảm đồng chí nhẹ nhàng, động viên nhau, thâm chí vuốt ve, tâng bốc vì nể nang nhau.
Hiện tượng này xảy ra ở khắp nơi, ngay cả các chi bộ của các cơ quan đầu não.
Vấn đề này không phải đảng viên không biết, lãnh đạo Đảng các cấp không biết mà đáng tiếc là từ cán bộ trung ương đến cán bộ cấp cơ sở đều biết nhưng xem chuyện đó là bình thường. Đấy là vấn đề rất nguy hiểm”.

Tìm và loại “chín non, bổ nhiệm thần tốc”, tôi ủng hộ tuyệt đối

Theo sự phân tích của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Ngoài việc xem nhẹ tự rèn luyện, tu dưỡng, một nguyên nhân nữa đó là vấn đề quy hoạch cán bộ đã không “chọn được mặt để gửi vàng”.
Tôi cho rằng, cần xem lại quan điểm, nhận thức, phương thức tiến hành công tác quy hoạch cán bộ của chúng ta. Quy hoạch cán bộ hiện đang theo kiểu hành chính và không ít trường hợp bị lợi ích nhóm chi phối.
Quy hoạch cán bộ là cần thiết, ngay từ thời kỳ đầu cùa cách mạng rồi đến 2 cuộc kháng chiến, chúng ta đã có quy hoạch cán bộ nhưng thời đó, công tác quy hoạch xuất phát từ thực tiễn và sự trưởng thành của cán bộ.
Còn quy hoạch ngày nay nó lạ lùng, khác lắm. Nếu nói làm đúng quy trình thì đúng quy trình thật nhưng kết quả lại cho ra nhiều cán bộ tư cách đạo đức, trình độ, bản lĩnh kém. Phải nói thẳng, quy trình quy hoạch cán bộ hiện nay là chưa ổn.
Ông Vũ Mão cũng cho rằng, một nguyên nhân dẫn đến nhiều cán bộ sa ngã, biến chất và cuối cùng bị kỷ luật, đó là do công tác cán bộ hiện nay đã bị chi phối mạnh bởi cơ chế thị trường.
Nói cho đúng, không có việc sai trái của cơ chế thị trường mà cái sai ở đây là không hiểu hết bản chất của cơ chế thị trường nên đã bị mặt trái của cơ chế này chi phối.
Chính vì thế đã xảy ra tình trạng “Thị trường hóa công tác cán bộ”. Đây là điều đáng báo động và rất nguy hiểm.
Việc đã có một số cán bộ trung cao cấp bị kỷ luật nhưng nếu soi xét cho kỹ thì thực chất còn nhiều cán bộ hư hỏng nữa. Điều này rất nguy hiểm, đáng báo động.
Trách nhiệm để xảy ra các vấn đề này thuộc về Đảng ta,thuộc về Bộ Chính trị, của người đứng đầu và những người giữ vị trí trọng trách trong công tác cán bộ.
Cán bộ bị kỷ luật, cán bộ hư hỏng như một bệnh dịch tràn lan, phát triển ghê gớm. Không có liều thuốc mạnh, có hiệu quả thì rất là nguy”.
Vì sao cán bộ trẻ, cán bộ nguồn liên tiếp sa ngã, bị kỷ luật
Trong sự tha hóa của cán bộ cấp cao, bao gồm cả hiện tượng cán bộ trẻ bị kỷ luật, đó là những cán bộ được cơ cấu nguồn mà trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh Bí thư Đà Nẵng được xem là ví dụ điển hình.
 Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh có vấn đề không rõ ràng về bằng cấp là biểu hiện của một xã hội chạy theo bằng cấp mà không trọng thực tài (ảnh nguồn Báo Đà Nẵng).
Nhận định về vụ việc này, ông Vũ Mão cho rằng: “Do cơ chế hiện nay tạo ra, động cơ phấn đấu của nhiều cán bộ trẻ không trong sáng.
Trong cơ chế thiếu kiểm soát quyền lực hiện nay, đương nhiên người có quyền thì ắt có đặc lợi. Đặc quyền đặc lợi như hiện nay nó đã mê hoặc nhiều cán bộ trẻ.
Xét về mặt nào đó, muốn có chức vụ thì cán bộ trẻ phải rèn luyện phấn đấu rất nhiều.
Ngày xưa cha ông ta cũng phải sớm khuya “Dùi mài kinh sử” để được làm quan. Nhưng rất tiếc, mặt chưa tốt đã lấn át mặt tốt, trong điều kiện cơ chế thị trường mặt chưa tốt nó chi phối ghê gớm.

Tôi tiếc cho ông Xuân Anh, nhưng đừng quá cực đoan với con lãnh đạo

Với thế hệ trẻ, tôi bao giờ cũng ủng hộ và có cái nhìn bao dung. Thanh niên ngày nay có trình độ, nhận thức, có mối quan hệ quốc tế nhưng mặt trái của xã hội bằng cấp đã làm hư hỏng đội ngũ cán bộ trẻ. Họ chạy theo bằng cấp mà thiếu thực tiễn.
Chúng ta đã quy định nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí về cán bộ vào cấp này phải thế này, thế kia. Nhưng quy định nhiều quá đã biến thành một xã hội bằng cấp, xã hội chức hàm.
Thực tế chúng ta đã phong quá nhiều tiến sĩ, giáo sư –trong cái đó, bao gồm cả sự giả dối. Trong vụ việc kỷ luật Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng có vấn đề bằng cấp không trung thực.
Một vấn đề nữa liên quan đến cán bộ trẻ, chúng ta đưa họ lên nhanh quá, đốt cháy giai đoạn, tạo ra sự ngộ nhận.
Những cán bộ như vậy sẽ thiếu thực tiễn, không gần dân, không xem mình là công bộc của dân. Họ không đau nỗi đau của dân, không thông cảm, chia sẻ nỗi đau khốn khó của người dân.
Cần phải nghiên cứu sâu sắc để có để có cách làm thực tiễn và khoa học về công tác cán bộ. Trong quy hoạch cán bộ trẻ tôi cho rằng, không nên đóng đinh vào một số ít người mà nên quy hoạch rộng. Không phải chỉ trong vài ba chục người mà cần quy hoạch hàng nghìn người.
Chúng ta cần có chính sách thu hút nhân tài mạch lạc, phải có chương trình kế hoạch với tầm nhìn rộng.
Theo tôi nên đưa vào các cấp ủy từ dưới lên trên một tỉ lệ cán bộ trẻ nhiều hơn nữa để họ có cơ hội rèn luyện, phấn đấu. Qua thử thách sẽ tìm ra được những cán bộ xuất sắc hơn trong tương lai”.


Nhiều 'con ông cháu cha' đang làm xấu hình ảnh ông, cha mình

VOV  2 đăng lại
Thời gian qua, không ít người thuộc diện "con ông cháu cha" đã làm những việc có thể coi là thiếu chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội
Có thể nói, câu chuyện “con cha cháu ông” hay “bổ nhiệm người nhà” luôn là đề tài mang tính thời sự nóng hổi được dư luận quan tâm.
Nhiều “con ông cháu cha” đã làm xấu hình ảnh ông, cha mình
Phân tích sâu hơn về khởi nguồn định kiến của xã hội mỗi khi nhắc tới cụm từ “con ông cháu cha”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vốn dĩ cụm từ “con ông cháu cha” không mang ý nghĩa xấu nhưng lâu nay nó đang bị hiểu theo nghĩa không tích cực, bởi con cháu, người thân của những người có địa vị trong xã hội ỷ vào đó để làm những việc không đúng tôn ti trật tự, không đúng luân thường đạo lý, đạo đức xã hội. Với quyền lực, thần thế sẵn có, họ có thể ỷ vào đó để làm những việc mà người khác phải kiêng nể, kiềng ra.
Ông Tiến cũng thừa nhận, thực tế xã hội thời gian qua, không ít người thuộc diện “con ông cháu cha” đã làm những việc có thể coi là thiếu chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, thiếu văn hóa, văn minh, đi ngược lại với văn hóa dân tộc. Trái ngược với cách ứng xử khiêm nhường đáng ra phải có, họ thể hiện thái độ trịnh thượng, hạch sách, ăn trên ngồi chốc, đứng trên đầu người khác; lôi người thân ra làm bình phong, làm vũ khí để che đậy, lấp liếm cho những sai phạm, tội lỗi của mình.
Nhieu 'con ong chau cha' dang lam xau hinh anh ong, cha minh - Anh 1
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội 
Có những “ông con”, “ông cháu” mới lớn, ra ngoài xã hội bằng những chiếc siêu xe nhiều tỷ đồng, ở nhà biệt thự khang trang, hoành tráng như kiểu nghiễm nhiên được hưởng thụ những tài sản đó mà không mảy may nghĩ xem mình đã có những đóng góp tương xứng với mức hưởng thụ đó hay chưa. Chính cách suy nghĩ nông cạn, lối hành xử thiếu khiêm tốn của một số người đã làm xấu đi hình ảnh của ông, cha mình.
Ông Tiến thấy buồn khi trong thời chiến, đa phần con cháu cán bộ phải là những người gương mẫu, đi tới những nơi nóng bỏng nhất, thì trong thời bình, cũng đa phần “con ông cháu cha” được cất nhắc vào những vị trí được coi là “thiên thời địa lợi” nhất. Khát khao, mong muốn quyền lực thuộc về bản năng tự nhiên của mỗi người. Nhưng dường như bản năng tự nhiên đó đang bị can thiệp quá mức.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, cũng không nên “vơ đũa cả nắm”, bởi bản thân ông chứng kiến những người là “con ông cháu cha” nhưng họ sống thực sự mẫu mực, là tấm gương cho nhiều người học tập. Họ có cách ứng xử rất khiêm nhường, văn hóa với người trên, người dưới, ngoài xã hội. Họ phát huy được truyền thống gia đình, làm tốt công việc được xã hội giao phó, làm trọn bổn phận của người con, người cháu trong gia đình.
Ông Tiến cho rằng, trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nếu như “con ông cháu cha” là người có đầy đủ phẩm chất, năng lực thì đó chính là những người cần được ưu tiên để tuyển chọn, đề bạt. Nhưng tiếc rằng, thời gian qua, đa phần việc tuyển chọn con cháu cán bộ không tương xứng về năng lực, thậm chí cả về đạo đức, phẩm chất. Do vậy, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận và tư duy cho đúng, phải có những quy định chặt chẽ và lượng hóa được thế nào là phẩm chất tốt, năng lực tốt, chứ không nói chung chung, có thế mới không để lọt những người xấu vào đội ngũ cán bộ, còn những người tốt được trọng dụng.
Đừng để xã hội giễu cợt bằng “5c” và “6 ệ”
Cùng với định kiến, ác cảm về cụm từ “con ông cháu cha”, dư luận đã quá quen tai với cụm từ “bổ nhiệm đúng quy trình” bấy lâu nay bởi nhiều “con cháu” kém chất lượng vẫn được đưa vào “quy trình” để trở thành những ông nọ, bà kia. Theo ông Lê Như Tiến, cái quy trình ấy không có lỗi, quy trình ấy có thể đúng thật nhưng lỗi nằm ở đầu vào của quy trình, có khi không chuẩn mực.
“Trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu người ta đưa miếng thịt ôi thiu vào làm giò, cũng tuân thủ đúng theo quy trình xay, giã, đun nấu… và sau đó ra được miếng giò, nhưng sẽ là miếng giò ôi thiu. Tôi dẫn chứng như vậy để thấy dù có làm đúng quy trình, nhưng quy trình ấy không thể quyết định chất lượng đầu ra nếu như chất lượng đầu vào không được coi trọng. Con người đã không có đủ cả phẩm chất lẫn năng lực thì đi qua quy trình ấy vẫn là một cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực. Dân ta có câu: “Đầu vào thì nát như tương/Đầu ra chất lượng tương đương đầu vào”. Theo tôi, không nên chỉ soi xét vào quy trình, mà cần đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn người để bồi dưỡng, đào tạo trở thành cán bộ”, ông Tiến nêu quan điểm.
Những câu chuyện về bổ nhiệm “con ông cháu cha” xảy ra thời gian qua, qua quá trình thanh tra, kiểm tra đều cho thấy việc bổ nhiệm đa phần đúng quy trình, nhưng những người được đưa vào vừa không đáp ứng được cả phẩm chất cũng như năng lực, chưa kể còn ngông nghênh, vênh vác, tự cho mình được hưởng những thành quả mà họ không phải bỏ ra chút sức lực nào.
Ông Tiến cho rằng, đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại công tác bổ nhiệm, cần phải đặt chất lượng con người, chất lượng cán bộ lên hàng đầu, đừng để xã hội phải giễu cợt bằng “5c” (con cháu các cụ cả) và “6 ệ” (tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ), như thế sẽ không bao giờ có được cán bộ tốt.
Các cơ quan liên quan đến tổ chức cán bộ có vai trò rất quan trọng trong kiểm soát đầu vào của công tác cán bộ, không chỉ lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, mà quá trình sử dụng chính là quá trình sàng lọc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Việc không coi trọng trí tuệ sẽ dẫn tới một đội ngũ cán bộ kiểu “5 ệ”, làm cán bộ theo kiểu chộp giật, chỉ nhìn thấy trước mắt mà không thấy lâu dài. Cũng không loại trừ vấn đề lợi ích nhóm, có những cán bộ trước khi nghỉ hưu ký hàng chục quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp vụ, phòng theo kiểu “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh”. Cán bộ từ những “chuyến tàu vét” như vậy sẽ không đem lại hiệu quả hoạt động cho xã hội./.
Hà Thanh/VOV.VN
Trinh Phúc

Không có nhận xét nào: