Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

TỔNG KIỂM TRA BẰNG CẤP CỦA QUAN CHỨC-GIẾT "GÀ DỌA...HỔ" NÀO ĐÂY HAY ĐÂY LÀ CHIẾN DỊCH " DIỆT CHIM SẺ" ?

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ vấn đề của Bí thư Hải Dương

Hoàng Đan | 
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ vấn đề của Bí thư Hải Dương
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, ông đã gặp lãnh đạo cấp cao của Đảng và trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có công tác tổ chức, xử lý cán bộ vi phạm.





Trao đổi với báo chí vào sáng nay, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, trước Đại hội 12 của Đảng, ông đã nhận được thông tin về vấn đề bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và có ý kiến với các cơ quan chức năng.
ến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và tôi nghĩ chắc chắn phải làm rõ.
Ngày hôm qua (28/9 - PV), tôi gặp lãnh đạo cấp cao của Đảng và có trao đổi nhiều vấn đề, trong đó, có công tác tổ chức, xử lý cán bộ vi phạm.
Lãnh đạo cấp cao của Đảng nói vụ việc ở Hải Dương đã có cơ quan vào cuộc xác minh, làm rõ đúng sai và nếu có sai phạm sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm minh đúng quy định", nguyên Tổng Bí thư nêu rõ.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng chỉ rõ, một cán bộ mà không trung thực trong kê khai bằng cấp là không thể chấp nhận.
"Khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm, thiếu trung thực thì Đảng sẽ có hình thức kỷ luật còn nếu không thì cũng để Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương và nhân dân cả nước biết rõ, tránh hiểu sai, dị nghị về cán bộ", nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh.
Trước đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ông đã chuyển tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh làm rõ đơn thư tố giác chính danh của công dân về việc Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển sử dụng bằng cấp của người khác.
Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, hiện kết quả xác minh bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển phải chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
theo Trí Thức Trẻ

GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT: Đã từng phát hiện 10.000 bằng giả trong 1 năm


Lao Động  1 đăng lại 6 liên quan
GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - chia sẻ đã từng có một phong trào rất rầm rộ về phát hiện và tố giác người sử dụng bằng giả. Riêng năm đầu tiên, đã phát hiện 10.000 tấm bằng giả.
GS Pham Minh Hac – nguyen Bo truong Bo GDDT: Da tung phat hien 10.000 bang gia trong 1 nam - Anh 1
GS Phạm Minh Hạc cho rằng việc phát giác bằng giả quá đơn giản. Vấn đề là có làm hay không. Ảnh: TL
Thưa GS Phạm Minh Hạc, thời gian gần đây, rộ lên những thông tin về việc một số lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí là những người đứng đầu một tỉnh, thành phố sử dụng bằng chưa được công nhận hay bị tố sử dụng bằng giả. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng sử dụng bằng giả, bằng không được công nhận hiện nay?
- Có thể nhiều người ở thế hệ trước còn nhớ, những năm 2002, lúc đó tôi là Phó ban thứ nhất của Ban Khoa giáo Trung ương, đã cùng với Bộ trưởng Bộ GDĐT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Hiển phát động phong trào chống bằng giả. Riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả hiện nay không có phong trào sâu rộng như khi đó.
Thời gian đó, cách đây hơn chục năm, đã phát hiện rất nhiều nhưng tôi nghĩ vẫn chưa hết. Con số đó vẫn còn tiếp tục tăng lên.
Những trường hợp bị phát hiện sử dụng bằng giả đã được xử lý như thế nào, thưa GS?
- Những trường hợp phát hiện đều bị xử lý nghiêm túc, tước bằng giả và xử lý kỉ luật nghiêm minh. Trong quá khứ, việc này không chỉ xuất hiện ở địa phương mà ngay cả các cơ quan trung ương cũng có.
Có ý kiến cho rằng cần thiết phải kiểm tra lại bằng cấp của các lãnh đạo để lấy lại công bằng và niềm tin của nhân dân. Theo ông, công việc kiểm tra này có khó khăn không?
- Việc phát giác bằng giả này quá đơn giản. Vấn đề là có làm hay không. Bất cứ ai vào cơ quan cũng đều phải duyệt lí lịch, bằng cấp rồi đến khi đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cũng kiểm tra lại. Qua rất nhiều khâu nên chẳng có gì khó để phát hiện ra.
Bên cạnh đó, việc sử dụng bằng cấp giả cũng còn có thể phát hiện được thông qua những lời bàn tán, xì xào vì thường việc này sẽ có rất nhiều người biết. Để xảy ra điều này là lỗi, là sai lầm của bộ phận tổ chức. Không thể đổ lỗi do sơ suất bởi đây là những lỗi đã quá rõ ràng. Nguyên nhân có thể là do nể nang hoặc do tiêu cực… nên cố tình bỏ qua.
Ngoài ra, hiện tượng nhân viên đi học thay, sếp nhận bằng đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nạn gian dối chính là một thứ bệnh hoạn của xã hội, do chính những người có chức, có quyền lực tạo ra.
HUYÊN NGUYỄN

Cần rà soát bằng cấp của tất cả cán bộ có chức quyền

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (trái) và ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận vi phạm của nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng.



4 vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh có việc “Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực”. Trao đổi về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, để lấy lại niềm tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ đảng viên, cần phải rà soát lại bằng cấp của tất cả các cán bộ có chức, có quyền. 
Cần công khai các trường hợp cán bộ công chức sử dụng bằng giả
Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng: Thời gian vừa qua, đặc biệt là 10 năm gần đây, việc chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương đang diễn ra ngày càng nhiều khiến dư luận rất bức xúc. Vừa qua, đã xảy ra một số vụ việc lãnh đạo dùng bằng giả hoặc bằng chưa thích hợp. Vì vậy, theo tôi nên chăng Ban Bí thư cần giao cho Ban Tổ chức Trung ương xem xét, rà soát lại việc sử dụng bằng cấp của cán bộ có chức, có quyền, vì thực tế đã phát hiện nhiều loại bằng cấp không thích hợp và không được công nhận.
Theo ông Túc, cần phải kiểm tra lại việc sử dụng bằng cấp của các cán bộ công chức học ở nước ngoài xem bằng có đúng không, có phù hợp không, và có được công nhận hay không. Để thẩm định bằng cấp thật hay giả, theo tôi Trung ương nên giao cho Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, xem xét lại tất cả các bằng cấp của các cán bộ có chức, có quyền. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện được trường hợp cán bộ công chức nào sử dụng bằng cấp không đúng, bằng giả thì cần phải công khai để từ đó có căn cứ xử lý nghiêm.
Cần rà soát lại bằng cấp của cán bộ công chức
Trao đổi với Lao Động, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông vừa chuyển đơn của công dân tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xác minh bằng cấp của một lãnh đạo cấp tỉnh.
Theo ông Nhưỡng, ông nhận được đơn tố giác của công dân tại tỉnh Hải Dương từ tháng 8.2017 về việc vị lãnh đạo cấp tỉnh sử dụng bằng của người khác. Căn cứ theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, ông đã chuyển đơn đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo ông Nhưỡng, mới đây ông nhận và chuyển đơn tố giác của công dân ở tỉnh Hải Dương “tố” một lãnh đạo tỉnh này “sử dụng bằng cấp trái pháp luật và đề bạt, không xử lý cán bộ khai man về bằng cấp” đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh: Tôi rất tán thành và ủng hộ ý kiến việc tổng rà soát lại vấn đề bổ nhiệm cán bộ ở các cấp, các ngành, lĩnh vực của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 mới đây.
Nhân đây tôi cũng đề xuất Trung ương nên thực hiện tổng rà soát lại việc sử dụng bằng cấp đối với cán bộ công chức có chức, có quyền. Trường hợp sử dụng bằng giả, khai báo không trung thực về bằng cấp phải xử lý thật nghiêm khắc, tránh kiểm điểm suông hoặc rút kinh nghiệm hình thức rồi điều chuyển, chỗ khác, thậm chí đặt vào vị trí quan trọng hơn như dư luận bức xúc.
Theo ông Nhưỡng, vừa qua, đã có nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo bị phát hiện sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không phù hợp hoặc không được công nhận. Việc sử dụng bằng cấp gian dối không chỉ diễn ra ở một địa phương mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, ngành, do vậy việc triển khai tổng rà soát là rất cần thiết.
Ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh: Nếu phát hiện sai phạm trong sử dụng bằng cấp của cán bộ công chức thì căn cứ vào quy định để xử lý. Phát hiện ra trường hợp cán bộ vi phạm trong sử dụng bằng cấp thì phải xem xét lại toàn bộ tư cách cán bộ và nếu vi phạm thì tùy theo mức độ để xử lý, nhẹ thì xử lý hành chính, thậm chí phải xử lý về mặt hình sự.
Còn đối với đảng viên, trước tiên phải xem xét về mặt trung thực, vì là đảng viên mà không gương mẫu, không trung thực trong sử dụng bằng cấp giả để “trèo cao”, thì không thể chấp nhận được. Cán bộ càng có chức vụ cao mà sử dụng bằng giả, càng phải xử lý nghiêm.
XUÂN HẢI

"Nhiều cán bộ sử dụng bằng còn kém hơn bằng của Bí thư Xuân Anh!"

authorĐBQH, TS Lê Thanh Vân Thứ Sáu, ngày 22/09/2017 13:30 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Viết riêng cho Dân Việt, ĐBQH, TS Lê Thanh Vân cho rằng, nếu tiến hành tổng rà soát bằng cấp của các cán bộ công chức, cơ quan chức năng có thể sẽ khui ra nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo sử dụng bằng cấp chất lượng còn thấp hơn so với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa kết luận.


   
 "nhieu can bo su dung bang con kem hon bang cua bi thu xuan anh!" hinh anh 1
ĐBQH, TS Lê Thanh Vân cho rằng còn nhiều cán bộ sử dụng bằng cấp không đúng quy định. (Ảnh: VPQH)
Sau vụ việc Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện bằng cấp của cán bộ. Nhân sự kiện này, ĐBQH, TS Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội có bài viết cho Dân Việt.
Chất vấn cả hai đời Bộ trưởng
"Gần đây nhất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi trả lời chất vấn của tôi, bên cạnh việc thừa nhận loại bằng này chưa được công nhận và cam kết sẽ chỉ đạo xử lý hậu quả, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng".
Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh vi phạm của Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, trong đó có vi phạm liên quan đến bằng cấp. Nói đến câu chuyện bằng cấp của lãnh đạo, lâu nay có nhiều vấn đề lùm xùm.
Có thể nói hiện tượng lãnh đạo chạy theo bằng cấp diễn ra khá phổ biến. Họ, bằng cách này cách khác, đã hợp thức hóa văn bằng của mình như: Không dự thi nhưng khai man, mua  bằng, học giả nhưng có bằng thật, hoặc đột lốt các mô hình đào tạo, đặc biệt là hình thức liên kết với một số cơ sở đào tạo nước ngoài để có bằng cấp...
Tôi vẫn đang theo đuổi một vấn đề mà cử tri đã phản ánh có liên quan đến bằng cấp. Tôi đã chất vấn qua 2 đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo ở 2 nhiệm kỳ gần đây về một loại giấy tờ được gọi là bằng Thạc sĩ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lời giải thỏa đáng.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi trả lời chất vấn của tôi, bên cạnh việc thừa nhận loại bằng này chưa được công nhận và cam kết sẽ chỉ đạo xử lý hậu quả, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Đó là việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong nước với Viện Quản trị kinh doanh Brussels, Vương quốc Bỉ những năm trước, để cho “ra lò” một loại giấy tờ gọi là bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Qua tìm hiểu cho thấy, hình thức đào tạo này không có đầu vào, mà cũng chẳng có đầu ra, nghĩa là chẳng hề có thi tuyển. Người học chỉ đăng ký, nộp tiền (hầu hết từ ngân sách) và trải qua 44 ngày gọi là “đào tạo” (tính trừ thời gian phiên dịch, có lẽ chỉ có 22 ngày tiếp nhận kiến thức) để rồi được cấp bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Nếu so sánh với thời gian đào tạo tiến sĩ ở Mỹ (từ 4-7 năm nghiên cứu, viết luận án), thời gian chưa đầy 2 năm để lấy bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh ở trường Southern California University for Professional Studies được coi là "siêu tốc" thì việc đào tạo để lấy bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh theo hình thức liên kết trên phải được gọi là “tốc độ ánh sáng”!
Vì vậy, theo tôi loại bằng này còn kém hơn cả bằng của ông Nguyễn Xuân Anh. Ấy vậy mà thực trạng tôi nắm được là nhiều cán bộ ở các ngành và địa phương đã và đang sử dụng loại giấy tờ này để khai vào lý lịch cán bộ, đảng viên, nhằm tạo bàn đạp về tiêu chuẩn học vấn, rồi chui sâu, leo cao...
 "nhieu can bo su dung bang con kem hon bang cua bi thu xuan anh!" hinh anh 2
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. (Ảnh: VNE)
Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành rà soát lại bằng cấp đã khai trong lý lịch của những cán bộ đã được bầu hoặc bổ nhiệm có sử dụng loại bằng cấp này, sẽ lộ diện chân dung những người mà lâu nay vẫn cao giọng rao giảng về đạo lý với thuộc cấp của mình.
Cần kiểm tra, rà soát quyết liệt
"Phải rà soát lại lý lịch cán bộ, đảng viên xem có sự man trá trong kê khai bằng cấp, tài sản hay không? Bên cạnh đó, cần kiểm tra lại quy trình giới thiệu ra ứng cử và bổ nhiệm xem đã bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch chưa? Có đúng với quy định của Đảng và Nhà nước không?"
Trong Nghị quyết T.Ư 4 và T.Ư 5 khóa XII đã đề cập đến vấn đề những cán bộ không đủ tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu công việc, vi phạm trong quá trình công tác thì sẽ bị thay ngay, mà không chờ đến hết nhiệm kỳ. Đó cũng chính là sự kế thừa quy định giản thái của cha ông ta.
Thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông thực hiện chế độ giản thái, nghĩa là hàng năm theo định lệ nhà vua cho bộ lại thực hiện viêc sát hạch quan viên, cả về năng lực và việc làm, nếu ai không đáp ứng sẽ bị sa thải.
Vấn đề chỉ là ở khâu thực hiện và tôi tin rằng, với sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ vào cuộc để xử lý mạnh mẽ vấn đề này như đã làm trong thời gian qua.
Để làm trong sạch bộ máy, bảo đảm uy tín, năng lực, trí tuệ, sức chiến đấu của Đảng và Nhà nước, rất cần triển khai một đợt tổng kiểm tra lại chất lượng cán bộ, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp.
Vừa rồi, nếu như Ủy ban Kiểm tra T.Ư không tiến hành làm rõ vụ việc ở Đà Nẵng thì sẽ không phát hiện Bí thư Đà Nẵng khai và sử dụng văn bằng không đúng quy định. Theo tôi, việc tổng kiểm tra lại chất lượng cán bộ cần tập trung vào những giải pháp sau đây:
Phải rà soát lại lý lịch cán bộ, đảng viên xem có sự man trá trong kê khai bằng cấp, tài sản hay không? Bên cạnh đó, cần kiểm tra lại quy trình giới thiệu ra ứng cử và bổ nhiệm xem đã bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch chưa? Có đúng với quy định của Đảng và Nhà nước không?
Có chỉ đạo ngầm, vận động, đe dọa, chi phối không? Có bè phái, bản vị, cục bộ địa phương không? Có trung thực không, hay man trá, gian lận, hoặc báo cáo sai với cấp trên về “quy trình” để trù dập, bức hại hiền tài, rồi đưa cánh hẩu và người nhà vào vị trí lãnh đạo, quản lý?
Phải kiểm tra lại chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua việc xem xét những đề xuất, khởi xướng các chủ trương, giải pháp thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật xem ở vị trí lãnh đạo, quản lý được giao đã tương xứng với năng lực và tầm nhìn trí tuệ chưa? Có bao nhiêu đề xuất là đúng, bao nhiêu đề xuất sai, đề xuất trục lợi theo nhóm lợi ích?
Năng lực lãnh đạo, quản lý của những người đảm nhận chức vụ ấy có thực sự vượt trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao không? Có thực sự là người khởi xướng, tạo cảm hứng để dẫn dắt cơ quan, đơn vị, địa phương đi đúng hướng phát triển hay không? Nếu người lãnh đạo, quản lý mà trình độ, năng lực, tầm nhìn thấp kém hơn cấp dưới, thì làm sao mà thu phục được cấp dưới, làm sao mà vận hành được bộ máy?
Bên cạnh đó, phải đánh giá sự thay đổi tích cực của cơ quan, đơn vị, địa phương xem từ ngày người ấy đảm nhận chức vụ có thay đổi gì không? Việc này được thể hiện ở những kết quả cụ thể mà cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được kể từ khi người ấy nắm giữ vai trò lãnh đạo, quản lý.
Phải trực tiếp kiểm tra nhận thức của những người đảm nhận vị trí lãnh đạo quản lý qua sự hiểu biết nhiều vấn đề thuộc tầm quản lý, lãnh đạo, nhất là tình hình chung về kinh tế-xã hội của cả nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị xem thế nào? Đây là phẩm chất cần có của người lãnh đạo, quản lý. Từ đó, đưa ra tình huống cụ thể xem người đó đề xuất giải pháp xử lý như thế nào? Qua đó sẽ thấy được năng lực thực tiễn.
Đã là lãnh đạo, quản lý thì phải “kinh luân đầy bụng, sách lược hơn người” chứ! Cứ vỗ ngực, ngạo mạn cho rằng hơn người về thủ đoạn chui sâu, leo cao thì sao có thể gọi là tài năng?
Và cuối cùng, theo tôi phải kiểm tra xem tính tiền phong gương mẫu của người đó thế nào? Từ khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương, có phải là hạt nhân lãnh đạo thực sự không? Có thực sự là trung tâm đoàn kết không? Tác phong có gần gũi với anh em, đồng chí không? Phong cách lãnh đạo có dân chủ không? Có biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới không? Gia đình, vợ con có gương mẫu không? Có quan tâm đến tâm tư, tình cảm và những khó khăn của cấp dưới không? Quan hệ với bà con nơi cư trú ra sao?...
Làm được những điều đó tôi nghĩ sẽ loại được không ít cán bộ yếu kém cả về năng lực, phẩm chất và đạo đức, lối sống. Có như vậy mới củng cố được bộ máy, xác định đúng chất lượng cán bộ, lấy lại sức mạnh của Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 11.2016)Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời ĐBQH Lê Thanh Vân liên quan đến việc Viện Quản trị kinh doanh Brussels, Vương quốc Bỉ liên kết đào tạo thạc sĩ ở Việt Nam,:
"Báo cáo đại biểu Vân và các đại biểu, đây là một trong những vấn đề chúng tôi đang rà soát vấn đề liên kết bằng cấp. Thời gian vừa qua, đặc biệt là 5 năm về trước thì liên kết đào tạo rất mạnh, trong đó rất nhiều những kết quả nhưng đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý chất lượng. Chúng tôi đã yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo và họ báo cáo đang làm việc với Viện Brussels của Bỉ và một trường ĐH của Anh trong việc công nhận tốt nghiệp. Chúng tôi cam kết sẽ trả lời đại biểu trong thời gian ngắn nhất bởi vì có liên quan đến xác minh trong vấn đề bằng cấp liên quan đến nước ngoài".
Trả lời của Bộ GDĐT cho ĐBQH Lê Thanh Vân vào tháng 2.2016:
"…Tại thời điểm hiện tại, trên trang mạng của Viện Quản trị kinh doanh Brussels, Vương quốc Bỉ (UBI) cho thấy, UBI không có thẩm quyền cấp văn bằng đại học, thạc sĩ, thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ quản trị kinh doanh điều hành và tiến sĩ. UBI được phép đào tạo các chương trình này và do trường Đại học Middlesex London, Vương quốc Anh chịu trách nhiệm cấp bằng. Chương trình liên kết đào tạo của Khoa Sau đại học được Đại học Quốc gia Hà Nội cấp phép từ tháng 9.2002 và dừng tuyển sinh từ tháng 5.2011.
Bộ GDĐT đã yêu cầu Đại học Quốc gia Hn cung cấp các cơ sở pháp lý liên quan đến thẩm quyền văn bằng của UBI trong thời gian trên. Tuy nhiên, đến nay Đại học Quốc gia Hà Nội chưa cung cấp thông tin. Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ cơ sở để công nhận văn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh do UBI cấp".
Lương Kết (tổng hợp)
(*) Tít chính và các tít phụ trong bài do Dân Việt đặt

Không có nhận xét nào: