Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

1.700 tỷ dán tem bia để chống thất thu thuế 2.100 - 3.000 tỷ mỗi năm; Chi hơn 17.000 tỷ đồng nhập phân bón, thuốc trừ sâu từ Trung Quốc

Đề án của Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp tổng thể cho việc dán tem bia...

1.700 tỷ dán tem bia để chống thất thu thuế 2.100 - 3.000 tỷ mỗi năm
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá thành mỗi sản phẩm tem giấy chưa bao gồm thuế VAT là 179 đồng. Giá này đã bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, vận hành, phần mềm quản lý, khấu hao thiết bị đầu tư, chi phí vật liệu chính, vật liệu tiêu thụ… Với mỗi tem bia in phun trực tiếp lên bia lon, chi phí là 145,44 đồng, chưa bao gồm VAT.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về nội dung đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối vối sản xuất và kinh doanh bia, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Thất thu thuế từ bia 2.100 - 3.000 tỷ đồng/năm

Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất bia ở Việt Nam đã trở thành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp 2,7% cho ngân sách Nhà nước hàng năm.

Nhiều cơ sở sản xuất mới được xây dựng, công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu, phong phú về chủng loại, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, thị trường bia Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước, như thiếu thông tin chính xác về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp liên kết với quy mô lớn, tình trạng nhập lậu, bia giả, gian lận thương mại, thất thu thuế…

“Tuy không có số liệu chính xác, nhưng theo tính toán của các chuyên gia, thì chênh lệch giữa sản lượng bia khai báo nộp thuế với sản lượng thực tế lên tới 7-10%. Nếu tạm tính theo tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2016 từ sản phẩm bia là 30.000 tỷ đồng thì số tiền thất thu thuế từ 2.100 - 3.000 tỷ đồng”, Bộ Công Thương tính toán.

Bộ cũng khẳng định thời gian tới Nhà nước sẽ thoái hết vốn tại hai doanh nghiệp lớn ngành bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Khi đó, nếu không kiểm soát được quy mô, sản lượng sản xuất…, sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thu ngân sách.

Theo thống kê, năm 2016, các nhà máy bia trên cả nước đã sản xuất 3,78 tỷ lít/năm, mức tiêu dùng bia bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 34,3 lít/người/năm. đứng vị trí số 52 trên thế giới.

Tuy nhiên, sản xuất bia trong những năm gần đây đã có dấu hiệu đi xuống, tốc độ tăng trưởng từ 12%/năm của giai đoạn 2005 - 2010 đã xuống còn 7,5%/năm vào giai đoạn 2011 - 2015.

Để giải quyết tình trạng thất thu thuế, đề án của Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp tổng thể cho việc dán tem bia. Theo đó, sẽ có hai hình thức là tem bia bằng giấy dán dùng cho các loại bia chai, bia thùng, bia keg, bia nhập khẩu và in phun nhãn bia dùng cho sản phẩm bia lon. Thời gian thực hiện đề án trong 10 năm.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá thành mỗi sản phẩm tem giấy chưa bao gồm thuế VAT là 179 đồng. Giá này đã bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, vận hành, phần mềm quản lý, khấu hao thiết bị đầu tư, chi phí vật liệu chính, vật liệu tiêu thụ…

Với mỗi tem bia in phun trực tiếp lên bia lon, chi phí là 145,44 đồng, chưa bao gồm VAT.

Chi phí tem bia này sẽ được tính là chi phí hợp lý, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và loại trừ khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cân nhắc giữa chi phí và lợi ích

Về ý kiến lo ngại việc dán tem có thể ảnh hưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp bia, Bộ Công Thương cho rằng bia không phải mặt hàng hạn chế sản xuất và kinh doanh, tuy nhiên đây là mặt hàng được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Về bản chất, chi phí này sẽ do người tiêu dùng chi trả, nên doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu chỉ là đơn vị thu hộ.


Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp bia vẫn tỏ ra băn khoăn về việc dán tem.

Chẳng hạn, các máy dán tem hiện nay có công suất chỉ khoảng 40.000 sản phẩm/giờ so với các thiết bị đang sản xuất bia lên tới 120.000 sản phẩm/giờ. Do đó, việc dán tem sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động của các nhà máy bia.

Về mặt tài chính, có doanh nghiệp bia lo ngại chi phí dán tem bia không đáng so với lợi ích thu về, làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp.

“Đề án có ngăn chặn được việc sản xuất tem giả hay không? Vì tem thường dễ bị làm giả, làm nhái. Thay vì phải làm giả nhiều khâu như mẫu chai, nhãn và nắm chai bia, việc làm giả cũng như hợp thức hoá bia lậu sẽ dễ dàng hơn do chỉ cần tập trung làm tem giả”, đại diện một doanh nghiệp bia nói.

Về mặt tài chính, Bộ Công Thương cho biết, số tiền chi phí dán tem bia hàng năm mất khoảng 1.700 tỷ đồng, trong khi việc triển khai đề án sẽ giúp tăng thu ngân sách Nhà nước hàng năm đối với các sản phẩm bia nhập lậu hoặc sản xuất gia công từ 7-10%, tương ứng từ 2.100 - 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Công Thương đã thực hiện dán tem thuốc lá và rượu. Theo thống kê, việc dán tem đã giúp thu ngân sách Nhà nước tăng 10% so với trước khi dán tem, chống hàng giả. Ngay trong năm đầu tiên triển khai biện pháp dán tem thuốc lá và rượu, ngân sách đã tăng thêm 500 tỷ đồng tiền thuế, trong khi chi phí in tem năm 2015 là 120 tỷ đồng.

Chi hơn 17.000 tỷ đồng nhập phân bón, thuốc trừ sâu từ Trung Quốc

9 tháng qua, Việt Nam chi 1,694 tỷ USD nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu, trong đó gần một nửa đến từ Trung Quốc...

Chi hơn 17.000 tỷ đồng nhập phân bón, thuốc trừ sâu từ Trung Quốc

KIỀU LINH
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu đạt 1,694 tỷ USD, trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Cụ thể, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 3,57 triệu tấn với trị giá 955 triệu USD, tăng 19,7% về khối lượng và tăng 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong đó, nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu trong 8 tháng đầu năm 2017 đến từ Trung Quốc, chiếm tới 39,3% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này, tương đương với 375 triệu USD, tăng hơn 9,8% về khối lượng và tăng 15,5% giá trị so với cùng kỳ năm 2016. 

Giá trị nhập khẩu phân bón trong 8 tháng đầu năm 2017 cũng tăng ở hầu hết các thị trường chính, ví dụ như thị trường Nga (tăng 75,5%), tiếp đến là thị trường Nhật Bản (tăng 48,2%), Hàn Quốc (tăng 26,7%), Belarus (tăng 19,7%), Lào (tăng 15,9%).

Đối với thuốc trừ sâu và nguyên liệu, ước giá trị nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 739 triệu USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong đó, nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 8 tháng đầu năm 2017 từ Trung Quốc chiếm tới 54,2% tổng giá trị của mặt hàng này, tương đương 401 triệu USD.

Như vậy, trong 9 tháng năm 2017, cả nước chi 776 triệu USD, tương đương 17.000 tỷ đồng nhập khẩu thuốc trừ sâu và phân bón từ Trung Quốc.

Giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu cũng tăng ở hầu hết các thị trường. Trong đó, ba thị trường có giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng mạnh nhất là thị trường Thái Lan (tăng 91,9%), tiếp đến là thị trường Trung Quốc (tăng 60,7%), và thị trường Ấn Độ (tăng 48%) so với cùng kỳ năm 2016.


Nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu tăng mạnh khiến tổng kim ngạch nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 21,15 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn trong 9 tháng qua dẫn đến ngành nông nghiệp có thặng dư thương mại lớn, đạt gần 6 tỷ USD.

Theo báo cáo này, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt gần 27 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016. 

Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn trong 9 tháng đầu năm như gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng gần 20% về giá trị; cao su đạt 1,66 tỷ USD, tăng 52,7%; hạt điều đạt 2,55 tỷ USD tăng 25%.
( VnEconomy)

Không có nhận xét nào: