Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Lê Duẩn, người đẩy Việt Nam đến chiến tranh với Trung Quốc và Campuchia

Rõ ràng Việt Nam (CS) không thể chấp thuận lời giải thích đó. Trong khi Pol Pot có Ieng Sary, phó bí thư đảng, Nuon Chea và một số viên chức khác tháp tùng tới Hà Nội vào ngày 12 tháng Sáu, trong một cuộc “viếng thăm anh em” thì Việt Nam (CS) đã chiếm đóng doanh trại quân đội Campuchia trên đảo Wai và cắm cờ trên đảo này. Ngày 14 tháng 6, tờ New York Times trích dẫn một nguồn tin tình báo Mỹ cho hay rằng Việt Nam (CS) đã chiếm đảo này. Tuy nhiên việc phái đoàn Campuchia tới Hà Nội vào thời điểm trớ trêu ấy vẫn còn che dấu mãi đến ba năm sau.

Hồ Chí Minh và Lê Duẩn. Ảnh: Internet
Vài năm sau, Ieng Sary nói với tôi rằng trong suốt cuộc viếng thăm, phía Campuchia cố gắng một cách vô vọng đưa vấn đề biên giới ra thảo luận với Việt Nam (CS). Ông ta nói rằng người Campuchia muốn đạt tới những điểm căn bản trong bản tuyên bố năm 1967 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (DRV- Bắc Việt – ngd) công nhận biên giới hiện tại của Campuchia. Nhưng Việt Nam (CS) từ chối thảo luận vấn đề này. Sau này, theo phía Việt Nam, dù Campuchia muốn ký một thỏa hiệp thân hữu nhằm bảo vệ các vấn đề thương mại, tài phán, phân định ranh giới, họ cũng không yêu cầu thực hiện tức khắc việc thảo luận biên giới. Ý tưởng đưa ra một thỏa ước hữu nghị là từ phía Campuchia nhằm dàn hòa với Việt Nam, trên hình thức chấp thuận biên giới Campuchia hiện thời. Vấn đề này chẳng bao giờ được nêu ra nữa.   Ngày 2 tháng Tám, Lê Duẩn, tổng bí thư đảng CS Việt Nam, ủy viên bộ chính trị Phạm Hùng, Xuân Thủy, nhân vật tham gia hòa đàm Paris đến Phnom Pênh trong một chuyến viếng thăm ngắn. Đã cho Campuchia nếm mùi quân sự, bây giờ, các nhà lãnh đạo Việt Nam tỏ ra uyển chuyển hơn. Lê Duẩn, 67 tuổi, người cao lớn, trông có vẻ ảm đạm, thành viên nguyên thủy của đảng CS Đông Dương. Trước khi nắm chức bí thư đảng CS Việt Nam, ông ta đã bị tù khoảng 10 năm và một số năm lãnh đạo cách mạng Miền Nam VN. Tuy nhiên, không giống Phạm Hùng, một người miền Nam trông có vẽ oai vệ, có một thời gian dài lãnh đạo CS Miền Nam VN và vẫn còn giữ mối quan hệ với các lãnh tụ Khmer Đỏ. Đây là lần đầu tiên Duẫn đến Campuchia. Mục đích của chuyến đi này rõ ràng không phải là để du lịch. Khách Việt Nam không được mời ra khỏi Phnom Pênh đã trở thành một thành phố ma sau việc tàn bạo xua đuổi dân chúng hồi tháng Tư.

Theo lời yêu cầu của Khmer Đỏ, các bản tường trình về cuộc viếng thăm bị cắt giảm đến mức tối thiểu. Mặc dù sự tiếp đón không được nồng ấm, Duẫn vẫn là người muốn hòa giải. Ông ta thừa nhận rằng đảo Wai quả thật là lãnh thổ của Campuchia và hứa trả lại sớm. Một bản thông cáo chung được ký kết, cam kết giải quyết những dị biệt trong hòa bình, không dùng sự trừng phạt. Không có tiệc tùng hay diễn văn. Chỉ có một bản tường trình ngắn gọn được phổ biến trên cả hai đài phát thanh Hà Nội và Phnom Pênh vào ngày 3 tháng Tám cho hay rằng “Những cuộc thương thảo chân thật đã thực hiện giữa hai phái đoàn Việt Nam và Campuchia trong bầu không khí thân hữu vì quyền lợi chung, có quan điểm thống nhất về mọi vấn đề đưa ra.”   Dù thành thực hay giả vờ, không khí cũng có cải thiện dễ dàng khi đảo Wai được trả lại cho Campuchia. Ngày 10 tháng Tám, Nguyễn Văn Linh gặp Nuon Chia, một trong những người lãnh đạo hàng đầu của Khmer Đỏ, báo cho ông nầy biết rằng quân đội Việt Nam (CS) đã rút lui khỏi đảo. Nuon Chia cám ơn về quyết định đó và nói rằng tất cả đều do “ngộ nhận về ranh giới giữa hai nước”.

Thực ra, họ quá biết vấn đề biên giới và sự căng thẳng giữa hai phía đã tạo ra những cuộc xung đột đẫm máu sau khi họ chiến thắng phe tư bản. Chẳng bên nào muốn có chiến tranh. Đặc biệt, phía Việt Nam thì lo lắng không muốn dân chúng biết cuộc xung đột. Trong khi cố gắng giải quyết vấn đề bằng võ lực cũng như bằng ngoại giao, Hà Nội quyết định duy trì một bộ mặt đoàn kết chiến đấu với Campuchia. Hồi tháng Bảy, sau khi tôi ở thành phố “Saigon giải phóng” được hai tháng, bay ra Hà Nội trên đường rời Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn Hoàng Tùng, biên tập tờ nhật báo “Nhân Dân” của đảng CSVN, tôi có hỏi ông về tình hình quan hệ với Campuchia, ông ta trả lời một cách nhanh nhãu là “bình thường”. Ngưng một chút, ông ta nói thêm “Nhìn chung là bình thường”. Ông ta phủ nhận tin tức báo chí Tây phương cho rằng có xung đột ở những hòn đảo trong vịnh Thái Lan. Vào lúc tôi nói chuyện với Tùng trong văn phòng ánh điện mờ mờ, trông xuống hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội thì hàng ngàn người Việt Nam, đàn ông, đàn bà, trẻ con bị đuổi ra khỏi lãnh thổ Campuchia, đưa xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long của Miền Nam Việt Nam.

Sau khi qua biên giới, họ được quân đội Việt Nam (CS) đưa vào các trại tỵ nạn dựng tạm. Hàng trăm người Campuchia gốc Việt Nam và Trung Hoa vào trú tại một ngôi chùa ở Chợ Lớn. Phái viên hãng AP của Pháp tại Saigon, Charles Antoine De Nerciat nghĩ rằng ông ta đã vớ được một tin giựt gân nhỏ khi ông nhận ra những người tỵ nạn nầy là từ nước Campuchia cách mạng anh em đến trú ẩn tại thành phố Saigon đã “giải phóng”. Tuy nhiên, nhờ vào sự nghiêm nhặt của các tay kiểm duyệt Việt Nam (CS), bản tin ngày 12 tháng Sáu của ông chẳng bao giờ được chuyển đi. Trong một sự trùng hợp khá buồn cười, ông ta viết câu chuyện này vào ngày Pol Pot tới Hà Nội thực hiện chuyến viếng thăm không được công bố. Dù rằng các tay kiểm duyệt có biết chuyến viếng thăm ấy hay không, người Việt Nam (CS) cũng chẳng được lợi ích gì khi cho một nhà báo tư sản nhắc lại câu chuyện thê thảm của những người tỵ nạn và như thế, làm cho mối quan hệ với Campuchia thêm phức tạp. Mãi đến năm 1978, câu chuyện đó mới được rõ ra. Trong chuyến viếng thăm các tỉnh biên giới Việt Nam hồi tháng 3 năm 1978, tôi được biết làm thế nào, trong suốt 5 tháng đầu sau khi “giải phóng” Phnom Pênh, hơn 150 ngàn người Việt Nam khốn khổ lũ lượt chạy về Đồng Tháp, An Giang và Tây Ninh. Người Việt Nam thì được phép định cư tại chỗ, những người Hoa, người gốc Khmer thì buộc phải trở lại Campuchia.

Việt Nam (CS) muốn Campuchia biết rằng họ có một người bạn có đủ sức mạnh. Sau Hà Nội, nơi Pol Pot dừng chân kế tiếp trong chuyến viếng thăm bí mật của ông ta là Bắc Kinh. Ngày 21 tháng Tám, Pol Pot được vị anh hùng, người thầy lý tưởng của Pol Pot tiếp kiến: Mao – “Anh đã thực hiện được một cú đánh tuyệt hay còn chúng tôi thì đông như thế này mà đành thua.” Mao nói với người đệ tử sáng láng của ông. Khi Mao nói câu này thì hàng trăm ngàn người dân Campuchia bị đuổi ra khỏi các thành phố về các miền hoang dã ở thôn quê sống cuộc đời nông nô.   Mao hoàn toàn chấp thuận chương trình cách mạng của Pol Pot ở Campuchia và sách lược của Pol Pot độc lập với Việt Nam. Cuộc họp này cũng được dấu kín cho tới hai năm sau, khi Pol Pot lột bỏ cái áo ngụy trang vô danh, công khai trở thành tổng bí thư đảng Cộng Sản Campuchia. Dĩ nhiên, phía Việt Nam họ hiểu một cách sâu sắc những lời ca ngợi của Mao đối với Campuchia. Năm 1975, Mao đã khuyên các nhà lãnh đạo (CS) Việt Nam “phải học tập ở Campuchia cách làm thế nào để thực thi cách mạng.”

Tình hữu nghị giữa Trung Hoa của Mao và Campuchia đặt căn bản trên lý thuyết và, quan trọng hơn, đồng nhất về quyền lợi. Nhóm Pol Pot không những chỉ vô cùng ngưỡng mộ tư tưởng Mao về đấu tranh giai cấp và cách mạng không ngừng, họ còn chia xẻ với Trung Hoa về mối sợ hãi và ghê tởm Liên Xô. Chống lại Việt Nam âm mưu cai trị toàn cõi Đông Dương là mối quan tâm hàng đầu của nhóm Pol Pot, vì vậy, một cách tự nhiên, họ quay về phía Trung Hoa, một liên minh chính yếu trong truyền thống chiến lược, nhằm ngăn ngừa một sức mạnh trỗi dậy ở biên giới phía Nam.   Chẳng có gì ngạc nhiên, tháng Tám năm 1975, Chu Ân Lai, lúc ấy tình hình sức khỏe rất suy yếu, không còn sống bao lâu, giải thích với Lê Thanh Nghị, người đứng đầu ban Kế Hoạch của Hà Nội, là Bắc Kinh không có khả năng giúp đỡ Việt Nam. Trong khi đó, Bắc Kinh lại nồng nhiệt hoan hô phó thủ tướng Campuchia Khiêu Samphan và Ieng Sary, hứa viện trợ một tỉ đồng cho một chương trình 5 năm. Khoảng 20 triệu trong số tiền này đã được tháo khoán.

Trong khi chuyến viếng thăm của Khiêu Samphan và Ieng Sary thành công vẻ vang, được viện trợ kinh tế, được bày tỏ một cách công khai Trung Hoa hoàn toàn ủng hộ Campuchia thì những cuộc thảo luận bí mật về viện trợ vũ khí đã bắt đầu từ hồi tháng Sáu, khi Pol Pot lặng lẽ đến Trung Hoa. Trong tháng Tám và tháng Mười, các nhóm chuyên viên từ bộ quốc phòng Trung Hoa thực hiện một cuộc thanh sát ở Campuchia để tìm hiểu nhu cầu quân sự, và, ngày 12 tháng Mười, họ trình một bản soạn thảo kế hoạch quân sự cho Phnom Penh để xin chấp thuận.   Ngày 6 tháng Hai năm 1976, ngày tòa đại sứ Trung Hoa ở Hà Nội đưa ra lời than phiền chính thức đầu tiên việc bắt buộc nhóm thiểu số người Hoa ở Nam Việt Nam nhập quốc tịch, một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Hoa thăm Phnom Pênh để kết thúc thỏa ước viện trợ quân sự. Wang Shangrong, phó Tổng tham mưu quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), nói với bộ trưởng quốc phòng Campuchia Son Sen, quyết định của Trung Hoa về việc cung cấp bộ phận rời cho pháo binh, thuyền tuần phòng, và trang bị phòng không, trên căn bản ưu tiên. Tổng cộng có 500 cố vấn Trung Hoa huấn luyện cho quân đội Campuchia xử dụng các loại trang bị này. Wang cũng đưa ra một danh sách về các loại vũ khí sẽ được cung cấp cho Campuchia trong các năm 1977, 1978. Ngày 2 tháng Mười, một thỏa ước viện trợ quân sự cho Campuchia không phải bồi hoàn được ký kết giữa Wang và Son Sen.   Trong khi việc hợp tác quân sự được giữ hoàn toàn bí mật để khỏi làm cho Thái Lan và Việt Nam lo ngại, hoạt động chính của Trung Hoa tuồng như nhằm giúp đỡ ước muốn chính đáng của Campuchia là chuyển hóa quân đội của họ từ lực lượng du kích thành một đội quân thường trực, trang bị võ khí mới đủ sức phòng vệ đất nước.

Mặc dù Bắc Kinh không nghi ngờ gì về sự mong muốn lấy lại cán cân mất thăng bằng nghiêm trọng giữa lực lượng Campuchia thiếu thốn và lực lượng quân sự Việt Nam to lớn, bộ máy quân sự trang bị hoàn hảo, lại thừa hưởng một số lượng võ khí trị giá 5 tỉ đôla từ quân đội Miền Nam VN trước đây, họ cũng chẳng có ý hay mong muốn đẩy quân Khmer Đỏ tiến lên đối đầu với quân đội Việt Nam (CS). Trung Hoa của Mao chỉ muốn Campuchia đủ mạnh để không bị Việt Nam bắt nạt mà thôi.   Viện trợ vũ khí của Trung Hoa cho Campuchia được dấu kín, tuy nhiên tin tức về các viện trợ khác của Trung Hoa cho Campuchia thì quảng bá ồn ào. Ngày 17 tháng Tư/ 1976, Bắc Kinh tổ chức một cách rầm rộ lễ kỷ niệm một năm “giải phóng” Campuchia. Trong điện văn gởi Pol Pot nhân dịp này, Mao, Chu Đức (Zhu De) và Hoa Quốc Phong ca ngợi Pol Pot đã bảo vệ hoàn toàn nền độc lập, quyền cai trị tối thượng, toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, tạo nên “sự thay đổi cách mạng sâu sắc nhất”. Tuy không nói rõ ra nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa, lời cảnh cáo đó cũng không bỏ quên vai trò Hà Nội. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa trấn an Pol Pot rằng nhân dân Trung Hoa sẽ cùng “vai kề vai tiến lên phía trước” với nhân dân Campuchia.   Hồi mùa Xuân năm 1976, Campuchia trở thành yếu tố chính trong sự căng thẳng giữa Trung Hoa và Việt Nam, tuy nhiên mối quan hệ đang suy thoái dần bắt đầu từ những năm trước. Từ khi Hà Nội chiến thắng ở Miền Nam, sự mâu thuẫn đặc biệt từ hai phía đã gia tăng vì khác biệt về chính trị và chiến lược.
Quan hệ Quốc tế

Huỳnh Tấn Bửu
Quan hệ Quốc tế

Xem thêm:


>

>

>


Không có nhận xét nào: