Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

MỐI QUAN HỆ “BẰNG MẶT KHÔNG BẰNG LÒNG” GIỮA TRƯỜNG CHINH-LÊ DUẨN VÀ HỒ CHÍ MINH…( Phần cuối)

Phạm Viết Đào.

Trường Chinh nhận chiếc ghế TBT sau khi Lê Duẩn qua đời 7/1986; đó là giai đoạn đất nước đang ở vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng; Sự khủng hoảng này bắt nguồn từ cả hệ thống phe XHCN…
“Cuộc chiến tranh giữa các vì sao” do Mỹ phát động thực chất là một cuộc chạy đua vũ trang nhằm mục đích để trên bàn ăn của người dân Liên Xô chỉ còn bánh mỳ…Mỹ đã thành công với chiến lược đó.
Trong 2 năm 1984 và 1988 người viêt bài này có dịp đi công tác sang Liên Xô, hồi đó cán bộ Việt Nam sang Liên Xô thường tranh thủ mang theo quần bò, áo phông Thái, son Thái, đồng hồ điện từ Hồng Kông  theo một định lượng được hải quan 2 nước chấp thuận; mang quá sẽ bị thu…Chúng tôi mang hàng Việt Nam và mua hàng Liên Xô về bán ăn chênh lệch giá. Tôi đã chứng kiến cảnh chạy đôn chạy đáo cả ngày đêm để mua hàng về mà không mua được vì các bách hóa ở Maxcova cũng sạch bong trừ bàn ghế và người…
Từ năm 1978-1988 là giai đoạn nhiều vùng quê Việt Nam người dân rơi vào thảm cảnh sống lay lắt, mấp mé bên bờ của sự chết đói. Giai đoạn đó tôi đã về thực tế đi theo một đội chiếu bóng ở Tĩnh Gia Thanh Hóa để viết bài chuẩn bị tuyên dương đội chiếu bóng này là 1 đơn vị anh hùng trong chiến tranh. Đơn vị có nhiều sáng kiến vượt qua bom đạn của không quân Mỹ duy trì hoạt động chiếu bóng lưu động trong giai đoạn trước 1975. Tôi đã chứng kiến có nhiều gia đình ở Tĩnh Gia Thanh hóa, 5-6 tháng trời không biết đến hạt cơm là gì. Ăn sắn nhiều thỉnh thoảng bị say, say xong thoát chết lại ăn sắn tiếp vì trong nhà không còn gì…
Cán bộ công chức nhà nước giai đoạn lương chỉ đủ nuôi sống bản thân độ 10 ngày mặc dù có tem phiếu gạo thường được mua ½ định lượng còn kem các thứ lương thực khác. Đây là giai đoạn xuất hiện lời chế bài hát của Nguyễn Đức Toàn: Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay; Chưa có bao giờ phải ăn khoai tây; Những đôi tình nhân phải ăn mì nước…
Ở miền nam thì làn sóng người vượt biên công khai và ồ ạt lên tới hàng chục vạn người…
Hiện một số ý kiến cho rằng: Trường Chinh là “kiến trúc sư” của công cuộc đổi mới chuyển đất nước, nền kinh tế từ tập trung quan liêu sang thị trường tự đo. Nhận định này là không chính xác. Nhận định này khác nào cho rằng: Tổng thống Dương Văn Minh là “kiến trúc sư” của ngày tiếp quản, bán giao Sài Gòn chuyển sang chế độ mới…
Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải yêu cầu binh lính quân đội Việt Nam cộng hòa hạ vũ khí để bàn giao chính quyền là tình thế không thể làm khác. Nếu lúc đó TT Dương Văn Minh không tuyên bố như vậy, kêu gọi tiếp tục tử thủ thì sẽ có thêm vài ngàn binh sĩ của cả 2 phía thiệt mạng vô ích…
Khi TBT Trường Chinh chấp nhận đưa vào các nghị quyết của Đại hội VI, bật đèn xanh cho việc “ đằng sau quay” của cả một thể chế không thể được đánh giá như là một sáng tạo gì ghê gớm…Công trạng của TBT Trường Chinh không khác mấy công trạng của TT Dương Văn Minh, cứu được vài ngàn nhân mạng khỏi bị hy sinh vô nghĩa.
Trước Đại hội VI năm 1986, nhiều địa phương đã xé rào, bất tuân trung ương: ngoài bắc có Hải Phòng, Nam Định; Trong nam có Tp sài Gòn và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù trước đó Kim Ngọc đã đem bài học nuôi bò của nông dân Romania mà ông tiếp nhận được trong một lần qua thăm nước này; Kim Ngọc đã đem về áp dụng cho nông dân Vĩnh Phúc dưới hình thức “ khoán hộ” và ông đã bị Trường Chinh nghiêm trị cho thôi chức…
Trường Chinh được coi là nhà lý luận marxit số 1 của Việt Nam, bây giờ ông buộc phải buông súng đầu hàng kéo cờ trắng để đằng sau quay, coi như những cơ sở lý luận mà cả đời ông theo đuổi, tôn thờ, chiến đấu, chấp nhận hy sinh chỉ là viển vông...
Trường Chinh buộc phải chấp nhận cài số lùi để rồi xóa bỏ cái thể chế tập trung quan lieu, cái cơ chế một nhóm người nắm trong tay vận mệnh của cả dân tộc từ mớ rau, con cá, hạt gạo đến tư tưởng, tri thức…
Trường Chinh người được coi là nhà lý luận số 1, người có chữ số 1 sau Hồ chí Minh cuối đời cũng ngộ ra là mình đã đưa cả dân tộc lạc đường; duy trì một cái mô hình quản trị xã hội dẫn đưa dân tộc vào thảm họa chết chóc…
Sở dĩ, trước đó, trong suốt chiến tranh nhà Việt Nam vẫn tồn tại là do sự giúp đỡ viện trợ từ khí tài, đạn dược thực phẩm, bánh mỳ, lúa gạo…của cả hệ thống XHCN. Gần đây, qua thông tin mạng thì Trung Quốc ngửa bài là đã viện trợ cho Việt Nam 20 tỷ USD.
Còn theo WikiPedia thì hệ thống các nước XHCN đã viện trợ cho Việt Nam 7 tỷ USD về vũ khí…Xin nhớ đấy là số tỷ USD của những năm 60-70 có giá gấp vài chục lần hiện tại.
Còn phía Mỹ có con số cho thấy Mỹ bỏ trực tiếp cho cuộc chiến cũng khoảng trên 200 tỷ USD…
Sở dĩ lớp thanh niên đầu thế kỷ XX như Trường Chinh phần lớn đều là con em của những gia đình có truyền thống nho học. Họ đều bị chi phối ám ảnh, phơi nhiễm bới chủ nghĩa CS nguyên thủy Tàu.
Họ bị huyễn hoặc cái bình đẳng, công bằng thái bình xã hội CS nguyên thủy thời Nghiêu Thuấn: Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, Thuấn nhường ngôi cho Vũ… không có chuyện tranh quyền đoạt bá, vua cũng cày lấy ruộng mà ăn.
Lễ tịch điền từ thời Tiền Lê, vua cũng xuống ruộng đi cày được phục dưng là một biểu hiện phơi nhiễm của chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy Tàu thời Nghiêu-Thuấn…
Lý tưởng, ước vọng xây dựng một cái xã hội Nghiêu-Thuấn của lớp thanh niên như Trường Chinh; Lý tưởng đó thôi thúc họ quyết chiến đấu, hy sinh bằng sức mạnh bạo lực của số đông, xây bằng được cái đế chế này  trên phạm vi toàn thế giới được thể hiện trong 1 bài thơ của Tố Hữu:
Ông đã nghe ai nói 
Có một xứ mênh mông
 
Nửa tây và nửa đông
 
Mạnh giầu riêng một cõi ?
 

Nơi không vua, không quan
 
Không hạng người ô uế
 
Không hạng người nô lệ
 
Sống đau xót, lầm than.
 

Nơi tiêu diệt lòng tham
 
Không riêng ai của cải
 
Hàng triệu người thân ái
 
Cùng chung sức nhau làm
 

Để cùng nhau vui sướng
 
Ai già nua tật nguyền
 
Thì cứ việc ngồi yên
 
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng".
 

Lão ngơ ngác nhìn tôi
 
Rối rít: "Ồ hay nhỉ!
 
Ai già nua được nghỉ
 
Cũng no ấm trọn đời ?
 

Ai cũng có nhà cửa
 
Cũng sung sướng bằng nhau ?
 
Đã không ai đè đầu
 
Làm chi có đầy tớ ?
 

Cậu bảo: Cũng không xa ?
 
- Nước Nga ?
 
- Ờ nước ấy".
 
Và há mồm khoan khoái
 
Lão ngồi mơ nước Nga...
( Tố Hữu-Lão đấy tớ-1934 )
Tóm lại thế hệ cách mạng của Trường Chinh, Tố Hữu bị ảnh hưởng, phơi nhiễm chủ nghĩa CS, qua huyền thoại Nghiêu-Thuấn của Tàu chứ không phải qua các tác phẩm kinh điển của các nhà marxit râu dài…
Bản thân ông Hồ Chí Minh cũng bị huyễn hoặc bởi cái đế chế Nghiêu Thuấn cải biên này; Điều này bộc lộ trong di chúc đoạn viết về chủ nghĩa CS:
VỀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN THẾ GIỚI - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.
Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại…”
Ông Hồ Chí Minh cho đến những giây phút cuối đời vẫn tin rằng phong trào CS sẽ tiếp tục là một thực thể chính trị tiếp tục chi phối thế giới; Điều mà ông Hồ tiên liệu đó đã được trả lời bằng sự sụp đổ của hàng loạt nước XHCN Đông Âu đứng đầu là Liên Xô từ năm 1989, sau 20 năm…Mặc dù ông Hồ được cho là tiên tri đúng nhiều thứ riêng về phong trào CS thì ông tiên tri sai…
Hiện tại Nga và Trung Quốc có những liên minh bắt tay nhau; liên minh này xuất phát từ lợi ích của họ chứ không vì lợi ích sống còn của phong trào CS quốc tế như ông Hồ vẫn mơ cho tới lúc qua đời…
Bản thân Trường Chinh tham gia cách mạng không phải với kiến thức kinh bang tế thế, mặc dù thời thanh niên ông theo học trường Thương Mại mà ông tham gia với sĩ khí của một nhà nho:
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền
( Thơ Sóng Hồng )
Thế mà tới 1985-1986 thì Trường Chinh giống như Dương Văn Minh kéo cờ trắng tuyên bố buông súng đầu hàng, chấp nhận sự đỗ vỡ của một lý tưởng mà cả đời từng theo đuổi.
Đấy cũng tấn bi kịch của một lớp thanh niên có học, họ có lòng nhiệt tâm với đất nước…Bản thân người viết bài này đã trực tiếp nghe Tố Hữu phát biểu tại một cuộc hội thảo do báo Văn Nghệ tổ chức, ông nói: Cần thiết phải có một cuộc cách mạng nữa…Nghe ông nói đến thêm một cuộc cách mạng làm con cháu phát khiếp…
Có thể coi Trường Chinh là một tín đồ trong sáng, người cúc cung tận tuy chiến đấu, hy sinh, thật sự trung trinh với giáo thuyết CS.Ông và nhiều đồng chí của ông luôn tin với giáo thuyết CS có thể giải phóng được đất nước, dân tộc mang lại hạnh phúc cho đồng bào.
Người viêt bài này tin Trường Chinh đã nhận ra những ảo giác của mình và thân ông cuối đời đã ngộ ra điều đó. Cái kết cục bi thương cuối đời của ông theo như WikiPedia viết:” Ông được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương khác…Ông qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1988 do ngã cầu thang, thọ 81 tuổi…”
Bi kịch, bế tắc của Trường Chinh âu cũng là bi kịch, bế tắc của một lớp người, của một thế hệ trí thức trong sáng buộc phải chia gánh, chịu chung số phận với một đất nước nhược tiểu; một đất nước luôn bị sự đè nén, va xiết, hạch sách của các thế lực đại cường, hung bạo…
Họ muốn thoát vượt mà không đủ khả năng, tầm vóc !

P.V.Đ.

( Bài viết nhân 110 năm ngày sinh của ông Trường Chinh)

Bài liên quan:

>

>

>

Không có nhận xét nào: