Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Tin khó tin:Ông Tập Cận Bình sẽ từ bỏ Triều Tiên trước khi gặp Donald Trump?

07:00 - 31/03/2017

Minh Thu (lược dịch)

 

Quan hệ kinh tế tương tác quan trọng Trung - Mỹ cùng những hành động mang tính khiêu khích của Triều Tiên có khả năng khiến nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thay đổi quan điểm về Bình Nhưỡng trước khi tham gia cuộc họp đầu tiên với Tổng thống Donald Trump.
Việc Triều Tiên cho phóng 4 tên lửa Scud về phía biển Nhật Bản hôm 6/3 khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Bởi hồi tháng Hai, Bắc Kinh đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu than đá của Bình Nhưỡng trong năm 2017. Quyết định của Trung Quốc được xem là phản ứng trước việc Triều Tiên liên tiếp cho thử tên lửa bất chấp lệnh cấm của cộng đồng quốc tế. 
Về phần mình, Bình Nhưỡng cáo buộc Bắc Kinh "đang nhảy theo nhạc điệu của Mỹ". Đây cũng không phải là lần đầu tiên Triều Tiên chính thức lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Song điều làm giới chức Bắc Kinh ngạc nhiên là việc một số chuyên gia nước này kêu gọi chính phủ cần phải mạnh tay hơn và thậm chí là "từ bỏ" Triều Tiên. 
Khả năng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thay đổi quan điểm về Triều Tiên trước khi gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
Chia sẻ trên tạp chí The Diplomat, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ, ông Hemant Adlakha cho rằng trong thời gian gần đây, quan hệ căng thẳng Trung – Nhật hay Trung – Mỹ không phải là mối quan tâm chính của dư luận Trung Quốc. Thay vào đó, người dân Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn tới mọi động thái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng chính quyền Trung Quốc không còn đủ sức tạo tầm ảnh hưởng và kiềm chế Triều Tiên. 
Lâu nay, Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ với Triều Tiên. Bởi thứ nhất, Triều Tiên nắm giữ vị thế địa chính trị và tư tưởng quan trọng đối với Trung Quốc. Việc thắt chặt quan hệ với Bình Nhưỡng sẽ giúp Trung Quốc không cô đơn trong cuộc chơi với Mỹ - Hàn – Nhật trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, có Triều Tiên ở bên, Bắc Kinh sẽ có được vị thế cao hơn trong các cuộc đàm phán mang tầm quốc tế. Do đó, không ít chuyên gia cho rằng Triều Tiên lâu nay được xem là món tài sản mang tính chiến lược giá trị của Trung Quốc và trong tương lai, Bình Nhưỡng vẫn vô cùng quan trọng đối với Bắc Kinh. 
Nhà bình luận Zhang Zhikong cũng nhận định: "Trong lịch sử, Trung Quốc chưa từng phủ nhận tầm quan trọng của Triều Tiên. Còn ngày nay, khi Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, Trung Quốc không nên từ bỏ tầm ảnh hưởng ở bất cứ khu vực nào đặc biệt là ở những khu vực mang tính truyền thống".  
Tuy nhiên, song hành với ý kiến duy trì quan hệ với Triều Tiên, một số học giả Trung Quốc lại cho rằng chính quyền Bắc Kinh nên "chia tay" Bình Nhưỡng. Những học giả này cũng khẳng định Trung Quốc không nên tiếp tục quan hệ với Triều Tiên trong bối cảnh Mỹ đã bắt đầu triển khai các thiết bị đầu tiên thuộc Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc. Thậm chí, theo họ, sự xuất hiện của THAAD ở Hàn Quốc không phải là nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ lực lượng tên lửa Triều Tiên mà chính là nhằm vào Trung Quốc. Cũng theo những người này, chính chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là nguyên nhân khiến Seoul đồng ý để Washington triển khai THAAD. 
"Việc Mỹ quyết định triển khai THAAD tới Hàn Quốc là một thảm họa với Trung Quốc và giờ là lúc Bắc Kinh cần thay đổi quan điểm", ông Zhao Lingmin, một nhà bình luận chính trị nổi tiếng tại Trung Quốc chia sẻ trên tờ Financial Times. 
Song, nếu Trung Quốc "từ bỏ" Triều Tiên và Mỹ hoàn tất triển khai THAAD ở Hàn Quốc sẽ đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn. Đây cũng là "cái tát" mà Mỹ giáng vào Trung Quốc trước khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình gặp mặt lần đầu tiên với Tổng thống Donald Trump ở bang Florida vào ngày 6 – 7/4 tới. 
Còn trong bối cảnh hiện nay, luồng ý kiến muốn Bắc Kinh cắt đứt toàn bộ quan hệ ngoại giao, chính trị và kinh tế với Bình Nhưỡng đang xuất hiện ngày càng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nói cách khác, mối quan hệ như "răng với môi" giữa Trung – Triều đã đến lúc kết thúc bởi tình hình ngày nay đã hoàn toàn khác xưa. Trong khi Trung Quốc đang hướng tới tương lai thì Triều Tiên vẫn còn nhìn về quá khứ. Và trên phương diện địa chính trị, Triều Tiên hiện không còn giữ vị trí là "món tài sản vô giá" đối với Trung Quốc. 
Theo ông Nehru, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay chính là việc đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh liệu có thể "xóa bỏ" hoàn toàn học thuyết Triều Tiên. Cụ thể, trong nhiều năm qua, đảng Cộng sản Trung Quốc đã đau đầu tìm câu trả lời cho câu hỏi nên tiếp tục "ủng hộ" hay " từ bỏ" Triều Tiên. Và theo ông Adlakha, hiện nay, tư tưởng phổ biến nhất ở Bắc Kinh chính là từ bỏ Bình Nhưỡng. 
Ngoài ra, mối quan hệ tương tác kinh tế giữa Mỹ - Trung buộc Bắc Kinh không nên có hành động khiêu khích Washington chỉ vì vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nói cách khác, sớm hay muộn Trung Quốc cũng sẽ phải đưa ra sự lựa chọn giữa việc "từ bỏ" hoặc "xóa bỏ" Triều Tiên. 
Vậy liệu Bắc Kinh có đưa ra quyết định thay đổi quan điểm với Bình Nhưỡng trước cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung vào đầu tháng Tư? Câu trả lời sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, thêm một câu hỏi đặt ra là liệu ông Tập có đủ khả năng để làm thay đổi quan điểm phản đối Triều Tiên đang nhân rộng trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh hay không. 

Không có nhận xét nào: