4,8 km bờ sông, 6 đơn vị được phép “hút cát”?
Có mặt tại khu vực Bãi Soi xã Đôn Nhân, PV đã ghi nhận được những hình ảnh sạt lở nghiêm trọng tại nơi đây. Phóng tầm mắt ra xa cũng không xác định được điểm cuối, bởi diện tích sạt lở kéo dài cả cây số. Ngay dưới chân phóng viên là bờ kè chống sạt lở bờ Tả sông Lô do Chi cục Đê điều & PCLB tỉnh Vĩnh Phúc triển khai xây dựng tưởng chừng kiên cố, nay cũng vỡ vụn ngay sát mép nước.
Diện tích đất nông nghiệp của người dân ngày càng bị thu hẹp. Từng mảng ruộng lớn của người dân vẫn dùng để canh tác hoa màu, dần nứt nẻ, ầm ầm đổ xuống lòng sông, kéo theo những vụ mùa thất bát, công sức của người nông dân một nắng hai sương trở thành công cốc… Chỉ vào những vết nứt nẻ to tướng, ngoằn ngoèo ngang dọc như những tia sét trên mảnh ruộng đã bị cuốn xuống lòng sông một phần lớn diện tích, một nông dân xã Đôn Nhân ngao ngán.
“Gia đình tôi cũng như nhiều người dân nơi đây bao đời nay cuộc sống mưu sinh gắn liền với mảnh ruộng, xứ đồng bãi này. Trước kia thì không sao, nhưng vài năm trở lại đây, các DN khai thác cát ùn ùn kéo về “tận thu” cát dưới lòng sông, cũng từ đó bờ sông liên tục sạt lở, lấn dần cả vào diện tích ruộng của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng của địa phương, để yêu cầu các DN khai thác cát bồi thường và có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, thực tế thì tình trạng sạt lở ở những đoạn DN tổ chức hoạt động khai thác càng ngày càng nghiêm trọng…”   
Ngay cả bờ kè chống sạt lở trước đó cũng không thể chống đỡ.
Ngay cả bờ kè chống sạt lở trước đó cũng không thể chống đỡ.
Theo thông tin của ông Nguyễn Văn Tuyến –Phó chủ tịch UBND xã Đôn Nhân, địa phương có 4,8 km chiều dài bờ sông thì hiện tại điểm mặt cũng đã có tới 6 đơn vị được cấp phép liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản gồm: Cty CP ĐTXD Bắc Ái; Cty CPKT& Chế biến Lâm khoáng sản Hoàng Phát; Cty TNHH vận tải và XD Vĩnh Phúc; Cty CP khoáng sản Đông Dương AVA; Cty TNHH Xây dựng & Phát triển hạ tầng Vân Hội, Cty CP Xây dựng & Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội.  
“Ngày 20-02-2017, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình khai thác cát sỏi gây sạt lở đất nông nghiệp trên địa bàn, UBND xã Đôn Nhân đã tổ chức lực lượng tiến hành kiểm tra xác minh dọc tuyến bờ sông Lô thuộc địa phương quản lý. Qua kiểm tra xác minh thực tế cho thấy: Khu vực đất sản xuất nông nghiệp của 3 thôn Đôn Mục, Dân Chủ, Trung Kiên đã bị sạt lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn” - Nguyễn Văn Tuyến cho biết.
“Coi trời băng vung” bất chấp pháp luật…
Trước những bức xúc của người dân xã Đôn Nhân về việc diện tích tại khu vực Bờ Soi, nơi người dân đã canh tác nhiều năm nay đang bị sạt lở nghiêm trọng. Một cán bộ Phòng TNMT huyện Sông Lô khi trao đổi với PV cũng phải thốt lên: “Đúng là quá tang thương, diện tích sạt lở quá lớn, ngày càng ăn sâu vào đê…”.
Cơ quan chức năng nơi này cũng thừa nhận, việc người dân địa phương phản ánh về tình trạng khu vực Bờ Soi bị sạt lở nghiêm trọng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Với thẩm quyền của phòng chuyên môn cấp huyện, đơn vị cũng đã gửi những văn bản báo cáo, đề nghị lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc về những yêu cầu, nguyện vọng của người dân.
Những doanh nghiệp khai thác khoáng sản hầu như không thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Những doanh nghiệp khai thác khoáng sản hầu như không thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Mới đây nhất, ngày 01-3-2017, UBND huyện Sông Lô đã có Văn bản số 169/UBND-TNMT về việc xử lý sự cố sạt lở đất nông nghiệp tại vị trí kè xã Đôn Nhân, do ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch UBND huyện Sông Lô ký. Văn bản nêu rõ: “Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nội dung đề nghị, phản ánh của nhân dân xã Đôn Nhân về việc khai thác cát, sỏi gây sạt lở đất nông nghiệp của nhân dân, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê kè trên địa bàn là có cơ sở. Cụ thể là năm 2015-2016, tại các điểm Bãi Soi của xã Đôn Nhân, đất canh tác bị sạt lở nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân”.
Điều đáng nói, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trong quá trình hoạt động tỏ ra “coi trời băng vung” bất chấp các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản.
Phòng TNMT huyện Sông Lô cũng cho rằng: Các DN không đảm bảo đúng thời gian khai thác đã cam kết với chính quyền địa phương; không thả phao định vị xác định rõ ranh giới điểm mỏ được cấp phép; không gắn biển công ty trên các phương tiện khai thác khoáng sản để tiện cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và nhân dân. Điều này thể hiện sự làm ăn chộp giật mập mờ của các doanh nghiệp vi phạm các quy định.
Cơ quan chức năng “thiếu cơ sở để xử phạt” DN vi phạm?
Theo cơ quan chức năng huyện Sông Lô trong quá trình kiểm tra thực tế, các đơn vị của huyện gặp rất nhiều “khó khăn” trong việc xác định “cốt” khai thác của các đơn vị được cấp phép “khai thác cát”. Nguyên nhân do địa hình là sông nước, UBND huyện Sông Lô không có phương tiện kiểm tra độ sâu khai thác. Mặt khác, các điểm mốc độ cao tại các điểm cấp phép khai thác cho các đơn vị khai thác cát sỏi không có, do vậy các lực lượng chức năng của huyện không có cơ sở để tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Ở góc độ là đơn vị quản lý đê điều, ông Nguyễn Đức Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc cũng đồng quan điểm với ông Hoàng Đức Dũng, khi cho rằng: “Hầu hết các chủ DN khai thác cát không báo cáo số lượng tàu khai thác, không báo cáo và đăng ký tạm trú cho các công nhân làm việc trên tàu… điều này gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương về mặt quản lý và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.
“Các doanh nghiệp không chịu thực hiện đúng theo pháp luật quy định khiến việc kiểm tra và xử lý rất khó khăn. DN được cấp phép khai thác, nhưng khi sự cố xảy ra, họ đều nói là khai thác đúng mốc giới, đúng quy định… nhằm rũ bỏ trách nhiệm bồi thường. Đáng lẽ ra khi được cấp phép DN cũng phải có trách nhiệm đảm bảo, bảo vệ khu vực mỏ của mình để không cho những tàu khai thác trái phép hoạt động, để đảm bảo không xảy ra tình trạng sạt lở…” - ông Nguyễn Đức Sinh nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Sinh – Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc, lợi nhuận từ việc khai thác cát sỏi là món lợi khổng lồ chẳng thua gì lợi nhuận đem lại từ hoạt động phi pháp của các đối tượng “buôn thuốc phiện”. Cát sông Lô hiện như “thuốc phiện” dưới lòng sông…
Có hay không việc cơ quan chức năng có phần “dung túng” cho các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn, khiến tình trạng sạt lở đất nông nghiệp, tàn phá hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra ngày càng phức tạp. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho bạn đọc về vấn đề này, trong những bài viết tiếp theo.
 Nhóm PVĐT / seatimes.com.vn