Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Sẽ là sai lầm lớn nếu Nga “đặt cược cửa Donald Trump”

(Quốc tế) - Nếu cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ được chứng minh, thì ngay cả ghế Tổng thống của ông Trump còn chưa chắc giữ nổi nữa là “triển vọng quan hệ Mỹ – Nga…

Thời điểm ông Donald Trump thắng cử Tổng thống, những người Việt Nam quan tâm đến nước Nga đã có thể vui mừng.

Ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã không giấu thiện cảm của mình dành cho Tổng thống Nga V.Putin.
Ở chiều ngược lại, Putin cũng dành cho ông Trump những lời lẽ tốt đẹp.
Trong khi đó một mối quan hệ nồng ấm giữa Trump và Putin thực sự làm dấy nên những cảm xúc đa chiều ở Phương Tây.
Trên truyền thông đã xuất hiện sự so sánh quan hệ Trump – Putin với quan hệ Brezhnev và Honecker ngày trước.
Rõ ràng là dư luận thế giới còn đang rất mơ hồ và nghi hoặc về những mối quan hệ kiểu này, và liệu cục diện có thể hình thành nên những “trục” mới ở thời của ông Trump hay không?
Nước Nga thời Putin sẽ bước vào “kỷ nguyên Trump” như thế nào?

Những đồn đoán về sự tác động từ cơ quan tình báo Nga lên kết quả bầu cử ở nước Mỹ, càng ngày càng nhiều và rõ rệt hơn, thậm chí đã có cáo buộc từ Cục điều tra liên bang (FBI).
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh minh họa: express.co.uk.
Nếu điều này được chứng minh là sự thật thì chứng tỏ những hoạt động của tình báo Nga đã rất hiệu quả, đây cũng là tầm nhìn chiến lược của Putin.
Ngoài ra việc này còn nói lên một điều nữa: nếu ông Trump xuôi chèo mát mái, thì người có lợi đầu tiên, chính là Putin.
Tiếc rằng thực tiễn chưa đủ chứng minh nhận định ấy.
Trump chính thức ngồi ghế Tổng thống Hoa Kỳ được hơn 2 tháng, nhưng chính quyền của ông đã gặp nhiều sóng gió. Có thể nói đó là những trở ngại mang tính nội tại không thể tránh khỏi, có gốc rễ từ trước khi ông vào Nhà Trắng.
Chỉ hai tháng, nhưng Donald Trump liên tục phải đối đầu với các vụ kiện.
Như thế liệu ông có đủ tâm trí để tiếp tục ban hành các chính sách khác và điều hành hiệu quả chính quyền của mình hay không?
Vốn là một doanh nhân, ông có thể điều hành doanh nghiệp của mình, nhưng với một quốc gia thì chắc chắn sẽ phải khác.
Một quốc gia không chỉ có lợi nhuận trước mắt – mà còn có những lợi ích lâu dài. Mà với những lợi ích lâu dài thì không thể tính ngay xem lãi là bao nhiêu tiền được.
Nước Nga của Putin cho đến nay đã phải chịu đựng đến 3 năm những lệnh trừng phạt từ phương Tây vì những hành động của mình đối với bán đảo Crimea và Đông Ukraine.
Thiệt hại đó rất lớn do tác động kép của lệnh trừng phạt và giá dầu hạ thấp, đã thúc đẩy Putin buộc phải mở “mặt trận thứ hai” ở Syria hồi cuối năm 2015.
Ông hi vọng dùng nó như một “đòn bẩy” giúp cải thiện quan hệ với phương Tây, ít nhất trong cùng mối quan tâm chung là “chống khủng bố.”
Đáng tiếc là tình hình không được cải thiện theo mong muốn, tính toán của ông chủ Điện Kremlin.
Phương Tây không mấy mặn mà với vai trò của Nga trong cuộc chiến “chống khủng bố” này, mà cứ để Nga tiếp tục không kích IS.
Thậm chí phương Tây có phần giảm bớt những hoạt động quân sự như muốn để mặc Nga đơn thương độc mã.
Không những thế, thái độ của Phương Tây luôn tỏ ra nghi kỵ liên minh Nga – Syria thời bộ đôi Putin và Bashar al-Assad.
Cho đến nay, những hoạt động quân sự của Nga ở Syria đã kéo dài đến hơn một năm, nhưng kết quả “chống khủng bố” vẫn chưa rõ ràng, chỉ có thể củng cố được địa vị của chính quyền al-Assad, mà điều này thì chẳng mấy được phương Tây chào đón.
Có chăng, Putin đang thu hút được quan tâm của hai đối tác Trung Đông: Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Israel rất cần Nga trong việc giữ an ninh cho biên giới Đông Bắc của mình trong cuộc chiến chống Hezbolla.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mối quan tâm tương tự với lực lượng người Kurd ở vùng biên giới chung giữa nước này với Syria.
Trong những mối quan hệ này, Nga luôn đóng vai trò quan trọng, nên thái độ của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là “không được phép xấu đi”. Tuy nhiên, hai nước này chưa phải là phương Tây.
Nếu Trump ổn thỏa làm Tổng thống và quan hệ của ông với Putin trở nên thắm thiết, cũng như quan hệ Mỹ – Nga sẽ nồng ấm hơn, thì điều này sẽ tốt cho nước Nga, và có thể là mong muốn của Trump.
Nhưng nó lại chưa chắc đã là điều nước Mỹ cần.
Thế giới cần phát triển ổn định, không bao giờ cần sự đối đầu. Cả phương Tây nói chung, nước Mỹ nói riêng cũng đều muốn một nước Nga “bình thường” có thể chung sống hòa bình.
Tiếc rằng mỗi bên đều có cách giải thích riêng của mình về những vấn đề chiến lược lớn nhất có tính toàn cầu.
Với Putin cũng vậy, nước Mỹ thời của Obama và tương lai là của Hilary Clinton, được mô tả như những thế lực đe dọa sự tồn vong của nước Nga.
Chỉ với nước Mỹ thời của Trump tình hình mới có thể được cải thiện. Nếu như sự hậu thuẫn từ nước Nga đối với Trump trong chiến dịch tranh cử là có thật, có thể coi đó là một sự đặt cửa của Putin với quan hệ với Hoa Kỳ trong tương lai.
Quan hệ Nga – Mỹ sẽ ra sao trong tương lai gần?
Tạm gác qua một bên tình trạng bận bịu với kiện cáo của ông Trump, hãy đoán thử xem liệu nước Mỹ có xích lại gần với nước Nga như được kỳ vọng hay không?
Thứ nhất, trong tam giác Mỹ – NATO – Nga thì rõ ràng NATO quan trọng hơn Nga.
Dù sao thời Trump, tính chất mối quan hệ này có thể thay đổi, vẫn quan trọng nhưng là có điều kiện. NATO phải tự tăng ngân sách quốc phòng, chứ nước Mỹ không gánh vác quá nhiều như trước đây.
Yêu cầu này được đáp ứng, chỉ từ 5 thành viên NATO (Hoa Kỳ, Anh, Hy Lạp, Estonia và Ba Lan) là đạt 2% GDP, nhưng câu chuyện ở đây là các thành viên còn lại cũng sẽ đáp ứng nếu yêu cầu đó là mạnh mẽ hơn.
NATO sẽ tiếp tục mạnh thêm, chứ không yếu đi.
Phản ứng trước động thái này, hồi tháng 2/2017 tàu do thám Nga đã đến gần bờ biển nước Mỹ tới 30 hải lý và máy bay Nga đã lượn thăm dò tàu Mỹ trên Biển Đen…
Nga không thích một NATO mạnh chút nào cả.
Thứ hai, về vấn đề nhân sự của nội các Trump cũng có nhiều diễn biến bất lợi cho Putin.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tuyên bố Nga và Putin là nguy cơ địa chính trị đe dọa nước Mỹ.
Người được Trump chỉ định vào vị trí Giám đốc CIA, ông Mike Pompeo tiếp tục cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuyên bố từ chức của Michael Flynn vốn được coi là “thân Nga” khỏi ghế Cố vấn an ninh quốc gia, trở thành người có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử (24 ngày) đã làm phức tạp thêm tình hình.
Người kế nhiệm ông, Trung tướng H.R. McMaster đã gọi Nga là “quyền lực thù nghịch”…
Thứ ba, về kinh tế.
Vốn là doanh nhân, ông Trump sẽ quan tâm nhiều đến lợi nhuận.
Do đó ông đã cố gắng phế bỏ chính sách bảo vệ môi trường của Obama, khuyến khích ngành công nghiệp khai thác dầu khí phát triển trở lại, đặc biệt là ngành dầu đá phiến sét Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn thời Obama.
Điều này sẽ tác động mạnh đến cán cân cung cầu của thị trường năng lượng thế giới, do đó trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của nước Nga thời Putin.
Thứ tư, khó khăn từ nội bộ nước Nga.
Năm ngoái, ở Nga diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội, dù đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin thắng lớn, nhưng cũng đã phải tổ chức bầu cử lại ở một số địa điểm.
Cuộc bầu cử này tiếng là thắng lợi cho đảng của Putin, nhưng lại là cuộc bầu cử không thành công vì có tỷ lệ cử tri đi bầu rất thấp (47,8%).
Đến nay Putin vẫn có tiếng là được vây quanh bởi đội ngũ tham mưu, giúp việc chỉ biết thừa hành mệnh lệnh một cách ngoan ngoãn, nhưng dần dần cũng đã có thay đổi.
Đã có những dấu hiệu cho thấy sự bất tuân mệnh lệnh Tổng thống, như Chủ tịch Rosneft Igor Sechin thay vì chấp hành chỉ thị của Putin bán cổ phần của tập đoàn cho những người được chỉ định, thì lại bán cho những người khác theo ý mình.
Thái độ tương tự cũng có thể thấy được ở Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov đã có thái độ yêu cầu chính quyền trung ương tăng ngân sách cung cấp…
Hay hành động thao túng rõ ràng của Sergey Chemezov – Chủ tịch tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ Rostec đối với hệ thống các doanh nghiệp quốc phòng Nga đang là điều mà Putin rất muốn ngăn chặn.
Thứ năm, cáo buộc can dự của Nga vào bầu cử Mỹ vẫn còn nguyên đó.
Giám đốc FBI James Comey tuần này đã xác nhận về vấn đề này.
Ở Nhà Trắng mới chỉ có khói, chưa có lửa, nhưng câu chuyện mới chỉ được mở ra và còn lâu mới được khép lại.
Nếu cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ được chứng minh, thì ngay cả ghế Tổng thống của ông Trump còn chưa chắc giữ nổi nữa là “triển vọng quan hệ Mỹ – Nga dưới thời Trump”.
Chỉ sau 2 tháng nắm quyền của ông Trump, nước Nga đã không còn hồ hởi như khi nghe tin ông thắng cử nữa.
Thời điểm tháng 1/2017 truyền hình Nga đã đề cập đến ông Trump tới 202.000 lần trong tất cả các bản tin của truyền hình chính thống quốc gia này, so với 147.700 lần của Putin.
Trong khi đó 80% người Nga nắm tin tức là qua truyền hình. Đây là lần đầu tiên ở nước Nga trong 6 năm qua có người vượt Putin về vinh dự trên!
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Nó chỉ kéo dài đến tháng 2/2017 cùng sự kiện ông Flynn từ chức và Tổng thống Trump dự đoán: “Chính phủ Nga sẽ gia tăng bạo lực sẽ ở Đông Ukraine và trả lại Crimea”.
Flynn từ chức vào ngày 13/2. Từ ngày 5/2 đến ngày 19/2, Tổng thống tỷ phú Trump đã bị giảm 88% thời lượng đang chiếm trong các chương trình tin tức chủ nhật quan trọng truyền hình Nga.
Sụt giảm “có chủ đích” hay “có chỉ đạo” này cho thấy thái độ của Kremli đối với Trump đã thay đổi tới mức nhận thấy được.
Phải chăng là kỳ vọng vào ông Trump cũng sụt giảm theo như con số trên đây? Chiến dịch tình báo bị cho là có FSB đứng sau, và cũng có thể cho là thần tình của Putin, liệu có xứng ý toại lòng hay xôi hỏng bỏng không?
Ông Trump còn đang phải vất vả với kiện tụng, chưa có hơi sức đâu mà nghĩ đến chính sách đối ngoại.
Và với một người không chuyên về chính trị như ông, với những sức ép đối nội, nhiều khả năng sẽ vội vàng đi tìm một giải pháp đối ngoại có tính cực đoan, đó là điều mà nhiều chuyên gia dự đoán.
Dù có coi Putin là bạn đi nữa, Trump cũng không vì thế mà có thể bỏ qua lợi ích quốc gia.
Với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” thì khó có căn cứ cho rằng những chính sách đối ngoại cực đoan đó sẽ có lợi cho nước Nga của Putin.
Nếu những cáo buộc của FBI được chứng minh là đúng, có thể ông Trump sẽ bị luận tội trước Quốc hội, và cũng có thể mất ghế Tổng thống.
Mà nếu có thể tồn tại được đến hết nhiệm kỳ, thì khả năng trúng cử tiếp một nhiệm kỳ tiếp theo cũng rất khó với ông.
Nếu nước Nga của Putin gắn tương lai của mình với số phận chính trị của một người như Trump, thì tương lai đó thật là mong manh, bất định.
(Theo Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: