Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện: “Tôi làm hì hục, chỉ có ngôi nhà 68m2” (!?) ( Tội nghiệp ông này quá ???)

LĐO XUÂN NHÀN
Nguyên Bí thư Bình Định Nguyễn Văn Thiện.
Như tin đã đưa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về trách nhiệm của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện liên quan đến khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm một số cán bộ. Cá nhân ông Thiện hồi tháng 7.2015 còn ký văn bản hối thúc Bộ GTVT khẩn trương bán hết vốn nhà nước tại Cty CP Cảng Quy Nhơn (QNP) cho “nhà đầu tư chiến lược”.
Thương vụ quá hời trị giá 404 tỉ đồng cho quyền nắm giữ 86,23% CP để Cty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội) sở hữu khối tài sản khổng lồ tại QNP là một trong nhiều nội dung tố cáo nhắm vào ông Thiện.
Ngày 30.3, giữa thời điểm đợt mổ xẻ trách nhiệm tập thể, cá nhân đang áp sát và Thanh tra Chính phủ sắp vào cuộc thanh tra toàn diện tiến trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, ông Nguyễn Văn Thiện đã có cuộc trao đổi với P.V Lao Động.
Nhận sai việc quy hoạch, bổ nhiệm Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh
Hồi cuối tháng trước, trả lời một tờ báo, ông nói mình chưa biết sai cái gì. Bây giờ, khi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố, mọi việc có phải đã rõ ràng hơn?
Ông Nguyễn Văn Thiện: Có sai trong câu chuyện ông Nguyễn Văn Cảnh (ông Nguyễn Văn Cảnh, sinh 1977, đại biểu Quốc hội hai khóa XIII, XIV. Năm 2011, trong lần ứng cử đầu tiên, ông Cảnh đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân và là một gương mặt trẻ).
Tháng 3.2013, được tiếp nhận làm chuyên viên, là công chức không qua thi tuyển, ông Cảnh trở thành Phó Văn phòng vào tháng 7 trước khi là Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bình Định, tháng 8.2013. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, 2016, ông Nguyễn Văn Cảnh được giới thiệu ứng cử với cơ cấu đại biểu chuyên trách ở trung ương.
Tháng 3.2017, ông có đơn và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết cho thôi nhiệm vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, chú thích của tác giả). Trách nhiệm thuộc về Ban Thường vụ, về tập thể.
Do đơn tố cáo đề cập đích danh nên tên tôi và Phó Bí thư Lê Kim Toàn hay được nhắc tới. Bây giờ UBKTTW lần ra thì mới thấy sai từ cấp cơ sở, từ khâu tiếp nhận, tuyển dụng của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Chứ tôi là bí thư, quản lý hàng mấy chục ngàn cán bộ, sao biết hết được. Chỉ khi anh em họ đưa Cảnh vào quy hoạch phó Văn phòng thì tôi mới biết.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng đoàn Đoàn ĐBQH trình qua, Thường vụ thống nhất hết. Cảnh lên Phó Văn phòng rồi thì có “tác động” rất mạnh (ý ông Thiện muốn nói việc đưa vị Đại biểu Quốc hội trẻ tuổi ra Hà Nội). Tôi không thể nói chi tiết, chỉ biết “người ta” cũng chỉ muốn tốt cho Bình Định.
Tôi thấy Cảnh học hành bài bản, phát biểu tại Quốc hội được đánh giá cao nên đưa ra Thường vụ bàn, thống nhất cho đi. Là bởi muốn ngoài đó có con em Bình Định chứ tấm lòng Thường vụ chẳng ý tứ sâu xa chi. Phải 8, 9 tháng sau, Cảnh mới được phân công công tác mới. Lúc đó thì đã xuất hiện đơn khiếu nại. Lẽ ra khi có đơn, các cơ quan liên quan nên báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, rút quyết định lại, không cho làm Chánh Văn phòng, khi nào “trên” rút thì cho đi, đúng không? Khi sự việc trở nên lùm xùm, phát hiện sai chỗ nọ chỗ kia, chúng tôi thấy cần động viên Cảnh nên thôi, về lo cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng cha mẹ già. Trách nhiệm của tôi là vậy, trách nhiệm của người đứng đầu.
Con rể không sai, "như tờ giấy trắng" 
Đấy không phải trường hợp duy nhất. Còn một số cái tên được đơn tố cáo và cả dư luận nhắc tới. Chẳng hạn con rể của ông, Phó phòng Quy hoạch – Kế hoạch tổng hợp, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Lê Nguyễn Chí Cường?
- Để tôi nói trường hợp Chủ tịch Hội Nông dân Lê Thị Kim Mai, chị ruột Phó Bí thư Lê Kim Toàn. Hồi đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có văn bản hướng dẫn. Cô Mai làm cũng chỉ mười mấy tháng thì nghỉ, nhân sự trúng cử Tỉnh ủy sẽ lên thay.
Thống nhất hết trong Thường vụ, chứ công tác tổ chức, mình tôi thì làm được gì. Nói chú Toàn thì cũng tội, chú biết gì trong đó, cũng chỉ là một thành viên thôi mà. Còn chỗ cô em chú Toàn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, là do bên Ủy ban đưa xuống, không trao đổi với cơ quan tiếp nhận nên họ tức. Ban Tổ chức Tỉnh ủy lại chủ quan. Từng làm chủ tịch, tôi quen điều hành kinh tế hơn là làm công tác đảng. Với mỗi cá nhân, tôi có quan tâm làm chi, gặp mặt còn không nhớ nữa là.
Về con rể mình, tôi nói thẳng. Nó học giỏi, có trình độ, thành phần gia đình cơ bản. Chính ông Phúc (nguyên Tổng giám đốc QNP Nguyễn Hữu Phúc) “giành” nhận về đấy chứ. Thấy nó giỏi ngoại ngữ, lãnh đạo Cảng bố trí cho việc liên hệ, tiếp xúc với khách nước ngoài, đi đâu cũng dẫn đi. Rồi kết nạp Đảng dưới đó, tôi đâu có biết.
Tôi chưa bao giờ gọi điện tác động này kia. Bí thư ai làm vậy. Có sai thì kiểm điểm. Đảng ủy Khối doanh nghiệp chỉ đạo tổ chức cơ sở Đảng dưới Cảng kiểm điểm. Sai là tổ chức sai chứ rể tôi hiền lành, có gì đâu, như tờ giấy trắng. Nay nói ra nói vào, tôi rất bức xúc.
Ông giải thích sao về quy hoạch 2 chức danh (trưởng phòng và lãnh đạo Sở) sau khi Lê Nguyễn Chí Cường chuyển từ Cảng về Sở Kế hoạch – Đầu tư?
- Sau này tôi có hỏi Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Thúc Đĩnh: Mấy ông làm ăn chi lạ? Ông Đĩnh mới trả lời là đã thống nhất trong lãnh đạo nhưng chưa ký quyết định bổ nhiệm phó phòng. Khi Ban Tổ chức Tỉnh ủy có văn bản trình lên xin cử bổ sung đi học lớp cao cấp lý luận chính trị năm 2014, chú Toàn tin thì ký chứ không kiểm tra. Cường được ghi chức danh sớm hơn 3 ngày. (Ông Thiện không trả lời thẳng câu hỏi P.V nêu ra).
Họ cứ đồn, cứ nói thế thôi
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện: “Tôi làm hì hục, chỉ có ngôi nhà 68m2” (!?) ảnh 1
Cảng Quy Nhơn.
Một câu chuyện rất thời sự, thưa ông, hồi tháng 7.2015, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông đã ký văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị khẩn trương bán phần vốn còn lại của nhà nước cho “nhà đầu tư chiến lược”. Tại sao địa phương lại nôn nóng tư nhân hóa một cơ sở hậu cần cảng biển quan trọng như cảng Quy Nhơn?
- Thông tin trên là không đầy đủ và có dụng ý. Đây là diễn tiến của một quá trình. Tháng 1.2014, Bộ GTVT có văn bản số 06, thông báo kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong đó có nội dung: Thống nhất giao Vinalines (TCty Hàng hải Việt Nam) bán số cổ phần (CP) còn lại để đạt mức 49% vốn điều lệ trong quý I/2014. (Trước đó, Quyết định số 336/QĐ-HHVN ngày 22.7.2013 của Vinalines phê duyệt phương án CPH và thoái vốn nhà nước tại QNP thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 phát hành lần đầu 40.409.950 CP, trong đó nhà nước chiếm 75% vốn - NV).
Bộ GTVT đồng thời giao Vụ Quản lý doanh nghiệp dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm bán toàn bộ số CP còn lại cho nhà đầu tư trong nước để tạo nguồn vốn đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng Quy Nhơn theo quy hoạch được duyệt.
Cảng là của bộ, tỉnh có quyền gì đâu mà thỏa thuận. Bình Định thực ra chỉ kiến nghị đầu tư nâng cấp 2 cầu cảng thôi. Tháng 2.2014, trong chuyến làm việc với Bình Định của Chủ tịch Nước, vấn đề của Cảng lại được nêu ra.
Tháng 3.2014, sau khi Bộ GTVT có văn bản (số 2342) đề nghị CPH 100% QNP, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng hỏi ý kiến một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư. Đến cuối tháng 7.2014, trên cơ sở đóng góp của các bộ, ngành, Bộ GTVT có tờ trình 9210 giải trình chi tiết hơn.
Ngày 8.9.2014, Phó Thủ tướng ký văn bản 1652/TTg – ĐMDN đồng ý bán hết phần vốn nhà nước của Vinalines tại Cty CP Cảng Quy Nhơn cho nhà đầu tư trong nước và chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Phần còn lại, văn bản 1652/TTg-ĐMDN giao UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ GTVT sớm đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng Quy Nhơn theo quy hoạch được duyệt. Ý kiến của tôi gửi Bộ GTVT là đặt trong bối cảnh như vậy.
Tôi có thiếu sót là vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh ủy, không báo lại Ban Thường vụ. Chỉ nghĩ đơn giản là các đợt làm việc với trung ương, thành phần ban bệ đã đầy đủ cả rồi. Tôi không chỉ đề cập chuyện CPH mà còn nhằm giải quyết câu chuyện đoàn kết trong Cảng.
Ông Phúc còn đó, nội bộ liên tục lục đục, đơn thư khiếu kiện triền miên, cần đưa đi nơi khác. Y như rằng, tôi ký gửi đi xong thì 15 ngày sau cảng cháy, gây thiệt hại 22 tỉ đồng. Tôi mà không có tâm là đã khởi tố rồi. Bên công an họ đề nghị...
Nhưng cái giá chuyển nhượng cho Hợp Thành là quá bèo bọt...
- Mình có ăn uống gì trong đó đâu. Tỉnh không được tham gia định giá. Nói chung, giá cả mình không biết gì, Bình Định không biết gì hết. Nó bán trên mạng, bán công khai chứ giấu đút gì.
Đang có nhiều đồn đãi về khối tài sản của ông: CP ở Cảng, nhà cửa, đất đai tại TP Quy Nhơn, nhà từ đường ở Phù Mỹ. Ông có biết không?
- Họ kiện luôn chứ đồn gì nữa. UBKTTW đã xác minh. Làm gì có cắc nào của tôi dưới Cảng. Tôi làm gì có tiền để mua. Lại đồn ai đó cho tôi 60 tỉ, rồi tiền mua mười mấy lô đất.
Tôi nói: Thôi, ai đứng tên giùm cứ bán đi, rồi coi tôi có kiện không. Giỏi bán đi. Thực tế trước khi nghỉ, tôi có ý định xin đấu giá khu đất trong hẻm phía Tây đường An Dương Vương, chừng 400 m2để xây cái nhà dưỡng già, nhường ngôi nhà 68m2 này cho con.
Cứ tưởng giá đâu chỉ 10 – 15 triệu đồng/m2, ai dè thấy đấu lên đến 40 triệu đồng, ngoài mặt đường thậm chí là 50 triệu/m2. Bán hết tài sản tôi không đủ, lấy đâu ra.
Tôi hì hục suốt ngày, kiếm tiền cho công trình này công trình khác, còn mình ăn ở như vầy. Mấy ổng cứ nói thế thôi. Có cái đình làng, tôi góp một chút, không có tiền thì bằng cách xin chỗ 10 triệu chỗ 5 triệu. Cái nhà thờ họ ngoài Mỹ Châu, Phù Mỹ cũng đâu phải tiền tôi. Tôi chỉ phụ vài chậu cảnh, còn tiền là tiền ông già. Nhà nước hóa giá cho cái nhà 250m2 ở Nha Trang, ổng cắt ra 100m2 bán mới có tiền xây dựng...
Cảm ơn ông!
Là cảng tổng hợp quốc gia loại 1, Cảng Quy Nhơn là cửa ngõ ra biển của Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Cảng có hệ thống nhà kho 20.960m2, 48.000m2 bãi chứa container, hơn 300.000m2đất các loại trong nội thành Quy Nhơn. Cảng Quy Nhơn khai thác 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, riêng cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào. Cảng có 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng, trong đó, cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá thị trường khoảng 150 tỉ đồng. Trong quá trình CPH, nhiều tài sản của nhà nước đã bị định giá thấp hàng chục lần, gây nên làn sóng bất bình trong dư luận. Có những thiết bị trị giá hàng trăm triệu đồng như nhóm cần cẩu, xe cẩu, xe nâng, tàu lai chuyên dụng chỉ được định giá... hơn 1,9 tỉ đồng.

Không có nhận xét nào: