Thanh Trúc, phóng viên RFA
Tổ chức BPSOS ở Hoa Kỳ vừa loan báo hoàn tất danh sách 168 viên chức chính phủ Việt Nam với đề nghị chế tài vì đã vi phạm nhân quyền bằng cách sử dụng bạo lực đàn áp đối lập hoặc xung công trái phép đất đai của người dân.
Văn phòng BPSOS ở Virginia, Hoa Kỳ, loan báo đã hoàn tất 6 bộ hồ sơ với danh sách 168 viên chức vi phạm nhân quyền trong nước, đề nghị chính phủ Mỹ áp dụng những biện pháp chế tài đối với họ dựa theo Luật Magnitsky Toàn Cầu.
Theo Luật Magnitsky Toàn Cầu mà quốc hội Mỹ thông qua và được tổng thống Obama ký ban hành cuối tháng Mười Hai 2016, thì có hai nhóm đối tượng bị chế tài. Thứ nhất là giới chức chính quyền hoặc những công cụ của họ, tức những thành phần không nằm trong chính quyền nhưng tiếp tay cùng chính quyền để đàn áp người dân. Thứ hai, những viên chức chính quyền dính líu đến các vụ tham nhũng, trong đó có những trường hợp cưỡng chiếm đất đai và tài sản của người dân, sau đó còn đe dọa đàn áp những ai dám tố cáo họ.
Chiếu theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, những viên chức có hành động như vậy sẽ bị chế tài tức là bị từ chối visa nhập cảnh Hoa Kỳ, kể cả những giới chức cao cấp có thể phải đi công du ở Mỹ. Mặt khác, đối với những giới chức vi phạm nhân quyền mà có của chìm của nổi tại Mỹ thì tài sản của họ đó sẽ bị đóng băng bởi chính quyền sở tại.
Sáu hồ sơ thực hiện và đúc kết lại từ trên 100 hồ sơ báo cáo vi phạm nhân quyền từ 2014 đến giờ đối với Việt Nam.
- Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, cho biết 6 hồ sơ gồm tên 168 nhân vật ở Việt Nam đã được chuyển qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 17 tháng Ba vừa qua, cũng là 6 hồ sơ ưu tiên mà tổ chức dùng để vận động từ giờ đến cuối năm:
Sáu hồ sơ thực hiện và đúc kết lại từ trên 100 hồ sơ báo cáo vi phạm nhân quyền từ 2014 đến giờ đối với Việt Nam. Trong 6 hồ sơ đó chúng tôi nhận diện ra được 168 nhân vật. 167 là giới chức chính quyền, trong đó có 5 giới chức trung ương, 38 giới chức lãnh đạo cấp tỉnh và thành phố. Còn lại là những người ở cấp thấp hơn hoặc ở cấp địa phương, trong đó một người không phải giới chức chính quyền nhưng là một công cụ của chính quyền nhằm thực thi việc đàn áp trong một vụ cưỡng chiếm đất đai rất lớn trước đây, năm 2010.
Căn cứ dựa vào để lập hồ sơ chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu bao gồm những hình thức tra tấn hoặc đánh chết người. Những trường hợp này phải được quốc tế biết đến nhằm quyết định mức độ khả tín của những hồ sơ đưa ra. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm:
Và điểm thứ ba là có thể truy cập trách nhiệm những thủ phạm dính líu đến những vụ đàn áp nhân quyền một cách trầm trọng như vậy. Đấy là những tiêu chuẩn để lọc ra 6 hồ sơ này.
Phải lấy thông tin trực tiếp từ nạn nhân hoặc nhân chứng có mặt tại hiện trường, không thể dựa trên những bản tin từ báo chí mà phải phối kiểm trực tiếp với người biết chuyện, người trong cuộc. Thứ hai là phải từ nhiều nguồn phối kiểm độc lập khác nhau. Thứ ba là được sự xác nhận của Liên Hiệp Quốc bởi chính họ cũng đã phối kiểm, hoặc là có sự xác nhận của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ qua Tòa Đại Sứ hoặc Tòa Tổng Lãnh Sự của họ ở tại Việt Nam. Đó là những tiêu chuản để xác minh được tính khả tín trong các hồ sơ mà chúng tôi chọn ra.
Thời điểm tiết lộ danh tánh
Về thời gian có thể tiết lộ danh tính 168 nhân vật vi phạm nhân quyền bị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, trong lúc hành pháp của tổng thống Donald Trump chưa công bố thể thức để thực thi luật này, giám đốc điều hành BPSOS cho biết có thể trong một cuộc họp báo đầu tháng Tư tới nhưng chỉ một phần danh sách được công bố mà thôi:
Chúng tôi cần phải vận động quốc hội cũng như phối hợp với các tổ chức nhân quyền lớn của Hoa Kỳ để áp lực hoặc kêu gọi hành pháp Hoa Kỳ cứu xét những hồ sơ mà chúng tôi nộp.
Cách thức làm là từng đợt sẽ công bố danh sách này nhưng cũng sẽ có một số nhân vật chúng tôi sẽ không công bố cho tới khi ngã ngũ. Đó là những nhân vật có thể có tài sản ở Hoa Kỳ mà chính phủ Hoa Kỳ không muốn cho biết trước bởi vì sợ họ có thể tẩu tảu tán tài sản ra khỏi Hoa Kỳ trước khi bị đóng băng.
Cách thức làm là từng đợt sẽ công bố danh sách này nhưng cũng sẽ có một số nhân vật chúng tôi sẽ không công bố cho tới khi ngã ngũ.
- Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
Tổng thống Trump và nội các có vẻ bận rộn rất nhiều đến những việc khác, tuy nhiên đây là luật của Hoa Kỳ và luật thì phải chấp hành. Do đó có những bộ phận riêng của Bộ Ngoại Giao, Bộ Ngân Khố, Bộ Tư Pháp đang làm việc về vấn đề thể thức nhằm thực thi luật này.
Việc thứ hai mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là quốc hội Hoa Kỳ theo dõi rất kỹ, luật mới được đề ra càng được theo dõi kỹ hơn. Chúng tôi đang bàn với một số vị dân biểu và thượng nghị sĩ để tổ chức một cuộc điều trần về việc thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu.
Được biết theo lẽ thì ngày 30 tháng Tư năm nay Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải nộp bản phúc trình đầu tiên về việc thực thi. Tuy nhiên tin từ Bộ Ngoại Giao báo qua cho quốc hội Mỹ biết là thể thức chưa xong nên chưa thể báo cáo.
Chính vì thế mà thời điểm nộp phúc trình được dời đến ngày 10 tháng Mười Hai là ngày Quốc Tế Nhân Quyền hàng năm. Đây cũng là lý do BPSOS tập trung mọi vận động liên quan đến Luật Magnitsky Toàn Cầu với danh sách 168 người có quyền thế trong chính phủ Việt Nam phải bị chế tài vì vi phạm nhân quyền của người dân một cách trầm trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét