Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Hãy nhìn Bắc Kinh để thấy tương lai của TP.HCM khi phát triển nhiệt điện vô tội vạ!

Trong khi Trung Quốc vừa hoàn tất đóng cửa tổ máy cuối cùng của nhà máy điện Hoa Năng, phía Nam Bắc Kinh vào ngày 18/03, đưa thành phố này trở thành đô thị đầu tiên trong nước chấm dứt sử dụng năng lượng điện từ than đá. Thì cùng thời điểm trên, người ta lại đề xuất xây dựng hai nhà máy nhiệt điện than ở Long An trị giá 5 tỷ USD ngay sát khu vực gần biển Cần Giờ (TP.HCM), đặt ra mối lo ngại lớn về nguy cơ ô nhiễm môi trường và đe dọa sức khỏe của người dân TP và khu vực.

Chẳng đâu xa, hãy nhìn bầu không khí ô nhiễm, nồng nặc axit của Bắc Kinh để thấy tương lai TP.HCM. Người ta còn nói đùa rằng, tại Bắc Kinh, bầu trời xanh duy nhất chỉ có trên màn hình tivi và trong ký ức của người dân mà thôi. Nếu chọn phát triển nhiệt điện than thì những hệ lụy ô nhiễm môi trường, lẫn thiệt hại kinh tế mà Trung Quốc đã và đang gánh chịu sẽ là tương lai của Việt Nam. Trước đây, tổ chức phi lợi nhuận Carbon Tracker Initiative (trụ sở London) đã đưa ra cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ lãng phí gần 500 tỷ USD vào những nhà máy nhiệt điện than mới. Điều này đã trở thành sự thật khi trong hai năm 2016, 2017 Trung Quốc liên tiếp đóng cửa các nhà máy.


Một nguyên nhân lớn khiến Bắc Kinh ô nhiễm trầm trọng do các nhà máy nhiệt điện xả thải
Còn Việt Nam thì sao? Đến thời điểm hiện tại, không có nước nào phát triển nhiệt điện than nhanh như ở Việt Nam, theo quy hoạch đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than (hiện nay có 20 nhà máy), riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 14 nhà máy.

Xây dựng nhiệt điện than là đi ngược lại với xu hướng của thời đại vì nhân loại đang hướng tới năng lượng sạch. Bằng chứng là, ở Châu Âu 109 nhà máy nhiệt điện than đã bị đóng cửa. Ở Mỹ 165 nhà máy nhiệt điện than đã ngưng hoạt động, 179 dự án xây mới bị hủy bỏ. Một số quốc gia cũng đã có lộ trình bỏ các nhà máy nhiệt điện than như Anh đến năm 2025, Pháp đến năm 2023, Canada năm 2030. Trung Quốc, nước sản xuất năng lượng từ than cao nhất thế giới cũng đã đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện than và ngưng các dự án đang thi công – năm 2016 ngưng 18 dự án điện than, đầu năm 2017 ngưng 85 dự án và mới đây, ngày 18/3 thành phố Bắc Kinh đã cho đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng.

Hai nhà máy nhiệt điện Long An có vị trí ngay sát TPHCM, đe dọa trực tiếp đến chất lượng không khí và tính mạng của người dân TP
Theo các chuyên gia, việc đặt nhà máy nhiệt điện than ở Cần Giuộc, ô nhiễm không khí TP.HCM sẽ tăng mạnh. TP.HCM có thể thường xuyên bị mù khô, sương mù giống như ở Bắc Kinh (Trung Quốc), thậm chí là mưa a xít.

Nhiệt điện than là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Hiện nay, vấn đề xỉ than và tro bay sau quá trình đốt lên đến cả triệu tấn/năm phải làm thế nào ? Ngay cả nước có công nghệ tiên tiến như Mỹ cũng chỉ xử lý được 40% xỉ than.

Tại Hội thảo “Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết” do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), đại diện cho Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức ngày 29/9/2014 đã đưa ra một thống kê gây sốc. Tại Việt Nam có khoảng 4.300 người Việt chết yểu liên quan đến nhiệt điện than. Dự báo, khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030, nếu không cắt giảm, lượng khí thải được dự báo này có thể dẫn tới cái chết của hơn 25.000 người mỗi năm (kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Harvard). Đó là chưa nói đến chi phí y tế khổng lồ về sức khỏe của người dân.

Hiện nay Trung Quốc đang đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện than và tương lai sẽ bỏ hoàn toàn, nhưng họ lại làm tổng thầu hầu hết các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến tháng 4/2014, Trung Quốc làm tổng thầu trọn gói 15 trong số 20 dự án nhiệt điện đang thi công (chiếm 75%).

Sơ đồ các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực ĐBSCL
Có hay chăng việc Trung Quốc sẽ sử dụng thiết bị cũ từ nhà máy đóng cửa, tân trang lại rồi bán cho Việt Nam? Đối với anh bạn phương Bắc thâm hiểm này, không gì là không thể? Và hậu quả tất yếu là ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao…Không phải đợi mười năm, hai mươi năm sau chúng ta mới thấy hậu quả từ sai lầm của chủ trương phát triển nhiệt điện than mà bây giờ nó đã hiện hữu trước mắt – sự cố ô nhiễm tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) hồi tháng 4 năm 2015 có nguy cơ tái diễn.

Mặc kệ những cảnh báo phát triển nhiệt điện than là đi ngược lại với xu thế thời đại, hay khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc “Không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”, dường như người ta vẫn bất chấp mọi hậu quả, kể cả mạng sống của người dân để “có năng lượng phát triển kinh tế”? Vì tầm nhìn hạn hẹn hay vì lợi ích một nhóm người nào đó, người ta mặc cho đất nước bị tàn phá, mặc sự sống của người dân. Bài học từ việc phá rừng, xây dựng thủy điện, khai thác boxit, Formosa…còn nóng hổi, vậy tại sao không có sự điều chỉnh?

* PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM:

Hoạt động nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than dù có sử dụng công nghệ hiện đại đến đâu đi nữa, cũng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Những chất thải phát sinh từ hoạt động này chủ yếu sẽ là bụi, thải tro xỉ than, nước thải công nghiệp, chất NOx, SO2… sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Đáng chú ý, với vị trí này, nhà máy nằm ngay hướng đầu nguồn gió Tây Nam thổi về TPHCM nên sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường sống người dân khu đô thị cảng Hiệp Phước, Phú Mỹ Hưng, quận 8 và quận 1. Trên thực tế, những tác hại ô nhiễm môi trường do nhà máy nhiệt điện sử dụng nguyên liệu than đá đã hiện hữu rất rõ. Đơn cử như nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải và Trà Vinh, những chất gây ô nhiễm khí thải nhẹ thì gây viêm hô hấp, nặng thì gây ung thư cho người dân. Do đó, việc xây dựng nhà máy nằm khu vực đầu nguồn gió TPHCM, cần phải suy xét lại.

* Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM):

Đặt vị trí xây nhà máy nhiệt điện giáp ranh với TPHCM là không hợp lý bởi tro xỉ nhiệt điện, khói thải cho dù có đưa lên cao tầng ống khói hơn 3.000 mét thì khi gặp gió Tây Nam đặc trưng của vùng này từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, nhiều khả năng khói thải, tro xỉ sẽ luân chuyển trong không khí phát tán đến các khu đô thị, khu dân cư của TPHCM. Xét về kinh tế môi trường thì xây nhiệt điện ven sông Soài Rạp là không đủ điều kiện, bởi sẽ đánh đổi nhiều giá trị khác về hệ sinh thái, môi trường. Do phát triển nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện cho vùng kinh tế phía Nam là cần thiết nên có thể tập trung các nhà máy nhiệt điện vào một khu vực, chẳng hạn tập trung phát triển tăng công suất nhiệt điện tại Trà Vinh – nơi có sẵn một số nhà máy nhiệt điện và cảng xuất nhập hiện hữu, dễ mở rộng.

* Các tác động trong suốt vòng đời của một nhà máy điện than siêu tới hạn điển hình 550-MW có kiểm soát ô nhiễm:

• 150 triệu tấn CO2
• 470.000 tấn metan
• 7.800 kg chì
• 760 kg thủy ngân
• 54.000 tấn NOx
• 64.000 tấn SOx
• 12.000 tấn bụi
• 4.000 tấn CO
• 15.000 kg N2O
• 440.000 kg NH3
• 24.000 kg SF6
• hút 420 triệu m3 nước hầu hết từ các nguồn nước ngọt
• tiêu thụ 220 triệu m3 nước
• thải 206 triệu m3 nước thải vào các dòng sông.

(Nguồn: Bộ Năng lượng, Phòng Thí nghiệm công nghệ năng lượng quốc gia Mỹ)

Minh Trần

(Blue)

Không có nhận xét nào: