Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Vương Trí Nhàn:Campuchia, một con đường khác, một nhận thức khác; Phạm Viết Đào: Nước Lào yên hòa giữ một châu Á sài đẹn, mưng mủ

Campuchia, một con đường khác, một nhận thức khác

Đường phố Siemriep về đêm

Vương Trí Nhàn


Ngoài chuyện tiền bạc, về tâm lý thôi mà nói, tôi thường đã rất ngại, không dám tính đi du lịch các nước giàu có bên trời Tây. Lý do là vì đi về chỉ thấy buồn, sao ở đó người ta sướng thế tử tế thế mà nước mình con người hư hỏng và xã hội trì trệ đến thế.

Nhớ có lần đọc một câu của B. Russel, do Hà Văn Tấn dẫn lại, bàn về sự hấp dẫn của sử, đại ý nói là đọc sử để hiểu những ngu ngốc của thời xưa do đó dễ dàng chịu đựng hơn những ngu ngốc của thời nay.

Tôi cũng muốn làm theo lời khuyên đó, và chuyển nó từ trục thời gian xoay qua trục không gian. Tức là, nếu điều kiện cho phép, tôi thích đi lang thang ở những nước nghèo nước khổ, để khi quay về thấy yên tâm với nước mình. Ví dụ như đi châu Phi, hay mấy nước kem kem ở Trung Đông và Đông Nam Á.

Nói thế thôi, chứ bây giờ chả ai nghèo khổ nữa, không bằng Tây nhưng họ biết học Tây để phát triển. 

Chỉ có riêng ta, chả học làm ăn gì cả -- sau chục năm hô hào nay cái nghĩa của hai chữ hội nhập tóm lại ở một nội dung là mua hàng ngoại về mà xài - nên đằng sau vẻ sặc sỡ giả tạo là sự nghèo nàn thực sự, tìm nước chán hơn nước mình rất khó.

Tuy nhiên ở đâu thì qua sự so sánh cũng rút ra được ít suy nghĩ có ích . 

Tôi đến Campuchia tháng 11-2010 với tâm thế đó và đã ghi lại những cảm tưởng sau chuyên đi ba ngày này trong sổ, nay xem lại thấy có vẻ như vẫn tàm tạm, nên muốn trình ra với các bạn.

MỘT THỜI THANH BÌNH

Trên những con đường quốc lộ, tôi đã chứng kiến một sự bình thản. Làng xóm nơi đây yên lành, trên nền không gian rộng rãi. Người ta không đổ ra đường để buôn bán.

Đến Pnompenh, sự bình thản ấy vẫn còn. Đô thị không có nghĩa là chen chúc. Xe máy đã nhiều hơn xe đạp, nhưng không thành những dòng sông cuộn nước như ở ta. Ngay ở các ngã tư chưa có đèn đỏ, vẫn thấy có hiện tượng ô tô nhường nhau chứ không thúc vào đít nhau mà còi loạn lên như ở Hà Nội. 

Tôi đến Pnompenh vào một buổi chiều người đi đông nghìn nghịt ngoài đường, -- sau đó tôi mới biết là ngày hội té nước, cầu bắc qua sông bị gãy, tiếp đó là sự kiện bi thảm hơn ba trăm người chết và vài trăm khác bị thương.

Tuy nhiên, nếu như ở VN, việc đó sẽ làm cho cả thành phố rung động thì ở đây, mọi chuyện không gây hoảng hốt quá đáng. Nhà nước không làm ầm lên cái chuyện kịp thời lo cứu trợ cho dân. Sáng hôm sau, trước bãi cỏ hoàng cung, những người công nhân vệ sinh bình tĩnh dọn rác. Hàng đàn bồ câu bay lên. Trước cửa bệnh viện, người đến thăm nom không khóc lóc động trời mà xếp hàng vào thăm người thân khá trật tự. Họ tin rằng xã hội sẽ biết cứu giúp người thân của mình một cách tốt nhất.

NHỮNG CÁI KHÔNG Ở SIEMRIEP

Ở đây tôi càng như trở lại một thời thanh bình cổ điển. Nơi đây khách du lịch không thấy những đám thiếu niên làm ồn trên đường và chen chúc nhau trong các cửa hàng chơi game. Không thấy các thiếu nữ váy dài váy ngắn, mắt xanh mỏ đỏ. Không thấy các đám công chức túm tụm bia rượu. 

Tôi tự giải thích cho tôi về sự thanh bình này: Chiến tranh đã đi qua đất nước này, nhưng nó không xới lật lên tất cả, nó không biến con người trở thành những cái bã của chính mình thời tiền chiến. 

Nếu sau chiến tranh người Việt mình không ai bảo ai gần như phát cuồng lên lao đi kiếm sống thì ở đây, người Miên yên tâm với tình cảnh của mình 

Con người không quá nhiều ham muốn. Không muốn trả thù cho những năm tháng vất vả vì chiến tranh. Không tự biến mình thành một xã hội tiêu thụ.

Đặc biệt vì Siemriep là nơi nhiều du khách nước ngoài tới để thăm Ăngkor Wát Ăng co Thom, nên tôi lại chứng kiến một nét khác làm nên lòng tự tin của văn hóa Campuchia. Họ không coi người nước ngoài là cái nguồn kiếm sống. Lại càng không coi những cái ngoại lai ấy là cái mẫu để học đòi bắt chước từng ly từng tí. Họ tự tin ở cách sống riêng của người Campuchia và biết học hỏi người nước ngoài một cách khôn ngoan và thận trọng.

BÌNH THẢN TRƯỚC LỊCH SỬ 

Cả ở Pnompenh lẫn Siemriep, phố xá được đặt tên bằng các con số là chủ yếu Rất ít phố ở đây lấy tên người để đặt như ở bên ta.

Người Campuchia hình như không quá quan trọng đối với quá khứ của mình. Lại càng không coi việc đặt tên một người cho đường phố là cách thưởng công cho người đó, vô hình trung tạo nên một cuộc chạy đua lố bịch.

Sống sát ngay Angko Wat Angkor Thom, nhưng người dân Siemriep không coi đó là nguồn kiếm sống, không chen chúc vào trung tâm để mở cửa hàng. 

Mà người các địa phương khác cũng không rồng rắn kéo về cố đô để lây niềm tự hào .

Họ thản nhiên sống cạnh lịch sử, đến mức tôi cảm thấy hình như họ nghĩ rằng mình chưa đủ trình độ để giải thích quá khứ của mình.

Cảm tưởng này lại đến với tôi khi thăm Bảo tàng quốc gia Campuchia ở Pnomgpenh.

Giá vé vào cửa đắt, những 12 USD nên người bản xứ vào không nhiều. 

Thế sao chính phủ không tìm cách giảm giá vé để cho dân vào? Sau tôi mới biết thật ra bảo tàng này do người Pháp chủ trì xây dựng đâu từ 1925 và đến nay vẫn giữ nguyên theo cách trình bày ban đầu. Tức Bảo tàng này trình bày lịch sử Campuchia bằng con mắt người Pháp, chứ không phải bị cải tạo đi như ở ta. 

Nhưng cái du khách bắt gặp ở bảo tàng lại là một xứ Campuchia đích thực, và tôi ngờ khi tới thăm nó cả người bản địa lẫn người nước ngoài đều hiểu và yêu Campuchia hơn. 

Còn dân Việt từ quan đến dân do nghĩ rằng “không ai hiểu mình bằng mình”, chỉ biết làm ra những thứ bảo tàng quá nhiều đồ giả quá nhiều khẩu hiệu, phần xem được không bao nhiêu. 

Thử hỏi giữa ta với người hàng xóm ai biết tôn trọng quá khứ hơn ai?


Vương Trí Nhàn

Bài viết nhân chuyến Phạm Viết Đào thăm Lào tháng 4/2013


Lời dẫn: Tuần vừa qua, từ 19-25/4/2013 chủ blog cùng với anh chị em từng công tác tại thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã nghỉ hưu, ới nhau, thuê một chuyến xe để làm một cú “đột kích” qua Lào bằng đường bộ theo ngả Cầu Treo Hà Tĩnh; Chuyến đi cả đi về trong 6 ngày 5 đêm chi phí toàn bộ hết gần 4 triệu/người; Một khoản chi phí hợp lý và quan trọng hơn đây là một chuyến đi không là khách mời của ai và không qua dịch vụ du lịch để tự mình thu nhận, gặt hái những ấn tượng, cảm xúc về một nước Lào, trong tâm thức là một quốc gia cộng sản đàn em của Việt Nam…
Chuyến đi của chúng tôi khi qua cửa khẩu Cầu Treo xuất phát chậm hơn chuyến xe bị tại nạn chết 3 người và bị thương 30 người khoảng 1 tiếng đồng hồ nên cũng gây cho nhiều gia đình, bạn bè biết vệ lộ trình của đoàn hốt hoảng vì cùng tuyến đường và thời gian; Trên đường từ cửa hàng ăn Thông Lý, một cửa hàng ăn của một Việt kiều, đi được chục km thì đoàn chúng tôi đã bắt gặp chuyến xe bị nạn…
Điều làm cho anh em chúng tôi ấm lòng là khi đoàn trở về qua cử khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh chiều qua, một số chiến sĩ biên phòng ở đây đã vồn vã thăm hỏi: Chúng cháu lo quá, tưởng đoàn của các bác bị tai nạn…
Tin rằng những thông tin, cảm nhận và một vài ấn tượng bất ngờ nhặt nhạnh trong chuyến đi vừa qua nguyên sơ như những cánh rừng Lào sẽ giúp các bạn hiểu thêm về nước Lào; Đoàn chúng tôi 27 người chỉ đủ thời gian và sức khỏe để đi thăm thủ đô Vientian; rất tiếc còn 2 địa danh du lịch nổi tiếng của Lào là Cố đô Phrabăng và Cánh đồng chum đã không thể ghé qua vì đường sá xa xôi…
Sau đây là những cảm nhận, ấn tượng chủ quan nhưng hết sức thú vị của chủ blog về đất nước, xã hội, con người, bản sắc Lào và nhân tố Trung Quốc đối với Lào hiện nay- một vấn đề thời sự…
                    P.V.Đ chiêm ngưỡng một bức tượng tiêu biểu độc đáo tại ngôi chùa ở Vientien
                        Tạm đặt tên: Không nhận cái không phải của mình; hoặc Đủ thì thôi...

Bài 1: Lãnh đạo Việt Nam nên học lãnh đạo Lào vì họ khôn ngoan, tài, giỏi và tử tế với dân hơn…

Những mô hình quản trị nhà nước châu Á được thiết lập trong mấy chục năm qua, nhân tố tạo nên những vấn đế chính trị-kinh tế-xã hội-văn hóa và môi trường của Châu Á, giống với những đứa con của những cuộc hôn nhân cha già con cọc…Cuộc hôn phối bất đắc dĩ giữa châu Á già nua với chủ nghĩa cộng sản đã làm nảy nòi ra những đứa con đứa thì sài đẹn, đứa thì trở thành một dạng quái thai, hung đồ, khát máu, quái quỷ ( Cămpuchia thời Paul Pot; Bắc Triều Tiên hiện tại…); hoặc sinh ra một thực thể người mưng mủ, mụn nhọt toàn thân trong hết thảy các vấn đề chính trị-kinh tế-văn hóa-giáo dục-môi trường như Việt Nam…

Khi nói tới châu Á, người ta nghĩ tới Trung Quốc, một nước “ to phe “ nhất, một nhà nước vẫn được xây dựng theo mô hình cộng sản; chỉ trong vài, ba chục năm qua đã đẩy tổng thu nhập quốc dân lên hàng thứ 2 thế giới; Thế nhưng cái sự ăn nên làm ra, thành tích phát triển về kinh tế với tốc độ tăng trưởng từ 8-10 %; thặng dư ngoại tệ dữ trữ để trở thành ông chủ cho vay nặng lãi đã không mang lại sự thịnh vượng, yên bình cho người dân Trung Quốc, trở thành nhân tố góp phần vào sự thịnh vượng và yên bình cho thế giới mà làm cho thế giới bất an hơn…
Sự xuất hiện của Trung Quốc trên vũ đài Trung Quốc trong những năm gần đây khiến cho thế giới phải lo lắng, hốt hoảng, dè chừng; nhiều quốc gia châu Á phải dốc hầu bao và đồng tiền ngân sách còm ra để mua vũ khí cũng do sự trỗi dậy như một kẻ hung đồ- Trung Quốc…Để thoát nghèo, để trở nên nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, để trở thành Đại Hán, nhà cầm quyền Trung Quốc đã trở nên độc tài, phát xít với người dân Trung Quốc; tàn ác với môi trường thiên nhiên và hung đồ, xấu chơi với các nước láng giềng lân bang…
Cường quốc thứ 2 sau Trung Quốc là Ấn Độ mỗi khi nói về châu Á người ta vẫn thường đề cập đến; Ấn Độ là nhà nước không được thiết lập theo thể chế Cộng sản nhưng cộng sản cũng đang là vấn đề làm cho đất nước này trở nên mưng mủ ngày càng trầm trọng trong thể trạng chính trị-môi trường của đất nước; đám cộng sản maoist ở Ấn Độ đã là một trong các nhân tố gây mất ổn định xã hội Ấn Độ…
Cùng với nhiều quốc gia đang phát triển khác, Ấn Độ cũng đang đứng trước những xung đột đẫm máu về con đường công nghiệp hóa của nước này; Con đường công nghiệp hóa nền kinh tế đất nước Ấn Độ là con đường tất yếu các quốc gia muốn trải qua đều phái trả giá cho nó…Đối với Ấn Độ, qua các phương tiện truyền thông cho thấy những vết thương gây mưng mủ xã hội Ấn Độ đó là: khoảng cách và sự cách bức giàu nghèo giữa đa số nông dân Ấn đang mất dần tư liệu sản xuất đó là đất đai với những ông chủ mới là các nhà doanh nghiệp giàu lên nhờ công nghiệp và nhờ bắt tay với Chính phủ, tước đoạt đất đai của nông dân…
Những xung đột này đã gây nên những cuộc nội chiến dai dẵng, đẫm máu tại nhiều bang của Ấn Độ; đã có hàng trăm ngôi làng bị triệt hạ, tàn sát; hàng ngàn người nông dân Ân Độ bị cướp, hiếp đất, bị tàn sát, bị đẩy ra bên rìa xã hội do cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất và tiến trình công nghiệp hóa…Đứng đằng sau những người nông dân Ấn Độ mất đất là đám cộng sản maoist tìm cách tổ chức họ lại để đối kháng với Chính phủ Ấn Độ đang bắt tay làm ăn với phương Tây…
Sau những vấn đề của Trung Quốc, Ấn Độ thì các vấn đề của các quốc gia khác như Mienma, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật… cũng đang gây nên những cơn sốt cấp trong từng thời kỳ, gây co giật không chỉ riêng đối với các quốc gia này, khu vực này…
Khi tìm hiểu và bình luận về các vấn đề Châu Á người ta thường tìm đến các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản mà ít ai nghĩ đến Lào…Điều bất ngờ khi đến Vientian, Đỗ Đăng Túc, nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện Giám đốc Nhà văn hóa Việt Nam tại Lào cho biết: Nước Lào năm 2012 vừa qua qua có 3 triệu khách du lịch trên tổng số 6 triệu dân, trong khi du khách đến Việt Nam chỉ hơn 6 triệu lượt; Cứ mỗi du khách chi tiêu 200-300 USD trên đất Lào thôi thì dân Lào cũng đã kiếm được ít tiền tiêu vặt…Con số này khiến cho những ấn tượng đầu tiên về nước Lào trong tôi thay đổi…


Đoàn chúng tôi đến 20 giờ tối 19/4 xe mới vào tới Vientian, qua ánh sáng điện đường phố, chúng tôi đã nhận thấy kiến trúc của thủ đô Vientian nhỏ, nhẹ, xinh xắn nhưng vẫn mang được bản sắc Lào, ra một thủ đô của nước Lào; cái mà Hà Nội và nhiều thành phố lớn, tiêu biểu của Việt Nam không làm được…
Một ấn tượng bất ngờ thứ 2: suốt chặng đường dài 400 km từ cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh vào Vientian xe chúng tôi không hề bắt gặp một cảnh sát giao thông nào? Vào thủ đô Vientian suốt 4 ngày gần như không nhìn thấy bóng dáng một cảnh sát nào xuất hiện trên đường phố Lào ? Điều này cho thấy xã hội Lào chắc chắn yên bình hơn Việt Nam? Xe chúng tôi lưu thông trên các đường phố của Lào theo những chiếc xe của người Lao ngoan ngoan tuân theo tốc độ được chỉ dẫn mà không có sự xuất hiện một chiếc dùi cui cảnh sát nào…
Khi vào Vientian, khi đi qua đường, đợi không nhìn thấy tín hiệu đèn xanh, thấy chúng tôi đứng đợi đèn xanh, các phương tiện ôt đã dừng lại nhường đường để chúng ta tôi qua; Thì ra ở Lào cũng đã sử dụng phương tiện ưu tiên cho người đi bộ qua đường giống như một số nước bắc Âu; Muốn qua đường, người đi bộ tự bấm đèn xanh và các phương tiện khác phải dừng để nhường đường…
Qua tín hiệu này cho thấy trình độ và khả năng quản trị xã hội-giao thông là một mảng của xã hội của Lào cao và văn minh hơn Việt Nam; Không chỉ ngoài đường phố mà khi vào các chợ siêu thị và các chùa chiền, tuyệt nhiên không hề có chuyện chèo kéo khách, bắt chẹt khách…Đoàn chúng tôi đi thăm một số địa danh Vientian, rất nhiều thợ chụp ảnh đã chụp ảnh đoàn nhưng có  lấy ảnh hay không là quyền của khách, không có chuyện gây sức ép hay xị mặt nếu bị khách từ chối…
Tìm hiểu một số thông số vĩ mô của kinh tế Lào: với 6 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người của Lào ngang Việt Nam khoảng 1300 USD; tức tổng GDP của Lào khoảng 10 tỷ USD…Thế nhưng lương công chức của Lào theo Đỗ Đăng Túc cao gấp rưỡi lương cán bộ, công chức Việt Nam; chức sắc từ cấp trưởng phòng cấp Bộ mỗi tháng được trợ cấp 20 lít xăng đi làm-coi như nhà nước cấp xăng…Cán bộ từ cấp vụ phó được cấp ôtô và 800 m2 đất , từ cấp thứ trưởng được cấp thêm nhà…
Đối với người dân Lào ngoài giá xăng cao hơn Việt Nam, khoảng 30.000/lit nhưng người dân được hưởng 2 dịch vụ miễn phí đó là giáo dục và y tế…
Hàng năm Lào sản xuất được 3 triệu tấn lương thực và chỉ sản xuất trong một vụ; Điều này cho thấy nông dân Lào nhàn và sướng hơn nông dân Việt Nam nhiều; mặc dầu khí hậu của Lào có vẻ khắc nghiệt hơn Việt Nam: Mùa nắng thì khô cằn còn mùa mưa thì mưa thối trời, thối đất…
Qua một vài thông số trên cho thấy: Mặc dù tổng thu nhập quốc dân của Lào không cao hơn Việt Nam; nhưng đời sống của cán bộ, công chức, người dân Lào được đảm bảo hơn so với Việt Nam; yên ổn hơn so với Việt Nam…Có được điều này lẽ do cách ứng xử của nhà nước Lào: ăn đều… chia sòng… nên đã tránh cho xã hội hội Lào rơi vào tình cảnh, bị thúc bách tâm lý cơ hội, chụp giật…dành nhau chiếc chăn hẹp; Do cách ứng xử này nên đã tạo ra được một sự yên ổn, bình yên, tránh bị cái tâm lý chụp giật, thời vụ, nhiệm kỳ… kích thích…
Để làm được việc đó phải nói là công lao của bộ máy quản trị, tức lãnh đạo nhà nước Lào không quá tham lam như đám quan chức Việt…Theo thông tin của một vài ông bạn từng sang Lào tìm cơ hội làm ăn cho biết: chuyện lobby ở Lào cũng nặng nề lắm đấy…Có lẽ, về đối nội người Lào đã biết cách chia sẻ với nhau để tránh cái việc kẻ ăn không hết người lần không ra; một thực trạng đang phổ biến tại Việt Nam…
                        Phật, điều thiện sinh ra trong nanh vuốt của cái ác...

Đa số người dân Việt, nhất là giới trí thức rất khinh ghét đám công chức và quan chức Việt Nam bởi chất lưu manh, gian trá, lá mặt lá trái, tham lam vô độ, không đứng đắn và tử tế với dân; Đám quan chức Việt phần lớn đã ngu do cơ chế đề bạt, tuyển dụng nhưng lại gian, tham… Trong khi đó quan chức Lào, cũng do cái lò cộng sản Việt Nam đào tạo ra; Các quan chức của Lào phần lớn đều học qua trường lớp của Việt Nam; Có học ở Việt Nam về mới vô được quy hoạch…Thế nhưng, khi nhìn vào thực trạng xã hội thấy họ học ở Việt Nam về, họ là học trò của Việt Nam nhưng họ lại xây dựng ra được một nước Lào một xã hội trậ tự ngăn nắp, hài hòa hơn Việt Nam và ngang ngửa với nhiều quốc gia phát triển châu Âu về phương diện quản trị xã hội…Đạt được điều này có lẽ do quan chức và công chức Lào ít tham và ít gian hơn đám quan chức và công chức Việt, mặc dù đều từ cáo lò cộng sản mà ra…Sự trật tự quy củ của một xã hội châu Á, chắc Việt Nam còn mất nhiều thời gian mới đuổi kịp Lào, một quốc gia chúng ta vẫn coi là đàn em về nhiều phương diện…
Đây có lẽ do một phần chi phối bởi nền Phật giáo Đại thừa là tôn giáo thịnh hành của quốc gia này; Liệu Phật giáo Đại thừa đã giúp chuyển hóa được chất quỷ quái do cái lò cộng sản nảy nòi ra không? Điều này, đề nghị các nhà Phật học lên tiếng…
Về vấn đề này chủ blog sẽ phân tích kỹ hơn trong bài sau khi đề cập tới bản sắc Lào…

( Còn nữa... )
Bài 2: Bản sắc Lào
Bài 3: Nhân tố Trung Quốc đối với nước Lào

Không có nhận xét nào: