Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Trung Quốc đang tiến hành cuộc chiến tranh công nghiệp mới

công nghiệp
Chiến lược công nghiệp mới của Trung Quốc đã được Nhật Bản áp dụng trước kia (Ảnh: Getty)
Trung Quốc hiện có một chương trình mới về chiến tranh kinh tế, một cuộc chiến theo phương cách đã được sử dụng nhiều trong lịch sử cạnh tranh công nghiệp.
Theo một nguồn tin nội bộ ở Trung Quốc, chương trình mới đã được khởi động vào giữa năm 2015 đến đầu năm 2016. Đây được coi là một sự thay thế hợp pháp cho mô hình trước đây vốn sử dụng các cuộc tấn công mạng để lấy cắp thông tin vì lợi ích kinh tế.
Vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama, đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng. Hai bên đã thông báo một thỏa thuận song phương mới, trong đó quy định không một nước nào được sử dụng các cuộc tấn công mạng để lấy cắp sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại và các thông tin bí mật khác để giành “lợi thế thương mại”.
Bối cảnh của cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo là các vụ tấn công mạng do nhà nước Trung Quốc chỉ đạo đã đánh cắp các bí mật kinh tế của Mỹ, và ông Obama bắt đầu đe doạ trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi từ các cuộc tấn công mạng. Thỏa thuận này đã làm chuyển hướng sự trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức cấp cao ở Trung Quốc đang triển khai một kế hoạch thay thế được gọi là Dự án 863 để “nhanh chóng bắt kịp và vượt qua” phương Tây.
“Những gì Trung Quốc đang làm là gửi các nhóm người đến Mỹ – họ sẽ móc nối với các đối tác hiện tại của họ và tạo ra các đối tác mới – để có thể thực hiện đúng các công việc như trước đây” – nguồn tin nội bộ cho biết với điều kiện giấu tên vì lý do an toàn cá nhân.
“Mặt khác, họ đến đất nước này để bắt đầu thành lập cơ sở kinh doanh. Các nhóm người đến để tìm hiểu trực tiếp hơn về các hoạt động kinh doanh và về những mưu mẹo kinh doanh của các doanh nghiệp phương Tây “rồi lấy cắp nó mang về nước”.
Nguồn tin đã đưa ra một ví dụ về hành động này, cho biết một công ty Trung Quốc chuyên chế tạo các loại máy bay không người lái công nghiệp, đã bắt đầu thành lập liên doanh với các doanh nghiệp Mỹ.
“Họ muốn có công ty ở Hoa Kỳ, và có thể kết nối với một công ty khác, làm việc với công ty đó, sau đó có thể đưa người hoặc công nghệ về [Trung Quốc] đại lục,” nguồn tin nội bộ cho biết. “Đó là trọng tâm chính của những điều họ muốn thực hiện”.
Trung Quốc đã nhanh chóng thúc đẩy việc mua lại các doanh nghiệp nước ngoài và thành lập các công ty liên doanh, các tác động của họ đã trở nên rõ ràng cho đến mùa thu năm 2016.

Sự thay đổi này đã gây ra nhiều quan ngại trong giới kinh doanh và chính trị, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở khắp nơi trên thế giới.Theo số liệu từ công ty tư vấn Rhodium Group có trụ sở tại New York, đầu tư trực tiếp hàng năm của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng gần gấp 3 lần trong năm 2016 so với năm trước, từ 15,3 tỷ USD lên 45,6 tỷ USD.
Vào tháng 2 năm 2016, New York Times đã đưa tin về những phản ứng chính trị ngày càng gia tăng ở Washington đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có ý định mua lại các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ.
Hãng tin Bloomberg đưa tin hồi tháng 8 năm 2016 rằng việc [mua lại doanh nghiệp] và nắm quyền kiểm soát của Trung Quốc đã gây ra một phản ứng dữ dội trên toàn cầu trước Hội nghị thượng đỉnh G-20. Trong khi đó, The Trumpet đưa tin rằng Bộ trưởng Ngân khố Úc, vì lý do an ninh, đã từ chối 2 giao dịch từ Trung Quốc, liên quan đến [việc mua lại các công ty năng lượng Úc], trị giá trên 7,6 tỷ USD.
Vào tháng 8 năm 2016, tờ Haaretz của Israel đã công bố một phân tích có tựa đề “Tại sao Trung Quốc lại ‘đam mê mua sắm’ ở Israel”, trong đó ghi nhận xu hướng mua lại [doanh nghiệp] nhưng không thấy động lực đằng sau nó. Phóng viên cho biết, với nền kinh tế vững mạnh và danh tiếng về sự đổi mới, Israel đơn thuần là một bãi đỗ hấp dẫn cho sự tháo chạy vốn của Trung Quốc.

Một chiến lược cổ điển

Việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động vì lợi ích kinh tế không phải là một phương pháp mới lạ, theo ông Amar Manzoor, tác giả cuốn “Nghệ thuật Chiến tranh Công nghiệp.”
“Về cơ bản, họ đã bắt chước theo Nhật Bản,” ông Manzoor nói về chương trình mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một tình huống tương tự diễn ra vào những năm 1950. Ông Manzoor lưu ý rằng nhiều mẫu xe Toyota đã từng giống với loại xe Ford Mustangs [của Mỹ], nhưng được bán với giá rẻ hơn. Sau khi họ thâm nhập vào thị trường Mỹ, hãng Toyota đã hợp tác với nhà sản xuất ô tô General Motors của Mỹ, để thành lập nhà máy [liên doanh] chế tạo ô tô New United Motor Manufacturing Inc.
Bằng cách hợp tác với một công ty lớn của Mỹ xây dựng một nhà máy chế tạo [ô tô] tại Mỹ, hãng Toyota đã có thể thử nghiệm xem người Mỹ sẽ tiếp nhận như thế nào đối với các nhà máy hoàn toàn do Toyota xây dựng trong nội bộ của họ. Điều đó cũng cho phép hãng Toyota bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng tại Mỹ.
Ông Manzoor cho biết nhiều nước đã trải qua quá trình bắt chước một đối thủ nước ngoài, sau đó hợp tác với các công ty trong thị trường mục tiêu.
Ông Manzoor đã lưu ý rằng nhà sản xuất ô tô Tata Motors của Ấn Độ cũng đã mua lại đa số cổ phần của hãng Jaguar Land Rover, điều này giúp họ chuyển giao kỹ thuật chế tạo ô tô về Ấn Độ.
“Mọi thứ Ấn Độ đang làm là dựa trên chiến tranh công nghiệp. Họ muốn tiếp cận công nghệ, họ muốn các nhà máy,” ông Manzoor nói. “Đây cũng là điều tương tự với Trung Quốc.”
trung quốc
Cựu Thủ tướng New Zealand John Key tặng một chiếc áo bóng bầu dục cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Wellington, New Zealand, vào ngày 20 tháng 11 năm 2014. Trung Quốc đã trở thành khách hàng lớn nhất mua lại đất nông nghiệp ở New Zealand, và [tập đoàn] Bằng Hân Thượng Hải (Shanhai Pengxin) hiện là Nhà sản xuất sữa lớn thứ ba tại New Zealand (Ảnh: Hagen Hopkins /Getty Images)
“Điều có xu hướng xảy ra là bạn sẽ có được các trung tâm công nghiệp qua cách làm như vậy”, Ông Manzoor nói, lưu ý rằng không chỉ có các nước mới nổi mới đang cố gắng xây dựng các trung tâm công nghiệp, mà các nước phát triển, bao gồm cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, cũng như vậy.
Giá trị của việc kiểm soát các nhà máy vượt xa lợi nhuận.
Những người tham gia sản xuất – những người xây dựng các sản phẩm – thường là những người nghĩ đến các cách cải tiến sản phẩm hiện có.
Đổi mới công nghiệp tại Mỹ đã bị giảm sút là do sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của Trung Quốc, theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, trong đó chỉ ra rằng ngày càng có ít bằng sáng chế hơn được nộp tại Mỹ.
Đất nước nào kiểm soát các nhà máy thì cũng kiểm soát được thị trường lao động, và bất kỳ quốc gia nào có kinh nghiệm trong các sách lược về chiến tranh công nghiệp, cũng sẽ cố gắng kiểm soát các nguyên liệu thô và toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đặc biệt với Trung Quốc, ông Manzoor nói: “Họ muốn kiểm soát cung và cầu, và cách tốt nhất để làm điều đó là kiểm soát được thương trường (marketplace). Đây chính là nơi mà cuộc chiến tranh công nghiệp đang hướng đến ngay bây giờ”.
Khi chiến tranh công nghiệp đạt đến mức này, thì nó cũng bắt đầu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Theo một báo cáo của Quân đội Mỹ, “thông qua việc tiếp cận các nguồn lực, công nghệ, thị trường, và giới tinh hoa [của Mỹ], các doanh nghiệp Trung Quốc đã có được ảnh hưởng và quyền lực, có thể được sử dụng cho một loạt các mục tiêu, mà không nhất thiết chỉ tập trung vào các mục tiêu thương mại”.
Để cho thấy điều này có thể có ý nghĩa như thế nào, ông Manzoor đưa ra ví dụ về Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi đó các nhà máy đã được thay đổi mục đích cho công nghiệp quốc phòng, các công ty trước đây sản xuất xe hơi, thì nay chuyển sang chế tạo xe tăng và máy bay chiến đấu.
Nếu một quốc gia bị lôi kéo vào cuộc chiến bất ngờ, trong khi thiếu ngành chế tạo trong nước, thì họ sẽ cần phải xây dựng các nhà máy, những kỹ năng và nguồn cung cấp từ con số không.

Thay đổi bên trong

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giảm bớt các cuộc tấn công mạng chống lại Mỹ, mặc dù một số đơn vị tin tặc của họ vẫn hoạt động. Công ty an ninh mạng FireEye đã báo cáo trong tháng 6 năm 2016 rằng kể từ giữa năm 2014, “chúng ta đã thấy một sự suy giảm đáng kể trong toàn bộ các hoạt động xâm nhập của các nhóm ở Trung Quốc, chống lại các tổ chức ở Mỹ và 25 quốc gia khác”. Báo cáo cho biết hành động của Mỹ, đối phó lại các cuộc tấn công [mạng] “có thể đã thúc đẩy Bắc Kinh xem xét lại việc thực hiện các hoạt động mạng lưới của mình”.
Chương trình mới của Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng do nhà nước bảo trợ, có hai điểm chính: một là để mở rộng phạm vi của các nhà máy Trung Quốc, và hai là để lấy cắp tài sản trí tuệ từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Theo nguồn tin nội bộ ở Trung Quốc, “cách duy nhất họ có thể đổi mới là thực hiện một việc: đánh cắp”.
Chương trình mới được xây dựng dựa trên các chương trình hiện tại về trộm cắp kinh tế mà Trung Quốc đã có ngay từ đầu, và nó được thực hiện song song với các hoạt động đánh cắp thông tin trên mạng. Các chương trình này bao gồm chương trình Torch dành cho các ngành thương mại công nghệ cao, Chương trình 973 cho lĩnh vực nghiên cứu và Chương trình 211 có sử dụng các trường đại học.
Theo cuốn sách “Tình báo Công nghiệp của Trung Quốc”, tất cả các chương trình này đã làm đòn bẩy cho sự hợp tác và [sử dụng] công nghệ nước nước ngoài, để bù đắp các khoảng trống quan trọng” và sử dụng các phương pháp, bao gồm cả việc khuyến khích các chuyên gia có tay nghề trở về Trung Quốc hoặc “phục vụ tại chỗ”, cung cấp thông tin mà họ kiếm được từ những người sử dụng lao động ở phương Tây.
Tình hình kinh tế ở Trung Quốc không hề hào nhoáng như chính quyền nước này muốn thế giới tin vào. Nguồn tin ở Trung Quốc cho biết “môi trường kinh doanh [ở Trung Quốc] đã thay đổi hoàn toàn. Nó đã thay đổi theo hướng tồi hơn”.
“Có một số vấn đề quan trọng đang xảy ra. Có rất nhiều người [Trung Quốc] thất nghiệp. Họ đang tìm kiếm câu trả lời, và chính phủ [Trung Quốc] dường như không có được”, nguồn tin cho biết. “Có rất nhiều các cuộc biểu tình đã diễn ra ở đó, mà trước đó không hề có …..”
Trong khi đó, người nội bộ cho biết “rất nhiều doanh nghiệp sáng tạo đang rời khỏi [đất nước Trung Quốc]. Hoặc họ đang bị xua đuổi bởi chính phủ hoặc họ đang nhận ra rằng chính phủ đang lấy cắp mọi thứ của họ”.
“Họ không kiếm đủ tiền và họ không nhận được đủ đơn đặt hàng từ khách hàng của mình”, người nội bộ cho biết. Các công ty đang nhận ra rằng do các mức nghèo đói, và do thiếu tầng lớp trung lưu, thị trường thực sự của Trung Quốc chỉ khoảng 200 triệu người trong tổng dân số là 1,3 tỷ người.
Trong khi đó, nhiều công ty đã từng có sản phẩm của mình chế tạo tại Trung Quốc, nhưng khi mức lương trong nước tăng lên, và khi các quốc gia khác như Ấn Độ và Inđônêxia phát triển cơ sở sản xuất riêng – lợi ích về chi phí sản xuất ở Trung Quốc đang dần dần biến mất.
Trung Quốc hiện đang cố gắng xây dựng một nền kinh tế trung lưu và bắt đầu đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm của Trung Quốc – như máy tính Lenovo và điện thoại thông minh Xiaomi – vào cạnh tranh toàn cầu. Họ cũng đang có những nỗ lực mạnh mẽ để có được nguyên liệu thô, và đàm phán các thỏa thuận thương mại.
Việc tránh phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm và công nghệ của phương Tây, hiện đang là một ưu tiên lớn đối với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang trực tiếp xua đuổi một số công ty. Theo nguồn tin nội bộ, chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc là xô đẩy một cách có lựa chọn các doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, nếu các sản phẩm trong nước của họ đang ở mức độ có thể cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu hoặc thị trường thế giới thứ ba. Các công ty [nước ngoài] mà họ đang giữ lại ở Trung Quốc, là những công ty mà họ vẫn có thể học hỏi.
“Đây là một nỗ lực mới [để mua lại hoặc hợp tác với các công ty bên ngoài Trung Quốc], đang được thực hiện [ở Trung Quốc] bởi vì khi họ xô đẩy mọi người ra khỏi [Trung Quốc], họ cần cái gì đó để thay thế cho năng lực sáng tạo đã bị đánh mất”.
Joshua Philipp, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Phạm Duy tổng hợp
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: