Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Chiến tranh Việt Nam và dấu ấn trong văn chương Mỹ

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: Maureen Ryan, “The Long History of the Vietnam Novel,” The New York Times, 17/03/2017.
Biên dịch: Tram Nguyen | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Năm 2012, nhà văn Ben Fountain đoạt giải National Book Critics Circle (của Hiệp hội Phê bình Sách Quốc gia) cho cuốn Billy Lynn’s Long Halftime Walk. Cuốn tiểu thuyết đầu tay này của Fountain cũng lọt vào vòng chung khảo giải Sách Quốc gia Mỹ, cùng với một cuốn tiểu thuyết đầu tay khác, The Yellow Birds của Kevin Powers, tác phẩm đoạt giải PEN/Hemingway năm 2013 cho tác phẩm hư cấu đầu tay. Cả hai đều là tiểu thuyết Mỹ viết về chiến tranh Iraq. Trong nửa thập niên từ đó cho đến nay, văn chương về chiến tranh Iraq và Afghanistan – hầu hết, nhưng không phải tất cả, được viết bởi các cựu chiến binh trong hai cuộc chiến – đã góp phần rất lớn trong việc định hình bình luận văn hóa về các cuộc can dự quân sự gần đây nhất của Mỹ, trong lúc hàng ngàn nhân viên quân sự Mỹ vẫn đang ở thực địa.
Sự đón nhận nhanh chóng, dễ dàng đối với những tác phẩm như vậy có vẻ hoàn toàn trái ngược với phản ứng nghệ thuật trước cuộc phiêu lưu kéo dài và đầy tranh cãi của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1985, Hội châu Á (Asia Society) đã tổ chức một hội thảo về văn chương liên quan đến Chiến tranh Việt Nam, mà theo họ là cuộc tụ họp đầu tiên của các tác giả lớn người Mỹ có tham gia cuộc xung đột. Nhiều diễn giả, trong đó có W. D. Ehrhart, Bruce Weigl, và James Webb, đã xác nhận nhiều năm dài các nhà xuất bản thờ ơ với thơ, văn chương hư cấu, và hồi ký có chủ đề Việt Nam của họ. Như một biên tập viên nói tại hội thảo, “Trong một khoảng thời gian dài trong những năm 1970, tiểu thuyết về Việt Nam thực sự là một điều tục tĩu.”
Quả thật, giới học giả đã lập luận rằng nước Mỹ chỉ phục hồi từ chứng mất trí nhớ về Chiến tranh Việt Nam khi Ronald Reagan – người nói hồi năm 1980 rằng “đã đến lúc chúng ta nhận ra rằng lý tưởng của chúng ta [ở Việt Nam] thật sự là một lý tưởng cao đẹp” – lên làm tổng thống, mở cửa cho một làn sóng văn chương Mỹ về cuộc chiến.
Và làn sóng này đúng là khá lớn. Ngày nay, cuốn The Things They Carried của Tim O’Brien được giảng dạy rộng rãi trong các trường trung học và đại học ở Mỹ, và nó là một lựa chọn thường xuyên của cộng đồng trong chương trình Big Read của Quỹ Quốc gia về Nghệ thuật (NEA). Phim ảnh Hollywood về Việt Nam, như Platoon và Full Metal Jacket, giờ đây cũng có giá trị kinh điển như The Dirty Dozen và From Here to Eternity (hai bộ phim về Hoa Kỳ trong Thế chiến II). Người kể chuyện cũng là cựu chiến binh trong bài “Born in the U.S.A.” của Bruce Springsteen, người “không có nơi nào để chạy, chẳng có nơi nào để đi,” là một nhân vật rock ’n’ roll bị diễn giải sai (là thuần túy mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa thay vì phản chiến) nhưng được yêu mến. Ngày nay, chúng ta biết đến, đọc và xem những diễn giải văn chương về Việt Nam này cùng vô số tác phẩm khác, nhưng tác phẩm nào trong số đó cũng đều xuất hiện ít nhất là một thập niên sau khi Mỹ rút quân khỏi Đông Nam Á.
Nhưng trong một bước ngoặt lạ lùng, chứng lãng quên lịch sử mà cuộc chiến gây ra dường như cũng tác động lên lịch sử của cách nhớ đến và nghĩ về cuộc chiến của chúng ta. Những tác phẩm hư cấu về cuộc chiến bắt đầu xuất hiện từ lâu trước khi Reagan đắc cử – sách thì có Close Quarters (1977) của Larry Heinemann, Going After Cacciato (1978) của O’Brien, và Dispatches (1977) của Michael Herr, và phim thì phải kể tới The Deerhunter (1978), Coming Home (1978), và Apocalypse Now (1979).
Trên thực tế, một số nhà báo và người lính đã nhận ra tầm quan trọng về mặt văn hóa của cuộc chiến gần như ngay từ khi nó bắt đầu. Các cuộc điều tra văn chương cô độc này bắt đầu lọt vào các tạp chí và danh sách của các nhà xuất bản trong cuối những năm 1960, trong khi cuộc chiến vẫn đang nóng lên và trước bước ngoặt được thừa nhận rộng rãi do cuộc tấn công Tết Mậu Thân gây ra vào đầu năm 1968.
Các tác phẩm này vạch ra những chủ đề chi tiết hơn sẽ tiếp tục được tái hiện trong các tác phẩm lớn của cuối những năm 1970 và sau này: cái nóng ở mọi nơi và địa hình rừng rậm bí hiểm; sự kém cỏi của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, các đồng minh Nam Việt của người Mỹ chúng ta; sự ngu dốt hèn hạ của các sĩ quan và các tay lính hậu vệ; tính hài tục tĩu trong ngôn ngữ đời lính. Nhưng chính việc theo đuổi những chủ đề rộng hơn về tội lỗi và chủ nghĩa biệt lệ Mỹ và sự mơ hồ quá mức về mục đích và tiến trình của cuộc xung đột ở Việt Nam, cùng kỹ thuật kể chuyện ngày càng hậu hiện đại, mới là cái làm cho những tác phẩm về Chiến tranh Việt Nam đầu tiên mang đầy tính tiên tri.
Trong cuốn tiểu thuyết Why Are We in Vietnam? xuất bản năm 1967 (chưa đầy 20 năm sau cuốn tiểu thuyết biểu tượng của ông về Thế chiến II, The Naked and the Dead), Norman Mailer kể câu chuyện bạo lực, tục tĩu, mang kỹ thuật thử nghiệm về một chuyến đi săn ở Alaska: một câu chuyện hai cha con thuộc thể loại “coming-of-age” (mô tả giai đoạn bắt đầu trưởng thành của nhân vật) về chủ nghĩa bảo thủ nam tính trả lời cho câu hỏi trong nhan đề sách, với gợi ý rằng sự kiêu ngạo và bạo lực của nước Mỹ đã dẫn chúng ta đến họa nạn ở Việt Nam. Nó là một chủ đề được nhắc lại bởi William Eastlake trong cuốn tiểu thuyết The Bamboo Bed (1969), và bởi James Crumley, người viết trong cuốn tiểu thuyết One to Count Cadence (1969) rằng người Mỹ là “những người man di giỏi nhất và cuối cùng, những kẻ chinh phạt, những con dao dài, những tên khổng lồ xanh của lịch sử ban đầu đi trên mặt đất với lửa và kiếm, rồi với đài radio bán dẫn và kem đánh răng, không tìm cỏ xanh hơn, cũng không tìm sự chuyển động, mà tìm những cục phân đơn thuần vô tri vô giác trong cái bồn cầu lớn của lịch sử.”
Thú vị là giới nhà báo lại là những người đầu tiên ghi nhận những mơ hồ và phức tạp – thứ sẽ sớm được thừa nhận là sự độc nhất không thể tả được – của cuộc xung đột ở Việt Nam và lý giải tại sao nghệ thuật, hơn là báo chí, sẽ nắm bắt chúng tốt nhất. Trong lời nói đầu cuốn The Bamboo Bed tái bản năm 1989, Eastlake – cựu chiến binh Thế chiến II và thông tín viên Việt Nam của tờ The Nation – cho rằng “một cuốn tiểu thuyết về những diễn biến của cuộc chiến là một nỗ lực nhằm tổ chức cái vô tổ chức, nhằm đem lại hình thức và ý nghĩa cho cái hỗn loạn.” Ông nói thêm, “Một lời kể khách quan về một diễn biến là vô nghĩa nếu không có con mắt thứ ba, nếu không có cái hư cấu của nghệ thuật.” Ward Just, phóng viên tờ The Newsweek chuyển sang làm tiểu thuyết gia, viết lời nói đầu cho cuốn To What End, lời kể cá nhân của ông năm 1968 về một cuộc chiến “đang trượt từ trớ trêu sang bi kịch,” bằng một câu nói của Harold Pinter về tính mềm dẻo của cái có thật và cái không có thật: “Trải nghiệm càng kịch tính, biểu hiện càng thiếu rõ nét.”
Trong cuốn tiểu thuyết năm 1967 One Very Hot Day của phóng viên tờ The New York Times David Halberstam, nhân vật chính, Đại úy Beaupre, đã mong mỏi có được sự đơn giản của Thế chiến II, bởi lẽ ở Việt Nam “bạn đi trong một vòng tròn chết tiệt, rồi bạn về nhà và hôm sau bạn ra ngoài và lội qua một vòng tròn, rồi bạn về nhà và hôm sau bạn lại ra ngoài đảo ngược cái vòng tròn bạn làm hôm trước, xóa nó đi.” Ở Pháp, anh ta nói, “bạn luôn luôn biết mình ở đâu.”
Đó là một đường thẳng nối từ nỗi thất vọng của Beaupre với chương trình nghị sự mơ hồ của Mỹ ở Việt Nam năm 1962 đến The Things They Carried của O’Brien năm 1990 – “cuộc hành quân bất tận, làng này sang làng khác, không mục đích, chẳng giành được gì hay mất gì” – và từ trích dẫn từ Pinter của Just đến gợi ý của O’Brien rằng trong chiến tranh “những sự thật cũ” không còn là sự thật và “sự chắc chắn duy nhất là sự mơ hồ quá mức”.
Dấu ấn của những phản ứng văn chương với “sự mơ hồ quá mức” của Chiến tranh Việt Nam là một kỹ thuật avant-garde, hậu hiện đại, phản ánh những đặc điểm của văn chương Mỹ cuối thế kỷ 20: một cảm giác trớ trêu, thậm chí mang tính phi lý chủ nghĩa; một dòng câu chuyện phân mảnh, không liên tục; một sự mất lòng tin căn bản về ý nghĩa có thể xác định được.
Chắc chắn có những câu chuyện truyền thống, hiện thực, trong số những cuốn tiểu thuyết nổi bật về cuộc chiến: One Very Hot Day của Halberstam đã sản sinh ra Fields of Fire của James Webb, The 13th Valley (1982) của John Del Vecchio, và Matterhorn xuất bản năm 2009 của Karl Marlantes – những cuốn tiểu thuyết chiến đấu dàn trải, cái gọi là “melting-pot-platoon” (bao gồm nhiều nhân vật có gốc gác chủng tộc khác nhau), trong truyền thống sử thi Thế chiến II của James Jones.
Nhưng phần lớn các câu chuyện đáng chú ý về Chiến tranh Việt Nam lại là đứa con của Crumley và Eastlake và Mailer. Một nhà báo khác, Herr, đã xoay câu chuyện của Just về Five O’Clock Follies (các cuộc họp báo quân sự trong Chiến tranh Việt Nam) và những sai lầm của chính quyền Nam Việt thành cuốn Dispatches gây chóng mặt, táo bạo, nay đã trở thành kinh điển, một lời kể cá nhân về cuộc chiến có cấu trúc và ngôn ngữ thể hiện sự hỗn loạn phi lý của đời sống ở thực địa. Going After Cacciato của O’Brien là một cuốn tiểu thuyết thể loại picaresque phi lý, với nhân vật chính vắng mặt không phép đi bộ từ Việt Nam tới Paris. Hồn ma lính tử trận của đơn vị Đại đội Alpha kể chuyện trong cuốn Paco’s Story (1987) tàn bạo của Heinemann.
Hầu hết những biên niên tự sự xuất hiện sớm nhất về Chiến tranh Việt Nam đã bị lãng quên. Crumley và Eastlake chỉ là những cước chú trong nền học thuật văn chương về cuộc chiến, còn Halberstam và Just thì được biết đến nhiều hơn với những tác phẩm sau này hơn là với One Very Hot Day and To What End. Nhưng sự nở rộ của văn chương, điện ảnh, và âm nhạc về Việt Nam trong cuối những năm 1970 và những năm 1980 không phải là tự nhiên mà có. Những dấu hiệu này cho thấy còn nhiều câu chuyện phong phú, thách thức nữa sẽ xuất hiện.
Maureen Ryan, giáo sư ngành văn học Anh và hiệu trưởng Trường Nghệ thuật và Văn chương tại Đại học Nam Mississippi, là tác giả cuốn The Other Side of Grief: The Home Front and the Aftermath in American Narratives of the Vietnam War (University of Massachusetts Press, 2008).
Các chú thích trong ngoặc đơn là của người dịch.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/03/28/chien-tranh-viet-nam-dau-an-trong-van-chuong-my/#sthash.eFz8A9ES.dpuf

Không có nhận xét nào: