Dân trí Trong 23,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam 8 tháng qua, có gần 5 tỷ USD dành cho các dự án nhiệt điện than theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao).
>> Chuyên gia: "Đất nước giàu có mới có thể bắt đầu hạn chế nhiệt điện than"
>> Chuyên gia Phạm Chi Lan: Hăng hái làm điện than, Việt Nam đi ngược với thế giới
>> Bắc Kinh đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hết tháng 8/2017 cả nước thu hút được 23,4 tỷ USD vốn FDI vào 18 ngành và lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm lượng vốn lớn nhất khoảng 11,7 tỷ USD, sản xuất, phân phối điện vượt khai khoáng và bất động sản, đứng vị trí thứ 2 với 5,36 tỷ USD.
Có thêm 2 dự án nhiệt điện chạy than được đầu tư hình thức đầu tư BOT trong 8 tháng qua
Tính đến ngày 20/8/2017, cả nước có 23.972 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 308 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt hơn 165 tỷ USD, bằng 53,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Đứng đầu danh sách các đối tác đầu tư trực tiếp vào Việt Nam là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 55,6 tỷ USD (chiếm 18% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 45,9 tỷ USD (chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư), tiếp sau lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông…
Đặc biệt, các dự án đầu tư tỷ USD vào Việt Nam 8 tháng qua, có hai dự án nhiệt điện đầu tư vốn lớn gần 5 tỷ USD. Đó là dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.
Dự án thứ 2 là xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Về phát triển nhiệt điện theo hình thức BOT, hiện Việt Nam đã có khá nhiều dự án nhiệt điện được đăng ký đầu tư, xây dựng và vận hành theo hình thức BOT, trong đó có Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2; Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 1,2 và 3... cùng một số dự án nhiệt điện Duyên hải.
Theo quy hoạch phát triển điện quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Tổng sơ đồ điện VII) nguồn phát điện cấp mới sẽ đưa vào vận hành là khoảng 90.000 MW, trong đó có khoảng 22.000 MW là thuộc các dự án BOT.
Điều đáng nói các dự án đầu tư theo hình thức BOT nói trên chủ yếu là nhiệt điện chạy than (than nhập hoặc than khai thác trong nước) với giá bán điện ưu đãi, thấp hơn so với giá bán của các loại điện tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời.
Trong Tổng sơ đồ điện VII được bổ sung và sửa đổi tháng 3/2016, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ nguồn cấp điện lớn. Năm 2020 tổng công suất điện than chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 là khoảng 55% và năm 2030 là khoảng 53,2%. Cơ cấu điện phụ thuộc khá lớn vào nhiệt điện chạy than vì có sự bổ sung của các dự án nhiệt điện than theo hình thức BOT có quy mô nhỏ và vừa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này gây áp lực nhập lượng than lớn để đáp ứng nhiên liệu cho các nhà máy.
Trong khi đó, nhiệt điện than hiện bị đánh giá gây ô nhiễm môi trường cao, phát thải gây hiệu ứng nhà kính, công nghệ cũ, hiệu năng thấp và khiến nhập khẩu than nhiều, không gia tăng hiệu quả sử dụng so với điện tái tạo.
Đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã phải điều chỉnh tỷ lệ đóng góp điện than, giảm số dự án nhiệt điện chạy than trong Tổng sơ đồ điện VII xuống mức thấp hơn, trong đó một số dự án được yêu cầu chuyển đổi sang khí hóa lỏng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối thay vì than.
Một vấn đề là hiện khá nhiều dự án nhiệt điện thuộc Tổng sơ đồ điện VII thuộc chủ đầu tư, tổng thầu Trung Quốc cung cấp công nghệ, thiết bị và linh kiện, chủ yếu là các dự án nhiệt điện than nhỏ và vừa tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang đào thải các nhà máy nhiệt điện chạy than để thay mới bằng nguồn điện mặt trời.
An Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét