GiadinhNet - Lo ngại cột điện của đường dây 220kV khi đi vào sử dụng (năm 2017) có thể đổ sập bất cứ lúc nào vì những sai sót trong khi thi công phần đế móng, một công nhân đã đứng ra tố cáo.
Anh Vũ Đức Thuận, người tố cáo cách làm sai phạm của đơn vị thi công. Ảnh Cao Tuân
Bê tông lẫn đất?
Người công nhân này có tên Vũ Đức Thuận (SN 1970), trú tại thôn An Hưng (xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Anh Thuận được em trai cho đi phụ máy trộn bê tông cho công trình trên tại xã Đại An.
Chiều 23/5, trao đổi với chúng tôi, anh Thuận cho hay, đầu tháng 3/2016, anh như “mở cờ trong bụng” khi hay tin, chủ thầu thi công cột điện của đường dây 220kV chạy qua xã Đại An sẽ thuê anh và máy trộn bê tông với giá 1,2 triệu đồng/ngày. Chẳng chần chừ, anh nhận lời ngay và chờ đến ngày họ đổ bê tông để mang máy ra làm.
Đến giữa tháng 4/2016, khi việc xây dựng đế móng cho cột điện thứ nhất ở xã Đại An được triển khai, anh Thuận được gọi mang máy trộn đến để đổ bê tông. "Trong quá trình làm, tôi giật mình khi tốp thợ yêu cầu chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho phần đế móng. Diện tích làm một cột điện khoảng 18m2. Phía đáy sâu chừng 80cm, 4 chân bệ cọc cao chừng 1m. Ước tính, mỗi cột điện sẽ làm hết 285 khối xi măng. Với kinh nghiệm của tôi thì để đổ bê tông làm đế cho một công trình này phải mất khoảng 25 - 30 ngày. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày đêm, họ đã đổ xong phần đế móng”, anh Thuận kể lại.
Theo anh Thuận, sự việc trên khiến anh nhiều ngày sau đó ăn không ngon, ngủ không yên. Thời điểm này, xem trên truyền hình thấy một số cột điện của đường dây 500 kV ở Bắc Giang bị quật đổ sau trận mưa giông, anh Thuận càng lo ngại. “Ba đứa con tôi đều đang tuổi ăn học, tôi không muốn tiếp tay làm một công việc thất đức như vậy. Dù kinh tế gia đình tôi chỉ phụ thuộc vào 4 sào lúa, không dư giả gì, nhưng sau khi làm xong đế móng cột điện thứ nhất, tôi báo với chủ thi công xin nghỉ”, anh Thuận nói.
Anh Vũ Ngọc Hồi khẳng định, bê tông đổ đế móng của cột điện có rất nhiều đất.
Đầu tháng 5, một lần đi thăm đồng thấy tốp thợ ngày nào đang tiếp tục xây dựng cột điện thứ 2. Lại gần quan sát thì anh bắt gặp nhóm công nhân đang đổ bê tông phần đế móng, đáng nói là trong bê tông có lẫn rất nhiều đất. Hỏi chuyện tốp thợ, anh Thuận biết rằng, sau khi anh nghỉ làm thì chủ thi công đã mua một chiếc máy trộn mới, cho anh em tự làm.
Biết rằng đây là công trình điện lưới Quốc gia, anh Thuận bàn với em trai là Vũ Ngọc Hồi (SN 1974, người ban đầu được đơn vị thi công thuê làm công đoạn trộn bê tông - PV) tìm cách ngăn chặn việc làm mà theo anh là sai phạm trên. Sau đó anh Thuận đã liên lạc đến Đường dây nóng của Báo GĐ&XH phản ánh sự việc. Cũng phải nói thêm là anh Thuận, anh Hồi cho biết không ngại ngần với việc công khai danh tính trên báo chí. "Nếu cơ quan chức năng quan tâm và về kiểm tra, chúng tôi sẽ đứng ra làm chứng với tư cách là công nhân từng tham gia".
Những đoạn clip "gây sốc”
Công nhân dùng chân nhồi bê tông lẫn đất xuống phía dưới đế móng cột điện. (Ảnh từ clip).
Nhóm thợ dùng xe rùa chở bê tông lẫn đất làm nền móng. (Ảnh cắt từ clip).
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã về địa phương xác minh. Dẫn chúng tôi mục sở thị cột điện thứ nhất của công trình đường điện 220kV chạy qua xã Đại An, anh Vũ Ngọc Hồi cho biết: “Ngay từ ngày đầu thi công, tôi được một người đàn ông tên Toán – đại diện thi công mời tham gia công đoạn đổ bê tông đế móng. Sau đó, tôi đã giao máy trộn bê tông cho anh trai là Thuận trực tiếp đứng máy làm và phát hiện ra sự việc. Chúng tôi rất lo vì sau một năm nữa, không phải một mà có thể nhiều cột điện khác cũng sẽ được xây dựng bằng cách làm dối trá này và rất có thể thảm họa sẽ xảy ra”.
Với những thông tin từ anh Thuận và anh Hồi cung cấp, ngày 20/5, chúng tôi tiếp cận công trình xây dựng đế và trụ của cột điện thứ 2 (cách cột điện thứ nhất mà anh Thuận từng làm vài trăm mét). Lúc này, cột điện thứ 2 đang ở giai đoạn chuẩn bị đổ bê tông phần đế. Thấy có người lạ, cả ngày hôm đó, mọi hoạt động đổ bê tông của của công nhân bỗng dưng dừng lại.
Tuy nhiên, những ngày sau đó bằng sự khéo léo của mình, anh Thuận đã quay được những đoạn clip cho thấy nhóm thợ đang đổ một thứ bê tông gồm sỏi đá, xi măng lẫn đất để làm đế móng cho cột điện. Việc đổ đế này đến đêm 21/5 thì hoàn tất. Anh Thuận cũng cho hay, trong suốt quá trình thi công, ngoài tốp thợ thì không thấy có người giám sát(?).
Khi cung cấp những đoạn clip, hình ảnh cho PV Báo GĐ&XH, anh Thuận và anh Hồi chia sẻ: “Sự thật đã rõ ràng, mong công luận lên tiếng. Giờ họ mới làm được 2 móng đế, nếu họ làm xong cả loạt, khi khung sắt khổng lồ của cột điện và đường dây được mắc lên, chẳng biết khi đó tai họa nào sẽ xảy ra”.
Đề nghị lập đoàn thanh tra
Chiều 24/5, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nếu sự việc đơn vị thi công dùng bê tông lẫn bùn đất làm đế móng cột điện thì rất nguy hiểm. Theo quy chuẩn chất lượng khi xây lắp cột điện thì việc làm đế móng, cột trụ rất quan trọng. Nếu ngay từ khâu này, đơn vị thi công đã làm sai quy định thì hậu quả thật khó lường. “Tôi đề nghị Chính phủ lập đoàn thanh tra hoặc giao Bộ Xây dựng kiểm tra phần đế móng cột điện để sớm có kết luận chính xác”, TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.
Bê tông tuyệt đối không được lẫn bùn đất
Sau khi xem clip PV cung cấp, anh Nguyễn Thế Phong, kỹ sư xây dựng, có nhiều năm giám sát thi công công trình xây dựng cho rằng: “Theo nguyên tắc khi đổ bê tông đế móng thì công nhân phải lấy bê tông từ máy trộn đổ xuống nền rồi dầm. Tuyệt đối không được để bê tông lẫn bùn đất. Quan sát bằng mắt thường với cách làm của nhóm công nhân trong clip thì không ổn. Vì sau một thời gian, khi nước ngập bên trong đế móng sẽ tạo sụt lún và có nguy cơ đổ sập”.
TGđ Cty Cổ phần Sông Đà 11: Nếu cần, sẽ đào móng đế lên để kiểm chứng
Theo thiết kế công trình này có chiều dài 29,437 km và cần trên 50 cột đỡ. Tại mỗi móng cột, để đảm bảo các hệ số an toàn cần khoảng 300m3 bê tông mác 200. Qua tìm hiểu của PV được biết, công trình Đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định nói trên do Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đại diện chủ đầu tư điều hành quản lý, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 là đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án, Liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà 11 và Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 thực hiện thi công. Công trình dự kiến hoàn thành đóng điện vào quý I năm 2017.
Sáng 24/5, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 11 xác nhận là đơn vị thi công dự án nói trên. “Trước thông tin của Báo phản ánh, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết để kiểm chứng, chúng tôi sẽ đào móng đế làm rõ thực hư”, ông Tuấn khẳng định.
Cao Tuân/Báo Gia đình & Xã hội
Bài 2:
Bắc Giang: Dân phá rừng vào tù, nhà lãnh đạo phá rừng xem xét phạt hành chính!
Dân trí Sự việc ông Phạm Văn Cương (cán bộ tư pháp) là con trai của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn phá hơn 26.000m2 rừng trái pháp luật khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, lãnh đạo Hạt kiểm lâm Sơn Động cho biết không thể xử lý hình sự mà chỉ xem xét phạt hành chính thủ phạm trong khi cuối năm 2015, tại địa phương này đã có nhiều người dân thường bị phạt nhiều năm tù về hành vi phá rừng.
>> Bắc Giang: Gia đình lãnh đạo thị trấn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng Sơn Động
>> Bài 8: "20 ha rừng bị phá, lãnh đạo huyện Sơn Động phải bị xử lý trách nhiệm"
>> Bài 6: Đề nghị xử lý trách nhiệm chính quyền huyện Sơn Động vụ phá hơn 20 ha rừng
Theo kết luận của Hạt kiểm lâm Sơn Động, ông Phạm Văn Thắng, trước đây là Trưởng công an thị trấn, nay đang làm chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn được nhà nước giao cho 14,5 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp tại lô A1, khoảnh 3 tại xã Thanh Sơn (nay thuộc thôn Tân Thanh, xã Tuấn Mậu) và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N 763985 ngày 30/01/1999 để bảo vệ và chăm sóc.
Từ tố cáo của người dân về hành vi phá rừng của gia đình ông Thắng, ngày 19/4/2016, Hạt Kiểm lâm Sơn Động ban hành Quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo đối với ông Phạm Văn Thắng.
Trụ sở UBND thị trấn Thanh Sơn nơi ông Thắng đang giữ cương vị chủ tịch, con trai là cán bộ tư pháp.
Ngày 13/5/2016, Tổ xác minh kết luận việc người dân tố cáo ông Thắng phá rừng tự nhiên trái pháp luật là có cơ sở. Tuy nhiên, thủ phạm chính trong việc tổ chức phá rừng lại là con trai ông Thắng, tức Phạm Văn Cương (cán bộ tư pháp thị trấn). Tổng diện tích rừng bị phá là 26.056m2 xảy ra từ tháng 4/2014. Thời điểm phá rừng là năm 2014 khi ông Thắng đang giữ cương vị là Trưởng công an thị trấn Thanh Sơn.
Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc, ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Động cho biết hành vi phá hơn 26.000m2 rừng đã được kết luận. Diện tích rừng bị phá nằm trong phần đất ông Phạm Văn Thắng được giao nhưng ông Cương (con trai ông Thắng) đứng ra nhận trách nhiệm.
Về hình thức xử lý với các đối tượng vi phạm pháp luật, ông Hiệu cho rằng hiện Hạt kiểm lâm huyện Sơn Động đang phối hợp chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra xác định thời điểm gia đình ông Thắng phá rừng. “Việc xác định hiện trạng rừng bị phá hiện nay không thể thực hiện do khu vực này giờ đã thành đối trọc”, ông Hiệu nói.
Theo ông Hiệu, vụ việc này không thể xử lý hình sự do diện tích rừng bị phá dưới 30.000m2 nên Hạt kiểm lâm Sơn Động không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an mà chỉ có thể xử phạt hành chính lỗi vi phạm. “Thế nhưng khó là thời hiệu xử phạt hành chính chỉ trong 2 năm nên nếu xác định gia đình ông Thắng phá rừng trước đó hơn 2 năm cũng lại không thể xử phạt được”. Như vậy đồng nghĩa với việc phá rừng của gia đình vị chủ tịch thị trấn Thanh Sơn có thể “trắng án” mà không cần toà tuyên.
Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động.
Trong khi trước đó, ngày 16/7/2015, Tòa án nhân dân huyện Sơn Động đã đưa vụ án phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại xã An Lạc ra xét xử. Hai bị cáo trong vụ án này là Châu Văn Định (SN 1971), Châu Văn Chung (SN 1974) hộ khẩu thường trú tại thôn Biểng, xã An Lạc, huyện Sơn Động bị truy tố với tội danh hủy hoại rừng theo Điều 189 Bộ Luật hình sự.
Tháng 3/2014, với lý do thiếu đất canh tác, các bị cáo đã tự ý chặt phá 4 ha rừng tự nhiên đã được Nhà nước giao để bảo vệ. Sau khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động đã hoàn thiện hồ sơ, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Sơn Động) đề nghị xử lý.
TAND huyện Sơn Động đã tuyên phạt Châu Văn Chung 3 năm 3 tháng tù giam và 5 triệu đồng; Châu Văn Định 3 năm tù cho hưởng án treo và 5 triệu đồng. Cũng với tội danh phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại xã An Lạc ngày 13 - 5 - 2015, TAND huyện Sơn Động đã xử phạt Lê Văn Vinh (SN 1981) thường trú tại thôn Đồng Bây xã An Lạc huyện Sơn Động 3 năm tù giam.
Dư luận đang đặt ra một câu hỏi tại huyện Sơn Động, dân phá rừng vào tù còn gia đình lãnh đạo phá rừng có nguy cơ… thoát tội?
Trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm ở đâu? UBND huyện Sơn Động sẽ có động thái xử lý như thế nào trước một sự việc đang gây bức xúc, mất niềm tin của nhân dân trên địa bàn?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Cận cảnh móng cột điện 500kV gãy đổ bất thường(!?)
(PL+) - Tại sao đơn vị khắc phục sự cố lại phải bẻ cong những thanh sắt (chân rết) trước khi cắt hạ đi giám định, phải chăng muốn che giấu điều gì?
Bắc Giang: Thực hư thông tin bò kéo đổ cột điện 500 Kv
Dư luận nghi ngờ cột điện 500Kv bất ngờ đổ sập, cán bộ đổ cho "giông bão"
Như Pháp Luật Plus đã đưa tin đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa là dự án năng lượng cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng, được nghiệm thu thành công ngày 26/7/2015.
Tuy nhiên sáng ngày 22/4/2016 do gió lốc đã khiến 2 cột điện của đường dây này đi qua địa phận xã Tiến Dũng, huyện Yên Dùng, tỉnh Bắc Giang đổ gãy.
Tại hiện trường của 2 cột điện bị đổ sập có rất nhiều dấu hiệu bất thường, dư luận không khỏi đặt ra những câu hỏi: Tại sao chiếc máy cẩu lại phải "vội vàng" múc phần móng của cột điện bị đổ ngay trong đêm?
Tại sao đơn vị khắc phục sự cố lại phải bẻ cong những chân rết trước khi cắt hạ đi giám định, phải chăng muốn che giấu điều gì?
Cột điện với thiết kế kiên cố (móng đúc bê tông cốt thép, trên thân là hợp kim thép) nhưng lại dễ dàng đổ sập trước cơn giông lốc bình thường. |
Điều mà dư luận quan tâm là tại sao vơi sức gió không lớn nhưng lại có thế làm đổ được cột điện 500 kV với thiết kế kiên cố (móng đúc bê tông cốt thép, trên thân là hợp kim thép).
Cột điện bị gãy ngang thân trước cơn lốc không lớn |
Trong khi đó vườn chuối ngay sát chân cột điện bị đổ lại không có một cây nào gãy đổ |
Ngay sau khi xảy ra sự cố 2 cột điện bị đổ gãy, 2 người lạ mặt đã dùng chiếc máy cẩu múc phần móng của cây cột điện bị đổ.
Tại sao không để nguyên hiện trường để các cơ quan chức năng vào kiểm định mà phải vội vàng múc phần móng cột điện bị đổ.
Vậy ai đã chỉ đạo dùng máy xúc để đào móng cột điện ngay trong đêm?
Chiếc máy cẩu đã vào đào phần móng cột điện trong đêm, bấp chấp sự phản đối của ông Khang chủ vườn cam nơi một trong 2 cột điện bị gãy đổ. |
Một điểm đáng ngờ nữa là chân rết nới tiếp xúc giữa phần thân và chân móng bê tông của cột điện đã bị bẻ cong.
Tại sao đơn vị khắc phục sự cố lại phải bẻ cong những chân rết này, phải chăng muốn che giấu điều gì?
Phần chân rết ngay sau khi cột điện đổ được người dân chụp lại là những thanh sắt thẳng, không hề được bẻ cong. |
Tất cả những thanh sắt ở chân rết của 4 trụ đều thằng đứng. |
Tuy nhiên các chân rết này đã được bẻ cong, trước khi cắt xuống để giao cho các cơ quan giám định. |
Một trong những thanh sắt bị "quên" chưa bẻ cong. |
Khi được đào lên thì phần móng của cột điện đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa đã hé lộ ra nhiều điểm "bất thường". |
Những thanh thép ở móng cột điện không được giằng với nhau. |
Cột điện tiền tỷ nay đã trở thành đống sát vụn. |
Công nhân đang dọn dẹp phần đổ nát của cột điện. |
Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Phú Đô - Thanh Thắng
Tin khó tin: Móng trụ điện 500KV làm bằng đũa, truy tìm động cơ khởi tố phở
Các cơ quan báo chí quan tâm vụ án ông Tấn quán phở ở TPHCM.
Hôm qua một trụ điện trên đường dây truyền tải điện quốc gia 500KV bất ngờ đổ sập. Người ta bất ngờ thấy lòi ra cái móng được xây bởi những miếng bê tông rời rạc, không có ximăng và những lèo tèo cọng sắt to bằng… chiếc đũa. Cùng lúc đó, một thượng tá công an nói “chết một người là bình thường, đăng làm chi”. Nghe thế, tôi nghĩ dại nếu các trụ điện 500KV còn lại cũng được xây móng bằng đũa thì điều gì sẽ xảy ra. Khi đó có còn đủ nước miếng để phát ngôn chuyện nhỏ xíu như cái móng tay hoặc là bình thường thôi, có chi mà đăng được nữa không…
1. Thượng tá, Phó công an huyện: “Chết một người là bình thường”
Phó Trưởng công an huyện Thái Thuỵ (Thái Bình) nói “tai nạn giao thông chết một người là bình thường, có gì đâu phải đăng…”. Dạ thưa thượng tá, sự sống của mỗi con người là vô giá, chết một người hay nhiều người không thể nào là chuyện bình thường được. Có thể với tư duy nguy hiểm này mà Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) đã khởi tố người vô tội Nguyễn Văn Tấn – chủ quán Xin Chào chăng?
Chiều hôm qua, nhiều báo đã đồng loạt loan tin Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao đã tuyên bố chủ quán Xin Chào không có tội, chỉ đạo đình chỉ công tác Viện trưởng, kiểm sát viên huyện Bình Chánh. Cùng lúc, tướng giám đốc Công an TPHCM tuyên bố sẽ xử lý cán bộ công an huyện Bình Chánh liên quan đến vụ khởi tố vụ án hình sự chủ quán phở Xin Chào. Vụ này về cơ bản là kết thúc. Và về cơ bản là phải nói thêm thế này, tướng Minh – Phó giám đốc Công an TPHCM nói vụ án nhỏ xíu bằng móng tay về cơ bản là nhỡ mồm. Tôi vẫn tin đây là vị tướng công an quyết liệt chống lại cái ác, cái xấu.
Các cơ quan báo chí quan tâm vụ án ông Tấn quán phở ở TPHCM. Ảnh: Lao Động |
Chỉ trước đó vài chục giờ, toà án huyện Bình Chánh vẫn ra thông báo hoãn xử phiên toà với bị cáo Nguyễn Văn Tấn vào ngày 28.4, lý do là thẩm phán – chủ toạ phiên toà bận công tác đột xuất. Cũng trước đó ít giờ, ông Chánh toà huyện này đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án này để cơ quan điều tra bổ sung. Dẫn ra sự loằng ngoằng của toà án huyện nơi công dân Nguyễn Văn Tấn sinh sống và làm ăn, tôi muốn lưu ý độc giả cùng huyện với ông Tấn rằng mạng sống của mỗi các bạn, có thể cả con cháu các bạn nữa đã, đang và sẽ được định đoạt bởi cách làm việc đầy tắc trách, vô trách nhiệm như vậy của các quan toà đấy. Do vậy cần hết sức thận trọng, đặc biệt là có ý định mở quán phở.
2. 3.500 giấy phép trái luật “trói” doanh nghiệp và động cơ khởi tố phở Xin Chào
Ngày 29.4 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới có cuộc gặp, đối thoại với doanh nghiệp, nhưng từ bây giờ các thông tin tố khổ của doanh nhân đã liên tục xuất hiện. Hiện vẫn còn 7.000 loại giấy phép con, trong đó có một nửa là trái luật, hết thời hiệu nhưng vẫn bị các cơ quan công quyền dùng để “trói”, làm khó doanh nhân, doanh nghiệp. Con số 23 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể trong 3 tháng đầu năm 2016 không thể nói là “bình thường, có gì mà đăng” hoặc “chuyện nhỏ như móng tay” được.
Biếm họa về thủ tục hành chính giết doanh nghiệp |
Rõ ràng là người đứng đầu Chính phủ đã có một sự sốt sắng, lo lắng không hề nhẹ khi đích thân mình cầm bài báo về vụ ông Tấn phở Xin Chào bị khởi tố hình sự về tội “kinh doanh trái pháp luật” rồi lệnh cho cơ quan thuộc quyền có ngay quan điểm, thái độ đối với vụ việc. Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu làm rõ động cơ trong việc khởi tố này. Cộng đồng mạng sục sôi căm phẫn trước việc hình sự hoá, đe doạ môi trường kinh doanh qua vụ ông Tấn. Văn phòng Chính phủ cho rằng, vụ ông Tấn truyền đi một thông điệp xấu rằng mọi người kinh doanh có thể bị đi tù.
Làm rõ động cơ và xử lý nghiêm những người thực thi công vụ, nhân danh nhà nước, pháp luật để làm sai trái, bôi bẩn môi trường thu hút đầu tư từ vụ phở Xin Chào sẽ có giá trị gấp hàng ngàn lần những bài diễn thuyết về rải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư. Cùng với đó, kiến quyết dẹp bỏ ngay 3.500 giấy phép con “trói” doanh nghiệp là hành động nhổ đinh dưới thảm đỏ, lấy lại niềm tin cho người kinh doanh.
3. Những chiếc đũa trong trụ điện 500KV và 13km đường đội vốn trên 3 nghìn tỉ
Một trụ điện của đường dây truyền tải điện 500KV tại Bắc Giang đã bị đổ sập. Hôm qua, chính những người trong ngành điện đã không thể tin vào mắt mình khi hiện trường vụ đổ trụ điện lòi ra ở chân đế những mảng bê tông sơ sài, những thanh thép nhỏ như chiếc đũa. Người ta thốt lên, không thể tưởng tượng được là với những chiếc đũa thép trong mớ bê tông gần như không có xi măng thế này mà đỡ nổi cả một cột trụ của đường dây 500KV.
Cột truyền tải điện 500 KV đổ sập, lộ ra móng được làm bằng những que sắt bằng chiếc đũa. |
Đây là một trụ trên tổng chiều dài 139km từ Quảng Ninh đi qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang. Nói dại mồm, chẳng qua lâu nay nó níu nhau là nhờ có hệ thống dây điện ở trên, chứ một ngày xấu trời những trụ điện được xây bằng đũa như thế rủ nhau đổ sập thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.
Cột truyền tải điện 500 KV đổ sập, lộ ra móng được làm bằng những que sắt bằng chiếc đũa. |
Lại chuyện đường. Hôm nay là đường số 5 tại Hà Nội. Chỉ 13 km với 2.260 tỉ ban đầu đã đội lên thành 6.661 tỉ sau 6 năm thi công. Thanh tra đã kết luận có gần 700 tỉ sai phạm. Sai phạm là từ nói nhẹ đi, đúng bản chất là tham ô, tham nhũng. Dân Trí gọi đây là một điển hình về dự án đầu tư gây lãng phí ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp.
4. Tháo gỡ để xử mạnh tay các đại án tham nhũng có yếu tố ngân hàng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói hiện tình trạng nợ xấu cao, xử lý nợ xấu ở VAMC chưa thực chất, một số tổ chức tín dụng yếu kém chưa được xử lý dứt điểm. Đồng thời yêu cầu NHNN phải xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, tăng cường nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Thông điệp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cần được hiểu là các tổ chức tín dụng cần chú trọng giải ngân phục vụ các đối tượng thuộc nhóm trực tiếp sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ chứ không phải chăm chăm tập trung vốn vào các dự án bất động sản, những đại gia nghìn tỉ, nhiều nghìn tỉ.
Biếm hoạ về tham nhũng |
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cơ quan chức năng chống tham nhũng tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương, vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn…
Đã thấy một hướng đi sáng sủa hơn rất nhiều trong xử lý nợ xấu, truy tìm nguyên nhân của nợ xấu. Không làm rõ, xử lý mối quan hệ giữa nợ xấu với tham nhũng thì còn lâu mới có một nền tài chính tín dụng minh bạch, lành mạnh, không ăn vào tiền dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét