Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Thấy gì giữa những cuộc đón tiếp: Ý đảng và lòng dân; VĂN HÓA NGOẠI GIAO; VIỆT NAM ĐÓN CHÀO MỘT “THUYỀN NHÂN” TRONG PHÁI ĐOÀN CỦA TỔNG THỐNG OBAMA; Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam

Thứ Hai, 23-05-2016 | 22:22:25

Sáu tháng sau khi ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thăm Việt Nam, ngày 22/5/2016, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Obama cũng đã đến Hà Nội, mở đầu chuyến thăm Việt Nam.
Cả hai chuyến thăm đều là của những nhân vật đứng đầu quốc gia.
donObamataisanbaynoibai
Việt Nam đón Tổng thống Obama tại sân bay Nội Bài
Một là “đàn anh trong phe Xã hội Chủ nghĩa’, là “bạn 16 chữ vàng và 4 tốt” của Đảng và nhà nước Việt Nam, đến từ một đất nước “núi lền núi, sông liền sông”. Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Một là cựu thù của Việt Nam cộng sản, từng là “kẻ thù trước mắt và lâu dài”, là “sen đầm quốc tế”, là “kẻ thù của hòa bình nhân loại” và là một “đế quốc xâm lược” – theo hệ thống tuyên truyền xưa nay của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh đã nói: “đế quốc chủ nghĩa là nguồn gốc chiến tranh”– (Ngày 17 tháng 11 năm 1950, Thư gửi Hội nghị hòa bình ở Việt Nam, Hồ Chí Minh)
Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình hứa hẹn TQ viện trợ 1 tỷ NDT trong 5 năm cho VN. Đúng như lời ông Hồ Chí Minh đã dặn dân Việt Nam: “Các nước anh em, giúp đỡ nhiều” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.543)
dontapcanbinhNOibai
Việt Nam đón Tập Cận Bình ở sân bay Nội Bài.
Đến Việt Nam, ông Obama nói về nhân quyền cho Việt Nam, điều mà nhà cầm quyền Việt Nam ghét cay ghét đắng và thường xuyên cho rằng đó là công việc nội bộ của Việt Nam. Không những không mang một khoản viện trợ tiền tỷ nào, lại thực hiện vai trò “anh chàng lái súng” (nói theo ngôn ngữ tuyên truyền của Đảng xưa nay), ông ta chỉ hứa bỏ cấm vận vũ khí sát thương với các điều kiện về nhân quyền.
Có lẽ vì những khác biệt như vậy, nên sự đón tiếp của Đảng đối với hai nguyên thủ quốc gia cũng khác nhau nhiều.
Đón ông Tập Cận Bình ở sân bay là hàng quân danh dự đứng im như phỗng.

Đón ông Obama ở sân bay là một cô gái ôm bó hoa tặng rồi ông Obama lủi thủi đi vào xe.
Đón ông Tập Cận Bình là một dàn đại bác bắn 21 phát đinh tai nhức óc người dân.
Đón ông Obama là sự im lặng ngờ vực và hồi hộp từ phía nhà nước.
Đón ông Tập Cận Bình là hàng ngũ an ninh, công an và các loại quân Việt Nam được tung ra dày đặc.
Đón ông Obama, đặc vụ Mỹ soi từng góc sân bay và mọi ngóc ngách.
Đón ông Tập Cận Bình, hàng đoàn công an, an ninh, mật vụ và các loại lực lượng khác nhau được tung ra để canh nhân dân.
Đón ông Obama, công an chỉ cần đứng dẹp trật tự bên đường.
Thế nhưng, đó là cách đón tiếp của ĐCS và nhà nước đối với những vị mà họ gọi là khách quý. Còn đối với  nhân dân thì sao?
Người dân Việt Nam đón ông Tập Cận Bình bằng những băng rôn, khẩu hiệu, những chiếc áo với hình của ông Tập và dòng chữ như “Tập Cận Bình, hãy cút đi!”, “Tập Cận Bình, têm xâm lược bẩn thỉu, cút khỏi Việt Nam!”.
tapvatrong
Ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng
VinhdonTapCanBinh

donTapCanBinh_dan
Dân Hà Nội đón ông Tập Cận Bình ngày 5/11/2015
tranbang
Người dân Sài Gòn đổ máu bởi công an khi đón ông Tập Cận Bình
Người dân Việt Nam đón ông Obama bằng cách đi xa từ cả trăm cây số, ăn ngủ vật vờ qua đêm, đứng bên đường vẫy tay, vẫy hoa chào mừng ông Obama đến Việt Nam. Hàng ngàn người dân xếp dọc hai bên đường đoàn xe chở ông Obama đi, vẫy tay, hân hoan với những chiếc điện thoại, máy ảnh tự chụp. Họ đón ông Obama với một sự yêu mến và kính trọng thật sự. Ở đó không có khái niệm bạn, thù mà là sự nô nức hào hứng. Nếu so với “ngày hội non sông” bầu cử hôm qua, thì quả là hai trạng thái tinh thần khác biệt hoàn toàn.
Người dân đi đón ông Tập Cận Bình được nhà nước xử đãi bằng công an, canh gác bởi an ninh, côn đồ, bắt nhốt vào đồn ngồi cả ngày bỏ đói, thậm chí được tặng dùi cui, nắm đấm và đổ máu. Thế nhưng họ vẫn kiên quyết phản đối tên xâm lược, dù là bạn vàng của đảng.
Người dân đón ông Obama cũng được canh gác bởi công an, an ninh… nhất là đối với những người đấu tranh dân chủ, dày đặc và quyết liệt. Vậy nhưng họ vẫn kiên quyết đi bằng nhiều cách, không phải phản đối, mà để hân hoan chào đón Tổng thống Mỹ.
Người dân Việt Nam chen chúc nhau để được chụp ảnh cùng với ông Tổng thống Mỹ, trong khi ông Chủ tịch nước Việt Nam đứng vô đơn bơ vơ bên cạnh chẳng ai đoái hoài.
donObamadocduong
donObamadocduong1
DonObamatrenduong
Người dân Hà Nội chào đón Tổng Thống Obama
ObamavaTrandaiquanggapdan
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp dân
Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình “lén lút – bí mật” chui vào rao giảng cho Quốc hội Việt  Nam.
Đến Việt Nam, ông Obama tiếp xúc với người dân cách công khai và nói chuyện với dân trước hội trường.
Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình vào lăng viếng ông Hồ Chí Minh, một đồng đội và là đồng chí của ông ta.
Đến Việt Nam, ông Obama đến thăm một ngôi chùa, tỏ lòng kính trọng nét văn hóa, tâm linh của người Việt.
Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình dự chiêu đãi của những người lãnh đạo ĐCS tiếp bạn vàng bằng sơn hào hải vị từ tiền thuế người dân.
Đến Việt Nam, ông Obama vào ăn bún chả bình dân rồi trả bằng tiền của mình.
Obamaanbuncha
TT Obama ăn bún chả ở Lê Văn Hưu, Hà Nội
Nhìn những dòng người đông đúc, vui mừng, thân ái và rạng rỡ khi đón Tổng thống Mỹ Obama, chợt nhớ khi đón ông Tập Cận Bình, nhóm chúng tôi, mấy chục người bị bắt vào Sở Công an Hà Đông, và những hình ảnh anh chị em Sài Gòn bị đánh đập bỏ lên xe đổ máu… khi họ Tập đến nhà, chúng tôi tự hỏi: Vì sao vậy?
Đó phải chăng là sự chứng minh rõ nét ý đảng và lòng dân là hai khái niệm đang đi ngược chiều nhau? Một đảng chính trị tự soán ngôi cầm quyền, tự xưng là lãnh đạo đất nước mà đi ngược lại nguyện vọng của người dân, liệu họ có là “đảng của giai cấp công nhân và dân tộc” như họ tuyên bố hào sảng?
Đó cũng chính là nỗi đau, là sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam hôm nay.
Khi một đảng phái, một tổ chức đi ngược lại ý nguyện của người dân, đi ngược lại tiến trình tiến bộ của đất nước, thì đích thị đó là một nhóm phản động – phản động đúng với ý nghĩa chân chính nhất của từ này.
Hà Nội, ngày 23/5/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh




7 giờ · Hà Nội · 
VĂN HÓA NGOẠI GIAO
Nếu so sánh nghi thức đón tiếp Tập Cận Bình và Obama, Việt Nam đã gửi thông điệp rõ ràng về chính sách đối ngoại của mình tới dân chúng và thế giới.
Tập Cận Bình đến Việt Nam được Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ra sân bay đón với 2 hàng quân danh dự và được bắn 21 phát đại bác chào mừng.
Obama đến Việt Nam, không hàng quân danh dự, không một quan chức nhà nước cấp cao nào ra sân bay đón ngoài ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cùng một nữ sinh cầm hoa để tặng. Lễ đón Obama cũng không có được 21 phát đại bác chào mừng.
Đón tiếp một kẻ cướp đang xâm chiếm các đảo của mình ngoài Biển Đông và đánh giết ngư dân, phá tàu bè, gây ô nhiễm biển thì hoành tráng như vậy.
Còn đón nguyên thủ một cường quốc mà mình đang muốn được họ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, hợp tác TPP, xây dựng đối tác chiến lược, một quốc gia mà từ nhiều chục năm qua viện trợ không biết bao nhiêu tiền của...cho Việt Nam một cách cẩu thả và thiếu trang trọng như vậy.
Thật đáng hổ thẹn!

Tuy nhiên, đối với Nhân Dân Việt Nam thì ngược lại. Khi Tập Cận Bình sang Việt Nam không có một người Dân Hà Nôi nào tự nguyện ra đường chào đón. Còn khi Tổng thống Barack Obama sang Việt Nam thì đông đảo người Dân Hà Nội đã háo hức đổ ra đường để nhiệt liệt chào mừng mà không cần ai tổ chức, chỉ đạo hay lôi kéo, kích động. Người Dân thật thông minh, thẳng thắn và công bằng.


VIỆT NAM ĐÓN CHÀO MỘT “THUYỀN NHÂN” TRONG PHÁI ĐOÀN CỦA TỔNG THỐNG OBAMA

Posted by adminbasam on 23/05/2016

23-5-2016
Bà Elizabeth Phu. Ảnh: LA Times
Bà Elizabeth Phu. Ảnh: LA Times
Trong phái đoàn thăm Việt Nam lần này của Tổng Thống Hoa Kỳ có một nữ cố vấn đặc biệt đó là Elizabeth Phu – người Việt tị nạn cộng sản. 36 năm trước bà đã phải rời “thiên đường xã hội chủ nghĩa” để tới nước Mỹ “tư bản giãy chết” để định cư. Nay bà trở về trong tư cách công dân Mỹ và là cố vấn đặc biệt của Tổng Thống Obama. Elizabeth Phu là Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và Châu Đại Dương của Nhà Trắng và là thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.
Năm nay Elizabeth Phu 39 tuổi nhưng đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc ở những vị trí cao cùng Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong vấn đề đối ngoại và an ninh nội địa, giám đốc Về Đe Dọa Toàn Cầu, đặc biệt là làm việc sát cánh dưới hai thời tổng thống là George Bush và Barack Obama.
Trước 1975, ba bà từng làm việc cho Hoa Kỳ và sau đó bị đi tù cải tạo một thời gian. Ra tù cải tạo, gia đình lâm vào tình cảnh bế tắc, thế là gia đình quyết định vượt biên. Trong một chuyến hải hành đầy gian nan trên một chiếc thuyền với 253 người, nhưng cuối cùng thì cũng đến trại tị nạn Mã Lai.
Sau đó gia đình bà đã được sang Mỹ làm lại cuộc đời. Tuy mới chỉ 3 tuổi nhưng bà đã có những kỉ niệm về những khốn khổ của một người trong trại tị nạn. Lớn lên Elizabeth theo học ở UC Berkeley về khoa học chính trị, rồi tiếp tục theo học tiến sĩ về ngành quốc tế học tại UC San Diego, và Trường Eisenhower thuộc Đại Học Bộ Quốc Phòng.
Bà Elizabeth Phu từng chia sẻ “Hoa Kỳ là một đất nước chào đón tất cả mọi người cần sự giúp đỡ, những người muốn làm việc chăm chỉ và tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình”.
Với tư cách là cố vấn các vấn đề Đông Nam Á và châu Đại Dương, bà Elizabeth Phu là người lên kế hoạch cho những chính sách đối ngoại với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN, đồng thời bà cũng là người tham vấn cho Tổng thống Obama cách ứng phó với các sự kiện ngoại giao, quân sự, kinh tế trong khu vực. Bà cũng là người có tiếng nói quan trọng trong vấn đề “xoay trục chiến lược” của tổng thống Obama.
Trò chuyện với Thời Báo Los Angles, Bà Elizabeth ôn lại câu chuyện gia đình mình vượt biên vào năm 1978 và bày tỏ lòng tri ân sự hào phóng của nước Mỹ: “Dù là một người tị nạn đến từ một quốc gia đang phát triển nhưng tôi vẫn có thể lớn lên thành công trên nước Mỹ và có cơ hội tuyệt vời được làm việc trong Nhà Trắng. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào”.
Lần hồi hương này, bà Elizabeth Phu không còn phải là một “thuyền nhân” chạy trốn nữa nhưng là một yếu nhân mà cả dân tộc và cộng sản phải e dè và nể phục.

Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam

   “Đã đến lúc chúng ta không nên duy trì một lệnh cấm nào nữa. Tôi không muốn lệnh cấm này là nhân tố gây chia rẽ quan hệ giữa hai nước chúng ta, vì chúng ta đã nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng” – Tổng thống Obama nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 23.5 với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Quan hệ hai nước tiến triển rất tuyệt vời
Ngài Tổng thống Mỹ cho hay sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, hai nước đạt được mối quan hệ tầm cao mới. Hiện nay cả hai đang thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn.
“Tôi mang tới Việt Nam lời chào hữu nghị hợp tác của dân tộc. Mỹ đóng vai trò quan trọng trong khu vực để người dân được sống trong hòa bình. Với những gì chúng ta đã đi qua và đạt được, quan hệ giữa hai nước đạt được tiến triển rất tuyệt vời”- ông Obama nhấn mạnh.
Dẫn ra cụ thể hơn, Tổng thống Mỹ cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm lâu dài ở cả Thái Bình Dương. Hai nước nhất trí nâng cao quan hệ hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Hai nước ký hiệp định khung hòa bình, các tập đoàn lớn và các trường đại học được hiện diện tại Việt Nam và Mỹ đánh giá cao việc Việt Nam cấp thị thực 1 năm và nhiều lần cho Mỹ.
Theo ông Obama, trong 1 thập niên vừa qua, quan hệ thương mại tăng gấp 10 lần, giúp xuất khẩu vào Việt Nam tăng 150%. Quỹ học bổng Fulbright đã thu hút hàng nghìn sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ, mỗi năm Việt Nam đón hàng chục nghìn du khách Mỹ.
“Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực quân sự, cùng nhau thúc đẩy hiệp định TPP. Bên cạnh đó, chúng ta cùng nhau với ứng phó với khủng bố, bệnh dịch. Hai nước nhất trí nâng cấp, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhiều lĩnh vực” – ông Obama nói.
Bỏ cấm vận vũ khí nhằm thay đổi bản chất quan hệ giữa hai nước
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Obama cho biết sẽ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông dựa trên việc đề cao chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục cử máy bay, tàu tới các khu vự được cho phép trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, các tranh chấp phải giải quyết trên cở sở hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Quyết định bỏ lệnh cấm bán vũ khí, tôi xin nhấn mạnh nhằm mục đích thay đổi bản chất quan hệ hợp tác giữa hai nước, chúng ta sẽ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ. Tất nhiên còn một số bất đồng như tiêu chuẩn lao động, cải cách trong TPP nhưng không liên quan đến lệnh cấm”, ông Obama nói.
Ông Obama cho biết quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí không phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ yếu tố nào khác mà phụ thuộc vào mong muốn của Mỹ trong việc hoàn thành những điểm kết nối trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
“Đã đến lúc chúng ta không nên duy trì một lệnh cấm nào nữa. Dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam mua vũ khí từ Mỹ và đồng minh của chúng tôi. Tôi không muốn lệnh cấm này là nhân tố gây chia rẽ quan hệ giữa hai nước chúng ta, vì chúng ta đã nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng” – ông Obama nhấn mạnh.
Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Việt Nam và Mỹ sẽ tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế, xuất phát từ việc chia sẻ quan tâm, lợi ích chung ngày càng lớn, trên tinh thần tôn trọng thể chế của nhau. Chủ tịch nước tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác Việt – Mỹ sẽ càng được tăng cường qua chuyến thăm này của ông Obama.
Về vấn đề nhân quyền, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết quan điểm nhất quán của nhà nước Việt Nam là luôn tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp 2013.
“Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng - an ninh, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền con người và công dân. Việc Việt Nam đã được bầu vào Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc 2014 – 2016 là minh chứng rõ ràng nhất” – Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, giữa Việt Nam và Mỹ còn khác biệt một số vấn đề, trong đó có nhân quyền là điều dễ hiểu. Trên cơ sở tôn trọng và tinh thần hiểu biết lẫn nhau, hai nước mở rộng đối thoại để giảm thiểu khác biệt giữa hai nước”.
Cam kết thực hiện TPP
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết TPP là thỏa thuận liên kết thương mại và kinh tế lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam cũng như khu vực. Hiệp định này là nỗ lực chung của 12 nước thành viên, Việt Nam sẽ cam kết thực hiện hiệp định.
Chủ tịch nước nhìn nhận rằng đối với Việt Nam, TPP là một bước tiến mà Việt Nam tham gia để hội nhập với thế giới. Do đó, Việt Nam đang cố gắng để thu hẹp những khác biệt dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam tích cực chuẩn bị phê chuẩn TPP và cam kết sẽ thực hiện các điều khoản trong hiệp định.
“Ngài Tổng thống Obama và tôi trao đổi biện pháp đưa quan hệ vào chiều sâu, nhấn mạnh lòng tin trong hợp tác phát triển đầu tư, kinh tế, thương mại. Hai bên khẳng định nỗ lực sớm thông qua Hiệp định TPP. Về các vấn đề khu vực và thế giới, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và thế giới”, Chủ tịch nước cho biết.
Ông Obama cho biết Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 7 ở Việt Nam và sẽ sớm trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Thương mại song phương có tiềm năng phát triển, đặc biệt là khi TPP đi vào hiệu lực.
Kết thúc cuộc họp báo, ông Obama nói rằng: “Tôi rất muốn thăm Việt Nam sớm hơn. Lý do tôi ở đây bởi vì Việt Nam có vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới. Hy vọng chúng ta tiếp tục thúc đẩy để thay đổi mối quan hệ này trở lên tốt đẹp hơn. Một lần nữa xin cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của ngài Trần Đại Quang và nhân dân Việt Nam”.
Trí Lâm

Không có nhận xét nào: