Thanh Hà
Đạo diễn Rumani Cristian Mungiu tranh giải ở Liên hoan phim Cannes 2016 với bộ phim « Baccalauréat».©AFP/DANIEL MIHAILESCU
Ngày 19/05/2016, Baccalauréat (Thi tú tài) của đạo diễn Rumani Cristian Mungiu trình diện ban giám khảo Cannes. Dù với phương tiện tài chính hạn hẹp, nghệ thuật thứ 7 Rumani khẳng định được vị trí trên bầu trời điện ảnh quốc tế.
Baccalauréat là câu chuyện của bác sĩ tỉnh lẻ, Romeo Aldea đã làm tất cả để cô con gái Eliza được sang Anh du học. Giấc mơ mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con gái tan vỡ khi Eliza bị đánh mất chìa khóa mở ra tương lai tươi sáng tưởng chừng như đang trong tầm tay.
Qua nhân vật Romeo là đầy rẫy những nghi vấn của một người đàn ông trước ngưỡng ngũ tuần, đã để lại một phần cuộc đời ở sau lưng và còn phải đi nốt quãng đời còn lại. Trước mặt bác sĩ Aldea là một bà mẹ già bệnh họan, là một cuộc hôn nhân bên bờ vực thẳm và cô con gái duy nhất của ông sắp sửa bước vào đời. Romeo phải chuẩn bị thế nào cho con gái, để khi đến tuổi xế chiều, Eliza không rơi vào ngõ cụt như ông ?
Như chính đạo diễn Cristian Mungiu đã trả lời báo chí, anh làm phim để gợi lên những câu hỏi, với hy vọng là tự mỗi người tìm được những câu trả lời thích hợp để cuộc sống tươi đẹp hơn.
Cristian Mungiu sinh năm 1968 tại Iasi, Rumani. Anh từng đi dậy, hành nghề nhà báo, trước khi bắt tay vào làm phim. Đây là lần thứ 5 anh được mời tranh tài tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Lần đầu là vào năm 2002 với L’Occident (Phương Tây) ở hạng mục La Quinzaine des Réalisateurs (Hai tuần lễ) dành cho các nhà làm phim và với bộ phim này, Mungiu tạo được chú ý với công chúng.
Năm năm sau, anh trở lại Cannes tranh Cành Cọ Vàng với Bốn Tháng, Ba Tuần và Hai Ngày, một bộ phim nói về chủ đề phá thai trong xã hội Rumani trước khi chế độ Cộng sản sụp đổ. Bộ phim có cái tựa lạ lùng này của Mungiu đã đoạt Cành Cọ Vàng của Festival Cannes lần thứ 60 (năm 2007), tiếp theo đó là một loạt các giải thưởng quốc tế khác dành cho bộ phim này.
Năm 2009 rồi 2012 Cristian trở lại Cannes với những Contes de l’Âge d’Or (Chuyện kể về thời kỳ vàng son), và Au-delà des collines (Bên kia ngọn đồi) năm 2012 đã hai lần được xướng tên trong bảng vàng khi được trao tặng giải thưởng dành cho kịch bản và nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Nhựa sống của điện ảnh Rumani
Cristian Mungiu được xem là gương mặt tiêu biểu cho làn sóng mới của điện ảnh Rumani. Anh là người đã đưa nghệ thuật thứ 7 của Rumani ra thế giới bên ngoài. Năm nay có hai bộ phim Rumani cùng tranh Cành Cọ Vàng là Baccalauréat của Mungiu và Sieranevada của Cristi Puiu. Một bộ phim khác được chọn ở hạng mục Un Certain Regard và một phim ngắn trong khuôn khổ chương trình Cinéfondation.
Cristi Puiu, 49 tuổi, được mệnh danh là « đứa con nổi loạn » của dòng điện ảnh Rumani. Năm 2010 Puiu đã đem đến Cannes Aurora một bộ phim gay cấn, gây hồi hộp cho khán giả trong hơn 3 tiếng đồng hồ. Đó là một tác phẩm được thực hiện với những « phương tiện tối thiểu » như chính tác giả tâm sự. Và đấy cũng là thực tế nghệ thuật thứ 7 Rumani phải đối mặt
Rumani còn là một quốc gia nghèo. Chính phủ chỉ tài trợ cho khoảng 20 phim hàng năm, dù vậy phim Rumani vẫn thường xuyên hiện diện tại các liên hoan tên tuổi trên thế giới. Sau thế hệ đàn anh đã mở đường, như Puiu hay Mungiu, thì phải kể đến Bogdan Mirica, 38 tuổi. Năm ngoái Mirica có mặt ở hạng mục Un Certain Regard.
Làn sóng mới trong điện ảnh Rumani bắt đầu nổi lên từ khoảng đầu những năm 2000 và tạo được chỗ đứng nhờ sự sáng tạo, tìm tòi của những nhà làm phim trẻ. Theo lời đạo diễn Cristian Mungiu, văn hóa không là một ưu tiên của các chính phủ tại Bucarest. Những thành quả đạt được tới nay, là nhờ những đóng góp cá nhân. Nhưng các tài năng trẻ của Rumani sẽ không thể đi xa hơn, nếu như họ không được Liên Hiệp Châu Âu và nhất là Pháp hỗ trợ.
( RFI )
( RFI )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét