Hoãn dỡ bỏ cấm vận, vũ khí Mỹ có còn cơ hội tại Việt Nam?
Hải Dương |
Theo Sputnik, Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định thu hồi lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Thông tin trên được Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, ông Ben Rhodes cho biết. Cụ thể: "Chúng tôi đã không thực hiện quyết định cuối cùng liên quan đến vấn đề này, chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là chủ đề thảo luận với Việt Nam".
Như vậy gần như chắc chắn lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ áp đặt lên Việt Nam sẽ chưa thể được dỡ bỏ ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama.
Diễn biến mới chắc chắn sẽ làm không ít người phải cảm thấy thất vọng, vì đa phần các dự đoán đều cho rằng đây chính là "món quà" Tổng thống Obama dành tặng riêng Việt Nam.
Thậm chí trong hai ngày 12 và 13/5 vừa qua, các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ còn đến Hà Nội tổ chức một buổi hội thảo quy mô với mục đích "chào hàng", dẫn tới nhận định sẽ có ngay hợp đồng lớn trong thời gian trước mắt.
Tuy bị tạm hoãn, nhưng tuyệt đại đa số các ý kiến đều thống nhất rằng không sớm thì muộn lệnh cấm vận vũ khí sẽ được phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn, thậm chí có thể ngay trong năm nay sau khi hai nước thống nhất được một vài vấn đề kỹ thuật còn tồn tại. Do đó, cơ hội để vũ khí Mỹ xuất hiện trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn là rất cao.
Thậm chí nếu thực sự có nhu cầu, chúng ta vẫn có thể sở hữu nhiều khí tài quân sự tối tân của Mỹ vì đã được phép mua những loại không gây sát thương.
Ngoài tiêm kích F-16 hay máy bay tuần tra chống ngầm P-3C Orion, trực thăng vận tải của Mỹ là ứng viên sáng giá để trang bị cho Lực lượng Đổ bộ đường không mới thành lập của Việt Nam, đặc biệt khi Lục quân được xác định sẽ nhận ưu tiên hiện đại hóa trong nhiệm kỳ này.
Trực thăng Mỹ ngoài độ tin cậy thì có ưu điểm trước trực thăng Nga ở độ linh hoạt cao hơn, điều này đã được các cựu phi công Việt Nam từng vận hành cả hai loại xác nhận.
Khả năng cao là Bộ đội Đổ bộ đường không Việt Nam sẽ mua trực thăng hạng trung Mi-171 của Nga, còn trực thăng hạng nặng phục vụ các cuộc chuyển quân lớn trong thời gian ngắn thì Mi-26 khó có cửa thắng dòng CH-46/47 do quá nặng nề, không thích hợp với các hoạt động quân sự, đặc biệt tại khu vực địa hình nhiều đồi núi.
Khả năng thao diễn đáng nể của CH-46 Sea Knight
Một khả năng nữa cũng nên tính tới là Việt Nam vẫn mua "sát thủ tàu ngầm" P-3C Orion nhưng chỉ đơn thuần triển khai để làm nhiệm vụ trinh sát, vũ khí đi kèm sẽ được bổ sung sau. Điều này cũng trùng với phán đoán của các nhà cung cấp vũ khí Mỹ khi chúng ta tỏ ý quan tâm đến chiếc máy bay tuần tra hàng hải trên.
Tóm lại, dù lệnh cấm vận chưa được dỡ bỏ ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, nhưng triển vọng để vũ khí Mỹ (cả sát thương lẫn phi sát thương) hiện diện tại Việt Nam vẫn rộng mở, do nhu cầu của chúng ta là có và phía Mỹ cũng muốn Việt Nam mạnh lên để đóng góp tốt hơn cho hòa bình khu vực.
theo Thế giới trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét