( nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama )
TT Barack Obama và cựu binh John Baca xem bóng chày. John Baca là bạn tôi, người đã quyên góp tiền đến VN xây dựng lại trạm xá Yên Viên, Hà Nội năm 1990 )
Tôi đã xem chương trình truyền hình Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước hai Viện của Quốc hội lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên. Vẫn với một cảm hứng, một giấc mơ và một ý chí như Obama đã từng mang đến cho người dân Mỹ trong suốt quá trình bầu cử . Trong bài phát biểu của mình, ông đã chỉ cho nước Mỹ thấy con đường đã đưa nước Mỹ đến sự suy thoái hiện nay. Nhưng chính trong sự suy thoái này, nước Mỹ đã nhận ra sự tự mãn của mình, nhận ra những sai lầm của mình. Nhưng quan trọng hơn tất cả, nước Mỹ hay người đứng đầu dân tộc đó đã nhận ra ” Nước Mỹ sẽ trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết”.
Nghe lời phát biểu này của Obama, tôi thấy : nếu chúng bỏ đi những danh từ liên quan đến nước Mỹ thì chúng ta sẽ nghĩ rằng đây là một bản thông cáo của một quốc gia nào đó đang đứng bên bờ vực thẳm của sự sụp đổ. Quốc gia đó đang là một quốc gia với nền kinh tế suy thoái, với một món nợ khổng lồ mà mỗi người dân quốc gia ấy ở cả thế hệ sau đang và sẽ phải gánh chịu , với một nguồn năng lượng đã suy kiệt, với nạn thất nghiệp, với lãng phí và gian lận, với một nền giáo dục chưa năng động và không đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội, với hệ thống chăm sóc y tế nhiều bất cập…
Cái quốc gia đang ở trong tình trạng như tôi vừa điểm qua lại chính là nước Mỹ. Nhưng trên thực tế, nước Mỹ vẫn là cường quốc lớn mạnh nhất thế giới. Obama và những người cầm quyền cùng chí hướng với ông đã thấu hiểu rằng : nếu họ vẫn mang cách nhìn, cách nói và cả cách nghĩ của họ sự tự mãn về một cường quốc thì ngay trong một tương lai cận kề dân tộc họ sẽ sụp đổ bởi những vết nứt đã và đang có trong lòng nước Mỹ. Hơn bao giờ hết, Obama hiểu rằng : để chữa trị cho lành những căn bệnh mà nước Mỹ đang mắc phải và làm cho cơ thể nước Mỹ mạnh lên thì họ phải gọi ra đúng căn bệnh đó với không một chút sợ hãi.
Obama nói : “ Giờ nếu chúng ta trung thực với bản thân, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng, lâu nay chúng ta không phải lúc nào cũng đương đầu với các trách nhiệm đó với tư cách là một chính phủ hoặc một dân tộc. Tôi nói điều này không phải đổ trách nhiệm hoặc soi mói quá khứ mà bởi vì chỉ có hiểu làm sao chúng ta lâm vào tình cảnh này chúng ta mới có thể tự thóat ra”.
Cho đến bài phát biểu này, một số người trước đó còn một chút hoài nghi về một cuộc “sáng tạo lại nước Mỹ” của Obama đã tin vào khát vọng thực sự và ý chí mãnh liệt và không khoan nhượng của ông chứ không phải là những “ thuật xảo ngôn” để giành phiếu cho cuộc chạy đua vào Nhà trắng. Bởi với nước Mỹ, mọi lời nói và hành động của Tổng thống luôn luôn được giảm sát và kiểm chứng. Trong bài phát biểu này, Obama bắt đầu cụ thể hoá từng mục tiêu của ông. Ông bắt đầu trở thành mối đe doạ thực sự đối với những lợi ích khổng lồ của nhiều thế lực nhưng lại trở thành người giải cứu tinh thần và sự phát triển trong sạch của nước Mỹ. Ông không ngần ngại tuyên bố một cuộc chiến không ít nguy hiểm với chính cá nhân ông : “ Tôi đã yêu cầu Phó Tổng thống Biden đảm trách việc giám sát đầy khó khăn và chưa có tiền lệ. Tôi đã nói với mọi thành viên trong Nội các của tôi cũng như các thị trưởng và thống đốc khắp nước Mỹ rằng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước tôi và trước nhân dân Mỹ về từng đồng đôla mà họ tiêu. Tôi đã bổ nhiệm Tổng thanh tra để xử lý mọi vụ lãng phí và gian lận. Và chúng tôi đã tạo ra một trang web mới tên là recovery.gov để mọi người Mỹ có thể biết tiền đang được tiêu như thế nào và ở đâu ”.
Nếu chúng ta lại một lần nữa tước đi những danh từ liên quan đến nước Mỹ thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng : những nguy cơ mà nước Mỹ phải vượt qua cũng chính là nguy cơ của mọi quốc gia trên thế giới. Trong đó, có ba nguy cơ chính đang làm nước Mỹ suy thoái và đe doạ sự sụp đổ trong một tương lai cận kề là năng lượng, chăm sóc y tế và giáo dục. Trong khi đó, có không ít quốc gia còn ngèo nàn nhưng đầy tự mãn, đầy gian trá, đầy tham nhũng…lại vẫn có vẻ “bình chân như vại”. Đây cũng chính là cơ sở để chúng ta nhận ra tính ưu việt và chất nhân văn của các chính thể.
Obama đã đọc bài phát biểu này ở một nơi trang trọng của nước Mỹ và nói về những vấn đề hệ trọng đối với sự tồn vong và phát triển của nước Mỹ. Nhưng đối tượng mà ông nhắc đến trước tiên như là mục đích tối thượng của mọi chính sách của một chính phủ là những người dân. Đó là những người mà cha ông họ và lúc n ày l à chính bản thân họ đã và đang làm nên một nước Mỹ. Obama nói đến từng người một như xác lập vị trí và sứ mệnh cao cả của những người dân vô danh này đối với dân tộc họ. Và một cuộc sống thanh bình, không u uất và sợ hãi của nhân dân là mục đích duy nhất mà mỗi chính thể phải đi tới. Đó là những người gác cổng, những nông dân, những người lính, những thầy cô giáo, những học sinh với những hiện thực và giấc mơ ở trên chính đầu họ, trong bếp ăn của họ và trên chính những chiếc giường ngủ của họ ngày ngày.
Tổng thống Obama nói “ Trong cuộc đời mình, tôi đã học được rằng, hy vọng có thể tìm ở những nơi không nghĩ tới, cảm hứng thường tới không phải từ những người có quyền lực tối cao hay các ngôi sao mà nó tới từ giấc mơ và khát vọng của những người Mỹ bình thường ”. “ Tôi muốn các ngân hàng này chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự hỗ trợ mà họ nhận được và lần này họ sẽ phải làm rõ những đồng tiền thuế của người dân Mỹ được sử dụng như thế nào. Lần này, các giám đốc điều hành sẽ không thể sử dụng bừa bãi tiền thuế của dân. Những ngày như thế đã kết thúc”
Cùng với những lời nói gan ruột và đầy sắt đá ở trên, Obama và nội các của ông đã bắt đầu triển khai một cách chi tiết và mạnh mẽ hơn bao giờ hết các chính sách, các biện pháp để “sáng tạo lại nước Mỹ”. Và tôi biết rằng: nhân dân ở bất cứ một đất nước nào với những nền văn hoá khác biệt như thế nào cũng đợi chờ một người đứng đầu và một chính phủ như thế. Chính vậy, những vấn đề cơ bản nhất mà nước Mỹ đang phải gánh chịu và những đe doạ nước Mỹ đang phải đương đầu cũng là của mọi quốc gia trên thế giới. Bởi thế, bài phát biểu của Obama đặt ra những điều hệ trọng không phải chỉ giành cho nước Mỹ mà cho mọi quốc gia.
Barack Obama đã bước lên đỉnh cao nhất của quyền lực chính trị lại không bằng những yếu tố chính trị mà bằng những yếu tố của đời sống tinh thần và lẽ sống. Đó là khát vọng, là sự chia sẻ, là ý chí, là ước mơ chân thành và sự hoà đồng trong sáng…Obama đã bước đến trước những người dân Mỹ đang đợi ông. Ông không đọc một bài diễn văn soạn sẵn đúng văn phạm và đầy rẫy những tính từ an toàn cho cá nhân ông. Ông đến đó để nhìn thẳng vào những đôi mắt của nhân dân ông và cất tiếng. Ông có thể nói sai ngữ pháp một đôi chỗ, có thể nói lắp, có thể vụng về trong một câu nào đó. Nhưng không ai để ý hay bắt bẻ điều đó. Bởi nhân dân ông hiểu rằng ông là một hiện thực và ngôn từ ông đang nói từ trái tim ông là một hiện thực. Đó là hiện thực của một con người dám ước mơ và dám hành động vì ước mơ đó. Ở đó, người dân Mỹ và cả người dân ở nhiều quốc gia khác không tìm thấy bất cứ phép xảo ngôn nào của ông.
Không phải tất cả đều đồng nhất với ông từ những người lao động cho đến chính nội các của ông nếu không muốn nói rằng : ông đang đứng trước và đứng cạnh những thế lực chống đối ông ngay trong chính ngày đăng quang của mình. Khi Obama xuất hiện và trở thành một sức mạnh và niềm tin mới của nước Mỹ, những người yêu ông và tin tưởng ở ông lại bắt đầu một lỗi lo sợ cho tính mạng của ông. Không ít lời đe doạ và cảnh báo về một sự thất bại , một sự trừng phạt hay là một vụ ám sát đối với ông. Lúc này, những người Mỹ đứng về phía ông lại nhớ tới số phận của tổng thống J. Kenedy. Nhưng ông không thể dừng lại và không thể cúi đầu. Ông không thể phản bội lại mong ước của nhân dân mình.
Obama là một chính trị gia lỗi lạc. Bởi ông đã biến chính trị thành ngày hội của con người. Lịch sử của nhiều dân tộc trên thế giới từ trước đến nay đã từng có những con người lỗi lạc. Họ đã biến chính trị thành ngày hội của nhân dân họ. Bởi chính trị ấy xuất phát từ những ước mơ đẹp và chủ nghĩa nhân văn cao cả. Bởi chính trị ấy nhằm hiện thực hoá giấc mơ của những người cần lao. Chính trị ấy là chính trị của sự dâng hiến không vụ lợi và thực hiện sứ mệnh của sự khai mở. Sứ mệnh của một nền chính trị chân chính là làm cho nhân dân mang một gương mặt ngước lên cao với một nụ cười rạng rỡ. Và nền chính trị ấy sẽ không thể tồn tại và sẽ trở thành tội ác khi nó làm cho gương mặt của nhân dân u buồn.
Nguyễn Quang Thiều
(FB Nguyễn Quang Thiều)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét