Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Liệu đây có phải là vụ hỏa thiêu vật chứng của dự án 1000 tỷ có dấu hiệu... can án; Sự thật khủng khiếp về những kết quả thử nghiệm phân bón; Dự án nghìn tỷ 'chết', ngân hàng chia đống sắt vụn

Chuyện Hà Tĩnh: tỉnh có 16 UVTW được bầu trong Đại hội Đảng vừa qua:


Cháy lớn tại dự án thép nghìn tỉ bỏ hoang ở Vũng Áng

 - Lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tại công ty CP gang thép Vạn Lợi (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh).
Trung tá Võ Đăng Khoa, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CA Hà Tĩnh thông tin, vụ cháy xảy ra vào 20h30 tối qua tại bãi chứa thiết bị điện của công ty CP gang thép Vạn Lợi.
Lực lượng cảnh sát PCCC đã huy động 15 cán bộ chiến sỹ cùng 2 xe chuyên dụng, 1 máy bơm. Sau hơn 1 tiếng mới khống chế được đám cháy.
cháy, nhà máy thép nghìn tỉ, Vũng Áng
Đám cháy bùng phát tại bãi tập kết thiết bị máy móc nhập khẩu
Đám cháy phát sinh tại phía đông nam bãi chứa các thiết bị máy móc, hộp kỹ thuật, biến áp, mô tơ… của dự án.
Không có thiệt hại về người nhưng 31 thiết bị máy móc đắt tiền bị hư hỏng nghiêm trọng. Hiện vẫn chưa thể thống kê tổng giá trị thiệt hại.
cháy, nhà máy thép nghìn tỉ, Vũng Áng
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường sáng nay
Sáng nay, lực lượng cảnh sát kỹ thuật hình sự, PCCC, CA thị xã Kỳ Anh vẫn đang tiếp tục khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân.
Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi chính thức khởi công vào năm 2008. Tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.700 tỷ đồng, do công ty CP Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư (trong đó 2 cổ đông lớn nhất là công ty Vạn Lợi 64%, công ty Hợp Thành 34%).
cháy, nhà máy thép nghìn tỉ, Vũng Áng
Nhiều thiết bị đắt tiền cháy rụi
85% số tiền đầu tư là do dự án vay từ các ngân hàng, trong đó nhiều nhất là Ngân hàng Phát triển (620 tỷ đồng), Vietcombank 70 tỷ đồng…
cháy, nhà máy thép nghìn tỉ, Vũng Áng
Dự án thép bỏ hoang 7 năm nay khiến các ngân hang như ngồi trên đống lửa khi có nguy cơ mất trắng gần 750 tỷ cho vay
Việc dự án thép ngưng trệ 7 năm nay đã gây ra nhiều hệ lụy trầm trọng. Gần 750 tỷ đồng các ngân hàng nhà nước bỏ ra cho dự án có nguy cơ mất trắng khi toàn bộ thiết bị máy móc, phương tiện mang về từ gần 7 năm nay đã rỉ sét, hư hỏng và mất trộm.
Tháng 5/2015, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đã có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động của nhà máy này và sẽ thu hồi giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, vì dự án liên quan đến nhiều ngân hàng, chủ đầu tư gần như không xuất hiện nên việc giải quyết hệ quả sau thu hồi rất khó khăn.
Duy Tuấn


Sự thật khủng khiếp về những kết quả thử nghiệm phân bón










Dân trí Kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) mới công bố về những sai phạm ở 11 tổ chức được Cục Trồng trọt thuộc Bộ này chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón...có thể nói khó thể tưởng tượng được và hậu quả với nông nghiệp, nông dân là vô cùng lớn.
 >> Bất đồng lớn trong xử lý một doanh nghiệp nghi sản xuất phân bón giả
 >> “Tung lưới” bủa vây phân bón giả, chất cấm trong chăn nuôi
 >> Điều tra xử lí nghiêm các vụ sản xuất phân bón giả


Không được phép, vẫn chứng nhận, kiểm nghiệm phân bón
Tại một hội nghị về vấn đề chất lượng phân bón do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam khi nói về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan hiện nay đã khẳng định:"Tình trạng này có nguyên nhân từ quản lý yếu kém của nhà nước".
Điều này được thể hiện khá rõ qua kết luận thanh tra của Bộ NN&PTNT tại 11 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định là cơ sở chứng nhận, thử nghiệm phân bón vừa qua.
Điển hình nhất trong các đơn vị này là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (gọi tắt Trung tâm vùng Nam Bộ). Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, Trung tâm này là tổ chức được chứng nhận khi chưa đủ năng lực theo Luật Tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật. Đáng nói, Trung tâm này khi được Cục Trồng trọt ra quyết định chỉ định là tổ chức chứng nhận phân bón đã "không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Phòng thử nghiệm phân bón của Trung tâm cũng không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm.
Với những yếu kém, sai từ gốc như vậy, Trung tâm này đã thực hiện chứng nhận, kiểm nghiệm cho hàng ngàn sản phẩm, hàng trăm doanh nghiệp với mức độ sai phạm được cho là "rất nghiêm trọng".
Cụ thể: Trung tâm trên đã chứng nhận hợp quy cho 496 sản phẩm không nằm trong danh mục qui định của Bộ NN-PTNT, vi phạm qui định Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (CLSPHH). Nghiêm trọng hơn nữa, Trung tâm vùng Nam Bộ còn chứng nhận cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ trong khi Trung tâm này không hề được chỉ định chức năng trên (chỉ được chứng nhận phân bón DAP và phân lân nung chảy". Đây là hành vi "chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định" mà Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã nghiêm cấm. Sau khi chứng nhận xong, Trung tâm cũng không hề lưu mẫu.
Tất cả điều này dẫn đến hàng ngàn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp đã không được kiểm soát về chất lượng, chứng nhận sai, nhiều sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép...nhưng đã được đóng dấu "hợp quy", bán tràn lan trên thị trường.
Giả mạo hồ sơ, gian dối trong chứng nhận hợp quy

Lấy mẫu kiểm tra phân bón ở Công ty Thuận Phong (Đồng Nai)
Lấy mẫu kiểm tra phân bón ở Công ty Thuận Phong (Đồng Nai)
Không chỉ có Trung tâm vùng Nam Bộ, 10 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định là đơn vị thử nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón đều có mức độ sai phạm nghiêm trọng khác nhau.
Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hoá xuất nhập khẩu (CAFECONTROL) khi được thanh tra không có tài liệu chứng minh có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón, không có giấy đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận.
Tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2), đoàn thanh tra khẳng định trung tâm này không đủ kinh nghiệm, không thực hiện đánh giá, giám sát với sản phẩm phân bón đã chứng nhận hợp quy...Cơ sở này đã chứng nhận hợp quy không độc lập, không đảm bảo khách quan và cấp chứng nhận cho 17 sản phẩm. Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy (Vietcert), Công ty TNHH Kencert, Trung tâm chất lượng nông lâm sản vùng 2 và nhiều đơn vị khác cũng có những sai phạm tương tự như Quatest 2.
Theo kết luận thanh tra, nhiều đơn vị được thanh tra còn có những sai phạm nghiêm trọng khác như: Không thực hiện chứng nhận chất lượng sản phẩm phân bón nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận hợp quy để các sản phẩm này lưu thông ra thị trường; sử dụng phòng thử nghiệm chưa được chỉ định để phân tích chỉ tiêu phân bón và sử dụng các kết quả phân tích không có giá trị sử dụng để cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp.
Nhiều đơn vị được kết luận đã giả mạo hồ sơ để đăng ký chỉ định tổ chức chứng nhận; gian dối trong chứng nhận hợp quy cho sản phẩm khi chưa được lưu hành trên thị trường; lập khống hồ sơ chứng nhận hợp quy, khi ban hành quyết định chứng nhận hợp quy phân bón không có hồ sơ đánh giá chứng nhận. Có một số cơ sở còn có dấu hiệu giả mạo chữ ký để lập hồ sơ chứng nhận hợp quy phân bón; gian lận trong đánh giá chứng nhận hợp quy...
Những sai phạm của toàn bộ 11 đơn vị được thanh tra trên, theo đánh giá của đoàn thanh tra, có phần trách nhiệm lớn của Cục Trồng trọt. Theo đánh giá chung của cơ quan thanh tra, nhiều năm qua, Cục này không kịp thời tham mưu ban hành các văn bàn để tạo hành lang pháp lý, kỹ thuật cho hoạt động chứng nhận hợp quy; không thường xuyên giám sát, kiểm tra các tổ chức mà Cục này đã chỉ định hoạt động thử nghiệm, hợp quy. Thậm chí, năm 2014, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Cục này kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động của các tổ chức chứng nhận phân bón được chỉ định, xử lý, thu hồi giấy phép các đơn vị sai phạm nhưng đến nay Cục này vẫn chưa thực hiện.
Huỷ toàn bộ quyết định chỉ định với 11 cơ sở
Đây là một trong những đợt thanh tra hiếm hoi có quyết định khá mạnh với sai phạm của một đơn vị cấp Cục của Bộ NN-PTNT. Đoàn thanh tra này, sau khi khẳng định cả 11 cơ sở đã thanh tra đều sai phạm và vạch ra những sai phạm lớn của Cục Trồng trọt đã kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo rút, hủy toàn bộ các quyết định chỉ định DN, đơn vị tổ chức chứng nhận phân bón và Quyết định chỉ định phòng thử nghiệm phân bón đối với 11 đơn vị được thanh tra; yêu cầu các tổ chức chứng nhận phân bón thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận hợp quy đã cấp không đúng quy định.
Đoàn thanh tra cũng đã yêu cầu Cục Trồng trọt tổ chức kiểm điểm với những công chức có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện đánh giá chỉ định, giám sát tổ chức chứng nhận phân bón và phòng thử nghiệm, các công chức đã thẩm định hồ sơ, trình ký quyết định chỉ định...
Thậm chí, theo đoàn thanh tra, những sai phạm khi tham mưu, chỉ định Trung tâm vùng Nam Bộ được thử nghiệm và chứng nhận chất lượng phân bón khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật là hành vi "lợi dụng vị trí công tác để cố ý làm trái"- một tội danh hình sự.
Tuy nhiên, Đoàn thanh tra này cũng chỉ kiến nghị "tổ chức kiểm điểm", "rút kinh nghiệm"...với các cá nhân một số cơ quan, tổ chức liên quan và cả với cán bộ, công chức ở Cục Trồng trọt...
Kết luận thanh tra này vẫn để một lỗ hổng rất lớn về việc kiến nghị, xử lý thế nào về hậu quả với hàng ngàn sản phẩm phân bón của hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh phân bón được cấp chứng nhận không đúng, lưu hành sản phẩm không được kiểm soát chất lượng ra thị trường.
Trao đổi với Dân trí tối ngày 11.5, một quan chức ngành Khoa học-Công nghệ cho rằng, hậu quả của tình trạng thử nghiệm, chứng nhận sai với số lượng lớn sản phẩm phân bón như vậy là vô cùng nghiêm trọng vì điều này là một nguyên nhân dẫn đến sản phẩm phân bón kém chất lượng không được kiểm soát.
"Sản phẩm phân bón kém chất lượng, thậm chí là phân bón giả lại được chứng nhận, lưu hành không chỉ ảnh hưởng rất xấu đến kết quả sản xuất nông nghiệp, chất lượng cây trồng, đến thu hoạch, đời sống của nông dân. Phân bón giả, kém chất lượng còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến nguồn nước ngầm và làm thoái hoá chất lượng đất sản xuất nông nghiệp, có thể lên đến cả trăm năm", quan chức này nhận định.
Mạnh Quân

Hà Tĩnh:

Dự án nghìn tỷ 'chết', ngân hàng chia đống sắt vụn


- “Cái quan trọng nhất là xử lý hệ lụy. Giờ đã thu hồi thì phải thanh lý, có là sắt vụn cũng phải thanh lý. Giờ không nhìn thấy khả năng thu hồi, dù là 1 phần”, ông Nguyễn Hữu Lực, GĐ Vietcombank Hà Tĩnh chia sẻ.

Những hình ảnh mới nhất khi tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức thông báo chấm dứt hoạt động Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi (Vũng Áng, Hà Tĩnh).
Trước thông tin dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi vừa bị BQLKKT Hà Tĩnh chấm dứt hoạt động, chuẩn bị thu hồi, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn các ngân hàng phát triển (NHPT), Vietcombank, BIDV (chi nhánh Hà Tĩnh), được xem là nạn nhân dự án.
Cho vay nhưng không kiểm soát được đầu tư
Ông Võ Tá Nam, PGĐ Ngân hàng Phát triển Hà Tĩnh cho biết, sau khi nhận được công văn 647 của BQL KKT tỉnh, ông đang cố gắng liên hệ chủ đầu tư để họp bàn giải pháp nhưng rất khó liên lạc. Nhất là các cổ đông lớn Vạn Lợi, Hợp Thành.
Dự án, thép nghìn tỷ, đổ vỡ, ngân hàng, ‘ngồi trên đống lửa’, Hà Tĩnh, gỉ sắt, chăn bò
DA thép tổng mức đầu tư gần 2000 tỷ (các ngân hàng cam kết vốn hơn 80%) đình trệ từ 2010.
Chúng tôi cho vay (NHPT cho vay hơn 600 tỷ) theo nghị quyết kêu gọi của tỉnh, ưu ái, tạo điều kiện cho dự án được đầu tư hoạt động. Nói thật tài sản đảm bảo tiền vay ở trong nhà máy, có nhiều cái chủ đầu tư cũng không nắm được, chứ nói gì ngân hàng chúng tôi.
Máy móc nhập về do Tổng thầu ECP (Trung Quốc). Chỉ khi nào tổng thầu sang để lắp đặt, mở ra mới biết được những gì đã đầu tư. Giờ phải kiểm toán lại toàn bộ mới có đánh giá được giá trị tài sản đã đầu tư thế nào, còn lại những gì sau nhiều năm bỏ hoang”, ông Nam nói.
Dự án, thép nghìn tỷ, đổ vỡ, ngân hàng, ‘ngồi trên đống lửa’, Hà Tĩnh, gỉ sắt, chăn bò
Máy móc thiết bị nhập về trị giá hàng trăm tỷ phơi nắng mưa 6 năm nay.
Còn ông Kiểu Đình Hòa, GĐ BIDV Hà Tĩnh cũng cho biết, dự án này chủ yếu là NHPT, các ngân hàng khác chỉ góp vốn theo tỷ lệ, BIDV đã cho vay 49 tỷ đồng.
Bên tôi phải làm theo toàn bộ. Hồ sơ NHPT họ giữ. Mỗi lần giải ngân cho dự án thì NHPT thông báo cho các ngân hàng, góp vốn theo tỷ lệ đã cam kết. Như BIDV là 7%, Vietcombank là 8%.
Không phải chúng tôi không được phép thẩm định mà toàn bộ hồ sơ giao cho NHPT thẩm định. Ví dụ đợt này giải ngân 100 tỷ đồng, NHPT thẩm định và thông báo cho chúng tôi, hùn vốn theo tỷ lệ, chúng tôi 7% thì là 7 tỷ đồng. Nhiều anh tham gia nên nó nhoe ra”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng tiếp lời: “Khi cho vay, các NH có kiểm soát được rằng nhà đầu tư dùng tiền làm thật?”; “Họ vẫn làm, nhưng đến lúc hết vốn nên dừng lại. Theo quy định việc giải ngân song song giữa vốn của họ với NH. Nếu vốn họ có đủ 15%, các NH còn lại 85% thì đủ cho DA hoạt động. Đình trệ là do họ không có vốn”.
Vị GĐ BIDV Hà Tĩnh cay đắng thừa nhận: “Dự án chết khiến ngân hàng chết theo, đó là quy luật. Nói thật nếu không dừng lại thì đang giải ngân nhiều nữa. Vì tổng cam kết là hơn 1.000 tỷ, mới chỉ giải ngân hơn 1 nửa”.
Nói về phương hướng xử lý sau thu hồi, ông Hòa cho biết: “Giờ bán nhà cá nhân còn khó huống gì bán dự án này. Giờ tính phương án làm sao để bảo vệ trong đó rất đau đầu”.
“Tỉnh kêu gọi cho vay”
Tiếp xúc với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Lực, GĐ Vietcombank Hà Tĩnh bày tỏ mối lo khi hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước có nguy cơ mất trắng.
Dự án, thép nghìn tỷ, đổ vỡ, ngân hàng, ‘ngồi trên đống lửa’, Hà Tĩnh, gỉ sắt, chăn bò
Hộp đựng thiết bị máy móc mục rửa.
Cái này (nhà máy thép - PV) không phải tới bây giờ, mà nhiều năm rồi. Vị phó chủ tịch tỉnh hồi đó nói ngân hàng lớn tham gia, tác động vào dự án, Vietcombank tham gia 6 - 7%. Kế hoạch là 100 tỷ đồng, nhưng thời ấy mới giải ngân 70 tỷ đồng” - ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, vừa rồi, các ngân hàng họp lại, khảo sát xem thiết bị máy móc còn gì nữa không. Mới đây có việc dân vào ăn trộm, bảo vệ biết nhưng bị dân đánh cho gãy xương sườn.
Cũng như BIDV, cơ sở để Vietcombank Hà Tĩnh cho vay 70 tỷ đồng cho DA, chỉ là làm theo khi NHPT thẩm định xong. Vì không tham gia thẩm định nên 2 NH này không biết được DA sẽ hiệu quả, khả thi như thế nào?
Dự án, thép nghìn tỷ, đổ vỡ, ngân hàng, ‘ngồi trên đống lửa’, Hà Tĩnh, gỉ sắt, chăn bò
Ngân hàng phát triển chi nhánh Hà Tĩnh, đơn vị cho vay hơn 600 tỷ đồng.
Thời đó, chủ đầu tư đưa dự án ra thế chấp, gọi là tài sản hình thành sau vốn vay (tiền các ngân hàng giải ngân trước, sau đó mới lấy nhà máy thép ra thế chấp). Nên bây giờ, các ngân hàng có quyền thu hồi, bán để trả nợ. Giai đoạn đó, đang tính hiệu quả cao, bởi có sắt Thạch Khê, sắt Vũ Quang, chứ có ai nghĩ, không có hiệu quả đâu”, ông Lực nói.
Ông Lực cũng nhận định: “Họ bỏ chạy là đúng rồi, bởi không bỏ chạy cũng không có khả năng. Nợ nhà thầu nhiều quá. Các ngân hàng không còn cách nào khác, phải dừng lại. Ngân hàng càng bỏ nhiều thì ngân hàng chết”.
Quá ưu ái, giờ chia trên đống sắt vụn
Giờ mà thu hồi dự án này, tài sản cũng chỉ ở dạng sắt vụn. Bởi bộ phận lắp ráp hết thì gỉ sét, bộ phận chưa lắp ráp thì mất mát nhiều rồi. Thêm nữa, không có tổng thầu nên không biết được máy móc thiết bị gì. Bây giờ, không thể mua bán theo dạng thiết bị nữa”, ông Lực nói thêm.
Dự án, thép nghìn tỷ, đổ vỡ, ngân hàng, ‘ngồi trên đống lửa’, Hà Tĩnh, gỉ sắt, chăn bò
Ngân hàng ngoại thương VN, cho vay 70 tỷ đồng theo hồ sơ thẩm định của NHPT.
Ông Lực chia sẻ: "Giờ hơn 700 tỷ mà các ngân hàng cho vay là có nguy cơ mất. Dự án này ưu ái họ quá. Mình tin tưởng họ quá nên mới ra thế”.
Vị GĐ Vietcombank Hà Tĩnh tiết lộ, mục đích của họ (chủ đầu tư), không phải để làm dự án này thành công, mà cứ chờ, để rồi "thịt chó chấm nước chó", nghĩa là không tham gia vào, để giá trị dự án tăng lên thì sẽ đóng góp được tiền vào đấy”.
Theo ông Lực, từ năm 2009, bản thân ông đã phát hiện dấu hiệu bất thường khi đầu tư DA này. Ông nhận định, mục đích của chủ đầu tư là để kiếm chác bán quặng (từ Vũ Quang và Thạch Khê), chứ không phải để sản xuất. Tuy nhiên hồi đó không ai dám nói.
“DA đổ vỡ, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chính. Về trách nhiệm liên đới, mình đầu tư không thành công thì mình không thể nói không có trách nhiệm. Không lẽ cứ xách tiền nhà nước hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ cho vay rồi nói không có trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm khách quan” - ông Lực phân trần.
Duy Tuấn – Hoàng Sang


(Kinh tế) - Hàng loạt các dự án đầu tư vốn lớn lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, từng là biểu tượng của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay đang bộc lộ nhiều bất cập, có dự án trùm mền, có dự án thành đống sắt vụn. Điểm chung các dự án này là không có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, với trùng điệp quy định trong việc đầu tư công tại Việt Nam, vẫn không tìm ra được địa chỉ để truy trách nhiệm về những bết bát, thiếu hiệu quả ở các dự án này.

Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sau nhiều năm trở thành đống sắt vụn. Ảnh: P.V
Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sau nhiều năm trở thành đống sắt vụn. Ảnh: P.V
Khó quy trách nhiệm
Các dự án này có thể kể tới Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, khi hơn 4.500 tỉ đồng đã được rót cho dự án mở rộng. Sau gần 10 năm, số tiền thành đống sắt hoen gỉ, cỏ dại um tùm. Hay như Nhà máy đạm Ninh Bình (Cty TNHH một thành viên đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem) được đầu tư lên đến 12.000 tỉ đồng vừa đi vào hoạt động đã hỏng hóc, gây ô nhiễm môi trường. Tới nay, có tới 400/1.000 công nhân phải nghỉ việc. Nhà máy càng sản xuất càng lỗ và hiện đã lỗ luỹ kế lên tới hơn 2.000 tỉ đồng. Một dự án khác là Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất sản xuất cồn ethanol được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỉ đồng nhưng đã đóng cửa.
Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi tại sao số lượng những dự án kém hiệu quả lại tăng lên ghê gớm trong 10 năm qua? Trả lời chính câu hỏi của mình, ông Doanh nói: “Anh dùng tiền của Nhà nước thì cũng phải giải trình xem dự án anh như thế nào, ai chịu trách nhiệm, ai duyệt, hiệu quả là gì. Người thường làm sai bị bỏ tù, nhưng ở đây có nhiều dự án thiệt hại tới hàng chục nghìn tỉ mà không có ai bị làm sao cả, thậm chí còn lên chức”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành dẫn ra trường hợp Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 để làm ví dụ. Ông Thành nói, với dự án này, ban đầu đưa ra dự án với chi phí thấp để được phê duyệt nhưng sau đó lại nâng lên. Theo ông Thành, vấn đề của Nhà máy gang thép Thái Nguyên bộc lộ tư duy làm ra sản phẩm không tính tới vấn đề giá thành, hiệu quả kinh tế. “Liệu hiệu quả thực sự của Gang thép Thái Nguyên có được nghiên cứu không hay lại đưa ra con số nhỏ để được phê duyệt đã rồi mới từ từ nâng lên. Nhà máy có hoạt động được hay không, có bán được sản phẩm hay không, dường như không phải vấn đề” – ông Thành nói. Từ ví dụ dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Thành đặt ra vấn đề trách nhiệm của người phê duyệt dự án. “Có thể nói nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là tư duy công lao của cá nhân nhưng trách nhiệm tập thể nên không ai chịu trách nhiệm cả” – chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.
Dự án thiếu hiệu quả: Phải sai, nhưng ai sai?
Trước ý kiến cho rằng các dự án kể trên có chủ trương đầu tư đúng, quyết định phê duyệt dự án đúng, tổ chức thực hiện cũng đúng nhưng hiệu quả kinh tế lại không đúng, vậy ai phải chịu trách nhiệm cụ thể? Ông Tăng Ngọc Tráng – Vụ phó Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KHĐT) – cho hay từ điều 96 – 101 trong Luật Đầu tư công quy định quyền, trách nhiệm cụ thể cá nhân từ chủ trương đầu tư dự án đến tổ chức thực hiện dự án. Theo ông Tráng, với các quy định, tùy theo các sai phạm sẽ bị xử lý, như vi phạm hành chính xử theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý theo Luật Tố tụng hình sự. “Nếu quy trình toàn bộ đều đúng thì sẽ không thể có dự án thiếu hiệu quả. Nếu tất cả đều đúng thì phải có cái sai. Ví dụ, lập dự án đưa ra thông tin nhưng khảo sát dự báo số liệu không đảm bảo tin cậy, hoặc trong thực tế nó lại sai. Dự án không hiệu quả thì phải sai nhưng có tìm ra được hay không? Khi đánh giá từng dự án một thì nó sai ở đâu” – ông Tráng nói.
Tuy nhiên, đại diện Bộ KHĐT thừa nhận hiện nay có rất nhiều dự án thiếu hiệu quả nhưng truy trách nhiệm cũng rất khó. “Với các dự án phức tạp thì phải thuê chuyên gia tư vấn độc lập để đánh giá khách quan hơn. Theo tôi với dự án lớn, công nghệ phức tạp, muốn đánh giá đến tận cùng vấn đề thì phải thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài thì mới có thể xem xét được nguyên nhân thiếu hiệu quả do đâu” – ông Tráng nói.
(Theo Lao Động)

Chấm dứt hoạt động dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi trong thời gian tới vì chủ đầu tư là công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh không thể duy trì dự án sau 6 năm bỏ hoang.

Không có nhận xét nào: