Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước do Bộ Công thương quản lý đều thua lỗ

Theo VAFI, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Bộ Công thương quản lý đều lâm vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ và trở thành doanh nghiệp ốm yếu như Tập đoàn Hóa chất, TKV, Vinasteel…Giá trị tài sản và vốn nhà nước giảm đi rất nhiều do quản trị doanh nghiệp.

Ngày 19.5, theo thông tin từ Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cơ quan này đã tiếp tục có văn bản gửi Bộ trưởng Công thương, HĐQT Sabeco và Habeco kiến nghị Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước do Bộ Công thương quản lý đều thua lỗ
Hình minh họa
Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết

Theo đó, tại văn bản gửi Bộ Công thương vào ngày 10.5, VAFI đã đề nghị Sabeco và Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán sau 8 năm cổ phần hóa.

Phản hồi ý kiến trên, ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco và ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, thường trực Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp, nói rằng Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết. Để doanh nghiệp này được niêm yết, cổ phần nhà nước phải dưới 80%/vốn điều lệ.

Tuy nhiên, trước ý kiến trên, VAFI khẳng định Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết.

Cụ thể, Nghị định 84/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thực thi một số điều của Luật Chứng khoán, đã tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện cổ phần hóa gắn với niêm yết chứng khoán có quy định một trong những điều kiện để doanh nghiệp được niêm yết thì tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ, không được áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng chính phủ.

Nếu chiếu theo quy định này, VAFI nói Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết, bởi quy định này có ý nghĩa mọi doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và kinh doanh có lãi và có trên 100 cổ đông đều đủ tiêu chuẩn niêm yết, không tính tới cổ đông bên ngoài nắm giữ bao nhiêu cổ phần.

VAFI lấy ví dụ, năm 2009, VietinBank và Vietcombank đã thực hiện niêm yết khi Nhà nước còn nắm giữ tại 2 ngân hàng này lần lượt với tỷ lệ là 89% và 90% vốn điều lệ. Hay BIDV đang niêm yết cổ phần nhà nước đang chiếm tới 95 % vốn điều lệ.

“Cách đây 5 năm, VAFI có đề nghị HĐQT Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết, họ cũng viện dẫn Sabeco và Habeco không đủ điều kiện niêm yết với lý do trên, sau khi VAFI phân tích, họ có ra nghị quyết Đại hội cổ đông về việc niêm yết nhưng đó chỉ là kế hoãn binh và những người đại diện vốn nhà nước đã cố tình không thực hiện chủ trương của nhà nước”, văn bản nói rõ.

Do đó, hiệp hội này nhấn mạnh “Tất cả những người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco đã cố tình vi phạm pháp luật về niêm yết chứng khoán, không chấp hành lệnh của Thủ tướng là muốn các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thay đổi mạnh mẽ phương thức quản trị doanh nghiệp, đồng thời tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán.”

Năng lực Chủ tịch Sabeco ít ra phải bằng 20% Mai Kiều Liên

Tại văn bản kiến nghị lần hai này, VAFI nhận định việc điều một số cán bộ công chức từ Bộ Công thương xuống doanh nghiệp làm thành viên Hội đồng quản trị là không đủ tiêu chuẩn.

Đáng chú ý, văn bản này đã nêu đích danh trường hợp bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, Chánh văn phòng Bộ Công thương về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco. VAFI nói ông Hà làm lãnh đạo Sabeco là một điều nguy hiểm về quản trị doanh nghiệp, vì ông Hà chỉ giỏi về nghiệp vụ thư ký, không có kinh nghiệm và thành tích về quản trị doanh nghiệp.

“Bộ Công thương nên hiểu rằng Chủ tịch HĐQT phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải có nhiều thành tích xuất sắc về quản trị doanh nghiệp, phải kinh qua thử thách tại nhiều vị trí công tác tại doanh nghiệp. Chủ tịch Sabeco về năng lực ít ra phải bằng 20% năng lực của những người như Trương Gia Bình, Mai Kiều Liên, Lê Quang Danh…chứ không thể chọn một người lơ mơ như ông Võ Thanh Hà với câu nói nổi tiếng “vai trò của cổ phần hóa tại Sabeco trong 8 năm qua là mờ nhạt…vậy cổ phần hóa vì mục đích gì, cần nêu rõ ?”. Sabeco không thiếu gì người tài với năng lực quản trị gấp nhiều lần so với ông Hà, vậy tại sao Bộ Công thương không chọn ?” VAFI nhấn mạnh.

Bên cạnh ông Hà, VAFI cũng đặt câu hỏi tương tự với trường hợp bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco. VAFI đặt câu hỏi liệu việc bổ nhiệm ông Hải có đúng quy định hay không khi công ty đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) đã thua lỗ 220 tỉ đồng trong thời gian 2 năm ông Hải làm tổng giám đốc tại đây.

Hiệp hội này cho rằng nếu như Sabeco và Habeco được niêm yết sớm và nếu như Bộ Công thương lựa chọn được nhân sự giỏi làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì giá trị tài sản nhà nước tại 2 doanh nghiệp này phải cộng thêm ít nhất 1 tỉ USD nữa.

Chưa kể, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Bộ Công thương quản lý đều lâm vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ và trở thành doanh nghiệp ốm yếu như Tập đoàn Hóa chất, TKV, Vinasteel…Giá trị tài sản và vốn nhà nước giảm đi rất nhiều do quản trị doanh nghiệp.

Theo VAFI, sau khi thoái toàn bộ vốn tại Sabeco và Habeco, giá trị doanh nghiệp sẽ đạt giá tối đa, còn nếu nhà nước nắm giữ 36% cổ phần, tức là nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông và tiếp tục cử cán bộ không đủ năng lực tham gia HĐQT thì giá bán sẽ giảm và thu ngân sách sẽ giảm rất nhiều.

Do đó, VAFI tiếp tục kiến nghị bán hết phần vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco. VAFI tin rằng sau khi thoái toàn bộ vốn tại Sabeco và Habeco, nếu quản trị doanh nghiệp sẽ tốt lên, thu ngân sách từ các loại thuế, phí sẽ tăng lên, còn nếu chậm trễ trong việc thoái vốn hoặc thoái vốn nửa vời cộng với năng lực quản trị yếu kém thì rất có thể nhà nước sẽ không thu được bao nhiêu từ việc thoái vốn sau này.

Phan Diệu

(Một thế giới)

Không có nhận xét nào: