19/05/2016
Nguồn: Sin‑ming Shaw, “Mao, The False God”, Project Syndicate, 27/06/2005.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Liệu có nên tiếp tục treo bức chân dung khổng lồ của Chủ tịch Mao ở cổng Quảng trường Thiên An Môn? Liệu đảng cầm quyền của Trung Quốc có nên tiếp tục gọi mình là Cộng sản?
Đó không phải là những câu hỏi vô nghĩa. Trừ phi, và cho đến khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc trả lời cả hai câu hỏi trên bằng một chữ “Không” đơn giản, thì tay họ sẽ tiếp tục vấy máu còn tính chính danh của họ sẽ tiếp tục bị vấy bẩn. Lý do mà nhiều người Trung Quốc không chấp nhận chế độ cộng sản chính là vì Đảng Cộng sản đã phủ nhận quá khứ, và không hề hối lỗi vì sự tàn bạo của mình.
Đó là một trong những lý do tại sao Trung Quốc lại có “vấn đề” Đài Loan. Những người cộng sản Trung Quốc khăng khăng rằng: đã là người Trung Quốc tức là phải chấp nhận thực tế chính trị rằng chỉ duy nhất đảng Cộng sản nắm quyền tối cao. Nhưng nhiều người Đài Loan lại cho rằng, nếu là người Trung Quốc nghĩa là phải chấp nhận mọi thứ mà Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra, thì họ sẵn sàng từ chối địa vị “người Trung Quốc” của mình còn hơn là phải mang nỗi nhục ấy.
Tương tự, một cuộc thăm dò gần đây (năm 2005) cho thấy 70% dân số Hồng Kông tự hào là người Trung Quốc, nhưng cũng có một tỷ lệ tương tự người dân cảm thấy xấu hổ về cách cư xử của chính quyền đại lục. Thông điệp của họ tới chính quyền Bắc Kinh là: các người không thể xóa bỏ sắc tộc của chúng tôi, nhưng các người đã làm tổn hại nhân phẩm của chúng tôi bởi sự tàn bạo của các người. Đối với Hồng Kông, biểu tượng của chính quyền cộng sản chính là vụ thảm sát sinh viên vào ngày 04/06/1989.
Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc có ghi “Mao Trạch Đông, Người đại diện hàng đầu của Đảng, đã sáng tạo nên Tư tưởng Mao Trạch Đông, được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, và trên cơ sở đó, Đảng Cộng sản phát triển hệ thống cơ bản của chủ nghĩa xã hội về kinh tế, chính trị, và văn hóa sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân.”
Nhưng Mao “đúng đắn” tới mức nào?
Trong cuốn sách mới nhất của bà, “Mao: Câu chuyện chưa kể” (Mao: The Unknown Story), nhà văn Trương Nhung (Jung Chang, tác giả cuốn sách bán chạy “Thiên nga Hoang dã” – Wild Swans) đã tiết lộ nhiều chi tiết mới đáng ngạc nhiên, chứng minh rằng Mao rõ ràng là một bạo chúa đạo đức giả – người xem thường mạng sống và nỗi đau của con người thậm chí còn hơn cả Stalin và Hitler. Danh mục “những hành vi đúng đắn” của Mao mà Trương Nhung cung cấp đã gây bàng hoàng bởi sự vô đạo đức và khát máu của nó.
Để tìm kiếm nguồn tài chính cho phong trào cộng sản của mình trong những năm 1930, Mao đã vắt hết tài sản của các gia đình nông dân nghèo trong vùng “Đỏ” mà ông ta kiểm soát. Nhiều gia đình “phản cách mạng” đã bị buộc phải rời khỏi nhà và đến sống ở các chuồng trâu, còn số tài sản ít ỏi của họ thì bị trưng dụng.
Trong thời gian ẩn náu ở các hang động tại Diên An, Mao đã trở thành một tay buôn thuốc phiện. Trái ngược với những huyền thoại rằng ông ta và quân nổi dậy của mình sống đạm bạc trong những ngày ở Diên An, họ thực chất đã sống rất khá giả nhờ vào lợi nhuận kinh doanh.
Sau khi chính quyền Quốc Dân Đảng sụp đổ vào năm 1949, nước “Trung Hoa mới” của Mao xuất hiện. Gần như ngay lập tức, ông ta đưa ra một chiến dịch đàn áp những người “phản cách mạng”, khiển trách một tỉnh vì đã “quá khoan dung, không giết đủ.”
Giết chết “kẻ thù” không phải là mục đích duy nhất. Mao muốn [người dân] thấm nhuần sự tuân phục bằng cách khiến cho càng nhiều người chứng kiến sự khủng bố càng tốt. Như ông ta đã nói vào năm 1951: “Nhiều nơi không dám giết bọn phản cách mạng với quy mô lớn trước công chúng. Tình trạng này phải được thay đổi.”
Vào những năm đầu thập niên 1950, hàng triệu người dân Bắc Kinh đã được lệnh phải chứng kiến 30.000 vụ kết án và hành quyết. Thật vậy, chỉ trong năm 1950 và 1951, đã có khoảng ba triệu người chết do bị hành quyết, tra tấn, hoặc tự tử.
Rất nhiều người Trung Quốc đã được gửi đến các trại lao động, nơi tù nhân phải lao động chân tay rất khắc nghiệt để “thay đổi thói quen và tư duy tư sản” của họ. Năm nào cũng có khoảng 10 triệu “người lao động” như vậy. Trong suốt thời gian Mao cầm quyền, ước tính có 27 triệu người chết trong các trại lao động.
Gần 38 triệu người đã chết vì đói và lao lực trong phong trào Đại Nhảy vọt (1958-1961) khét tiếng nhằm bắt kịp với phương Tây. Mao đã phản ứng như thế nào? “Khi thực hiện tất cả các dự án này, một nửa dân số Trung Quốc có thể phải chết. Nếu không phải một nửa, thì một phần ba, hoặc một phần mười – 50 triệu người – phải chết… Nhưng người ta không thể đổ lỗi cho tôi mỗi khi có người chết.”
Mao phát động Cách mạng Văn hóa (1965-1976) để trả thù những kẻ dám phản đối những chương trình “điên rồ” của mình, khiến hàng triệu người chết.
Mao cũng ra lệnh cho đất nước phải tiêu diệt “Bốn cái cũ”: ý tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và thói quen cũ. Kết quả là, Hồng vệ binh đã phá hủy những bộ sách cổ, những món đồ cổ vô giá, các di tích trên khắp đất nước, và gần như tất cả các tu viện Phật giáo ở Tây Tạng.
Người ta ước tính tổng cộng hơn 70 triệu người đã chết trong nước “Trung Hoa mới” của Mao. Còn các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay thì tự hào tuyên bố đó là thành tựu của họ.
Khi Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka đến Trung Quốc vào năm 1974, ông đã cúi đầu tạ lỗi trước Chủ tịch Mao, xin lỗi vì những đau khổ mà quân xâm lược Nhật Bản gây nên. Mao đáp lại bằng câu nói nổi tiếng: “Không cần phải xin lỗi. Chúng tôi còn phải cảm ơn nước ông. Bởi nếu không có cuộc xâm lược của các ông, phe Cộng sản chúng tôi đã không giành chiến thắng.”
Vậy còn nước “Trung Hoa mới” ngày nay, với những tòa nhà chọc trời, hệ thống đường cao tốc hiện đại, và chủ nghĩa tư bản không kiểm soát? Thực tế không lấp lánh như vẻ ngoài của nó. GDP bình quân đầu người hàng năm tại Thượng Hải, thành phố hàng đầu Trung Quốc, vẫn ở mức 3.000 USD (năm 2005-NBT), một con số rất nhỏ so với Đài Loan và Hồng Kông. Năm mươi năm cai trị tồi tệ của cộng sản đã biến nơi từng là thành phố tiên tiến nhất ở châu Á thành một kẻ đứng bên lề (a distant also‑ran).
Các nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc cần phải thừa nhận quá khứ của mình và từ bỏ Mao cũng như các di sản cộng sản. Đất nước cần một hiến pháp mới – một hiến pháp coi trọng dân chủ thực sự.
Người dân Trung Quốc từ lâu đã sẵn sàng cho việc này. Việc duy trì danh xưng “cộng sản” trong khi phục hồi chủ nghĩa tư bản và khăng khăng rằng Mao “bảy phần đúng”, mặc cho tất cả các sai lầm và tội ác của ông ta, chính là nền tảng của sự băng hoại đạo đức đang tấn công Trung Quốc ngày nay. Như thể nếu Đức Quốc xã hiện vẫn còn nắm quyền, và các nhà lãnh đạo đương thời cho rằng Hitler chỉ “ba phần sai”. Trung Quốc xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn; và cần phải trở nên tốt đẹp hơn để tìm lại vinh quang xưa kia của mình.
Sin-ming Shaw là cựu nghiên cứu viên tại Đại học Oxford, và gần đây nhất là học giả thỉnh giảng tại Đại học Michigan tại Ann Arbor.
Copyright: Project Syndicate 2005 – Mao, The False God
Xem thêm:
- Mao Trạch Đông ngàn năm công tội
- Mao Trạch Đông trong mắt người TQ hiện nay (P.1), (P2)
- Đánh giá cuộc đời chính trị Mao Trạch Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét