Mỹ sẽ cho Việt Nam vay tiền để mua vũ khí?
Tuấn Trung |
Sau khi Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, hãng tin CNN đã có ngay một bài phân tích, đánh giá về vấn đề trên.
Trong bài viết với tiêu đề "Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam là 5 tỷ USD và đang tăng nhanh" tác giả Sophia Yan cho rằng Việt Nam đẩy mạnh chi tiêu quân sự trong những năm gần đây trong bối cảnh phải đối mặt với vấn đề chủ quyền lãnh thổ phức tạp, chúng ta sẽ sớm bỏ ra những khoản đầu tư lớn để nâng cấp khả năng phòng thủ của mình.
Việt Nam đã chi tiêu bao nhiêu tiền cho quân đội?
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm ngoái chi tiêu quân sự của Việt Nam ước đạt 4,4 tỷ USD, chiếm 8% tổng chi tiêu chính phủ, đó là sự gia tăng đáng kể so với con số 1 tỷ USD thời điểm năm 2005. Tuy nhiên giá trị này không thực sự rõ ràng vì Việt Nam không công bố ngân sách quốc phòng cụ thể.
Chuyên viên phân tích công nghiệp quốc phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tạp chí IHS Jane's, ông Jon Grevatt cho rằng trong năm nay Việt Nam sẽ chi ra 5 tỷ USD và tăng lên 6,2 tỷ USD vào năm 2020.
Mặc dù tăng nhanh nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia có ngân sách quốc phòng khiêm tốn trên thế giới, nhất là khi đặt cạnh Mỹ, nước này đã chi 596 tỷ USD vào năm ngoái, hay Trung Quốc ở vị trí thứ hai với 215 tỷ USD.
Ai là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam?
Trong những năm gần đây, khoảng 80% vũ khí trang bị của Việt Nam có xuất xứ từ Nga.
Việt Nam đã mua một lượng lớn vũ khí hiện đại để tăng cường sức mạnh chiến đấu, đặc biệt chú trọng vào tàu mặt nước và hạm đội tàu ngầm; lực lượng bảo vệ bờ biển cũng được bổ sung nhiều hệ thống tên lửa đất đối hải tối tân; Không quân Việt Nam đang chủ yếu đang vận hành các loại máy bay do Nga chế tạo.
Moskva dự kiến sẽ vẫn giữ vững được vị trí số 1, nhưng một vài quốc gia châu Âu và Israel đã bắt đầu xâm nhập sâu vào thị trường. "Việc này mang đến một cơ hội cho Hoa Kỳ để làm điều tương tự", ông Grevatt nói.
Mỹ đã bán cho Việt Nam một số thiết bị (chủ yếu là chủng loại phi sát thương) trong quá khứ. Lệnh cấm vận vũ khí mà nước này áp đặt đã được nới lỏng hai lần trong thập kỷ qua, lần gần đây nhất là vào năm 2014 trước khi được dỡ bỏ hoàn toàn.
Washington hiện đang nhanh chóng hoàn tất công tác chuyển giao 6 tàu tuần tra cao tốc nhằm giúp cho Việt Nam quản lý tốt hơn vùng biển thuộc chủ quyền.
IHS ước tính rằng trong năm nay Việt Nam sẽ chi khoảng 1,6 tỷ USD cho lĩnh vực mua sắm quốc phòng và sẽ tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2020.
Một số vũ khí, khí tài quân sự của Mỹ đã lọt vào tầm ngắm của Quân đội Việt Nam, tiêu biểu như máy bay chống ngầm P-3C Orion của Tập đoàn Lockheed Martin hay hệ thống radar cảnh giới của Raytheon...
Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực của mình bằng máy bay tuần tra, radar giám sát biển và tàu mặt nước cỡ nhỏ, nhưng chính phủ có thể sẽ cần một khoản trợ giúp tài chính để hoàn thành việc mua hàng.
Nhận xét, đánh giá
Theo tính toán, trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam sẽ có khoảng trên 8 tỷ USD dành cho quốc phòng, con số này dù khá lớn nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ để hoàn thành việc hiện đại hóa quân đội.
Do vậy, nhiều khả năng chúng ta sẽ cần thêm các khoản hỗ trợ tài chính từ phía đối tác dưới hình thức cho vay hoặc trả chậm trong thời gian dài, điều này có thể xảy ra nếu Việt Nam quyết định ký một hợp đồng vũ khí lớn.
Rất may là nhu cầu của chúng ta vào thời điểm hiện tại được đánh giá không hề nhỏ, đặc biệt đáng chú ý gồm có lỗ hổng tiêm kích nhẹ cần được lấp đầy hay trực thăng vận tải hạng nặng cho Bộ đội đổ bộ đường không.
Vì thế cho nên viễn cảnh Lockheed Martin hỗ trợ kinh phí để Không quân Việt Nam mua F-16, hay Boeing giúp đỡ Lục quân sắm CH-47 là điều hoàn toàn có thể xảy ra!
theo Thế giới trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét