Thuyền bến mê dễ độ, bè Bỉ ngạn khó tìm. Vậy Bỉ ngạn là gì?
Trong văn hóa truyền thống, 2 ngày Thu phân và Xuân phân được coi là ngày “Bỉ ngạn”. Ngày này, thiên địa hòa hợp nhất, nên tránh áp dụng hình phạt, để không quấy nhiễu sự điều hòa của âm dương, trời đất và sinh vật.
Hai ngày Xuân phân, Thu phân còn được gọi là ngày “Bỉ ngạn” (bỉ ngạn có nghĩa là bờ bên kia, có thể gọi là bờ bỉ ngạn). Bỉ ngạn có nguồn gốc từ Phật giáo. Trong Phật giáo Nhật Bản có giảng rằng, vào ngày Bỉ ngạn, hành thiện hay hành ác thì báo ứng đều sẽ tăng lên gấp bội.
Cho đến ngày nay, người Nhật vẫn gọi các ngày Xuân phân và Thu phân là ngày Bỉ ngạn. Vào hai ngày này họ thường tảo mộ tế bái, cảm tạ tổ tiên. Ngoài ra, có người tu hành còn coi khoảng thời gian bắt đầu từ trước và sau hai ngày này là tuần tịnh tiến trong tu thân hành thiện.
Trong nhân gian, “Bỉ ngạn” còn có hàm nghĩa là thế giới bên kia. Con người ly khai “Thử ngạn” nhân gian, sau khi chết đến thế giới Bỉ ngạn, trong Phật giáo là chỉ người đã ngộ đạo đến tịnh thổ Bỉ ngạn.
Nhà thơ Tăng Giảo Nhiên tưởng nhớ cố nhân đã ngâm câu thơ: “Thoát thân nhập Bỉ ngạn, điếu ảnh niệm sinh nhai”.
Phật giáo gọi sinh tử nhân gian là “Thử ngạn”, cảnh giới niết bàn siêu việt sinh tử là Bỉ ngạn: “Sinh tử vi Thử ngạn, niết bàn vi Bỉ ngạn” – “Đại Trí Độ Luận”.
Hoa Bỉ ngạn – Âm dương lưỡng cách
Thời gian tảo mộ “Thu phân Bỉ ngạn”, người ta thường thấy hoa tỏi trời trắng muốt nở rộ khắp nơi. Hoa tỏi trời cong được gọi là “hoa Bỉ ngạn”, là vì nó thường khai nở vào đúng ngày Thu phân.
Hoa Bỉ ngạn không chỉ khai nở vào khoảng thời gian ngày Thu phân, mà loài hoa này cũng thường quần tụ tại những nơi có mộ. Hoa và lá của cây tỏi trời thường không tồn tại song song, cũng dễ khiến người ta liên tưởng đến đặc tính không tương quan giữa “Thử ngạn” và “Bỉ ngạn”.
Hoa Bỉ ngạn cứ khi nào lá rơi thì hoa nở, hoa tàn thì lá sinh, hoa và lá luôn không tồn tại cùng lúc, giống như âm dương cách biệt.
Hoa Bỉ ngạn có hai loại, một màu đỏ thẫm hoặc màu tuyết trắng. Màu đỏ thẫm giống như truyền tải hơi ấm tới cố nhân, màu tuyết trắng giống như hoa vong tình, tượng trưng cho sự tinh khiết thanh tịnh.
Thu phân, Xuân phân khi thiên địa hòa hợp mà sinh, mà thành; Thử ngạn, Bỉ ngạn, dựa vào quy luật luân hồi sinh tử mà trụ, mà rời đi. Nhân sinh là quy luật sinh – lão – bệnh – tử, thành – trụ – hoại – diệt, đến bước cuối cùng thì sẽ rời xa dương thế, còn lại chỉ là dấu chân chim trên tuyết, nháy mắt tan rã không dấu vết.
Thoát luật phàm liệu có phương pháp nào vi diệu? Lịch sử biết bao nhiêu đế vương, danh sĩ, người tu hành truy tìm đạo Bỉ ngạn vĩnh sinh, hỏi đã mấy ai tìm được?
Trong thơ của Hồ Ưng Lân triều đại nhà Minh có câu: “Thuyền bến mê dễ độ, bè Bỉ ngạn khó tìm”. Quả thật như vậy! Cũng là nhân sinh mê sâu khó ngộ, càng khó tìm bờ Bỉ ngạn.
Lê Hiếu biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét