(Kinh tế) - Liên tiếp từ đầu năm 2017, các công ty, tập đoàn của Trung Quốc đã chi hàng trăm triệu USD để mua lại, góp vốn vào các dự án bất động sản lớn đang “đóng băng” của Việt Nam.
Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản trong nước đang có dấu hiệu ấm trở lại khi hàng loạt dự án lớn được các chủ đầu tư tái khởi động, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các chủ đầu tư cũng trở nên nhộn nhịp.
Tuy nhiên, hoạt động M&A tại thị trường bất động sản hiện nay đang chứng kiến sự đổ bộ của các công ty, tập đoàn đến từ Trung Quốc khi các công ty này đã chi hàng trăm triệu USD mua đứt, hoặc góp vốn để “chen chân” vào các dự án bất động sản tại Việt Nam.
Từ tháng 4/2017, hàng loạt các dự án thuộc các tỉnh thành khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Long An được các chủ đầu tư chuyển nhượng, hoặc đánh tiếng liên quan tới các nhà đầu tư Trung Quốc.
Thâu tóm loạt dự án tỷ USD
Thương vụ nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm dự án tại Việt Nam đáng chú ý nhất phải kể tới siêu dự án Casino Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD.
Theo đó, dự án được cấp phép từ năm 2010 do liên doanh giữa VinaCapital và một tập đoàn tới từ Malaysia triển khai, nhưng đã rơi vào trạng thái “đóng băng” nhiều năm do khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác đầu tư. Sau 4 năm bất động, sự xuất hiện của Chow Tai Fook, một tập đoàn chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý của Hong Kong đã nhen nhóm lại hi vọng cho siêu dự án tỷ USD này.
Chow Tai Fook tỏ ra rất quan tâm và xúc tiến đầu tư, cuối năm 2014, tập đoàn này đã hoàn tất đàm phán với VinaCapital để đầu tư cho dự án. Đến đầu năm 2015, ông Đỗ Xuân Diện – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai – xác nhận Tập đoàn Chow Tai Fook cùng với Sun City (Macau) đã trở thành chủ đầu tư của dự án Nam Hội An thay thế cho tập đoàn phía Malaysia rút lui trước đó.
Đáng chú ý, Sun City là một tập đoàn chuyên kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, giải trí, casino ở Macau và chủ sở hữu Sun City không ai khác chính là ông chủ của Chow Tai Fook (sở hữu 70% vốn). Qua đó, ông chủ Tập đoàn Chow Tai Fook trở thành cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối dự án tỷ USD này. Dự án đã được khởi công từ tháng 4/2016, và đang trong quá trình thi công nền móng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 diễn ra hồi cuối tháng 4 của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang cũng cho biết dự án Waterpoint (Long An) 350 ha đang được một nhà đầu tư trong nước và Trung Quốc ngỏ ý mua đứt. Dự án này từng được ước tính có vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD, hiện tại Nam Long vẫn là đơn vị sở hữu dự án.
Tuy nhiên, một công ty của HongKong là Công ty TNHH Summerfield cho biết đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về siêu dự án 2 tỷ USD này và rất mong muốn được tham gia đầu tư vào dự án.
HappyLand là dự án khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng nằm cạnh quốc lộ 1A và đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, là cửa ngõ của khu vực miền Tây Nam Bộ, nối TP.HCM xuống các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án được CTCP Đầu tư Xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An công bố khởi động vào năm 2011. Giai đoạn 1 của dự án được triển khai trên diện tích khoảng 338 ha với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Dự án này dự kiến sẽ mở rộng thêm 580 ha nữa trong giai đoạn 2.
Theo kế hoạch, dự án có thể đưa vào hoạt động từ tháng 4/2014, nhưng mãi đến cuối tháng 4/2016, sau 2 năm chủ đầu tư dự án HappyLand mới đưa vào hoạt động hạng mục đầu tiên là trường đua môtô và ôtô.
Kín tiếng và tai tiếng
So với các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản, các thương vụ thâu tóm của các nhà đầu tư tới từ Trung Quốc khá im hơi lặng tiếng.
Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn China Fortune Land Development đã chi hàng chục triệu USD mua lại toàn bộ cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus từ hai quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Việt Nam Opportunity Fund Limited – VOF (thuộc VinaCapital).
Theo đó, số tiền mà hai quỹ trên thu về trong thương vụ chuyển nhượng này lần lượt là 48,8 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) và 16,5 triệu USD (370 tỷ đồng).
Dự án Đại Phước Lotus có vị trí tương đối thuận lợi khi nằm trên cù lao Ông Cồn tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), tiếp giáp với quận 2 và quận 9 của TP.HCM. Dự án được VinaLand Limited và Vina Capital mua lại từ năm 2007, hiện tại, dự án đang trong giai đoạn đầu xây dựng và kinh doanh.
Trước đó, vào tháng 9/2016, China Fortune Land Development cũng thể hiện tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam khi đã hợp tác với Tập đoàn Tín Nghĩa để phát triển Khu đô thị Đông Sài Gòn và thành phố công nghiệp Ông Kèo tại Đồng Nai. Cả hai dự án này đều có vị trí liền kề với Dự án sân bay quốc tế Long Thành cũng đang được nghiên cứu triển khai.
Được biết, China Fortune Land Development là tập đoàn chuyên phát triển những thành phố công nghiệp tại Trung Quốc. Tính đến giữa năm 2016, tập đoàn này có tới 4,1 tỷ USD đầu tư nhiều dự án bất động sản tại nhiều quốc gia.
Vừa qua, một công ty khác đến từ Trung Quốc là HongKong Land cho biết sẽ chi hơn 95 triệu USD để thâu tóm 64% vốn một dự án tại Thủ Thiêm từ CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII). Trước đó, HongKong Land cũng đã bắt tay với SonKim Land để phát triển dự án cao cấp The Nassim tại Thảo Điền (TP.HCM) và sở hữu 2 toàn nhà văn phòng khác tại Hà Nội.
Tuy nhiên, HongKong Land từng dính tai tiếng khi rút lui khỏi dự án đất vàng 164 Đồng Khởi do không đủ năng lực triển khai hồi năm 2008-2009.
Trong khi đó, Tập đoàn Sunwah (HongKong) cũng đang âm thầm triển khai dự án cao cấp tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thanh) với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.
Trong tháng 5, P.H Group (Đài Loan) đã tiến hành mua Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) từ Tập đoàn Becamex. Đến tháng 6, tập đoàn này tiếp tục thâu tóm thành công dự án khách sạn Future Otis tại Nha Trang.
CTCP phát triển Bất động sản Alpha King (Alpha King Real Estate Development JSC) cũng đã âm thầm thâu tóm dự án tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM là Saigon One Tower trùm mền nhiều năm qua. Mãi đến khi tòa nhà bị VAMC siết nợ mới biết dự án đã được Alpha King thâu tóm trước đó và chuẩn bị tái khởi động.
Ông chủ tại Alpha King là một người Trung Quốc và cổ đông lớn nhất tại công ty này cũng là công ty của HongKong.
So với các công ty, tập đoàn khác đến từ Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhóm “đại gia” Trung Quốc chỉ mới tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính mạnh đi kèm không ít những chiêu trò, những tập đoàn này có thể khiến thị trường bất động sản Việt Nam dậy sóng trong thời gian tới.
Theo số liệu của JLL (đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường bất động sản), năm 2016, Trung Quốc đầu tư tới 33 tỷ USD vào thị trường bất động sản thương mại và nhà ở tại nước ngoài, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm 2015. Khoảng 3 năm trở lại đây lượng vốn đầu tư vào các phân khúc đất nền, văn phòng và khách sạn chiếm đến 90% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
(Theo Zing News)
Vì sao hàng loạt đại gia ngoại rút khỏi thị trường địa ốc Việt Nam?
Thứ hai , 25/09/2017 12:22 PM GMT+7
Sự kiện: Tin Kinh tế
Từng đổ hàng triệu USD vào đầu tư bất động sản tại Việt Nam, nhưng giờ đây hàng loạt đại gia nước ngoài lại lặng lẽ rút lui do thiếu vốn và trở ngại thủ tục.
Đổ bộ và tháo chạyTheo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từ đầu năm đến nay đã có 1,16 tỷ USD đăng kí đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với 46 dự án cấp mới và 15 dự án tăng vốn thêm. Con số này tăng 38% về vốn so với cùng kì năm 2016; giảm 36% so với cùng kì năm 2015; ngang bằng với cùng kì năm 2014 và tăng 92% so với cùng kì năm 2013.
Như vậy, nhìn chung qua 4 năm, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tương đối ổn định. Điều này không chỉ phản ánh nhịp độ tăng trưởng đều đặn của thị trường (từ năm 2014 đến nay) còn cho thấy sự quan tâm lớn của giới đầu tư nước ngoài đối với thị trường bất động sản Việt Nam.
Thực tế cũng ghi nhận trong những năm qua, số lượng nhà đầu tư nước ngoài hiện diện tại Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản là "tay chơi" mạnh mẽ nhất.
Bắt đầu từ việc bộ ba Daiwa House – Nomura - Sumitomo kết nối cùng Phú Mỹ Hưng, doanh nghiệp Nhật Bản đã từng bước tiến sâu vào thị trường địa ốc Việt với các liên doanh như: Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad với Nam Long; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát; Kajima với Indochina Capital; Mitsubishi với Bitexco; Tokyu với Becamex; Maeda với Công ty Thiên Đức hay Creed Group với Năm Bảy Bảy và An Gia…
Cùng với Nhật Bản, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam với các tên tuổi như Lotte, Daewoo, Posco…; nhà đầu tư Singapore với CapitaLand, Mapletree và Keppel Land.
Đặc biệt, làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Thông qua việc mua cổ phần, vốn góp, nhà đầu tư Trung Quốc đã lần lượt thâu tóm các dự án lớn như Đại Phước Lotus (China Fortune Land Development mua 70% vốn của VinaCapital) hay Khu công nghiệp Bàu Bảng (P.H Group mua từ Becamex) vv…
Tuy nhiên, cùng với làn sóng đổ bộ, thị trường cũng đang xuất hiện một hiện tượng ngược chiều, đó là hàng loạt nhà đầu tư ngoại đang tìm cách tháo chạy khỏi các dự án bất động sản tại Việt Nam.
Trường hợp điển hình nhất là Daewon Cantavil (thuộc Tập đoàn Daewon – Hàn Quốc). Công ty này vừa qua đã phải từ bỏ dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước sau gần 10 năm theo đuổi. Được biết, đây là dự án đầu tư lớn thứ hai của Daewon trên thế giới và là dự án thứ 5 mà Daewon đầu tư tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Theo giải thích từ Daewon, Khu đô thị quốc tế Đa Phước là dự án có quy mô lớn, yêu cầu nhiều vốn đầu tư (ước tính khoảng 300 triệu USD), vì vậy khi tình hình thị trường không tốt, công ty đã gặp khó khăn trong huy động vốn để thực hiện giai đoạn 2. Không muốn sa lầy sâu hơn, hồi quý III/2016, Deawon đã chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79.
Một trường hợp khác là Posco E&C. Nhà đầu tư Hàn Quốc này, gần đây được cho là sẽ bán phần vốn góp của mình tại An Khánh JVC – chủ đầu tư dự án Splendora – cho một đại gia địa ốc trong nước.
Nếu việc bán vốn thành công, Splendora nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh triển khai trở lại. Dự án này từng chậm tiến độ nghiêm trọng do bất đồng về chiến lược phát triển giữa Posco và Vinaconex.
Trước đó, thị trường cũng từng ghi nhận các vụ “tháo chạy” khác của các doanh nghiệp nước ngoài như Liên danh Hongkong Land và Sumitomo Realty & Development - rút lui khỏi dự án 164 Đồng Khởi (TP. HCM) sau 4 năm theo đuổi với lý do Thành phố không cố định được chi phí và thời gian bồi thường và giải phóng mặt bằng cho dự án.
Hay như Liên danh Thái Sơn (trong đó có 4 doanh nghiệp trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài) cũng đã trả lại dự án khu trung tâm thương mại 55 tầng tại vị trí ngã 3 Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (quận 1) do dự án phát sinh thêm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn và khả năng thu hồi vốn chậm…
Nhà đầu tư ngoại rút lui có là bất bình thường?Trao đổi với VietnamFinance, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: “Các nhà đầu tư nước ngoài rất khôn ngoan và đầy kinh nghiệm, không có chuyện họ bỏ cục tiền lớn vào mà sẽ làm từ từ, nếu tiến triển tốt sẽ đẩy thêm cho đến khi dự án hoàn tất và bán ra nếu thị trường tốt. Còn nếu thị trường yếu kém, không tìm thấy lợi nhuận thì việc rút khỏi thị trường là điều dễ hiểu, không nên coi đây là câu chuyện bất bình thường. Ngay tại trong nước 8 tháng đầu năm 2017 cũng đã có hơn 73.000 doanh nghiệp xin rút khỏi thị trường”.
Video: Cách mua nhà thông minh không bao giờ sập bẫy lừa
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Mại, hiện nay trào lưu một số nhà đầu tư nước ngoài từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia “đổ bộ” đầu tư vào bất động sản Việt Nam thông qua các thương vụ M&A ngày càng mạnh.
“Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là miếng bánh ngon mà các nhà đầu tư ngoại đang nhắm tới. Tuy vậy, các nhà đầu tư đến từ nước ngoài bất kể đến từ đất nước nào, chúng ta cần phải tìm hiểu kĩ càng đối tác là ai, có đáng tin cậy hay không, thị trường đó có thực sự đang có nhu cầu cao, tránh trường hợp quản lý không tốt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng thể chế, pháp luật để làm những điều vi phạm”, GS Nguyễn Mại nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM cho biết, việc một số nhà đầu tư ngoại rút khỏi thị trường không nên quy chụp thành hiện tượng “bán tháo” hay “vỡ” thị trường.
Thực tế, cũng không ít nhà đầu tư ngoại xin rút khỏi các dự án khu đất vàng xuất phát từ nhiều bất cập. Trong đó, câu chuyện về tính minh bạch, chi phí giải phóng mặt bằng dự án đang thách thức đánh đố nhà đầu tư nước ngoài.
“Các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài đã có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm đến thị trường Việt Nam và muốn gia nhập vào thị trường một cách nhanh nhóng. Bởi vậy, muốn thu hút được dòng vốn đầu tư lớn thì thị trường cần minh bạch hơn”, ông Châu nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét