Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Chỉ định thầu BOT vì quá cấp bách hay quá nhiều "lộc"?

LẠI CƯỜNG

(GDVN) - Sai phạm BOT như một thứ "dịch bệnh", cần phải có thuốc đặc trị (xử lý hình sự) chứ không thể chỉ giảm phí là xong.
Đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) được khẳng định là một chủ trương đúng và đã thành công khi áp dụng ở nhiều quốc gia.
Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp ấy khi áp dụng ở nước ta đã bị lợi dụng làm cho méo mó. Đầu tư tiên là việc chỉ định nhà đầu tư mà không thông qua đấu thầu, dẫn tới các nhà đầu tư không có năng lực cũng "trúng", thậm chí bán ngay lại cho đơn vị khác sau khi được chỉ định thầu để đút túi một khoản tiền lớn mà chẳng cần làm gì.
Tiếp đó là mức đầu tư bị khai vọt lên sai sự thật khiến cho mức phí bị đẩy lên cao và thời gian khai thác kéo dài. Việc đặt vị trí các trạm BOT sai vị trí cũng diễn ra vô tội vạ; rồi “lập lờ đánh lận con đen” giữa các dự án là BOT và không phải BOT khiến người dân bất bình.
Mới đây, thanh tra Chính phủ cũng đã có thông báo chính thức kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông vận tải.
Với BOT, người ta có vẻ thích đặt sai chỗ hơn là đúng chỗ. (Tư liệu: Thảo Nguyên - Đồ họa: Phương Anh/NLĐ)
Theo thông báo có đến 100% dự án BOT, BT chỉ định thầu. Rõ ràng đây là vấn đề thiếu minh bạch, và dấu hỏi về lợi ích nhóm tiếp tục được đặt ra.
Với hơn 70 dự án đã thực hiện không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu trong đó có nhà đầu tư được chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều bất cập, sai sót làm hạn chế hiệu quả thực hiện dự án.

Quá nhiều sai phạm BOT: Cần phải xử lý hình sự

Có thể thấy, rất nhiều những bất hợp lý trong việc đầu tư, thu phí các dự án BOT giao thông, nhưng có lẽ Bộ Giao thông vận tải đang cố tình làm như không hiểu hay bao biện cho những chuyện này?
Hành động thông báo giảm giá vé hàng loạt các trạm BOT vừa qua mà không có bất cứ động thái nào để kiểm tra, xử lý những sai phạm ở từng dự án cho thấy Bộ Giao thông Vận tải chưa thực hiện hiệu quả đúng với chức năng quản lý nhà nước của ngành.
Trong quá khứ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tự cho rằng các dự án này cấp bách đến mức không chỉ định sẽ “không kịp” [1]. Nhưng thật kỳ lạ là có đến 70 công trình cấp bách đến mức không kịp chỉ định hình thức đấu thầu. Thế nên dư luận phải đặt ra câu hỏi: Chỉ định thầu BOT vì quá cấp bách hay quá nhiều "lộc"?
Một vấn đề khác đã được nhắc đến rất nhiều trong những năm qua nhưng Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa có động thái nào giải quyết dứt điểm, đó là quy định khoảng cách đặt trạm BOT (70 km). Thậm chí Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa còn quên mất quy định này. [2]
Việc Thanh tra Chính phủ công bố tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ mới đầu tư 30% nhưng đã thu giá vé bằng 100% đường làm mới cho thấy nghi ngờ trước đó của người dân về sự dối trá, tạm bợ để tranh thủ “móc tiền” từ túi dân là đúng.
Đây là dự án triển khai và đưa vào thu phí dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Tuyến đường huyết mạch, trạm BOT giao thông Pháp Vân – Cầu Giẽ đã thu lời khủng khiếp thế nào trong từng ấy thời gian? Điều đó chỉ có “các ông” ở Bộ Giao thông vận tải và “các ông” chủ đầu tư biết với nhau. Người dân chẳng hề biết gì, mặc dù Chính phủ và Quốc hội thì luôn kêu gọi phải công khai, minh bạch.
Người dân bức xúc đến mức cứ nhìn thấy BOT là... chửi (Ảnh: NQ)
Còn nhớ, trong vòng 10 ngày (từ 18h ngày 10/7 đến 18h ngày 20/7/2016) Tổng cục Đường bộ kiểm tra tổng mức thu phí thực tế vé lượt qua trạm BOT là trên 17,5 tỷ đồng, trong đó có ngày lên tới gần 2 tỷ đồng.
Đó là chưa kể số thu vé tháng 7 và số thu vé quý III do Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã thu trước đó, lần lượt là 5,1 tỷ đồng và 5,77 tỷ đồng.
Con số này cao hơn nhiều so với con số thu bình quân 1,2 tỷ đồng được công bố trước đó. [3]
Sai phạm rành rành khi báo cáo láo. Vậy mà rồi lại đâu vào đó!

Giảm phí 25% chỉ là chiêu trò “né” dư luận của chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

Không chỉ là BOT Cai Lậy gây bức xúc, không chỉ là BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ bị lật mặt gian dối, sự thiếu minh bạch trong các dự án BOT được ví von đã trở thành một loại “dịch bệnh”.
"Dịch bệnh" thì cần phải có thuốc đặc trị (xử lý hình sự) và phải dập dịch hoàn toàn trên diện rộng chứ không thể chỉ xử lý bằng cách giảm phí là xong. 
Thanh tra chính phủ đã có câu trả lời cho sự bất minh của các trạm BOT, vấn đề người dân cần lúc này là sự minh bạch và xử lý đúng, sai thế nào?
Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết trước toàn dân về một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động. Trên thực tế, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng đang rất nỗ lực để đạt được điều ấy. Thế nhưng với cung cách quản lý như của Bộ Giao thông vận tải những năm vừa qua với các dự án BOT, khó khăn sẽ bị dồn về Chính phủ và Thủ tướng nhiều hơn.
Cuối cùng, phải khẳng định lại một lần nữa, BOT là chủ trương đúng, và để đảm bảo thực sự yếu tố hài hòa lợi ích của người dân, của doanh nghiệp thì cần thiết phải có sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Chính phủ, giải quyết dứt điểm các sai phạm, dứt khoát không để nhóm lợi ích "móc túi dân" thêm một lần nào nữa.
* Tài liệu tham khảo:
Lại Cường

Không có nhận xét nào: