Chúng ta thường dùng thành ngữ “màn trời chiếu đất” để chỉ cảnh ngộ của người nghèo không nhà hoặc người có nhà nhưng bị hủy hoại vì hỏa hoạn hoặc thiên tai.
Thật ra câu này xuất xứ từ thành ngữ Hán tự “mạc thiên tịch địa”. Tuy nghĩa đen của “mạc” là màn và “tịch” là chiếu nhưng nghĩa bóng của chúng rất khác. Trong Hán Việt từ điển của Đào duy Anh giải nghĩa:
“Mạc thiên tịch địa: Màn trời chiếu đất – Cao rộng.”
Như vậy nghĩa bóng của câu này là: Bầu trời cao là màn, mặt đất rộng là chiếu.
Ngữ pháp của Hán tự có điểm giống tiếng Anh: từ bổ nghĩa (modifier) đứng trước danh từ; thí dụ: trà thất – tea house.
Do đó mạc bổ nghĩa cho thiên, tịch bổ nghĩa cho địa (trời là màn, đất là chiếu). Điều này khác với cảnh ngộ của người không nhà: “Màn là trời, chiếu là đất”.
Trời là bầu trời cao vô tận. Đất là mặt phẳng không cùng (người xưa chưa biết đất là quả cầu). Học giả Đào duy Anh cho mạc thiên tịch địa có nghĩa bóng là cao rộng, tất có tham khảo tài liệu nào đó chứ không phải quan điểm của riêng ông.